Văn nghệ dân tộc thiểu số là tiếng nói tâm hồn, tình cảm, tư tưởng, thẩm mĩ, ý thức công dân của các văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số. Hơn ai hết, họ là người phát ngôn trung thực nhất cho dân tộc, cộng đồng mình, từ đó góp phần lưu giữ và lan tỏa hệ giá trị tốt đẹp của đồng bào các dân tộc anh em vào sự phát triển chung của đất nước. Nhân dịp Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam chuẩn bị tổ chức Hội nghị “Định hướng phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số đến năm 2030”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam để cùng đánh giá, cùng bàn thảo cũng như hi vọng về những điều tốt đẹp mà Hội nghị mang lại.
- Nhằm giúp bạn đọc rộng đường hình dung về Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, ông có thể khái quát đôi nét dấu mốc hình thành của Hội?
+ Có thể nói, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại xuất hiện từ trước Cách mạng tháng Tám, và trưởng thành vượt bậc trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, đặc biệt là trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ở bất cứ giai đoạn nào, đội ngũ văn nghệ sĩ là con em các dân tộc thiểu số đều sôi nổi, tự tin bước lên diễn đàn văn học nghệ thuật, góp tiếng nói của dân tộc mình hoà vào tiếng nói chung của thời đại.
Sau chiến tranh chống Mĩ, nhất là cuối những năm 1980, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số đã xuất hiện một loạt tác giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ biểu diễn là con em của hơn 30 (trên 53) dân tộc thiểu số khác nhau trên khắp các vùng miền đất nước. Để quy tụ, đoàn kết, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ sáng tạo cho các văn nghệ sĩ là người dân tộc tiểu số, ngày 18/11/1991, Hội những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, gọi tắt là Hội Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đã được thành lập theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Đến Hội nghị Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 12/9/1996, Hội được kết nạp là thành viên của Liên hiệp và để phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ mới, Hội được đổi tên là Hội Văn hóa - Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tháng 3/1997, Thường vụ Bộ Chính trị đã có ý kiến chỉ đạo, đồng ý Hội được hưởng quy chế như các hội văn học nghệ thuật khác, đồng thời cho phép tiến hành Đại hội lần thứ II.
Trong hai ngày 19 và 20/12/1997, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Hội đã họp tại Hà Nội. Đại hội vinh dự được đón tiếp đồng chí Đỗ Mười - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự và có bài phát biểu quan trọng, trong đó đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số, làm giàu nền văn hóa Việt Nam”. Đại hội cũng đã nhất trí đổi tên Hội thành Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
- Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại trước Cách mạng đã xuất hiện như thế nào, thưa ông?
+ Vâng, loại hình xuất hiện đầu tiên là thơ. Những bài thơ ra đời lúc bấy giờ được sáng tác bằng tiếng dân tộc, các tác giả dựa vào làn điệu dân ca của dân tộc mình để làm thơ đặt lời cho bà con hát với nội dung chủ yếu là tuyên truyền vận động cách mạng, động viên lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu và ủng hộ kháng chiến của đồng bào dân tộc. Bài thơ Nhắn bạn của nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ sáng tác trước ngày bị thực dân Pháp xử bắn (24/5/1944) là bài thơ đầu tiên của một tác giả dân tộc thiểu số viết bằng tiếng Kinh theo thể thơ thất ngôn quen thuộc thời bấy giờ.
- Cách mạng tháng Tám thành công, chấm dứt ách thống trị của thực dân phong kiến với những thổ ti, quan lang, vua Mèo…, đồng bào bước vào cuộc “đổi đời” vĩ đại nhất trong lịch sử. Vậy văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số đã hoà mình vào “luồng sống” mới ấy ra sao?
+ Cuộc sống biệt lập giữa rừng núi, lối sống du canh du cư cùng những ảnh hưởng nặng nề trong chính sách “chia để trị” của thực dân phong kiến đã kiềm chế và làm chậm sự phát triển, nền văn minh của đồng bào dân tộc. Ánh sáng văn hoá ấy chỉ thực sự đến khi đồng bào được tiếp xúc với những chiến sĩ cách mạng đi xây dựng phong trào Việt Minh kháng Nhật, đánh Pháp. Thời điểm này, văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số chưa có nhiều tác giả cũng như tác phẩm. Phải đến những năm năm mươi của thế kỉ XX và xa hơn nữa mới xuất hiện các tác phẩm văn học nghệ thuật đáng kể như: Tọn mà bản - Dọn về làng của Nông Quốc Chấn (1950); Cưa khửn đông - Muối lên rừng, truyện thơ của Nông Minh Châu; Boỏng tàng tập éo - Đoạn đường ngoặt, tập truyện của Nông Viết Toại... Phần lớn những tác phẩm này đều viết về cuộc sống, phong tục tập quán của đồng bào, đồng thời ca ngợi những người con của dân tộc mình đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ để tuyên truyền, cổ vũ cho các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào…
Tuy rằng sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số còn mang đậm dấu ấn dân gian dân tộc với vẻ mộc mạc, hồn nhiên, thậm chí thô vụng, nhưng phần nào đã khắc họa được bức tranh sinh động của cuộc sống, con người miền núi. Đó là nền tảng cơ bản để văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số có dịp được vun vén, phát triển.
