Dòng chảy

Vũ Hoàng Chương “say” để quên thời thế

Chủ Nhật, 26/02/2023 11:26

Viện Hàn Lâm Khoa Học Thụy Điển mới đây đã công bố 100 cái tên được đề cử cho giải Nobel Văn chương năm 1972 (theo đúng quy định sau 50 năm), trong đó bất ngờ có tên nhà thơ Vũ Hoàng Chương của Việt Nam được đề cử.

Vũ Hoàng Chương được đề cử bởi Thang Lang (nhiều người cho là lỗi đánh máy của nhà phê bình Thanh Lãng). Như vậy sau nhà báo - nhà văn Hồ Hữu Tường và trước chính trị gia Lê Đức Thọ, Vũ Hoàng Chương là người Việt thứ 3 được đề cử tại giải thưởng này.

Vũ Hoàng Chương sinh năm 1915 tại Nam Định, trong một gia đình giàu có và gia giáo. Cha ông là quan tri huyện, mẹ ông cũng yêu nghệ thuật nên ông được học và tiếp cận với Hán văn từ nhỏ. Khi trưởng thành, ông học tiếp tiếng Pháp và đỗ tú tài Pháp tại Hà Nội năm 1938.

Tại Việt Nam, nhiều thi phẩm của ông đã được nhiều thế hệ yêu thơ quý mến. Ông xuất hiện vào giai đoạn cuối Thơ mới, khi những Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư… đã có tiếng nói nhất định. Nhiều nhà phê bình cho rằng thơ ca của ông sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc và có sắc thái Đông Phương. Có thể nói chính sự pha trộn văn hóa Đông - Tây, mới - cũ giữa tuổi thơ ấu và quãng trưởng thành đã làm nên những khác biệt trong thơ của Vũ Hoàng Chương.

Điều đó cũng được thể hiện trong tập Thơ Say gần đây đã được tái bản. Theo đó tình yêu là trụ cột chính vẫn luôn xuất hiện trong thi ca ông, từ đó mở đường hướng về quá khứ để trốn tránh hiện tại bế tắc. Tuy thế tình yêu của ông không trường tồn, đắm đuối; mà lại mong manh, e ngại và rồi thất bại, tuyệt vọng, chán chường. Chính trong cảnh ấy mà ông đến với trạng thái siêu hình của say, để thả lòng mình và sống trong thế giới khác.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Ảnh: TL

Nói về tình yêu, trong tập Thơ Say, ta có thể thấy được hai tổ khúc vô cùng trinh nguyên và đầy tươi mát gồm Mùa (đề tặng em Vân) và Yêu (đề tặng Kiều Thu). Đây như là hai tuyệt tác ca tụng ái tình, với những “tình xuân”, “cung Hồ lả lướt trôi”, “duyên nụ tuổi 15”, “gót sen”, “lời suối”… Ở đó có “anh vô tình em ngây thơ” vừa mới yêu nhau, vẫn còn lạ lẫm, đôi chút ngượng ngùng. Tuy thế kết cục của chúng không hề tươi sáng, mà ta sẽ thấy ở ngay tổ khúc Lỡ làng tiếp sau, cũng như từ những trải nghiệm của cuộc đời ông.

Theo đó “thi bá” họ Vũ từng có một lời thề ước với Tố Vân, và cũng là Vân trong lời đề tặng chuỗi Mùa hay tập thơ Mây ra mắt sau đó. Tuy thế bởi việc hứa hôn từ năm 12 tuổi, nàng bỏ chàng đi với cuộc hôn ước. Đáng nói là với gia cảnh khá giả, Vũ Hoàng Chương hoàn toàn có thể thuyết phục Vân thoái hôn, trả lại sính lễ, nhưng chàng đã không làm thế. Từ đó mà những nhạc điệu của khúc Lỡ làng ra đời.

Nhưng dù cho thế thì chính nhà thơ cũng có một sự tôn thờ hướng đến ái tình thiêng liêng. Trong tổ khúc Cưới với những bài thơ như Tối tân hôn, Động phòng hoa chúc, ông đã “thoát hồn khỏi kiếp trần gian” để đến với những hình tượng và thế giới riêng. Cái đẹp của sự giao hòa giữa những thể xác được ông sánh ngang với chính niềm vui khi tìm thấy thơ Đường, để ta được nghe những câu thơ như “ngây ngất rời xứ mộng”, “bỏ cánh lại cung trăng”… cùng những hình tượng “thuyền mây”, “cửa động”… mờ ảo trong tiếng tiêu, sắt, cầm, nguyệt, tì và hương trầm dâng

Chính ông cũng từng nói về tình yêu như sau: “Đã từ lâu, tôi có ước nguyện gom góp lại những bài thơ ‘tình yêu’ viết trong tuổi hoa, để in thành tập riêng, điều đó sẽ giúp tôi sống trọn vẹn cùng muôn ngàn ảo ảnh xa xưa. Đành rằng tình yêu không chịu ràng buộc nào. Tình yêu vốn không tuổi! Nhưng tôi nhiều khi cảm thấy mình đặc biệt ưa thích những bài thơ ‘tình yêu’ viết từ trước tuổi bốn mươi”.

