Người cha khó tính

Thứ Sáu, 28/07/2023 00:19

. ĐẶNG NGỌC DUY
 

Tốt nghiệp bằng giỏi, tôi được phong quân hàm trung úy, được tranh thủ về thăm nhà.

Trở về ngôi nhà thân thương trong tâm thế một sĩ quan trẻ, tôi tự thấy mình đã “oai hơn một bậc.” Vậy thì phải tự thưởng cho mình chứ.

Chiếc chén rượu mắt trâu thủy tinh lăn khỏi bàn rơi xuống vỡ toang trên sàn nhà. Nhặt từng mảnh vỡ đặt vào lòng bàn tay, cặp lông mày chau lại, tôi đứng dậy, ngẩng mặt lên hít một hơi, thở ra:

- Toi rồi!

Mẹ từ trong nhà chạy đến, vẻ mặt đầy lo lắng:

- Có sao không con?

Tôi quay sang nhìn mẹ, lắc đầu thật nhanh để mẹ bớt lo lắng. Mẹ kiểm tra khắp người, hỏi đi hỏi lại đứa con bé bỏng “hai mươi mấy tuổi đầu”, tôi mỉm cười:

- Con lớn rồi mà, dăm ba mảnh thủy tinh làm gì được chứ.

- Anh thì giỏi rồi, đụng đâu vỡ đấy, chỉ nói hay nói tài, giỏi thì lấy vợ về đây dọn dẹp đi.

Tôi nhoẻn cười:

- Mẹ con là nhất rồi, ai dám dành vị trí của mẹ chứ.

Mẹ nguýt dài:

- Tôi không dám…

Chiếc chén mắt trâu tôi vừa làm vỡ là chén uống rượu của bố. Bố thường bảo “nam vô tửu như kì vô phong” nhưng chẳng bao giờ bố cho tôi uống rượu, đúng hơn là cấm tuyệt đối. Đôi lần tôi hỏi tại sao, bố quắc mắt: “Anh chưa đủ tuổi”. Lạnh hết sống lưng, tôi biết mình không nên hỏi vậy.

Minh họa: Hải Kiên

Nhớ lại ánh mắt của bố, tôi nhanh chóng xóa dấu vết hiện trường, leo thẳng lên phòng, tự nhủ sao dạo này mình bất cẩn thế nhỉ, bố mà biết thì chết chắc.

Gấp bộ quân phục, tôi sắp xếp lại quân tư trang, chuẩn bị các giấy tờ, thủ tục cần thiết, gọn gàng. Ba ngày nữa tôi đi nhận nhiệm vụ mới với cương vị trung đội trưởng đầy trọng trách.

Nằm trên giường, tôi lâng lâng nghĩ về tương lai rộng mở. Tôi sẽ phấn đấu lên đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, tư lệnh quân đoàn... Tôi sẽ đeo quân hàm cấp tá, và… cao hơn nữa. Làm lính mà không có ước mơ trở thành tướng thì xoàng…

- Duy ơi! Dậy đi, mấy giờ rồi mà mày vẫn ngủ hả? - Giọng “ai cũng biết là ai” vang lên.

Tôi choàng mở mắt. Đồng hồ đã điểm 8h30, nhanh chóng nói vọng ra:

- Con dậy rồi mà!

Bố nói to:

- Nhanh xuống nhà, đi ăn phở.

Tôi ngây người. Mình nghe nhầm thì phải. Sao tự nhiên bố lại... Đáng lẽ là cán chổi, que tre hay phải là một đống ngôn từ quát tháo chứ.

Bật ngay dậy, tôi nhanh chóng mặc quần dài, vừa đi vừa nói:

- Dạ! Con xuống đây.

Bố tôi cao ráo, khuôn mặt nghiêm nghị, đôi mắt nâu sáng quắc, giọng nói trầm ấm đầy mạnh mẽ, mái tóc đen nhánh, hai bên được cắt cao nhìn rất gọn gàng. Bố được mọi người đánh giá là tính tình vui vẻ, gần gũi, hòa đồng. Nhưng tôi thì không thấy thế.

Mẹ tôi là một người xinh đẹp, giỏi giang, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có tài kinh doanh, và rất khéo léo trong giao tiếp. Tôi may mắn vì được thừa hưởng những tố chất thông minh, khuôn mặt và nụ cười duyên dáng của mẹ. Mẹ rất yêu quý và nuông chiều tôi. Nhưng bố thì không. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ được bố khen. Ngay cả khi tôi đỗ đại học, bố nói:

- Trình độ như anh là quá bình thường, còn có đầy người giỏi hơn, đừng có mà tinh tướng!

Chẳng được công nhận sau bao nhiêu nỗ lực sớm hôm, tôi cảm thấy bố quá tàn nhẫn.

Tôi nhớ năm lớp 6, sau lần đỗ học sinh giỏi huyện môn văn, tôi nài nỉ mẹ mua cho chiếc xe đạp địa hình. Lúc đó mẹ đang vui, nếu tôi có xin mua liền một lúc hai cái xe thì mẹ cũng ừ chứ nói gì một cái. Nhưng giọng bố đã vang lên:

- Cho nó đi bộ, không có địa hình địa đạo gì sất.

