Sau thành công của tiểu thuyết Người ăn chay, đưa nữ văn sĩ Han Kang trở thành tác giả Hàn Quốc đầu tiên giành giải Man Booker International danh giá vào năm 2016, tới năm 2018, tiểu thuyết Trắng của cô tiếp tục lọt vào danh sách đề cử của giải thưởng này. Một cuốn tiểu thuyết “giàu tính tự thuật” về những thế giới ngập tràn sắc trắng trong nỗi cảm thức ám ảnh về sự tinh khôi, thuần khiết đầy mong manh của sự sống, đời người vô thường.
Với các chương như những truyện ngắn mini trải dài qua ba phần, tiểu thuyết Trắng là hiện hình của những ẩn ức vụn vỡ trong nỗi hoài nghi, tiếc nuối, hãi sợ về cái chết, về dáng hình con người tan biến vào hư vô, vào những kí ức vô hình truyền đời được tạo tác lên bằng con chữ. Trắng, là tinh khôi. Trắng, là vô thường. Và trắng, là những khoảng lặng trắng xóa, người ta tìm lại như một cách, tự chữa lành.
Đứa trẻ đã mất
Như đã nói, trọn vẹn không gian ngập tràn sắc trắng trong cuốn sách “giàu tính tự thuật” của tác giả Han Kang, trước hết mang theo thứ cảm thức xoay quanh các “cái chết”. “Cái chết” gắn với những thứ cũng toàn một màu trắng muốt.
Là cánh cửa màu trắng của căn nhà nơi “tôi” mới chuyển vào, không chỉ đã tróc sơn, bụi bẩn mà còn hằn ngang dọc những vết khắc tên phòng. Là sương mù phủ trùm lên thành phố trong “chuyển động của con nước khổng lồ.” Là sự ra đi của chú chó trắng, không sủa, có tên “Sương Mù”. Là tuyết, là trăng, là đường viên, hay hàng loạt sự hiện diện của những tạo vật màu trắng tác giả Han Kang, ngay từ những trang viết đầu tiên, đã liệt kê lên trang giấy.
Bìa tiểu thuyết Trắng của Han Kang.
Nhưng hơn cả, vẫn là sự tan biến của những điều thuần khiết mang ấn tượng trắng tinh khôi, theo ngòi bút Han Kang còn gợi người ta tới thứ cảm thức mong manh, có thể vụn vỡ, thậm chí hoen ố bất cứ lúc nào. Muối trắng chữa lành vết thương song cũng dễ dàng chuyển màu vì vết thương chạm đến. Bánh trăng tròn trắng tinh “đẹp đến mức tưởng như không thuộc về thế giới này”, cũng chỉ đẹp tới khoảnh khắc, trước khi nó được hấp chín rồi “dính lấy lá thông.” Hay đứa trẻ sinh non, chỉ tồn tại sau hai tiếng có mặt trên cõi đời mang nét đẹp tựa bánh trăng tròn, được bao trọn trong tình yêu của người mẹ với manh áo sơ sinh trắng muốt may vội cùng dòng sữa mẹ ngọt ngào.
Đứa trẻ xuất hiện, tan biến chỉ trong khoảnh khắc như một chớp mắt đời người song lại kịp giữ trọn vẹn, sự trong trắng đến không vẩn chút bụi thế gian khi nó, còn chưa kịp hiểu, thế giới xung quanh, phức tạp thế nào. Nó như chiếc bánh mặt trăng mới nặn, bông tuyết mới rơi, viên sỏi trắng sáng dưới nắng mới, hạt muối mới kết tinh,… đều là những hiện hình thanh sạch tới mức ngỡ rằng vô thực, tới nỗi đi vào cảm thức con người xã hội như nỗi ám ảnh chữ vô - thuần khiết mà người ta, đi qua đủ những đớn đau, trải đủ đắng cay cùng cuộc đời nhiều khuất khúc, đứng trước sự trong trắng, chỉ biết ngưỡng vọng.
