Để làm nên một tác phẩm điện ảnh hay, cần có nhiều yếu tố, trong đó điều tiên quyết phải có kịch bản hay. Có kịch bản phim được viết mới hoàn toàn và cũng có những kịch bản phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với TS. Mai Anh Tuấn xoay quanh việc chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản phim. Bài trò chuyện Chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản phim cần lưu tâm đến tính sáng tạo sẽ mở đầu tạp chí số 1007.
Phần Văn xuôi được tiếp nối với chùm truyện ngắn ấn tượng, đặc sắc.
Người một nhà của Hồ Tĩnh Tâm gây sự xúc động xuyên suốt câu chuyện. Chiến tranh, li tán, đau thương tràn lấp. Ba Hưng chia tay vợ con tập kết ra Bắc, Ba Lành ở lại nuôi con đương đầu với trăm ngàn cơ cực do Mĩ Diệm gây nên. Nếu không có Ba Đức xuất hiện thì mẹ con Ba Lành đã âm dương cách biệt. 21 năm sau, Ba Hưng trở về, có những xót xa, có niềm hạnh phúc không thể nói nên lời. Trong bối cảnh ấy, họ sẽ lựa chọn ứng xử với nhau như thế nào…
Vía của rừng của Cầm Thị Đào ấn tượng bởi văn phong đẹp, bảng lảng mơ hồ trong hương sắc núi rừng. Hương sắc ấy cuốn người đọc vào câu chuyện của Pai, của mế và kí ức về bố. Trong thời buổi mọi thứ đều có thể thay thế, đều có thể mất đi, câu chuyện như một nhắc nhớ, một ý nghĩa để chúng ta nhận ra những gì chúng ta thực sự thuộc về. Truyện ngắn cũng đánh dấu sự xuất hiện ấn tượng của cây bút mới Cầm Thị Đào.
Ở quán cà phê Làng Văn là truyện ngắn gợi lên nhiều suy ngẫm về thời cuộc, con người. Vẫn một giọng văn riêng và những mối bận tâm trăn trở riêng, Huy Phạm suy tư về những điều tưởng như là quen thuộc, là bất biến, nhưng trước thời gian và biến động của lòng người dường như mọi thứ đều đang thay đổi trước mắt chúng ta, âm thầm hoặc dữ dội.
Ghi chép Nhập ngũ của Thái Chí Thanh và “kí ức người lính” Bếp lửa chiều đông của Nguyễn Văn Đức cho bạn đọc thêm yêu hình ảnh người lính cũng như sẻ chia, thấu hiểu hơn với những hi sinh của họ.
Phần Thơ với sự tham gia của các tác giả: Đinh Thị Như Thuý, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trang Thanh, Đỗ Trọng Khơi, Đoàn Hữu Nam, Trần Lê Anh Tuấn, Ngô Mậu Tình, Trương Công Tưởng, Trương Thị Bách Mỵ, Đỗ Thành Đồng, Mai Tuyết, Trần Đức Tín, Hoàng Cát, Lê Đức Nghinh, Đỗ Quyên, Phạm Thị Kim Khánh.
Trang thơ cuối tháng 2 mang tới nhiều phong vị của mùa xuân, của đời sống, với những vẻ đẹp và sự lắng sâu. Sự đa thanh, đa giọng điệu cũng như việc các tác giả ở nhiều lứa tuổi, nhiều vùng miền khác nhau làm nên sự sinh động, đặc sắc cho những trang thơ.
“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Trong tiếng vọng Mường Then của Lý Uyên giới thiệu tập thơ Triền non xanh dắt tôi đi mãi của Hữu Vi.
Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Đảo mưa của nhà văn Anzai Mizumaru do Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Thanh Tâm, Tâm Anh, Tôn Phương Lan, Đăng Tiêu, Nguyễn Hữu Minh, Bùi Thị Diệu, Trần Thị Thục.
