Trong các tác phẩm của mình, cả Edogawa Ranpo và Maurice Level đã đi rất sâu vào các hiện tượng tâm lí có phần phức tạp, từ đó cố gắng phơi ra bản chất con người. Như cuộc gặp gỡ của hai bậc thầy ở hai châu lục, Chiếc ghế người và Phăng teo là hai tác phẩm điển hình cho dòng thriller cổ điển nói riêng và tiểu thuyết tâm lí nói chung.
TỪ HAI PHÍA CỰC
Edogawa Ranpo và Maurice Level.
Cùng hoạt động văn nghệ vào cuối thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20, nguồn cơn đưa hai nhà văn đến với nghiệp viết tương đối khác biệt. Trong khi Ranpo chịu nhiều ảnh hưởng của làn sóng Tây hóa với các tác phẩm tiếng Anh được dịch sang tiếng Nhật, trong đó có của Edgar Allan Poe và Conan Doyle; thì Level đại diện rõ hơn cho thời fin de siècle (tận cùng của thế kỷ) với sự hoài nghi và bi quan bao trùm văn hóa nghệ thuật Pháp, dẫn đến người dân thường trực suy nghĩ chán nản, tuyệt vọng.
Và hẳn bắt nguồn từ những thời kì và bối cảnh khác nhau, mà tác phẩm của hai nhà văn đều có những sự tương đồng và khác biệt riêng. Đối với Ranpo, ông đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn cả hai yếu tố Đông -Tây trong các truyện ngắn. Về mặt “vay mượn”, ông đã tìm đến với chủ nghĩa Freud và các hình thức phân tâm học vừa mới du nhập vào trong Nhật Bản, nhưng cũng đồng thời tìm cách để thể hiện nó đậm tính ước lệ, giàu trí tưởng tượng như các đặc trưng của văn học Phương Đông thường thấy.
Trong đó những câu chuyện như Chiếc ghế người, Địa ngục của những chiếc gương, Sâu bướm hay Căn phòng đỏ… đều cho ta thấy được sự mờ ám cũng như lệch lạc trong tâm hồn người. Giải thích một cách khoa học, những người trong tác phẩm này dường như đều đang mắc phải hội chứng rối loạn nào đó, từ chứng bái vật, rối loạn lưỡng cực cũng như lệch lạc nhân cách... Họ bị ám ảnh bởi sự thất thế và bị coi như những người bên lề, từ đó tìm cách giải tỏa bằng các hành động gần như cực đoan cũng như biến thái.
Ranpo cũng xây dựng họ với một góc nhìn hoàn toàn khác biệt. Ông tìm cách miêu tả họ và đặt để họ trong các không gian cũng như hình tượng mà mình đặt ra. Họ bị giam cầm trong những chiều kích hoàn toàn giới hạn, đó là căn phòng chỉ toàn màu đỏ, cũng như một khối cầu gương phản chiếu hình ảnh... Ông cũng liên tưởng họ với những loài vật khác, từ người đàn ông mất tứ chi như con sâu bướm, cho đến người đàn ông với tình yêu cuồng dại như loài búp bê…
Sử dụng hình tượng và các chi tiết tương đối là không bình thường và khá khác lạ, Ranpo và cả Level mang đến thế giới của nội tâm có phần đen tối và khó giải thích. Tuy vậy khác với Ranpo có các tưởng tượng, liên tưởng đặc biệt, thì truyện Level lại trực tiếp, ngắn gọn và dễ gặp hơn trong đời thường nhật. Lấy chủ điểm là các mặt trái của chính con người như lòng tham, sự ích kỷ, ghen tuông, dối trá… qua các tác phẩm của mình, Level còn mang tính chất cảnh báo cũng như giáo dục đối với người đọc.
Ngược hẳn Ranpo không có chi tiết gây ra sự ám ảnh mạnh như người – ghế nhập lại thành một, như cơn tức giận lên đến đỉnh điểm… Level xây dựng cho các nhân vật của mình một sự kiệm lời đến mức tối đa, và giải quyết chúng bằng sự nghịch dị. Điều này vừa đảm bảo được nhu cầu đòi hỏi từ phía người đọc, nhưng cũng đồng thời là đặc trưng riêng của vị tác giả, khiến cho độc giả luôn luôn chờ đợi đến phía cuối cùng.
Theo cách hoạt động có phần đơn thuần của tâm lí độc giả, có thể nói rằng họ luôn mong muốn có một cái kết thật sự vừa phải, và thiên về tính hướng thiện. Thế nhưng Level thường trực phá hủy điều này. Ông đi đến tận cùng, xoay chuyển tình huống để cho ta thấy cái ác có thể lên đến cực hạn ở mức độ nào, và là một cú đánh sâu gây nhiều ấn tượng đối với người đọc. Tính nghịch dị này sau đó ta cũng sẽ tìm thấy ở rất nhiều những nhà văn khác, như Flannery O’Connor hay Yoko Ogawa… làm thành một dòng chảy riêng, tương đối mạnh mẽ.