Đứa trẻ đã mất, vừa là người chị gái “tôi” chưa một lần gặp gỡ và có lẽ, “tôi” cũng sẽ không biết đứa trẻ đó tồn tại, nếu dáng hình nó luôn phong kín, trong kí ức người mẹ. Nhưng đồng thời, đứa trẻ đã mất, cũng vừa là sự song chiếu một phần bản thể tác giả Han Kang lên trang viết Trắng, về quá khứ người chị gái đoản mệnh, cô thậm chí còn không có cơ hội biết tới hiện hình chị ấy. Song chiếu và đồng hiện, qua mỗi dòng văn, bóng hình đứa trẻ đã mất, dẫu trực tiếp hay gián tiếp, đều được gửi gắm vào những tạo vật tinh khôi nhất.
Tôi và cô ấy, tôi trưởng thành và đứa trẻ đã chẳng còn cơ hội ngắm nhìn thế giới, gặp nhau nơi giao điểm tâm thức - Tất cả màu trắng, hết thảy hư vô. Như sự thoát khỏi bản thể trần tục, tôi gặp cô ấy, tôi gặp chị, tôi gặp một phần thuộc về “cái tôi” đã mất, ngay giữa dòng sông cuộc đời.
Hiện hình hư vô
Trắng, cuốn tiểu thuyết ngập tràn dáng hình cái chết. Cái chết lẩn quất, tồn tại trong mỗi sự vật ngay cả khi chúng nhỏ bé nhất, và ngay cả khi chúng mới thành hình. Từng chương truyện, kéo dài sắc trắng những tưởng vô cùng vô tận theo mạch viết tác giả Han Kang mà cảm thức mất mát lại càng thêm khắc khoải, thế giới vô thanh vô sắc nơi sự tan biến tìm về lại càng thêm mở rộng đường biên. Để hiện hình con người, loài vật, cỏ cây, tạo hóa… đều như tồn tại trong vòng chữ “vô” của cõi hư vô, của chốn vô thường.
Thật vậy,
Trong thế giới Trắng, sắc trắng phủ trùm lên nhau trong mọi không gian, ở mọi thời gian. Căn nhà trắng tróc lở sơn, được phủ lên lớp sơn trắng mới. Đứa trẻ trắng như bánh trăng tròn, được quấn trong tã lót, tấm áo sơ sinh trắng muốt. Chó trắng lại có tên Sương Mù. Sương mù tiếp giáp với dòng sông trắng toát. Tuyết rơi hóa thành bão tuyết. Muối trắng vun thành đụn muối…
Chân dung nhà văn Han Kang.
Trong thế giới Trắng, bên cạnh sự tương hỗ, giao hòa, lan tỏa giữa những sắc trắng, còn là sự đối lập, xâm lấn của sắc đen lên sắc trắng tinh khôi. Những vết đen bẩn tróc lở trong căn nhà trắng. Lớp lá thông mà chiếc bánh trăng tròn hấp chín được đặt lên. Vết thương có thể làm vấy bẩn đụn muối trắng. Bóng tối khổng lồ khuất sau đám mây trắng…
Trong thế giới Trắng, bên kia màu trắng, ẩn chứa màu đen; tồn tại cái xấu, ở ngay chính tạo vật đẹp đẽ, thanh sạch; tiềm ẩn cái chết, vào mỗi sự sống bắt đầu hé mở. Trong “tôi” có “cô ấy”, “cô ấy” ra đi mang theo một phần “cái tôi” còn chưa định hình... Tựa thế giới vận hành, như hai mặt một đồng xu, có sáng và có tối, có đầy và có vơi, có nở và có tàn. Một thế giới vô thường mà con người tồn tại nơi đó, như một tạo vật nhỏ bé, khuyết thiếu vẫn luôn không ngừng, bước đi trên hành trình tự chữa lành cho chính bản thân khi đối diện với mỗi mất mát hằn sâu vào tiềm thức mà trở thành nỗi ẩn ức khôn kham. “Và cô thường xuyên quên, rằng cơ thể cô (cơ thể của tất cả chúng ta) chỉ là một lâu đài cát, đã sụp đổ và vẫn đang sụp đổ, không ngừng rơi qua các kẽ ngón tay.”
