Mục Thời Anh và Trường phái Tân cảm giác Thượng Hải

Chủ Nhật, 28/05/2023 05:17

Là một trong những nhà văn Trung Quốc nổi bật vào thập niên 1930, Mục Thời Anh tuy có quãng đời sáng tác không dài, thế nhưng văn chương của ông đã để lại nhiều dấu ấn không thể nào quên. Sinh trưởng trong một giai đoạn mà bối cảnh có nhiều biến chuyển, truyện ngắn của ông lãng mạn mà không ủy mị, khoái lạc mà không trác táng, cũng như đong đầy triết lí nhân sinh.

Trong số tác phẩm để lại cho đời, Điệu foxtrot Thượng Hải gồm 2 tập Nghĩa trang (1933) và Pho tượng nữ bạch kim (1934) có thể đã đại diện đủ cho việc tiệm cận với một trào lưu hoàn toàn mới, và được gọi là Tân cảm giác Thượng Hải. Trong khi Nghĩa trang lấy bối cảnh của đô thị ấy với vòng xoáy kim tiền, khoái lạc, thể xác… không thể ngơi nghỉ, thì phần còn lại mang nhiều tính chất tự sự, như một bán tự truyện của bản thân ông đối với cá nhân, gia đình cũng như các vấn đề thời đại.

Nhà văn Mục Thời Anh.

Đối trọng của Thời đại Jazz

Theo đó Tân cảm giác là trào lưu văn học xuất phát từ Nhật Bản, mà một trong những trụ cột chính là Yasunari Kawabata. Nó “du nhập” vào Trung Quốc nhờ những nhà văn có thời gian dài du học tại đất nước này. Xu hướng viết này khước từ chủ nghĩa hiện thực, đề cao trải nghiệm một cách trực tiếp để dựng nên các khái niệm về cái đẹp. Nó sáng tạo, thử nghiệm… cũng như có cách tiếp cận mới lạ, mà khi đem về Thượng Hải cộng với bối cảnh có phần riêng biệt, thì đã làm nên một dòng chảy ngầm không ở đâu có.

Trong văn chương của Mục Thời Anh, ta có thể thấy được trào lưu này trong cách tiếp cận nhân vật cũng như bối cảnh. Cái đẹp trong các truyện ngắn vẫn thường nằm ở dung nhan những người phụ nữ, trong vẻ yếm thế của người đàn ông cũng như khoái lạc, khát khao chìm đắm trong sự hoang dại của thời kì đó. Trong tập Nghĩa trang, ta có thể thấy đến 6/8 truyện ngắn đều được diễn ra ở những vũ trường, sàn nhảy… nơi những đàn ông cũng như đàn bà chạy theo những cuộc săn đuổi ái tình, với nhịp sống nhanh của đô thị hiện đại.

Phụ nữ trong tập truyện này đều là những người dung mạo tuyệt đẹp, thẳng thắn và thường chỉ sống bằng chính tốc độ và sự kích thích. Trong những trang viết, nhà văn họ Mục đã mô tả những con người này là một tổ hợp của jazz, máy móc, văn hóa đô thị, phong cách Mĩ… cũng như vẻ đẹp của thời đại đó. Do vậy không hề bất ngờ khi ta nhìn thấy những người phụ nữ vẫn thường hiện lên trong các trạng thái gần như rũ bỏ linh hồn, để điên cuồng nhảy ở các vũ trường.

Phụ nữ là vậy, thế nhưng đàn ông lại đi theo hướng hoàn toàn ngược lại, khi luôn tỏ ra yếm thế cũng như nhợt nhạt. Họ luôn là người tỏ ra tử tế mà không hề biết sâu trong động cơ của các cô gái, thì mình chỉ là con rối đang bị điều khiển bởi người trải đời. Vai trò thợ săn - con mồi trong mối quan hệ đã bị đảo lộn, để rồi cuối cùng họ đau đớn nhận ra mình chỉ là “pierrot” – những vai diễn hề trong màn kịch câm, bị điều hướng, dẫn dắt và rồi ngã gục.

