. NGUYỄN MẠNH HÙNG
Ngày 20/11/1950, trung đoàn sơn pháo đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam mang phiên hiệu 675 được thành lập tại Cao Bằng. Tham gia, lập chiến công ở nhiều chiến dịch nổi tiếng trong chiến tranh chống Pháp, Mĩ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, xây dựng đơn vị vững mạnh trong thời bình, đơn vị được Đảng và Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Bộ đội huấn luyện chuyên ngành tại thao trường
Là đơn vị có bề dày truyền thống của Binh chủng Pháo binh, Lữ đoàn 675 (tiền thân là Trung đoàn 675) mặc dù đang trong giai đoạn làm công tác chuẩn bị để di chuyển từ nơi đóng quân Hiệp Hòa, Bắc Giang hiện nay vào vị trí mới tại xã Phước Thành, Tuy Phước, Bình Định và chuyển từ lữ đoàn khung KTT và bảo quản trang bị thành đủ quân thời bình, nhưng các hoạt động huấn luyện, giáo dục truyền thống vẫn được duy trì thường xuyên, hiệu quả, chất lượng.
Tại nhà truyền thống, những chiến sĩ Trung đội Vệ binh đang chăm chú theo dõi thiếu tá Hoàng Tuấn Nhàn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn giới thiệu những hiện vật liên quan đến chiến công oanh liệt qua các thời kì của đơn vị. Khẩu sơn Pháo 75 trong kháng chiến chống Pháp, trang nhật kí chiến trường giấy đã ố, ngả màu vàng với những dòng chữ quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, sa bàn mô phỏng chiến dịch… Khi được hỏi cảm thấy thích thú với hiện vật nào nhất, chiến sĩ Lã Việt Hoàng quê Kiêu Kị, Gia Lâm, Hà Nội chỉ vào khẩu sơn pháo 75 lên nước đen bóng vì thời gian chia sẻ: “Có lẽ nhiều chiến sĩ chứ không riêng gì cháu thích nó. Ngoài vẻ kiêu hùng cổ điển, nó chính là biểu tượng phù hiệu của người lính pháo mà cháu đang đeo trên ve áo. Mỗi lần vào đây, bọn cháu cảm giác đầu nòng của nó, mùi thuốc pháo chiến trận như vẫn đang phảng phất. Cháu cũng thích các hiện vật liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, các vật dụng trong chiến đấu nữa...” Đại tá Nguyễn Đức Hiền, Chính ủy Lữ đoàn cho biết, các buổi giáo dục truyền thống trực quan thông qua hiện vật ở nhà truyền thống như thế này được tiến hành thường xuyên, không chỉ cho riêng bộ đội mà còn tổ chức kết hợp cùng Đoàn Thanh niên kết nghĩa, các cháu học sinh trên địa bàn huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang vào các dịp lễ kỉ niệm trọng đại của đất nước, của Binh chủng, Lữ đoàn nhằm lan tỏa những giá trị hào hùng, để không chỉ bộ đội mà cả nhân dân hiểu hơn về Lữ đoàn, thông qua đó, xây dựng lòng tự tôn, luôn phấn đấu xứng đáng là người lính Lữ đoàn 675 hai lần anh hùng cho cán bộ chiến sĩ.
Nói về việc phát huy truyền thống vẻ vang của Lữ đoàn, đại tá Quách Ngọc Văn, Lữ đoàn trưởng nhớ lại, sau khi có quyết định chuyển từ khung thường trực lên Lữ đoàn đủ quân thời bình và sẵn sàng di chuyển đơn vị vào vị trí đóng quân mới ở Phước Thành, Tuy Phước, Bình Định, đầu năm 2021, một bộ phận cán bộ chiến sĩ được lệnh lên đường trước. Việc di chuyển vào nơi đóng quân mới có ảnh hưởng rất lớn tới cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Lữ đoàn bởi nhiều người gia đình ổn định ở đây từ lâu, nếu không tổ chức giáo dục, xác định tư tưởng sẽ dẫn đến tâm lí hoang mang trong đơn vị. Trước tình hình đó, Lữ đoàn phát động phong trào thi đua “Phát huy truyền thống đơn vị 2 lần anh hùng, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ động vào vị trí đóng quân mới”, đồng thời tiến hành sinh hoạt động viên tư tưởng, lập danh sách những đồng chí đã từng đi đảo, đi Lữ đoàn 96 ở Đồng Nai mới về sẽ được ưu tiên đi sau, đồng thời tiến hành sinh hoạt lấy phiếu khảo sát xem trong đơn vị có ai thực sự khó khăn sẽ tạo điều kiện. Thật bất ngờ, hầu hết các phiếu khảo sát đều nhất trí sẵn sàng lên đường. Thậm chí, nhiều đồng chí trong diện ưu tiên còn xung phong sẵn sàng lên đường ngay, như Phó Chủ nhiệm Chính trị Hoàng Tuấn Nhàn. Khi được hỏi, Hoàng Tuấn Nhàn chia sẻ, khi ấy dù hai con còn bé, một lớp 5, một lớp 1, bố vợ yếu đau luôn, mẹ đẻ bị tiểu đường, huyết áp cao, vợ ở nhà bán tạp hóa lặt vặt nhưng vì đã nói chuyện động viên, xác định tư tưởng cho vợ con, bố mẹ hai bên về việc sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào nên cũng không có gì phải lăn tăn cả. Lữ đoàn giai đoạn này đang phải căng ra, rất nhiều việc, rất cần tất cả mọi người đồng sức đồng lòng, không lí gì mình lại nhận ưu tiên. Còn thiếu úy Nguyễn Trọng Tuấn, thiếu úy Thái Khắc Đăng, những Trung đội trưởng của c10d4, cùng quê Nghệ An, đều khẳng định, rất tự hào là người lính của Lữ đoàn có bề dày truyền thống và mong muốn được gắn bó, xây dựng Lữ đoàn trong quãng đời binh nghiệp của mình.
Là đơn vị có bề dày truyền thống của Binh chủng Pháo binh, dù đang trong quá trình kiện toàn, ổn định nơi đóng quân nhưng do thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, động viên, khơi dậy trí tuệ, lòng tự hào, nhiệt huyết của cán bộ chiến sĩ nên những năm qua, Lữ đoàn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2021, đơn vị 2 lần được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen, ngoài ra còn được nhận một bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Cờ thi đua của Bộ Tư lệnh Pháo binh. Năm 2022, đơn vị được nhận Cờ thi đua của Binh chủng Pháo binh và Bằng khen của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh.
N.M.H
VNQD