Dòng chảy

Chiến sĩ biên phòng nơi địa đầu xứ Thanh

Thứ Sáu, 26/05/2023 15:33

Mường Lát vẫn được biết đến như vùng địa đầu khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hoá. Đây là huyện miền núi tiếp giáp với nước bạn Lào, cũng là vùng giáp ranh với tỉnh Sơn La của xứ Thanh. Những năm qua bằng những chính sách thiết thực và linh hoạt, cùng sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Thanh Hoá đã giúp cho vùng đất có ý nghĩa đặc biệt về an ninh - quốc phòng của tỉnh luôn ổn định và từng bước phát triển. Giữ yên bờ cõi, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở dải biên giới xa xôi này không thể không nhắc đến vai trò của các chiến sĩ biên phòng. Ngược dòng sông Mã, từ Thành phố Thanh Hoá, chúng tôi đã lên Mường Lát, đi dọc tuyến biên giới phía Tây Thanh Hoá để tận mắt chứng kiến cuộc sống và nhiệm vụ của các chiến sĩ biên phòng nơi đây cũng như cuộc sống của bà con các dân tộc vùng phên dậu của Tổ quốc.

Huyện Mường Lát có 105 km đường biên giới với 5 đồn biên phòng của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá đứng chân, gồm các đồn Trung Lý, Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu, và đồn cửa khẩu Tén Tằn. Cột mốc 270 tại Bản Ón, xã Tam Chung là cốt mốc đánh dấu biên giới Việt Nam - Lào, cũng là vị trí giáp ranh giữa Thanh Hoá với Sơn La. Dưới sự tuyên truyền của các chiến sĩ biên phòng, bà con nơi đây đã chung tay cùng bộ đội bảo vệ cột mốc.
Trong ảnh: 
Trung tá Trịnh Gia Ngọ, nhân viên vận động quần chúng thuộc Tổ công tác của Đồn Biên phòng Tam Chung đóng tại Bản Ón và anh Giàng A Chìa, người bảo vệ cột mốc nhiều năm nay. Anh Giàng A Chìa là người Mông, đã tham gia bảo vệ cột mốc 270 từ đời cha anh, sau khi cha mất anh tiếp tục công việc này một cách tự nguyện. Mỗi khi đi rẫy làm nương, chăn thả gia súc anh đều phát quang, dọn dẹp và lau chùi rêu mốc để cột mốc biên giới quốc gia luôn sạch sẽ, tôn nghiêm. 
Đồn Biên phòng Tam Chung quản lí 7,5 km đường biên với 4 cột mốc từ 270 đến 273 đều nằm trong địa giới Bản Ón, nơi cách xa vị trí đóng quân của đồn chừng 20km. Ảnh: Trung tá Ngô Minh Quang - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Chung chủ trì Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kì thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ của đồn ngày 22/5/2023.
Bóng áo xanh trên mùa vàng vùng biên. Ảnh: Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung giúp dân thu hoạch vụ mùa.
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Kết luận số 68-KL/TƯ ngày 05/02/2020 của Ban Bí thư Trung ương về thực hiện chủ trương thí điểm tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ Đồn Biên phòng vào cấp ủy huyện, xã biên giới, để đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc xây dựng cơ sở, phát triển kinh tế xã hội, những năm qua Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá đã tổ chức đưa cán bộ biên phòng về tham gia vào bộ máy chính quyền của địa phương. Đội ngũ này đã được đào tạo bài bản và đã phát huy được vai trò khi thực hiện nhiệm vụ. Trong ảnh là Thiếu tá Vi Xuân Thao, người đã có nhiều năm tham gia cấp uỷ Chi bộ Bản Ón để gây dựng phong trào, củng cố hệ thống chính trị từ những ngày mới lập bản. Đến nay, Bản Ón đã cơ bản ổn định, các cán bộ là người dân tộc đã được bồi dưỡng để đảm đương các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Năm 2018-2019 tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp ở Mường Lát khiến một số hộ dân tại Bản Ón bị mất nhà cửa, một số hộ khác thì nằm tại vị trí có nguy cơ sạt lở cao. Tỉnh Thanh Hoá đã khảo sát, tổ chức di dời, hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu để chuyển đến nơi ở mới an toàn. Trong ảnh là một khu tái định cư tại Bản Ón đang dần hoàn thiện.
Các chiến sĩ biên phòng luôn quan tâm và khuyến khích bà con nhân dân làm ăn phát triển kinh tế, ổn định đời sống vật chất và tinh thần. Ảnh: Trung tá Trịnh Gia Ngọ đến thăm và trao đổi với bà con một số hộ mới phát triển trồng cây quế trên các khu rừng được giao. 

