VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Thơ ca bộc lộ những góc khuất và bản tính của con người

Chủ Nhật, 16/10/2022 15:29

Vũ Gia Hà ( tên thật là Vũ Văn Đoàn) sinh năm 1990 tại Thanh Hóa. Hoa nở trong trăng là tập thơ đầu tay của anh sau hơn 10 năm bước chân vào văn chương. Có thể thấy ở 88 bài thơ là một Vũ Gia Hà với những chiêm nghiệm, trăn trở về con người, tình yêu, cuộc sống và những mộng tưởng. Những chia sẻ của anh xoay quanh tập thơ.

- Hoa nở trong trăng, cái tên này có gì đặc biệt để anh lựa chọn làm nhan đề cho cả tập thơ?

+ Trước tiên, tôi yêu thiên nhiên, nên chọn trăng và hoa. Trăng và hoa là biểu tượng của cái đẹp. Hoa thực, có thể nắm bắt được. Trăng tuy thấy, nhưng không nắm bắt được. Hai thứ này bổ trợ và cân bằng nhau.

- Việc sắp xếp bài thơ Hoa nở trong trăng ở cuối cùng trong tập thơ có ngụ ý gì?

+ Tên bài thơ “Hoa nở trong trăng” ở cuối tập thơ cũng là tên tập thơ, như khép lại một hành trình của người viết. Từ đó, cũng mở ra những khoảng không khác không cùng. Khép mở cùng xuất hiện triền miên, vô tận.

- Bài thơ mở đầu cho tập thơ có tên là Tôi 25 tuổi. Phải chăng thời điểm này đánh dấu một mốc quan trọng trọng cuộc đời hay con đường sáng tác của anh?

+ Đúng vậy! Những bài thơ trong tập phần lớn là những bài thơ được tôi viết rải rác từ nhiều năm trước đến tuổi 25. Nếu đúng như dự định ban đầu, tập thơ đã ra đời khi tôi 25 tuổi. Nếu in lúc này, tập thơ sẽ không được 88 bài. Nhưng sau này, tôi đã chọn lại, và thêm ít bài viết quãng gần lúc in sách.

Tập thơ Hoa nở trong trăng của Vũ Gia Hà.

- Khi khép lại toàn bộ tập thơ, người đọc cảm nhận được rõ nét một tâm trạng sầu bi xuyên suốt vì sự đời, sự người, cùng với đó là một thái độ “thờ ơ”. Vì sao vậy?

+ Sầu bi là một phần của con người, không tách rời. Trong tập cũng có nhiều bài cười ngất đó chứ! (cười). Thái độ “thờ ơ” ư, có lẽ tôi không như vậy! Tập thơ được tôi viết với nhiều tâm trạng, nhiều phong cách, cuối cùng cũng chỉ mong con người sống đẹp, và lương thiện hơn thôi.

- Ngoài tâm trạng sầu bi ấy, trong tập thơ anh có viết nhiều về những truyền thống của người Việt như Mùng 5 tháng 5, Một hôm ở chùa, Lễ chùa ven sông, Đi chùa, Mùng một... Những nét truyền thống ấy đã cho anh cảm xúc thơ như thế nào?

+ Việt Nam có lịch sử lâu đời, là nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá lớn trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, rồi Đạo Phật từ Ấn Độ. Tự thân Việt Nam có tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ cúng ông bà tổ tiên. Trong mỗi người dân Việt Nam, hầu như ai cũng thuộc câu uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, đó là sự biết ơn. Văn hoá, đặc biệt là văn hoá truyền thống còn lưu giữ đến hôm nay, đó là tinh hoa tốt đẹp mà cha ông để lại. Tự thân tôi muốn lưu giữ lại bằng thơ. Từ nhỏ, tôi được sống trong những nét đẹp đó. Nhiều lần, tôi theo bà, theo mẹ đến chùa. Những lần coi bố khấn lễ ngày rằm, mùng một. Đó là những kí ức tốt đẹp, ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của tôi sau này. Giúp tôi sống tốt và biết sống từ bi. Giúp tôi biết sợ. Con người sống không biết sợ thì đáng sợ lắm.

- Trong phần 2 của tập thơ là Cõi tình yêu, độc giả thấy được một tình yêu đầy sắc màu và gợi ra những suy nghiệm. Hiện nay, không ít những tình yêu xuất phát từ vật chất và sự vụ lợi. Anh có suy nghĩ gì về điều này?