“… con người vẫn đi về phía trước, thơ ca vẫn là một hình thái nghệ thuật tinh túy, sang trọng/ đáng trọng mà chúng ta có để đánh dấu sự hiện diện có ý nghĩa, sự giao tiếp giữa cá nhân, thế hệ, thời đại và lịch sử - văn hóa.” Bài viết Thơ hiện nay với hôm nay - một phác thảo ngắn sẽ có những lời bàn về giá trị của thơ với đời sống, con người hôm nay.
Đối thoại liên ngành được xem là xu thế chung của các ngành khoa học hiện đại, trong đó có văn học và y học, Đối thoại liên ngành văn học - y học trong tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại là một bài viết thú vị về vấn đề này.
Nguyên Ngọc viết về chiến tranh là viết về những chiến công hình thành từ những người anh hùng đã được vinh danh và viết về cả những người anh hùng vô danh đã lặng lẽ làm những viên đá lát đường trên con đường đưa dân tộc tới đài chiến thắng. Bài viết Nguyên Ngọc và những tác phẩm tôn vinh người lính Cụ Hồ sẽ chứng minh điều này.
Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1007 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/2/2023. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
Đoàn Minh Tâm
Chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản phim cần lưu tâm đến tính sáng tạo
Hồ Tĩnh Tâm
Người một nhà
Thái Chí Thanh
Nhập ngũ
Nguyễn Văn Đức
Bếp lửa chiều đông
Cầm Thị Đào
Vía của rừng
Huy Phạm
Ở quán cà phê Làng Văn
Thơ
Đinh Thị Như Thúy
Dưới vòm cây đã náo động tiếng chim; Chẳng có gì bí mật;
Mỗi ngày đốt một nụ trầm
Trang Thanh
Ước; Bóng chim không về; Thinh lặng
Nguyễn Thị Ngọc Hà
Không chịu cũ; Mẹ chồng
Đỗ Trọng Khơi
Cỏ hoa; Nhớ quê
Đoàn Hữu Nam
Hết giêng rồi; Một mình sang sông
Trần Lê Anh Tuấn
Đêm sử thi; Ngựa thồ
Ngô Mậu Tình
Âm vọng; Mùa đông
Trương Công Tưởng
Thênh thang nắng mai; Đêm thức
Lý Uyên
Trong tiếng vọng Mường Then… (Đọc Triền non xanh dắt tôi đi mãi của Hữu Vi)
Trương Thị Bách Mỵ
Thư gửi mẹ; Mùa xuân trên núi Tu Di
Đỗ Thành Đồng
Cầm đêm
Mai Tuyết
Tiếng chim xanh ngang cửa
Trần Đức Tín
Và tiếng ngựa hoang mang
Hoàng Cát
Tàu Vinh
Lê Đức Nghinh
Lên động Ông Do
Đỗ Quyên
Biển xanh con tàu trắng
Phạm Thị Kim Khánh
Cột vía
Văn học nước ngoài
Anzai Mizumaru
Đảo mưa (Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ)
Bình luận văn nghệ
Nguyễn Thanh Tâm
Thơ hiện nay với hôm nay - một phác thảo ngắn
Tâm Anh
Bốn thế hệ nhà văn Quân đội và những tác phẩm viết về Bác Hồ
Tôn Phương Lan
Nguyên Ngọc và những tác phẩm tôn vinh người lính Cụ Hồ
Đăng Tiêu
Nhà thơ Hoàng Trung Thông: nhập cuộc và chênh vênh
Nguyễn Hữu Minh
Đối thoại liên ngành văn học - y học trong tiểu thuyết
nữ Việt Nam đương đại
Bùi Thị Diệu
Bạch Diệp “khuấy thinh lặng trong tách trà màu bạc”
Trần Thị Thục
Tấm Cám: chuyện chưa kể - một cách kể lại cổ tích
và kiến tạo căn tính dân tộc
Minh hoạ, ảnh
Bìa 1: Kỉ vật kháng chiến Tranh của hoạ sĩ Trịnh Bá Quát
VNQD