VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nguyễn Vĩnh Nguyên, lữ khách trong khu rừng mù sương

Thứ Tư, 09/11/2022 16:08

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới nhất Thành phố Những lục địa bay, "nhà văn  cuả Đà Lạt" Nguyễn Vĩnh Nguyên đã nói nhiều hơn về sự gắn bó của anh với vùng đất này, về cách viết mới mẻ cũng như những trải nghiệm giờ đây mới kịp xuất hiện trên con đường lữ khách không ngừng của mình. Chỉ có một thời gian ngắn gắn bó với Đà Lạt, nhưng thành phố này đã có một sự quyến dụ và bám riết lấy anh cho đến tận hôm nay, sau hơn hai mươi năm.

HƠN HAI MƯƠI NĂM QUA CHƯA ĐI KHỎI ĐÀ LẠT

- Độc giả biết anh thông qua các tác phẩm viết về Đà Lạt. Thế nhưng cơ duyên đưa anh đến vùng đất này lại thường không được chia sẻ…

+ Quê nhà tôi ở thung lũng Ninh Sơn (Ninh Thuận), chỉ cách Đà Lạt chưa đến 70 km. Nếu ở vùng quê của tôi, bạn sẽ thấy núi trùng vây bao quanh. Nhưng ở đó có một ga xép có tên Xóm Gòn trên tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Tháp Chàm ngày xưa.

Chỉ có hai con đường để ra khỏi địa thế lòng chảo kia mà nhìn thế giới bên ngoài: hoặc đi xuống biển, hoặc đi lên núi.

Tôi chọn cách đi lên núi.

Ngày thiếu niên, tôi rất sốt sắng kinh nguyện nhà thờ. Ba tôi từng đưa tôi lên Đà Lạt để gửi nội trú trong một tu viện. Theo kịch bản thì tôi sẽ trở thành một linh mục dòng (đó là một viễn cảnh sáng sủa biết mấy!) Nhưng cũng may cho Giáo hội là vào năm đó dòng tu quá đông học sinh dự tu, hết chỗ nội trú, vậy là hai cha con tôi đành phải quay về.

Ba năm sau, tôi vẫn quyết lên Đà Lạt, để thi đại học, phần vì gần nhà, ít tốn kém chi phí học hành (tôi lại thi vào ngành Sư phạm Ngữ văn; lúc bấy giờ ngành này được miễn học phí). Vậy là cuộc đời một sinh viên văn khoa tôi đã trải qua ở đây, mộng mơ và bầm dập, bay bổng và nhiều đổ vỡ. Ra trường, tôi thực tập một năm ở tờ báo địa phương, rồi để mất việc. Vì mưu sinh, tôi phải rời xa Đà Lạt xuống Bình Dương làm phim, về Sài Gòn làm báo… 

Nhưng có vẻ như lại có một nghịch lí: hóa ra suốt quãng thời gian hơn hai mươi năm qua, tôi vẫn chưa đi khỏi Đà Lạt, nói theo một cách nào đó. Bạn có thấy vậy không?

- Đúng là vậy. Vậy theo anh, Đà Lạt có gì mà thu hút được rất nhiều người đến, từ cả quá khứ cũng như hiện tại, từ người đứng tuổi cho đến trẻ tuổi?

+ Mỗi người chịu sức hút của một nơi chốn theo những cách thế và mức độ khác nhau, khó mà chỉ ra cho chính xác bằng các gạch đầu dòng. Số đông, tôi nghĩ nhiều người xưa nay thích Đà Lạt vì khí hậu mát mẻ, khung cảnh lãng mạn, nhịp sống nhẹ nhàng, giúp cân bằng và tái tạo năng lượng sống. Đà Lạt nổi lên như một đô thị mang giá trị cốt lõi Tây phương, khác biệt hoàn toàn với các hình thái đô thị nhiệt đới Việt Nam. Qua thời kiến tạo - xây dựng thành phố, thời chiến tranh và đến tận bây giờ, Đà Lạt vẫn luôn là một thành phố mang đến lựa chọn lí tưởng cho những cuộc thoát li khỏi thực tế căng thẳng, tàn nghiệt.

