. TRẦN VĂN RÔ
Tôi gặp Trung tá Vũ Khắc Toản nhân dịp cùng về dự lễ kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Quân khu 7. Giờ tóc anh đã bạc nhiều, đôi mắt sáng, giọng nói trầm ấm, người hơi gầy nhưng rắn chắc. Chúng tôi đi dạo một vòng doanh trại, đường sá nay được trải nhựa sáng bóng không còn đất đỏ, ổ gà ổ voi như xưa. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ, công việc gia đình, câu chuyện xoay qua kỉ niệm đời lính. Giọng buồn buồn, ngắt quãng, tôi được nghe anh kể một câu chuyện buồn nhưng đầy nghĩa tình đồng đội.
Minh hoạ: Bùi Quang Đức
Tháng 2 năm 1981, tôi là nhân viên tài chính của Đoàn 778 được lệnh về báo cáo tình hình thu chi quyết toán cho Phòng Tài chính Quân khu 7. Sau khi xong việc tôi được Thiếu tướng Tư Hiệu - Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu khi đó, giao nhiệm vụ theo đoàn xe của Trung đoàn 657 nhận gạo ở kho quân nhu. Sau khi chất gạo đầy 10 xe, chúng tôi lên đường về đơn vị. Trong đoàn còn có các dược sĩ của Bệnh xá Đoàn 778 cùng đi nhận thuốc ở Quân khu.
Tôi ngồi trên xe GMC do anh Khải quê ở Tây Ninh cầm lái. Đoạn đường từ thành phố Hồ Chí Minh về huyện Bù Gia Mập nơi đơn vị đóng quân hơn 200km, trong đó hơn 150km là đường đồi dốc. Qua địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đến đoạn đường đất đỏ nhiều ổ voi ổ gà, xe dằn xóc liên tục, bụi cuốn mù mịt không nhìn thấy cả đường, xe mất thắng liên tục. Anh Khải phải dừng lại chỉnh sửa, mỗi lúc như vậy tôi cũng xuống đạp nhồi thắng giúp anh.
Khoảng 5 giờ chiều đoàn về đến Phước Long. Tôi bảo anh Khải dừng xe ở đầu dốc xuống cầu Đắk Lung để các đồng chí quân y chuyển sang xe khác, vì xe này thắng bị trục trặc, không an toàn. Anh Khải đồng ý. Chuẩn bị lăn bánh, tôi nhìn thấy anh Phan Đình Điển, quê Hải Phòng - Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, vai khoác ba lô từ trong đơn vị đi ra. Tôi gọi to:
- Anh Điển đi đâu đấy?
Anh ngoái đầu lại nhìn tôi cười, trả lời:
- Tôi về phép, chú đi nhanh về đơn vị còn kịp dự liên hoan.
Nghe vậy, tôi liền nói:
- Anh Điển ơi quay lại đi. Mai đoàn xe này về gần nhà anh đấy.
Nhà anh Điển ở thành phố Hồ Chí Minh. Những năm trước đây xe cộ ít, đi lại khó khăn, anh em được đơn vị cho nghỉ phép phải ra ngủ đêm ở bến xe Phước Long mới mua được vé về thành phố. Nghe tôi nói vậy anh tươi rói:
- May quá, thế thì tớ thuận lợi rồi. Vừa được về gần nhà mà còn mang theo được 20kg gạo tiêu chuẩn nghỉ phép về cho vợ con nữa chứ.
Nói xong anh quay lại leo lên xe của chúng tôi, còn tôi lên thùng xe ngồi, nhường chỗ trên cabin cho anh.
Xe tiếp tục lăn bánh, xuống dốc khoảng 100m lại mất thắng, lao vun vút. Anh Khải gạt cần số để giảm thắng bằng số thấp nhưng không được nên bóp còi inh ỏi xin vượt các xe đi trước, qua hai xe trong đoàn, đến khúc cua tay áo gần cầu Đắk Lung thì mất kiểm soát, anh Khải cố sức đánh lái cho xe ép vào sườn núi. Xe lật hai vòng rồi nằm nghiêng, gạo văng tứ tung. Tôi bị thành xe đè lên người choáng váng lịm đi mấy phút. Khi tỉnh lại, tôi gượng dậy nhưng không được vì thành xe ép khít đầu xuống đất. Nhưng may mắn, tôi rơi xuống rãnh nước đang chảy nên có chỗ ngọ nguậy rút được đầu ra. Vừa mở mắt, tôi thấy lửa bùng lên nên la lớn để mọi người cứu xe, nhưng hoá ra không phải xe cháy, là tôi bị hoa mắt. Trấn tĩnh lại, tôi nhìn thấy anh Điển bị thùng dầu đè lên người, máu đầm đìa. Anh Khải bị bánh trước đè lên. Hai xe đi sau vì hoảng quá lạc tay lái đâm vào núi, lật thêm một chiếc nữa. Thấy anh em quân y phía sau chạy tới, tôi hô lên cứu anh Điển rồi ngất đi. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trong phòng cấp cứu bệnh xá đơn vị. Hai hôm sau tôi được chuyển về Quân y Viện 7B để tiếp tục điều trị.