- Ông có thể chia sẻ thêm về lực lượng sáng tác văn học của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số ở giai đoạn sau này? Liệu lực lượng sáng tác ấy đã đủ sức phản ánh về đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… của đồng bào các dân tộc thiểu số?
+ Có thể nói, hiện thực cuộc sống và chiến đấu, xây dựng quê hương của đồng bào vùng cao được phản ánh khá đầy đủ và sinh động trong thơ của Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cầm Biêu, Hoàng Nó, Lương Quy Nhân, Đinh Sơn, văn xuôi của Y Điêng, Nông Minh Châu... giai đoạn chống Pháp. Các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số đã bắt nhịp nhanh chóng với yêu cầu, xu thế phát triển chung. Ngòi bút của họ hướng nhiều hơn vào tính cách, đời sống nội tâm của nhân vật, và đặc biệt, đã có tính nghệ thuật trong văn chương. Các tác phẩm không chỉ còn là những bài tuyên truyền, cổ động như những sáng tác giai đoạn trước mà một số cây bút mới như Triều Ân, Hoàng Hạc, Vi Hồng, Hoàng Đình Quý, Mã Thế Vinh, Vi Thị Kim Bình, Vương Trung, Vương Anh... đã xác định rõ vai trò, vị thế tác giả, biết khai thác nét đặc trưng về văn hóa, tâm tư, tình cảm của dân tộc mình để đưa vào tác phẩm.
Sau đó là thời kì nở rộ của các thể loại văn học, xuất hiện một loạt gương mặt mới, tài năng bổ sung vào đội ngũ sáng tác văn học dân tộc thiểu số như Mã A Lềnh, Triệu Lam Châu, Lò Cao Nhum, Y Phương, Lâm Quý, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn, Dương Thuấn, Cao Duy Sơn, Lâm Quý, Inrasara, Ma Trường Nguyên, Triệu Kim Văn, Bùi Thị Tuyết Mai, Dương Khâu Luông... Ngoài việc bước tiếp truyền thống sáng tác của các nhà văn thế hệ đi trước, thế hệ mới này còn có sự sáng tạo đặc biệt cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Bên cạnh việc phô diễn những nét tinh hoa, đặc sắc văn hóa của dân tộc mình, họ còn chú trọng khai thác, đào sâu đời sống văn hóa tâm linh, đời sống vật chất của tộc người và quan tâm nhiều hơn đến lí luận phê bình cùng các quan điểm, khuynh hướng sáng tác… qua đó giúp người đọc nhận ra được những nét rất riêng của mỗi dân tộc, làm thức dậy trong lòng công chúng tình yêu văn hóa, văn học của các dân tộc thiểu số.
Hiện nay, số lượng hội viên ở chuyên ngành văn học của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ nhiều nhất (trên 50% hội viên). Số lượng hội viên ở chuyên ngành văn học nhiều là vậy nhưng lại không đồng đều, nhiều dân tộc thiểu số chưa có văn nghệ sĩ của dân tộc mình (18/53). Hi vọng với sự nghiệp giáo dục, văn hóa ở miền núi được đẩy mạnh, chúng ta sẽ có thêm con em các dân tộc ấy trở thành những trí thức, văn nghệ sĩ đại diện cho tiếng nói trí tuệ và tâm hồn của dân tộc mình, sánh vai cùng các dân tộc khác.
- Dường như, phông nền văn hoá là mẫu số chung và mặc nhiên trở thành dòng cảm hứng cũng như căn tính sáng tạo của nghệ sĩ dân tộc thiểu số. Và, việc định danh văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số liệu có tự làm khu biệt nó?
