Dòng chảy

Khai mạc triển lãm “Đại tướng Chu Huy Mân - Vị tướng ‘Hai Mạnh’ đức độ, đa tài”

Thứ Tư, 15/03/2023 14:02

 Nhân kỉ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913 - 17/3/2023), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; sáng 15/3/2023 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam diễn ra triển lãm “Đại tướng Chu Huy Mân - Vị tướng ‘Hai Mạnh’ đức độ, đa tài”.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam dự và chủ trì khai mạc.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: BTLSQSVN.

Đại tướng Chu Huy Mân là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Quân đội ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng ngời, mẫu mực, tiêu biểu về một lòng trung với Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, suốt đời chiến đấu vì lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự lớn mạnh và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thượng tá Lê Vũ Huy nhấn mạnh, triển lãm nhằm tri ân, tôn vinh những công lao, đóng góp của Đại tướng Chu Huy Mân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phấn đấu học tập, công tác, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Triển lãm giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu và hiện vật tiêu biểu phản ánh về những công lao to lớn của Đại tướng Chu Huy Mân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Triển lãm gồm các nội dung như sau:

Phần mở đầu: Trưng bày những hình ảnh tiêu biểu thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội với Đại tướng Chu Huy Mân.

Phần 1 - Tuổi trẻ nuôi chí lớn: Trưng bày những hình ảnh, tài liệu tiêu biểu về truyền thống quê hương, gia đình - nơi Đại tướng Chu Huy Mân sinh ra, lớn lên và hun đúc tâm hồn, tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng của chàng thanh niên Chu Văn Điều (tên khai sinh của Đại tướng Chu Huy Mân) sớm tham gia hoạt động cách mạng để từ đó có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Quảng Nam.

Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh BTLSQSVN.

Phần 2 - Vị tướng “Hai Mạnh” đức độ, đa tài: Trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân; tình cảm của Đại tướng với quê hương, gia đình; đồng chí, đồng đội và trong cuộc sống đời thường. Trên cương vị Chính ủy, Tư lệnh ở các trung đoàn, sư đoàn, quân khu, mặt trận… đồng chí đã khẳng định vai trò là một lãnh đạo, chỉ huy quân sự - chính trị xuất sắc, có nhiều đóng góp to lớn với sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1945 - 1975). Trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng, đặc biệt là vấn đề xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, bồi dưỡng rèn luyện đội ngũ cán bộ kế cận, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy binh chủng hợp thành cấp chiến dịch, chiến lược… đóng góp nhiều công lao cho Đảng, Nhà nước, Quân đội trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, mở rộng quan hệ đối ngoại quốc phòng.

Các hiện vật, tài liệu được giới thiệu tại triển lãm là những hiện vật có giá trị lịch sử, được lưu giữ tại Bảo tàng LSQS Việt Nam, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Quân khu 5 và gia đình Đại tướng Chu Huy Mân. Trong đó, có nhiều hiện vật tiêu biểu lần đầu giới thiệu tới công chúng, như: Áo blu dông - Chính ủy Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 sử dụng tại chiến trường Khu 5, 1965 - 1975; Thư - Thiếu tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5, viết ngày 05/12/1969, gửi Thường vụ Đảng ủy và Ban Chỉ huy Trung đoàn 2, Sư đoàn 2, động viên Trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở Trà Bồng, Quảng Ngãi; nhóm hiện vật bộ bàn ghế, đèn, bút - Đại tướng Chu Huy Mân sử dụng trong thời gian công tác tại Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1977 - 1986; Lệnh thăng cấp Đại tướng Chu Huy Mân, 1980…

Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra các đơn vị chiến đấu năm 1973. Ảnh tư liệu

"Đây là một sự kiện đặc biệt góp phần khẳng định và làm rõ thêm cuộc đời hoạt động cách mạng kiên trung, bất khuất của Đại tưởng Chu Huy Mân - người ông, người cha, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhất mực trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vì hạnh phúc của nhân dân; một nhà lãnh đạo xuất sắc của Cách mạng Việt Nam", bà Chu Minh Hà, con gái Đại tướng chia sẻ.

Thông tin về triển lãm sẽ được cập nhật thường xuyên trên Trang tin điện tử Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (baotanglichsuquansu.vn) để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân không có điều kiện tham quan có thể tìm hiểu.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 15/3/2023 và kéo dài đến hết ngày 15/6/2023 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.

PV

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)