Như trong truyện ngắn đầu tiên - Người đàn ông bị coi như trò tiêu khiển, Dung Tử trong câu chuyện đó chỉ coi đàn ông như là món “khó tiêu” trong ruột của mình. Cô coi họ là lũ ngốc, là động vật nguy hiểm và luôn thường trực một sự giả dối. Nhưng ai mới thực cầm chui, mới chính là người quyết định những việc kiểu ấy? Đến cuối ta thấy nhân vật nam giới từng tin “cái miệng này chắc không biết nói dối đâu” rồi sẽ nhận ra vị thế của mình, từ đó y là con cừu đứng trước “sư tử”, người đã đổi giọt máu đào lấy nụ hôn tím, từ đó bất khả có thể sống sót.

Và motif ấy cũng sẽ lặp lại ở Đêm, Mẫu đơn đen cũng như truyện cùng tên với cuốn sách này. Như nhân vật chính trong Mẫu đơn đen đã từng nói rằng: “ví như em, sống trong cảnh xa hoa, chỉ cần xa rời nhạc jazz, foxtrot, cocktail, thuốc lá Ai Cập… em sẽ trở thành một kẻ mất đi linh hồn”. Và bởi cũng chính điều đó mà dù “cô đơn chỉ biết nắm tóc”, cô độc đến tận thấu xương… thì họ cũng luôn khao khát chỉ đời sống cũ. Họ biết người đàn ông nào tử tế với bản thân mình, nhưng rồi chỉ ở bên nhau một đêm duy nhất, và rồi sẽ lại với cuộc sống cũ.

Chính trong điều này ta có thể thấy một hướng đi khác của nhà văn họ Mục và những nhà văn cùng thời trong lối viết này. Nếu Thời đại Jazz những năm 1920 của các tác giả Mĩ cũng chung những đặc trưng như jazz, bebop, foxtrot… với những con người như say trần mây mà không để lại niềm xót thương nào… thì các truyện ngắn trong tập sách này vẫn mang đến được những sự dịu dàng cho các phận người vốn đã long đong. Dẫu trong các truyện hướng về khoái lạc, thì những con người nhỏ bé, những người vốn chịu đàn áp dưới bánh xe cuộc đời… cũng vẫn có một vai trò trong tác phẩm đó, như một đối trọng giữa Thượng Hải của nhiều bộ mặt.

Điều đó thể hiện rõ nhất ở Năm người trong hộp đêm, cũng chính là những con người mất hết tất cả: nhan sắc, gia sản, tình cảm, công danh… để rồi tìm đến sàn nhảy như giây phút cuối của đời mỏi mệt. Trong sự phóng đãng của vài ba tiếng với các giai điệu như lên sốt rét, họ như quên đi thực tại của bản thân mình, từ đó được là con người như mà mình muốn, trước khi biến mất khỏi cõi đời này.

Điều đó cũng được thể hiện ở Hoa sen rụngNghĩa trang – nơi niềm hạnh phúc và nỗi luyến nhớ có một tác động hoàn toàn khác biệt. Hai truyện ngắn này cũng đã cho thấy một chủ điểm khác trong lối sáng tác của Mục Thời Anh, khi xem nông thôn như đang đại diện cho phía thiện lành, và gắn đô thị với những khoái lạc có phần đen tối.

Tác phẩm Điệu foxtrot Thượng Hải.

Có được là người?

Xét riêng về phong cách viết, ta có thể thấy truyện ngắn của Mục Thời Anh đa số được viết theo dòng suy tưởng với những độc thoại nội tâm phức tạp, đa cảm giác, đa chủ thể, rất khó phân định. Cũng như nhịp điệu có phần ngẫu hứng của foxtrot hay jazz, cách viết theo cảm xúc này không hề cố định, khi luôn thay đổi nhịp độ một cách nhanh chóng với các câu chữ gần như loạn thần, để thể hiện được những rung động dẫu là vi tế của con người ta. Đó là những câu văn dài không được phân tách, và cũng đôi khi là sự lặp lại không hề tính trước, phản ánh cả nỗi hoang mang cũng như ám ảnh mà các nhân vật đang phải chịu đựng.