Thế nhưng cuộc tình lại chẳng tày gang, để ngay sau đó họ phải tách biệt trong Bức khăn mời cưới, Đời còn chi hay là Chợ chiều. Trong sự cách xa “vò võ sầu cô liêu”, ông khóc tình phụ, khóc mộng tàn để rồi than rằng “sống để đợi ngày chết, đời còn chi?” Trong chuỗi Lỡ làng, không dưới một lần ông nhắc đến cái chết, cõi âm, bạc mệnh và những linh hồn mong manh. Với nỗi ngậm ngùi thắm thiết rầu rỉ thê lương, tình yêu trong ông “chỉ còn một điểm trắng, hấp hối trong đêm sâu”, kéo theo “sầu chở đầy xe nẻo cố hương”. Và say là thứ khả dĩ cứu vớt đời ông.

Nói về cái “say” thường xuyên xuất hiện trong thi ca của Vũ Hoàng Chương, Hoài Thanh - Hoài Chân trong tập Thi Nhân Việt Nam đã từng nói rằng: “Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của Đông Á: cái nghiệp say […] Cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây có cái vị chua chát, hằn học, và bi đát riêng…”

Trong phong trào Thơ Mới, Vũ Hoàng Chương nổi bật lên hẳn với một phong cách vô cùng độc đáo và đầy mới lạ. Thi ca của ông đi từ trữ tình với những hình ảnh chịu nhiều ảnh hưởng của thơ Đường, cho đến tượng trưng - siêu thực với những ảo ảnh, hư ảnh… có phần buông tuồng, hoang dã, mê đắm đậm chất jazzy của văn hóa Tây phương.

Tập Thơ Say của Vũ Hoàng Chương mới được Nhã Nam tái bản. 

Trong bài Phương xa nổi tiếng, ông tự gọi mình là “lạc loài dăm bảy đứa”, “đầu thai lầm thế kỷ”. Có thể thấy rằng ông không chỉ lạc trong cõi trần hoang sơ, mà còn tách khỏi thể xác để vươn đến những hồn mây, về với quá khứ gần với Đường thi để ủi an mình. Riêng về điều này ta có thể thấy ông rất hay dùng những điển cố, điển tích xưa của Đông Phương như Thiên Thai, Đào Nguyên, bể mây, cung trăng… Do đó những bài thơ như Đà Giang, Tạm ghé thuyền, Nghe hát, Nhớ quê nâu… lại như một mạch nối dài của Tỳ Bà Hành từ Bạch Cư Dị. Ở đó có những điểm chung về các hình tượng đẹp hư vô, tự diệt, không cố định và dễ suy tàn. Trên thực tế ông cũng là người dịch thơ Đường với những bản dịch được đánh giá cao.

Từ những ảnh hưởng kể trên, có thể thấy Vũ Hoàng Chương tự tạo cho mình một thế giới riêng, nơi có Xứ Mê ly, Trời Phóng đãng, Thành Sầu, Xứ Mộng, Trời Quên… Với những “kiến trúc” tưởng như gắn với Thơ Đường, tuy thế ông tạo “lối vào” lại gần Tây phương, khi mang vào đó những siêu thực - tượng trưng với những “hư ảnh”, “tường gương hư ảo bóng giai nhân”… trong “khúc nhạc hồng”, “điệu kèn biếc”… và những đôi chân, khớp gối… đã quá rã rời trong cơn chếnh choáng của jazz, say sưa và cả những chất thức thần.

Vũ Hoàng Chương tách đôi thế giới, bởi mơ và thực chẳng cùng đi đôi. Sự say của ông vừa là trốn tránh hiện thực tàn khốc với tình dở dang, với yêu bơ vơ; mà còn là khoảng không gian để ông đi đến vì ý thức được tài mọn, sức hèn trong việc chuyển hóa những khao khát ấy trở thành hiện thực trong ý thơ, khung tranh hay các bản nhạc. Với ông thực tế “nặng trần ai” và chỉ có “say nàng men” để hồn “cay như quế”, “đắng như mơ” mới là cung cách khả dĩ để lãng quên đời.

Sự thoát hồn này không chỉ đến từ thơ ca, mà trong đời thực ông cũng dường như đang không thực sống. Một học trò trong quãng thời gian ông từng dạy học cũng đã tả lại: “Thầy đi quanh lớp bằng những bước chân nhẹ nhàng, đầu nghểnh cao, mắt xa vắng, giảng bài bằng cái giọng nhừa nhựa thanh thanh. Có những lúc mắt thầy như nhắm hẳn lại, đầu lắc lắc từng chập. Những lúc đó thầy như thoát hồn bay về một trời thơ nào đó. Thầy say thơ. Thầy ngâm thơ như một người đồng thiếp. Như không còn thầy. Như không có trò. Như không phải là một lớp học. Chỉ có một cõi thơ lồng lộng bát ngát”.

Như vậy từ những thất bát trong chuyện ái tình, việc thấy bản thân sức mọn kém tài cũng như thời cuộc có phần đen tối… ông đã chọn “say” như cách thoát khỏi cõi đời phàm tục, để đến với “cõi tạm” khác, nơi ông thấy mình hiện diện và thực sống hơn. Với nhiều thập kỉ sáng tác đa dạng thể loại từ thơ, văn đến cả kịch thơ… Vũ Hoàng Chương đã để lại một sự nghiệp dài và đậm dấu ấn cá nhân, để những Thơ say (1940), Mây (1943), Hoa đăng (1959), Cảm thông (1960), Tâm sự kẻ sang Tần (1961), Trời một phương (1962)... lưu lại ấn tượng với người yêu thơ.

ĐOÀN TUẤN ANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)