Nụ cười tắt, tôi khóc toáng lên:

- Không. Con thích đi xe địa hình cơ, không chịu đâu, không chịu đâu.

Thấy tôi giãy đành đạch trên sàn, mẹ tôi thương quá liền nói với bố:

- Cái ông này, chẳng khen con thì thôi, đằng này lại mắng nó, mua cho con nó cái xe đạp đi học cho bằng bạn bằng bè thì có làm sao đâu.

Bố nghiêm nghị:

- Cô không phải nuông chiều nó thái quá. Nhà cách trường có 800m, cho nó đi bộ là tốt nhất, xe đạp vào cấp 3 mua cũng chưa muộn.

Tôi lại gào to hơn:

- Bố đã cho con cái gì nào?

Câu hỏi của một “sửu nhi” 12 tuổi khiến bố sựng lại một giây. Rồi bất ngờ bố nói bằng một giọng nghiêm trang đến phát sợ:

- Anh dậy ra rửa mặt, rồi vào đây bố con ta nói chuyện!

Và một cuộc trò chuyện thẳng thắn giữa hai người đàn ông đã diễn ra. Giọng bố chắc nịch:

- Ông bà cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó: một lí lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của gia đình. Con có khả năng đi học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết!

Bố đã hành động đúng như những tuyên bố. Bố tính toán rất kĩ, cự li đấy đi bộ là tốt nhất, nếu thấy muộn thì đi học sớm hơn 15 phút. Những năm sau cũng như vậy, tôi lẽo đẽo hôm đi bộ, hôm đi nhờ xe bạn cho đến khi học hết lớp 9.

Tôi càng lớn thì bố càng nghiêm. Trong mọi chuyện bố luôn phân định rõ ràng. “Đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé. Và con đang ở nhờ và đi nhờ”. “Không hài lòng về chiếc xe của bố hả, thế thì quyền đi bộ luôn thuộc về con”. Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không quên thể hiện là một khách hàng khó tính.

Bố hay nói chuyện con gà con đến tuổi tự kiếm ăn, gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo. Hay câu chuyện về loài đại bàng: Đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống. Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được sẽ rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không ngoại lệ.

Có một ông bố như vậy tôi luôn tự nhủ “tự túc là hạnh phúc”. Tôi muốn mình được công nhận…

Hai bố con bước vào quán phở gần nhà. Có điều gì đó sai sai. Trước đây bố có bao giờ biểu hiện với tôi kiểu này đâu nhỉ?

Ăn sáng xong, bố về nhà làm cơm, sai tôi đi mời bà nội, gia đình chú thím và các cô.

Bữa liên hoan diễn ra rất vui vẻ và đầm ấm, các cô chú cứ ngắm nhìn tôi rồi tấm tắc: “Trung úy cơ đấy”, “Một người làm quan cả họ được nhờ”, “Phấn đấu lên đại tá thôi cháu”…

Người vui nhất là mẹ tôi. Khuôn mặt rạng rỡ, mẹ cười suốt. Tôi liếc nhìn bố, vẫn gương mặt nghiêm nghị.

Buổi tiệc sắp tàn, các chú ai cũng đã ngà ngà say, các cô các thím và các em đang dọn dẹp, chỉ còn bố ngồi lại mâm. Bất chợt bố gọi tôi:

- Con trai, lại ngồi đây!

Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng cũng đến gần và nói:

- Bố say rồi, bố vào nghỉ ngơi đi.

Bố cười và nói:

- Bố không say, bố say làm sao được khi nay là ngày vui của con.

Bố cười lớn, tiện tay rót đầy chén rượu:

- Bố rất tự hào về con! Bố xin lỗi vì suốt quãng thời gian qua đã để con tự mình đối mặt với những vất vả, khó khăn.

Tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, sao hôm nay bố khác mọi hôm vậy. Tôi định đứng dậy thì bố cầm lấy tay tôi và nói:

- Uống đi con trai. Con đã trưởng thành, con được tự do làm những điều con thấy đúng.

Tôi ngẩn người. Những hình ảnh yêu thương thời thơ ấu của tôi chợt ùa về. Bóng dáng cao lớn của bố công kênh tôi trên cổ đi khắp xóm làng, cho tôi nằm trên ngực khi ngủ, tự tay nhổ từng chiếc răng sữa cho tôi, cõng tôi long nhong trên lưng…

Rồi bố dặn:

- Đã là một sĩ quan quân đội, con phải biết vượt qua những khó khăn vất vả và trở thành một người đàn ông có trách nhiệm nhé.

Vậy ra từ trước đến nay bố khắt khe cay nghiệt là để rèn luyện tôi bớt tự mãn, bớt kiêu ngạo, luôn phải cố gắng vượt qua chính mình. Tôi cầm chén rượu lần đầu tiên được bố rót cho lên uống cạn rồi ôm bố vào lòng.

Ôi bố tôi, “ngọn núi lửa phủ tuyết”, bên ngoài lạnh lùng, bên trong ấm áp. Mẹ càng thương yêu nuông chiều, buộc lòng bố càng phải khắt khe để tôi trưởng thành. Và tôi đã khóc. Khóc với những giọt nước mắt hạnh phúc vô bờ…

Đ.N.D

VNQD
Thống kê