Sau hai tháng tôi ra viện trở về đơn vị mới biết tin, trong đoàn xe chở gạo lên hôm đó bị lật 3 chiếc. Xe thứ ba lật ở dốc gần khu vực sóc Khắc Khoan. Đơn vị phải đưa xe ra cứu kéo lấy thân thể anh Điển ra nhưng không được, phải chờ xe đầu kéo từ thành phố Hồ Chí Minh lên hỗ trợ. Sang tối ngày hôm sau mới đưa được thi thể anh Điển ra ngoài. Anh Khải cũng mất ngay hôm đó, anh em lái xe Trung đoàn 657 đưa anh về thành phố, còn anh Điển được an táng tại Nghĩa trang nhân dân xã Sơn Giang - Phước Long.
Năm tháng trôi qua, một lần, có việc ngang qua Sơn Giang, tôi ghé vào thắp cho anh em và anh Điển nén hương. Nghĩa trang Sơn Giang khi ấy cỏ mọc um tùm. Chúng tôi đi quanh tìm, thấy bia ghi tên Phan Đình Điển nhưng mộ bị mưa gió san bằng, lạnh lẽo quá. Nhìn gần đó có một gia đình đang xây mộ cho người thân của họ, tôi đến thưa chuyện rồi đưa tiền nhờ xây giúp ngôi mộ anh Điển giống như mộ gia đình họ. Một tuần sau đi công tác về, tôi vào thì thấy mộ anh Điển được xây cất gọn gàng, quét vôi cẩn thận.
Một tháng sau, Quân khu có chỉ thị quy tập tất cả hài cốt liệt sĩ và tử sĩ về Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh. Đội quy tập của Phòng Chính sách Quân khu 7 xuống kết hợp cùng Đoàn 778 làm nhiệm vụ quy tập mộ của các anh: Trung - lái xe, Đạt - Ban Tài vụ, Ánh - Tiểu đoàn 7, Hiếu - Tiểu đoàn 1... Nhưng khi đến phần mộ của anh Điển thì đội dừng lại, mọi người bảo nhau: Mộ này mới xây chắc gia đình đã xem ngày, xem tháng, mồ yên mả đẹp rồi nên để lại không quy tập về nghĩa trang thành phố nữa.
Biết được tin đó, tôi thấy băn khoăn, giá như mình không xây thì anh Điển được cùng đồng đội về nghĩa trang thành phố rồi. Bây giờ chỉ còn một mình anh nằm lại đây, cô đơn quá. Nhiều đêm không ngủ được, tôi quyết định về Phòng Chính sách Quân khu xin gặp đồng chí Nguyễn Thành Song - Trưởng phòng để trình bày nguyện vọng của mình. Anh Song đồng ý, ngay sau đó cử một tổ công tác xuống đưa hài cốt anh Điển về an táng tại nghĩa trang thành phố.
Tôi rất vui đi tìm địa chỉ gia đình anh Điển để báo tin. Nhưng khi tìm đến chung cư Trần Hưng Đạo, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh mới biết tin gia đình anh đã chuyển đi nơi khác. Tôi hỏi người mua nhà họ cũng không biết, dò hỏi bà con sống trong chung cư cũng không được. Tôi tìm đến những người từng làm việc, quen biết với gia đình anh, cuối cùng cũng đến được nơi ở của vợ con anh. Chị bán cà phê dưới tán gốc me gần Bệnh viện Quân y 7A.
Tôi thông tin để mẹ con chị biết phần mộ của anh Điển tại nghĩa trang thành phố, cho địa chỉ và số điện thoại mời chị và cháu đến gia đình tôi chơi.
*
* *
Anh Toản dừng lại lặng lẽ nhìn tôi thở dài rồi khẽ buột ra hai tiếng nếu như...
Vâng, tôi biết, bao năm nay trong suy nghĩ của anh luôn túc trực hai chữ “nếu như” xót xa ấy. Nếu như ngày đó anh không gặp anh Điển trên đường về. Nếu như anh không rủ anh đi cùng xe…
T.V.R
VNQD