Sau hơn một tháng tích cực luyện tập, chiều ngày 27/4/2023, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã báo cáo tổng duyệt vở diễn mới: Khát vọng đoàn tụ (Tác giả Lê Thu Hạnh; Đạo diễn NSND Lê Hùng; chỉ đạo nghệ thuật Đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương; trợ lí đạo diễn Thượng tá Ma Thị Thu Ngà). Khát vọng đoàn tụ (tên gọi ban đầu là Đá vọng phu) là kịch bản được Đảng ủy, Ban giám đốc và Hội đồng Nghệ thuật Nhà hát Kịch nói Quân đội lựa chọn từ Cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, hình tượng "Bộ đội Cụ Hồ" năm 2022 để dàn dựng.
Kịch bản như một huyền thoại sống về Hoài- người phụ nữ “vọng phu” ở một làng chài hẻo lánh ven biển. Chồng Hoài (Hải) hi sinh, giấy báo tử đã gửi về xã nhưng Hoài không tin điều đó. Mẹ chị bảo: “Đàn ông ra trận. Người ở hậu phương một lòng chờ đợi, chắc chắn người tiền tuyến sẽ về”. Mẹ cũng được bà ngoại chị truyền lại điều ấy, khi mẹ chờ cha trở về từ Điện Biên Phủ… Hoài cứ âm thầm chờ đợi chồng trở về, với một niềm tin không lay chuyển, dù mọi người ai cũng nghĩ Hoài bị tâm thần.
Bỗng một ngày Tiến - đồng đội của chồng Hoài đang sống tại một trại thương binh - không cam tâm nhìn chị sống cuộc đời “đá vọng phu” đã khoác ba lô về làng. Anh trao cho chị kỉ vật còn lại của Hải, kể chuyện chồng chị đã hi sinh trên tay anh thế nào. Chạm vào chiếc ba lô và cuốn sổ tay như chạm vào một linh hồn, chạm vào sự thật mà bấy lâu nay chị cố tình không chấp nhận. Nhưng Hoài vẫn khắc khoải tin rằng chị còn chờ đợi, thì người chị yêu không thể bỏ chị mà đi được. Chị còn truyền cả niềm tin, niềm hi vọng ấy cho những người phụ nữ cùng cảnh khi nhận được giấy báo tử của chồng. Là Hội trưởng Hội phụ nữ, đảm việc nước, chị quan tâm, giúp đỡ, động viên hội viên, đồng thời vẫn giữ riêng cho mình một khoảng trời của tình yêu, của hi vọng cùng những hoài niệm tươi nguyên dành cho Hải, chồng chị. Để đáp lại sự chờ đợi của Hoài, điều kì diệu đã hiện ra, khi xã nhận được lá thư của già làng trong Tây nguyên, giúp chị và mọi người tìm lại được Hải. Cuối cùng, Hải đã trở về, dù anh đã bị mất trí nhớ và thân hình không còn nguyên vẹn, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn anh vẫn là tinh thần, nhiệt huyết của một người lính cụ Hồ…
Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tặng hoa các nghệ sĩ Nhà hát Kịch nói Quân đội trong buổi tổng duyệt.
Kịch bản Khát vọng đoàn tụ có nội dung lên án chiến tranh mạnh mẽ, là bài ca về sư hi sinh cao cả của người phụ nữ, thắm đượm tình làng nghĩa xóm của người dân Việt Nam. Chủ đề tư tưởng tốt, kịch bản tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, những giá trị văn hóa truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, sự thủy chung son sắt, là nghĩa tình đồng chí, đồng đội, tinh thần nhân văn cao cả của con người Việt Nam, đồng thời khẳng định một chân lí: Con người sống phải có niềm tin, bởi vững niềm tin ắt niềm tin sẽ thành hiện thực! Tên gọi cũng chính là thông điệp chủ đề của vở diễn là Khát vọng đoàn tụ. Chính vì “Khát vọng đoàn tụ” mà những người phụ nữ hậu phương vò võ đợi chồng ra trận trở về, chính “Khát vọng đoàn tụ” mà những người lính chiến đấu hết mình cho ngày chiến thắng, cho ngày trở về! Khát vọng như ngọn đèn không tắt trong mưa giông, trong mưa bom bão đạn, ngọn đèn khát vọng đoàn tụ mãi sáng trong trái tim những người phụ nữ Việt nam như Hoài, như Thương- những người phụ nữ làng chài…
Ngọn đèn khát vọng như một mã khóa trong sáng tạo dàn dựng của vở diễn, khi là ánh đèn chờ đợi trong căn nhà nhỏ của Hoài, khi treo lên đỉnh cột buồm như một bức tranh cảm động trong mưa bão - về khát vọng bất tử, khôn nguôi của người phụ nữ chờ chồng… Khát vọng đoàn tụ với ngọn đèn không bao giờ tắt trong trái tim yêu thương chờ đợi của Hoài để được bừng sáng niềm hạnh phúc đoàn tụ cũng là sức mạnh kì diệu làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước…
Vở diễn với nhiều lớp diễn đầy cảm xúc, những hình ảnh dàn dựng như một bức tranh đầy ấn tượng thắp lên trong trái tim của mỗi người một niềm hi vọng về sự kì diệu của tình yêu, của chờ đợi… Trong vở diễn, các diễn viên được hóa thân vào những vai diễn ấn tượng. Từ một Hoài (NS Kim Dung) đầy nước mắt và cũng thật dũng cảm, cứng cỏi trong đời thường, đến một Tiến (NS Hoàng Dũng) thương binh tàn nhưng không phế, đầy tình thương với đồng đội và với Hoài, từ sự chờ đợi quên ngày tháng của Hoài, tới một người chồng mất trí nhớ (NS Hà Duy Trường) đau khổ khi không thể nhận ra chính mình, không thể nhận ra người vợ chờ mình quên cả thanh xuân. Từ vai một anh bạn thành phố im lặng không nói, chỉ hành động, và hành động (NS Hoàng Dương), tới một chủ tịch xã (NS Văn Chung) đầy trách nhiệm, sính thành tích, nói nhiều, kết hợp diễn hành động, tạo nên một tính cách chủ tịch xã đa chiều, riêng biệt, vừa hài, vừa bi, vừa duyên dáng đời thường…
Trong thời gian tập luyện hơn một tháng với nhiều nhiệm vụ đan xen, tập thể đội ngũ diễn viên Nhà hát Kịch nói Quân đội cùng ekip tham gia vở diễn đã nỗ lực hết mình để có một bản diễn ngày càng hoàn thiện mang tới cho khán giả trong và ngoài quân đội chất lượng nghệ thuật tốt nhất!
Vở diễn đã báo cáo tổng duyệt thành công, được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng đánh giá cao. Vở diễn sẽ biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, hướng tới kỉ niệm chào mừng 48 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2023) và sẽ biểu diễn kỉ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong thời gian tới.
Một số hình ảnh vở diễn Khát vọng đoàn tụ:
VŨ HOÀNG HẠNH
VNQD