+ Lấy phông nền văn hoá mà hình thành căn tính sáng tạo cho văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số cũng dễ hiểu thôi. Văn học nghệ thuật là tấm gương phản ánh xã hội. Các vấn đề của đời sống và lịch sử của tộc người, đến thế giới tinh thần đều được chắt lọc qua cách cảm, cách nghĩ, đánh giá, nhận thức, diễn đạt và thể hiện của người nghệ sĩ cụ thể. Nếu anh không dựa vào nguồn tri thức và cảm hứng sáng tạo mà anh có thì không có gì để chú ý nữa.
Hình thành, phát triển để hợp thành bộ phận đời sống văn nghệ chung của cả nước, được định danh là văn nghệ dân tộc thiểu số, không có nghĩa là khu biệt nó, trái lại muốn làm đậm nét hơn một đặc tính của văn học nghệ thuật nói chung cũng đều phải được bắt rễ từ một cộng đồng cụ thể, một nền văn hóa cụ thể, tức là mang một “căn cước” cụ thể.
- Theo ông, lớp trẻ văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số hiện nay đang ở vị trí nào trong dòng chảy văn học nghệ thuật của nước nhà?
+ Tất cả các lĩnh vực đều hi vọng, trông đợi ở lớp trẻ, không riêng gì văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số. Nhưng với văn học nghệ thuật thì được định lượng rồi, lấy tác phẩm để định danh tác giả. Một thế hệ tác giả văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh, sau Đổi mới đã được định hình trong dòng chảy chung của văn nghệ nước nhà như: Niê Thanh Mai, Vi Thuỳ Linh, Hoàng Chiến Thắng, Đồng Chuông Tử, Nông Quang Khiêm, Phạm Tiến Triều, Lý Hữu Lương, Vi Chôồng, Nguyễn Văn Toan… Ở những tác giả này ta thấy được sự nhạy bén với cái mới, cái lạ, cái phi truyền thống. Sức sáng tạo và ảnh hưởng của văn học nghệ thuật Việt/ Kinh và văn học nghệ thuật phi truyền thống mạnh mẽ hơn các thế hệ trước. Nhiều tác giả dẫu đã thoát li quê hương, xa rời cộng đồng dân tộc từ nhỏ hoặc sinh ra ở thị xã, thành phố, nhưng tận sâu thẳm tâm hồn họ, tâm thức dân tộc vẫn hiện lên mạnh mẽ, hương vị của núi rừng vẫn khá độc đáo.
Hiện nay ở các dân tộc thiểu số luôn xuất hiện tác giả là người trẻ, nhưng tính ra mỗi tỉnh may lắm cũng chỉ được 1 - 2 người. Đấy là may ra thôi, chứ nói chung, văn nghệ dân tộc thiểu số vẫn chưa có lực lượng thay thế cho đội ngũ đang ngày một già hóa. Theo một thống kê gần đây, hội viên dưới 35 tuổi chỉ có 12 hội viên, chiếm 1% trên tổng số hội viên; hội viên dưới 45 tuổi chiếm 7% trên tổng số hội viên. Như thế là quá mỏng, lại thiên lệch về dân tộc. Có nhiều dân tộc có dân số đông, có bề dày văn hóa nhưng không có tác giả. Hội luôn cởi mở trong việc phát hiện nhân tố, rồi tập trung cho theo học các lớp bồi dưỡng, mời dự các trại sáng tác dành riêng cho lớp trẻ. Lực lượng trẻ hiện nay hầu hết đều được học hành đến nơi đến chốn, kiến thức rộng rãi hơn, tiến bộ hơn, họ sẽ viết phù hợp với cái mới, với giọng điệu bây giờ. Đó cũng là điều đáng để chúng ta kì vọng, phải không?
- Vâng, trong thế giới hiện đại, nhiều giá trị văn hoá truyền thống đã biến đổi, kéo theo cả những mặt trái, tác động xấu đến lối sống, lối nghĩ, lối ăn ở của đồng bào, liệu điều đó có ảnh hưởng đến các sáng tác của đội ngũ người viết dân tộc thiểu số? Các tác giả của dân tộc thiểu số đã sẵn sàng cho sự biến động ấy?