Trước lúc, tạo hóa và con người, hóa về hư vô, bằng sự “liều lĩnh tiến vào dòng thời gian mình chưa sống, vào trang sách mình chưa đặt bút viết”, Han Kang đã như khơi mở cả vùng vô minh của sự thấu triệt hết lẽ sinh tử tồn vong một kiếp người bé mọn, vẫn không ngừng khao khát sống mà hướng tới cái đẹp, trong trẻo vậy.
Cuộc đời vô thường
Trắng là một cuốn tiểu thuyết có cấu trúc khá đặc biệt.
Tính tự sự, tự thuật in đậm trên từng trang viết của tác phẩm có dung lượng không tới 100 trang sách. Ba phần truyện, mỗi phần, thay cho dòng văn mở đầu, giới thiệu, là một bức hình đen trắng như thu trọn vào đó, cả câu chuyện lẫn những dòng tâm sự trải dài lên thứ ngôn ngữ giàu sức gợi của nghệ thuật sắp đặt trong hình ảnh.
Để rồi ở đó, độc giả thấy bóng hình “tôi” hay cũng chính là bóng hình người mẹ, qua dáng ngồi của người phụ nữ với manh vải trắng, đổ bóng đen như con rắn trên nền tường trắng. Người đọc thấy “cô ấy”, dáng hình người con gái thấp thoáng vào cây kéo và cuộn chỉ, đặt trên mảnh vải xô trắng. Và bóng dáng người phụ nữ, như song chiếu lên tờ giấy và những bông hoa trắng, về một miền hư vô thăm thẳm nào đó.
Câu chuyện cá nhân, hiện qua hình ảnh, hiện lên theo từng con chữ thuộc về mỗi chương truyện ngắn đến cô đọng tâm tư và triết lí. Như muối tinh kết hạt, như viên đường cô trắng muốt, như viên sỏi trắng tới những tưởng trong suốt theo thời gian, gió và nước bào mòn. “Nếu cô đặc sự im lặng thành một vật thể nhỏ và rắn nhất có thể, cô nghĩ hẳn chạm vào cũng giống với viên sỏi ấy.”
"Cô đặc” cho tới giây phút, tạo vật và con người, đều hóa về hư vô.
Cả tiểu thuyết Trắng, chứa đựng bao khuất khúc cùng hiện hình cái chết. Và từ cái chết lẩn khuất ngay rìa sự sống, cuốn tiểu thuyết đó, hướng tới những giá trị rất “thiền” luôn tồn tại vĩnh hằng trong cuộc đời. Rằng sự sống vốn vô thường, được mất hợp tan, trong sự sống có cái chết nhưng ngay trong cái chết thì sự sống cũng bật mầm. “Bằng đôi mắt của chị, em sẽ nhìn chị ở giữa sự im lặng của rừng bạch dương, trong sự tĩnh mịch của cửa sổ lấp ló mặt trời mùa đông, giữa đám bột bụi lấp lánh, xao động theo tia nắng xiên xiên rọi sáng trần nhà. Màu trắng đó, giữa tất cả màu trắng đó, em sẽ hít thở hơi cuối cùng chị thở ra.”
Và quá trình người ta nhìn sâu vào cái tôi bản thể, nhìn sâu vào cái tôi ở chiều không gian thứ ba, là hành trình người ta gột rửa và chuộc tội, đồng thời, cũng là đoạn đường, con người tiến vào giới vô minh, trắng và thuần khiết.
MỌT MỌT
VNQD