NHỮNG NÉT TƯƠNG ĐỒNG
Tuy có những điểm tương đối khác nhau, thế nhưng có thể khắc định của hai tác giả đều đã mang đến được những điểm tương đồng thông qua tác phẩm của mình. Ở đây ta có thể thấy là sự ảnh hưởng bởi những tác giả tương đối nổi tiếng, như Edgar Allan Poe lên cả hai người. Với Ranpo, những chuyện như Căn phòng đỏ, Người đàn ông ngao du cùng bức tranh vải đều có những điểm tương tự với các truyện ngắn của Poe, như Trái tim thú tội hay Chuyện về gia tộc Usher. Trong khi truyện dài Hồn ma bóng quế của Maurice Level cũng có cách xây dựng không gian, bối cảnh và những bí ẩn tương tự với các tác phẩm của Poe.
Ngoài điểm nói trên, thì có thể thấy truyện thriller hay truyện ngắn rùng rợn (conte cruel) của hai tác giả cũng đều hướng tới cốt lõi vấn đề chính là con người. Như một nhận định, nỗi sợ trong các truyện này không phải như Frankenstein hay đến từ những yếu tố thiên về siêu nhiên, ma quỷ… mà ở đó “thế giới con người là đáng sợ nhất”.
Thông qua những truyện ngắn này, cả hai nhà văn đều cho ta thấy có một thế giới tồn tại song song với những mỹ từ cũng như cung cách vận động hằng ngày của thế giới thật. Đó là cõi đời của những chứng bệnh và những hiện trang mà sự thua sót cũng như thiếu hụt đã được dựng lên. Cá thể đặc biệt không chỉ sống sâu trong đó, mà qua cấu phần của không gian đó, họ cũng thể hiện được sự đè nén cũng như áp bức mà mình phải chịu.
Từ lý do đó mà động cơ của họ là dễ giải thích và có phần nào tương đối dễ hiểu. Người chồng trả thù vợ mình vì việc vụng trộm, những người với một ngoại hình không dễ chấp nhận tìm cách đi vào đời sống bình thường… đều cho ta thấy một bộ mặt khác của những câu chuyện nhân văn vốn được rao giảng như là trụ cột của sự tồn tại, và giữ cho thế giới này vận hành đúng nhịp.
Qua tính giật gân cũng như đen tối, họ đã nói được những điều khó nói, về một thế giới có tính đàn áp thể hiện qua sự im ắng, nhân bội… cũng như những khoảng hở nhỏ từ trong luật pháp mà chính nơi đó họ dễ lách qua. Đương thời, truyện ngắn Sâu bướm nói về những sự hy sinh ở thời hậu chiến không được đền đáp từng khiến cho Ranpo bị cấm viết lách trong thời gian dài, thế nhưng bằng sự chân thật của nó, ta có thể thấy nó đã đi trước thời đại một cách rất lâu, để rồi sau này trở thành một tấm gương soi cho những nhà văn như Yukio Mishima soi mình trong các tiểu thuyết như Khát khao yêu đương.
Như một câu nói trong tác phẩm của Ranpo “Tôi cảm thấy con người trong thế giới đó là những sinh vật sống bí ẩn khác hẳn với những người tôi vẫn nhìn thấy bằng mắt thường hằng ngày”, nên thể loại này đóng một vai trò như cách làm rõ ràng hơn những sự “phủ nhận mang tính hệ thống”, cũng như phơi bày tính “thích mô phỏng” như là bản chất con người mà nhà xã hội học người Pháp Gabriel Tarde đã từng tìm ra.
Họ có thể nói về những điều tốt và những việc thiện mà mình đã làm, nhưng sâu trong đó cũng có một góc nào đó của những tội ác được giấu kín, và những suy nghĩ không thật hướng thiện. Và bản chất này cũng có thể là lí do chính yếu mà di sản đồ sộ của Maurice Level không được công nhận một thời gian dài tại chính nước Pháp quê hương của ông. Sự dị dạng và biến thái này thường bị khước từ, dẫn đến người đã tả nó bằng chính từ ngữ cũng đã đi vào quá khứ như một di sản muốn bị bỏ quên.
Bởi lẽ “sự vĩ đại của đấng sáng tạo đã chừa chỗ cho tội ác nhởn nhơ”, nên những tác phẩm của Ranpo hay Level là rất cần thiết cho những con người mang vẻ yếm thế. Bằng sự biến thái, đen tối cũng như khó hiểu, cả hai nhà văn đã vạch nên những hiện thực có phần khó nói, từ đó càng làm rõ thêm tâm lí con người, cũng như truyền đi bài học đắt giá trong mối quan hệ giữa người với người, và cách mà ta nhìn những sự áp bức cũng như dồn nén dù cho vô tình hay là hữu ý.
ĐOÀN ANH TUẤN dịch
VNQD