+ Trong tiến trình phát triển của mỗi dân tộc, giao lưu văn hóa là quy luật phổ biến. Nhưng quá trình giao lưu, phát triển và hội nhập cũng có thể làm mai một, làm biến mất một nền văn hoá. Thực tế, một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những nơi phát triển dịch vụ du lịch, phong tục tập quán, các giá trị nghệ thuật truyền thống như âm nhạc, múa, trang phục... không những không được bảo tồn phát triển, mà ngược lại ngày càng bị mai một, thậm chí biến chất. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận sự tích cực của hội nhập, nhiều khi nó không làm mất đi bản sắc văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số, mà trái lại bản sắc ngày càng được củng cố và phát triển. Biết thêm văn hóa của dân tộc khác là để trân trọng văn hóa của dân tộc mình hơn và sẽ càng làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc mình. Chúng ta không thể quan niệm rằng bản sắc dân tộc là bất biến mà nó luôn luôn vận động và phát triển. Điều đó thấy rõ nhất là khi hội nhập thì văn học, ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực... tất cả đều phát triển. Cho nên, người làm văn học nghệ thuật cũng vậy, anh không thể ì ạch mãi với tư duy cũ, thời đại buộc anh phải thay đổi, thay đổi để thích ứng, tồn tại và phát triển.
- Sáng tác bằng chữ viết hoặc tiếng dân tộc thì sao, thưa ông?
+ Nước ta có gần 30 dân tộc thiểu số có chữ viết (Tày, Thái, Dao, Khơme, Nùng, Mông, Giarai…) nhưng số người biết chữ dân tộc mình hiện nay đếm trên đầu ngón tay nên có sáng tác cũng không có người đọc. Đó là chưa kể đến sáng tác bằng tiếng dân tộc phải kì công lắm mới in được vì các phông chữ thiểu số này chưa có sẵn trên máy vi tính nên chỉ có thể viết tay, chụp lại rồi in ra cho mọi người cùng đọc. Sáng tác bằng tiếng dân tộc là cái tốt nhưng phải được xây dựng trên cơ sở giáo dục, giáo dục chưa làm thì các văn nghệ sĩ có muốn làm cũng khó.
- Từ năm 2016, Hội đã xây dựng kế hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” giai đoạn I (2015 - 2020). Bộ mặt văn nghệ dân tộc thiểu số đã có biến đổi gì sau khi được thụ hưởng lợi ích do Đề án mang lại, thưa ông?
+ Có thể nói, lợi ích từ Đề án mang lại đã làm một số mặt văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, trước nhất nó tạo động lực để các tác giả sáng tác ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật mang hơi thở vùng dân tộc thiểu số, huy động được nhân lực, vật lực trong nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, xuất bản, phát hành và quảng bá các công trình văn học nghệ thuật về các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Qua Đề án, chúng tôi đã biên tập, biên soạn và phát hành khoảng 1.500 công trình, tác phẩm được chọn lọc từ kho tài liệu hơn 2.500 tác phẩm, công trình được nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác. Xuất bản 1.500 sách điện tử được chuyển từ 1.500 tác phẩm, công trình nêu trên. Xây dựng được bộ sách gồm 54 sách 3D của 54 dân tộc, giới thiệu về những đặc trưng của từng dân tộc, ngôn ngữ, địa bàn cư trú, phân bố dân cư, hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa. 54 phim tài liệu, phim chuyên đề giới thiệu về tộc người hoặc phim chuyên đề về văn hóa, lễ hội dân gian, tín ngưỡng dân gian, nghề thủ công truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ cũng như âm nhạc nghệ thuật truyền thống... Tất cả hệ thống tư liệu được đăng tải trên trang tin điện tử của Đề án bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài; bảo đảm cung cấp các thông tin cơ bản, tiêu biểu nhất về văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc một cách rộng rãi, dễ dàng, thuận lợi sử dụng, truy cập trên máy tính để bàn và trên các thiết bị điện tử cầm tay… Nhiều thư viện, điểm thư viện trường trung học ở nơi vùng sâu vùng xa, trường dân tộc nội trú, tủ sách Bộ đội Biên phòng được hưởng lợi từ Đề án.
- Sắp tới Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị “Định hướng phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số đến năm 2030”. Chúng ta có thể kì vọng điều gì ở Hội nghị này?
+ Đây là hoạt động trọng điểm, một diễn đàn lớn trong năm 2022 của Hội, là cơ hội để chúng ta được lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các nhà quản lí, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ về những thành tựu, hạn chế của nền văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số ở tất cả các chuyên ngành trong những năm qua. Từ đó định vị lại vị trí, vai trò của nền văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay, đồng thời bàn thảo những phương hướng, định hướng phát triển đến năm 2030. Với Hội nghị này, chúng tôi hi vọng nền văn nghệ dân tộc thiểu số ngày càng có những tác phẩm văn học nghệ thuật ưu tú và là những mảnh ghép giàu bản sắc của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.
- Hi vọng Hội nghị sẽ gặt hái nhiều kết quả như mong đợi. Trân trọng cám ơn ông vì cuộc trò chuyện này!
LÝ HỮU LƯƠNG thực hiện
VNQD