Truyện ngắn đại diện rõ nhất cho phong cách này là PIERROT, kể về Phan Hạc Linh – một nhà văn và người hoạt động cách mạng có phần tương tự với Mục Thời Anh. Trong suốt đời mình, anh không thể hiểu vì sao tác phẩm của mình lại được nhìn nhận không như anh tưởng, những thứ anh thấy bình thường lại được suy tôn, trong khi vài chỗ cố ý thì lại không ai có thể thấy được. Cũng giống như thế khi anh chọn phe trong thời cách mạng, dù nhiệt tình cũng như một lòng để rồi bị bắt giam hãm vào tù, đến khi trở ra thời thế thay đổi, anh cũng không hiểu chính bản thân mình đã sai chỗ nào.

Như câu trích dẫn: “Con người ta sao lại có quyền lấy thước đo của cá nhân mình áp lên tư tưởng người khác chứ? Nhưng mình có quyền gì mà bắt người ta không được lấy thước đo cá nhân áp lên tư tưởng của mình? Có quyền gì mà được phép tự do đòi người ta phải lí giải tư tưởng của mình? Con người được phép tự do đòi hỏi cái này cái kia ư? Tự do có tồn tại thực không? Vì sao mình không được tự do làm một việc, tự do đòi một cuộc sống riêng cho mình?”

Và phức cảm ấy sẽ đi theo ông cho đến suốt đời, với câu ngẫm nghĩ như đã bật sẵn ở trên môi người: “Lúc tôi muốn khóc mọi người lại bắt tôi cười”. Ông sớm nhận ra cõi đời là chốn ô trọc và hay thay đổi, dẫn đến bộ trilogy Cha – Nhà cũ – Trăm ngày như lấy cảm hứng từ chính đời ông, khi gia sản mất đi và người qua đường không còn ghé đến. Và cũng như thế, Chuyện một bản thảo bỏ điCảnh phố phường lại là điển hình cho một đời sống thiếu đi nhiệt thành, nơi con người ngoảnh mặt quay đi trước sự khó coi.

Có thể là bởi nhận thấy điều đó, nên Mục Thời Anh gần như trung lập với tất cả mọi thứ, ngay cả phong trào bài Nhật đang lên cao trào ở giai đoạn này. Ông từng bị Lỗ Tấn – người có uy tín là cực kì lớn ở trên văn đàn - chỉ trích vì đã ngã theo hướng tiểu tư sản trong lúc nước nhà lâm nguy; và không ít người cũng coi ông là “củ cải đỏ lột vỏ”. Nhưng qua tác phẩm của mình, ông đã phản bác lại chính điều đó, rằng “Tôi trung thực với bản thân, trung thực với người đời!”, và nó thể hiện qua các góc nhìn nhân văn và đầy hoài nhớ, bởi người từng bị tổn thương sẽ là đồng cảm hoặc không hề muốn tổn thương thêm những người khác.

Từ những điều trên có thể thấy rằng với Điệu foxtrot Thượng Hải, Mục Thời Anh đã thổi một làn gió mới vào văn đàn Trung Quốc với phong cách viết khác biệt, cũng như dựng được bối cảnh có phần thu hút. Qua các truyện ngắn, một Thượng Hải “thiên đường xây trên địa ngục” đã được thể hiện sáng rõ, và có ảnh hưởng lên nhiều nhà văn đại danh tiếng khác, bao gồm cả Trương Ái Linh. Là đối trọng quan trọng của Thời đại Jazz, Tân cảm giác Thượng Hải mang đến nhiều xúc cảm khác và các góc nhìn đầy tính nhân văn trong một hiện thực có phần khắc nghiệt.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)