Dòng chảy

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc trong Quân đội năm 2023

Thứ Tư, 12/04/2023 16:00

 Nhằm hướng đến Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4; ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4, sáng 12/4/2023, tại Hà Nội, Thư viện Quân đội khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 trong Quân đội.

Theo ban tổ chức, hằng năm, vào những dịp tháng 4, các thư viện trong và ngoài quân đội đã tổ chức Ngày Hội sách và Văn hóa đọc, với ý nghĩa tôn vinh các tác giả, tác phẩm, nghề thư viện, xuất bản, phát hành, tôn vinh những người tích cực đóng góp vào việc đọc của cộng đồng. Việc hình thành và phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ quan trọng, rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp, trách nhiệm của các nhà trường, các cơ quan, đơn vị và của mỗi cá nhân để góp phần xây dựng một xã hội học tập và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu củaq sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 trong Quân đội.

Đồng chí Thượng tá Mạc Thùy Dương, Giám đốc Thư viện Quân đội chia sẻ: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 trong Quân đội là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, góp phần tôn vinh các giá trị của sách, tôn vinh văn hóa đọc, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước.

Tại buổi lễ, Thư viện Quân đội đã khai mạc triển lãm sách báo “Sách - Tri thức, khơi nguồn sáng tạo, chắp cánh ước mơ người chiến sĩ”. Triển lãm được trưng bày tập trung theo 7 nội dung chính: Vững một niềm tin theo Đảng; Theo dấu chân Bác - Cuộc hành trình vĩ đại; Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng lịch sử; Xuân 1975 - Bản hùng ca toàn thắng; Tuổi trẻ quân đội phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ; Sách - Tri thức, khơi nguồn sáng tạo, chắp cánh ước mơ người chiến sĩ; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Triển lãm diễn ra đến ngày 19/5/2023, giới thiệu hơn 1.000 ấn phẩm được chọn lọc trong kho sách của Thư viện Quân đội đã khái quát phần nào những thông tin hữu ích về ý nghĩa lịch sử bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống Pháp; ý nghĩa lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; bên cạnh đó triển lãm còn giới thiệu về vai trò sách và văn hóa đọc đối với người lính trong Quân đội nhân dân Việt Nam, tầm quan trọng của sách và tri thức đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với mục đích giúp cho bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về truyền thống yêu nước, lịch sử vẻ vang, ý chí độc lập tự do, khí phách quật cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; khẳng định vai trò của sách và văn hóa đọc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc góp phần thực hiện tốt cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kì mới đã và đang được phát động trong toàn quân.

Các đại biểu tham quan triển lãm "Sách - Tri thức, khơi nguồn sáng tạo, chắp cánh ước mơ người chiến sĩ”.

Cũng trong buổi khai mạc, tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc nói chuyện chuyên đề “Tấm gương đọc sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Qua đó, giúp công chúng hiểu thêm về tấm gương đọc sách và tự học của Bác Hồ, những bí quyết đọc sách trong thời kì công nghệ 4.0 để có hứng thú đọc và từ đó hình thành thói quen đọc sách.

Nhân dịp này, Thư viện Quân đội tiếp nhận sách tặng của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Bên cạnh các hoạt động triển lãm sách và nói chuyện chuyên đề, Thư viện Quân đội còn phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai trong Quân đội nhân dân Việt Nam như tại Bộ Tổng Tham mưu, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Quân khu 1, Quân khu 3, Bộ đội Biên phòng, Binh chủng Tăng thiết giáp...

THU OANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)