+ Không phải bây giờ mới có những mối tình vì vật chất, vụ lợi; mà trước đây cũng vậy. Tình yêu mà không vì tình yêu thì không phải là tình yêu. Và mối quan hệ đó khó được bền chặt.

- Vậy anh quan niệm như thế nào về một tình yêu đúng nghĩa?

+ Mỗi người có một định nghĩa về tình yêu đúng nghĩa. Tuỳ kinh nghiệm và sự từng trải trong mỗi chúng ta. Với tôi, tình yêu đúng nghĩa là tình yêu vì con người, không vì một thứ gì khác ngoài tình yêu. Khi bạn có một tình yêu đúng nghĩa, thì bạn là người thật sự hạnh phúc, cho dù bạn không giàu sang. Khi có tình yêu đúng nghĩa, người ta sẽ vượt qua được nghịch cảnh.

- Nhà phê bình văn học người Nga, Bêlinxki đã từng nói: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Còn anh thì sao? Quan điểm về thơ ca của anh thế nào?

+ Tôi cũng nghĩ như vậy. Hãy sống tốt rồi hãy viết. Anh không sống chân thành thì bài thơ anh viết ra sẽ giả dối. Thơ ca là sự bộc lộ những góc khuất và bản tính của con người. Nên người viết khó lòng mà giấu diếm được.

Tác giả Vũ Gia Hà. Ảnh: NVCC

- Anh quan điểm như thế nào về tính nghệ thuật và tính hiện thực trong thơ?

+ Thơ ca cũng như văn xuôi, muốn có tác phẩm hay, trước tiên, tác phẩm đó phải vì con người, dù là anh muốn cách tân thế nào đi nữa. Nghệ thuật lúc nào cũng cao hơn hiện thực. Nhưng nghệ thuật mà tách rời hiện thực thì thành hình thức vô nghĩa. Hiện thực nếu được nhào nặn qua bậc thầy nghệ thuật thì hấp dẫn. Hiện thực như cô gái, nghệ thuật như son, phấn, trang sức, y phục. Rõ ràng, cô gái đẹp hơn khi có sự kết hợp của son, phấn, trang sức, y phục.

- Phần cuối cùng trong tập thơ có tên Cõi siêu tưởng, dường như là sự lắng lại trong tâm hồn và xúc cảm, đồng thời người đọc cũng thấy được những trăn trở về một cuộc sống đầy rẫy những rối ren, cạm bẫy. Có bi quan quá không khi người ta vẫn nói thơ ca là sự cứu rỗi cho tâm hồn con người?

+ Là người sáng tạo thơ ca nên tôi luôn coi trọng “nàng thơ”, nhưng cũng không đến mức coi thơ ca cao hơn hẳn những nghệ thuật khác. Mỗi môn nghệ thuật đều giúp con người tốt hơn nếu bản thân tự nó mang chân thiện mĩ. Tuy nhiên, dường như thơ ca từ khởi thuỷ có cái gì đó mà không ai lí giải nổi, kể cả những triết gia từng bàn về thơ ca. Thơ ca đối với đời sống con người từ xưa là không thể tách rời. Hiện nay, thơ ca cũng vậy, nó có cách đi riêng vào tâm hồn con người.

- Mỗi tác phẩm văn học đều ẩn chứa những thông điệp. Thông điệp mà anh muốn gửi đến bạn đọc khi gấp lại tập thơ này là gì?

+ Nói thông điệp thì hơi to tát. Tôi chỉ mong muốn cái ác giảm đi, con người yêu thương nhau nhiều hơn. Con người là một phần của tự nhiên, vì vậy càng phải biết yêu và hiểu cái lẽ tự nhiên. Chúng ta cũng nên biết lưu giữ lại những kí ức, hình ảnh đẹp đã qua. Chưa bao giờ con người có đầy đủ tiện nghi, vật chất phục vụ cuộc sống như hôm nay. Nhưng chính nó cũng làm ta rời xa nhau, khó thấu hiểu nhau, tàn phá thiên nhiên. Vì những lẽ đó, tập thơ của tôi một phần muốn thôi thúc con người nhìn nhận lại chính mình, hiểu chính mình. Biết những điều tệ hại đã gây ra mà tránh đi, không lặp lại. Và sau cùng, là mong muốn con người sống từ bi, sống đẹp hơn.

Cám ơn anh đã chia sẻ!

PHẠM THỊ HƯỜNG thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)