Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển, những năm gần đây xã hội và văn hoá Việt Nam có những thay đổi mạnh mẽ, kể cả về ngôn ngữ. Ngoài tiếng Việt thì các ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… cũng được sử dụng với tần suất cao trong các hoạt động đối ngoại, khoa học, kinh tế và văn hoá. Đặc san Văn hoá Quân sự đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS, nhà văn Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hoá phương Đông về vấn đề này. |
- Thưa PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, theo quan sát của ông với tư cách người làm chuyên môn thì sự phát triển, biến chuyển của kinh tế, xã hội và văn hoá có ảnh hưởng đến ngôn ngữ không và nếu có thì các xu hướng thay đổi/ tác động đối với ngôn ngữ là gì?
+ Với tư cách của người nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt, tôi cho rằng, sự phát triển, biến chuyển của kinh tế, xã hội và văn hoá có ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ. Những tác động của nó đối với ngôn ngữ là rất rõ ràng. Nói cụ thể hơn, khi nền kinh tế chuyển sang hội nhập khu vực và thế giới, phát triển theo cơ chế thị trường thì rất nhiều khái niệm mới, từ ngữ mới đã được bổ sung vào kho từ vựng, được định nghĩa trong các từ điển và được sử dụng rộng rãi thường xuyên trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Ví dụ, các từ, cụm từ như: “con trỏ”, “máy tính”, “đầu vào”, “đầu ra”, “nhập siêu”, “thời đại a còng”, “cách mạng 4.0”, “thị trường chứng khoán”, “thị trường bất động sản”… Đây là xu hướng tích cực của quá trình biến đổi ngôn ngữ. Nó làm giàu có và làm phong phú thêm vốn từ của dân tộc. Tất nhiên bên cạnh các tác động tích cực thì nó cũng có cả những tác động tiêu cực nữa.
- Ông đánh giá thế nào khi một số ngôn ngữ nước ngoài được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam những năm gần đây, thậm chí nó đã len lỏi vào cuộc sống hàng ngày, trong những hoạt động thông thường?
+ Trong những năm gần đây, do xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế, người Việt đã có những thay đổi căn bản trong cách học ngoại ngữ. Nếu trước đây, ngoại ngữ được người Việt quan tâm là tiếng Nga, tiếng Trung và một số tiếng của các nước thuộc khối XHCN cũ thì gần đây, xu hướng chung là chuyển mạnh sang học tiếng Anh, Nhật, Hàn Quốc… Ngoại ngữ có một “phổ” rộng hơn cho lớp trẻ. Chính vì thế, ngoại ngữ cũng đi vào giao tiếp đời sống một cách mạnh mẽ hơn trong các hoạt động và sinh hoạt thường ngày. Điều đó nảy sinh các hiện tượng giao thoa ngôn ngữ, lai tạp ngôn ngữ. Đương nhiên, các hiện tượng đó có tác động không nhỏ tới tiếng Việt, nhất là tới vấn đề chuẩn hóa và tính trong sáng của ngôn ngữ.
- Vậy theo ông, chúng ta cần biết lo lắng bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt hay cứ để nó tự phát triển theo nhu cầu và xu thế của xã hội?
+ Sự lai tạp trong cách sử dụng ngôn ngữ (giữa tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ) một khi không kiểm soát được sẽ có tác động tiêu cực, làm vẩn đục ngôn ngữ. Cụ thể là, trong không ít trường hợp nó làm biến dạng và méo mó đi vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt. Về điều này, chúng ta có thể tìm ra vô số ví dụ trên báo Hoa học trò và ngôn ngữ “chat” trên mạng của thanh thiếu niên. Tình trạng này không khỏi dẫn đến sự lo lắng của toàn xã hội về các hiện tượng biến dạng của chữ viết một cách tùy tiện, cũng như tính trong sáng thuần khiết của tiếng Việt. Do đó, theo tôi, một mặt cần chú ý đến nhu cầu phát triển khách quan của ngôn ngữ, nhưng mặt khác cần phải có sự định hướng mang tính chiến lược, không thể để các hiện tượng tiêu cực phát triển bừa bãi mà không có kiểm soát.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt và học viên nước ngoài học tiếng Việt
- Tôi để ý rằng khoảng vài chục năm trở lại đây, rất nhiều từ tiếng Việt (không hẳn là từ cổ) đã ít được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày và thậm chí mất dần đi. Chúng gần như chỉ xuất hiện trong các tác phẩm văn chương khi một số nhà văn có ý bảo tồn, lưu giữ chúng. Ông đánh giá thế nào về vai trò của văn học trong việc bảo tồn, giữ gìn và làm giàu tiếng Việt?
+ Văn học có vai trò rất lớn trong việc bảo tồn, giữ gìn và làm giàu tiếng Việt. Bởi ai cũng biết, văn học là bức tranh phản ánh cuộc sống một cách sống động nhất. Ở đó, mỗi tác phẩm văn học là một mảng hiện thực của đời sống xã hội được tái tạo qua ngòi bút của các nhà văn. Trong quá trình tái tạo đó, nhà văn đã góp phần tạo ra các chuẩn mực ngôn ngữ và đấu tranh chống lại tính phi chuẩn mực (một cách tự nhiên). Nhà văn viết đúng hay viết sai đều là tấm gương soi cho xã hội. Các tầng lớp trẻ tuổi có thể học theo cách sử dụng ngôn ngữ của các nhà văn một cách vô ý thức. Do đó, sự cẩn trọng trong sử dụng ngôn ngữ của nhà văn là một đòi hỏi lớn của xã hội. Trong thực tiễn sáng tác văn học, cũng có một số nhà văn hay viết bừa, viết ẩu mà lại nghĩ đó là sự sáng tạo cá nhân.
- Và ông dự đoán ra sao về sự phát triển của tiếng Việt trong thời gian sắp tới? Liệu có cần cải cách cơ bản tiếng/chữ Việt như từng có người đề xuất hay tiếp tục bảo vệ, duy trì những gì đã có và hoàn thiện nó, ví dụ như ra được bộ luật về tiếng Việt, bộ luật về quy chuẩn chính tả một cách đồng bộ và thống nhất?
+ Tôi cho rằng, tiếng Việt có một cơ chế phát triển rất riêng. Vì vậy, qua hàng ngàn năm, nó không bị đồng hóa bởi ngôn ngữ nước ngoài, ngay cả những lúc dân tộc bị mất chủ quyền. Giờ đây, đất nước đã thống nhất, chủ quyền dân tộc đã được quốc tế thừa nhận nên tiếng Việt càng có điều kiện để phát triển mạnh mẽ và hoàn thiện. Từ trước đến nay có nhiều lần người ta nghĩ đến việc cải tiến chữ Quốc ngữ, nhằm thay đổi bản sắc tiếng Việt. Gần đây nhất là đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền. Nhưng ông đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của toàn thể xã hội, cho thấy, mọi ý đồ cải cách đều không cần thiết. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần duy trì cái ta đang có và tiếp tục hoàn thiện để tiếng Việt ngày càng phát triển theo hướng tích cực, đáp ứng được nhu cầu của giao tiếp cũng như phát triển văn hóa xã hội trong giai đoạn mới. Muốn làm được điều này, chúng ta cần sớm có bộ luật về ngôn ngữ và tiếng Việt sao cho thống nhất được các quy tắc hiện chưa được đồng bộ thống nhất như chính tả, phiên âm tiếng nước ngoài… để tránh được tình trạng lộn xộn trong sử dụng tiếng Việt.
- Xin cảm ơn ông!
PV
VNQD