Những việc lớn trong nhà người dân như dựng nhà, sửa nhà đều có sự góp mặt của chiến sĩ biên phòng. Lúc ít, lúc nhiều, tuỳ điều kiện hoàn cảnh từng hộ và tuỳ tình hình nhiệm vụ của đơn vị, những người lính quân hàm xanh nơi miền Tây Thanh Hoá luôn có mặt khi dân cần. Ảnh: Cán bộ Đồn Biên phòng Pù Nhi giúp dân dựng lại nhà.

Tiếp sức dân sửa lại mái nhà.

Những chương trình tuyên truyền giáo dục dành cho bà con vùng biên được lồng ghép trong những chuyến về với dân.

Để góp phần tham gia cùng với địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, ngày 21/5, Đồn Biên phòng Pù Nhi đã trao tặng cho hộ gia đình ông Vi Văn Heo, ở bản Na Tao 100 con gà, vịt giống cùng thức ăn chăn nuôi và chế phẩm sinh học diệt khuẩn. Đơn vị đã phân công cán bộ đến trực tiếp hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng cho gia đình.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn trồng thử nghiệm sắn cao sản. Dự kiến sau khi có kết quả sẽ nhân rộng mô hình cho bà con địa phương trồng để nâng cao năng suất, phát triển kinh tế.

Với nhân dân các xã vùng biên Mường Lát, hình ảnh các chiến sĩ biên phòng luôn thân thuộc và gần gũi. Thượng uý Sùng A Ư là người Mông sinh ra và lớn lên tại bản Chiềng Nưa, xã Mường Lý, vì vậy, anh đến với đồng bào cũng như về lại nhà mình, góp phần mang lại sự bình yên cho quê hương mình.
 Với tình yêu màu áo biên phòng từ thơ bé khi các chú bộ đội biên phòng xuống bản, Sùng A Ư đã nhập ngũ và thể theo nguyện vọng được đơn vị cử đi ôn văn hoá sau đó thi đỗ Học viện Biên phòng. Sau khi ra trường anh được phân công về Thanh Hoá, về lại chính quê mình công tác, góp phần xây dựng bản làng, xây dựng quê hương dưới màu áo lính. Thượng uý Sùng A Ư hiện là Đội trưởng Đội Trinh sát của Đồn Biên phòng Tam Chung.
Dù thời tiết vùng biên khắc nghiệt, các chiến sĩ biên phòng ngoài thực hiện nhiệm vụ vẫn tổ chức tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những vườn rau xanh tốt, những khu chăn nuôi tập trung, vườn cây ao cá... vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa mang lại sản phẩm phục vụ bữa ăn bộ đội. Ảnh: Một góc vườn rau xanh của Đồn Biên phòng Quang Chiểu.
Sắc hoa vùng biên từ vườn rau tăng gia bộ đội.
Không chỉ nắm vững địa bàn do đồn đảm trách, các chiến sĩ biên phòng Đồn Quang Chiểu còn thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, giúp đỡ bà con Lào khu vực giáp biên, góp phần xây dựng khu vực biên giới hoà bình, ổn định và hữu nghị. Đồn Biên phòng Quang Chiểu cũng là đồn quản lí số kilomet biên giới nhiều nhất, 42.5km, nhiều hàng đầu trong các đồn biên phòng cả nước cùng với đó, số lượng cột mốc, cọc dấu tương ứng với chiều dài biên giới cũng nhiều nhất. Đây cũng là đồn ở xa Bộ chỉ huy Biên phòng Thanh Hoá nhất, với xấp xỉ 500 km. 
Một buổi làm việc của cán bộ biên phòng Đồn Quang Chiểu tại nhà trưởng bản giáp biên Lào Xeng phom Vị Vay Thong.
Đồn Quang Chiểu cũng nhận đỡ đầu một số học sinh Lào có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ một phần để các em được tới trường, thăm hỏi, động viên các em trong cuộc sống. Trong ảnh: Thiếu tá Chẹo Văn Xế cùng đại diện đoàn công tác thăm, tặng quà hai em học sinh Lào mà Đồn Quang Chiểu đỡ đầu tại bản giáp biên thuộc huyện Sop Bao, tỉnh Huaphanh. 

Theo tìm hiểu được biết, phong trào "Con nuôi biên phòng" khởi phát từ Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá, sau đó mô hình này đã được nhân rộng ra toàn lực lượng Biên phòng với những ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn. Hiện nay, mô hình "Con nuôi biên phòng cùng với phong trào "Nâng bước em tới trường" đã được triển khai đến khắp các đồn, trạm biên phòng dọc dài biên cương Tổ quốc.

Ảnh: Thượng uý Nguyễn Văn Phương - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Pù Nhi, người "bố nuôi" rất trẻ của 20 em học sinh trong phong trào "Nâng bước em tới trường" trong khu vực Đồn Pù Nhi quản lí. Động viên các em đến trường, đưa đi khai giảng, đưa đi khám bệnh, chăm lo đời sống là những việc Phương thường xuyên thay mặt Đồn làm với các em trong chương trình.

Đồn Pù Nhi cũng có chương trình "Bữa sáng yêu thương" tại các điểm trường trong khu vực xã Pù Nhi và xã Nhi Sơn. Những nồi cháo thịt được các chú bộ đội biên phòng đóng góp tiền và trực tiếp nấu mang đến trường học phục vụ các cháu, mỗi điểm trường một tuần một lần. Bát cháo nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm và sự quan tâm săn sóc đến những mầm non tương lai của Mường Lát. 

Tại Đồn Biên phòng Trung Lý, chúng tôi đã gặp em Gia Ngọc Tuấn, hiện đang học lớp 9B, Trường THCS Trung Lý. Tuấn là một người con nuôi biên phòng. Bên cạnh em là người bố nuôi, Thiếu tá Đinh Anh Tuấn, nhân viên phiên dịch tiếng Lào. Hai bố con sống trong một căn phòng nhỏ ở một góc doanh trại. Bố Tuấn là Gia Cá Dính, cũng là một chiến sĩ biên phòng người Mông bị tai nạn qua đời, mẹ em đi lấy chồng, Tuấn được cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Trung Lý cưu mang, còn em gái Tuấn là Gia Ngọc Chi ở với bà nội thì được Đồn Biên phòng Pù Nhi hỗ trợ trong chương trình "Nâng bước em tới trường". Bố Tuấn cũng đã đưa cậu con nuôi về quê ở Thành phố Thanh Hoá chơi và khám bệnh, gặp gỡ họ hàng cùng những người chị em con ruột của mình. 

Một dải biên cương miền Tây Thanh Hóa sát biên giới Việt - Lào luôn có dấu chân của các chiến sĩ biên phòng.
Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn và Đồn Biên phòng Tam Chung phối hợp tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh Trường THCS nội trú Mường Lát, tháng 5/ 2023.
Với những đóng góp nhỏ từ mỗi chiến sĩ biên phòng đang làm nhiệm vụ dọc tuyến biên giới Mường Lát mà một trăm có lẻ cây số đường biên giới Việt - Lào nơi đây được đảm bảo an toàn, mỗi cột mốc, cọc dấu biên giới quốc gia luôn được giữ vững. Không chỉ thế, trận địa lòng dân luôn được củng cố, mỗi người dân luôn coi việc bảo vệ an ninh biên giới chính là giữ cho cuộc sống của họ được bình yên, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
THIỆN NGUYỄN
Ảnh: TN - CTV
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)