Sâu xa hơn, cũng có nhiều người gắn bó vì quan tâm tới lịch sử, văn hóa, các khía cạnh kí ức cộng đồng hay sự quyến rũ của số phận một thành phố. Thành phần này sẽ ngày càng nhiều lên khi thứ "tình yêu thị giác" và những cuộc "thoát li nhất thời" rụng dần.

- Và có phải những nguyên nhân trên cũng là lí do khiến cho Đà Lạt xuất hiện tràn khắp trang viết của anh?

+ Có lẽ chỉ đúng một phần. Tôi nghĩ rằng nếu có một tình yêu thì tình yêu đó nằm chính ở thực hành viết hay sống cùng, chiêm nghiệm về đối tượng trên trang viết, hơn là một cái gì có thể liệt kê về một "hiện thực sống động" mãi ngoài kia mà mọi du khách đều thấy, cảm và gắn bó thông thường.

- Đà Lạt trong tác phẩm mới Thành phố Những lục địa bay có gì khác lạ mà cho đến nay thì nó mới được ra đời?

+ Có lẽ nó nằm trong một dòng chảy chiêm nghiệm, một điều kiện đi xuyên qua các pho sử liệu, một sự chọn lựa bút pháp và cả trạng huống viết trong một giai đoạn của nội tâm. Ở thời điểm mà tôi có thể tìm thấy sự tự do để thể hiện "nhân vật thành phố" một cách hứng thú và thoải mái nhất bằng phương pháp này, văn phong này, kết cấu bố cục này, mang đến cho tác phẩm hình hài này… thì nó được viết ra, vậy thôi.

TRÒ CHUYỆN QUA NHỮNG LỚP SƯƠNG MÙ

- Ở tác phẩm mới này và ngay cả Ký ức của ký ức trước đó, có thể thấy rằng cấu trúc tác phẩm của anh khá độc đáo, khi là sự kết hợp giữa hư cấu và phi hư cấu, giữa hư và thực, giữa hiện thực và kì ảo… Vì sao anh lại lựa chọn cách viết này?

+ Trong những tác phẩm có màu sắc hư cấu hay hư cấu từ sử liệu, huyền thoại, tư liệu kí ức cộng đồng… tôi hình dung mình đang đọc, tương thông và nói chuyện với thành phố qua những lớp sương mù. Văn bản cuốn sách cũng mô phỏng theo cách đó: những khung cảnh ẩn hiện bên trong một "thành phố - ốc đảo - lục địa" được định hình và chuyển dịch bởi sương. Lúc này tôi nghĩ đó là ngôn ngữ cấu trúc của Đà Lạt. Một cấu trúc tự triệt tiêu chính nó, một cấu trúc giải cấu trúc.

- Có tác phẩm nào đã truyền cảm hứng cho anh khi viết những cuốn sách về Đà Lạt không?

+ Lúc này, các ghi chép đan tu của những đan sĩ, đan phụ có ảnh hưởng đến tôi một cách đặc biệt.

Tôi không có sự yêu thích đặc biệt dành cho một nhà văn nào. Tôi thích W. G. Sebald một ít, Italo Calvino một ít, Umberto Eco một ít, Cao Hành Kiện một ít, Patrick Modiano một ít, Ko Un một ít, Orhan Pamuk một ít, Krasznahorkal László một ít… Và, ừ nhỉ, cả Haruki Murakami một ít.

Nhưng nhiều nhất, có một người không mấy liên quan ở đây: Leonard Cohen. Khi viết, tôi thường đọc các bài thơ và nghe các bản nhạc của ông ấy.

Tác phẩm mới của Nguyễn Vĩnh Nguyên.

- Những mẩu truyện ngắn trong tập sách này nói về quá khứ, nói về hiện tại… nhưng lại tuyệt nhiên không có tương lai. Chỉ có một chỉ dấu nhỏ ở khu vườn ươm 6 thập kỉ sau cho một giống loài hoa. Vì sao lại có sự “ẩn triệtnày?

+ Cái đã qua, nhưng ta chỉ có thể nhìn qua những lớp sương mù với một sự đảo chiều liên hồi. Số phận chúng ta, số phận thành phố mà ta đang bước vào hẳn nhiên là đã sẵn bất định. Sương mù còn như thế, xóa mờ mãi tới hôm sau. Yếu tố giả tưởng, một cách nào đó là những viễn tượng bị mất dấu vết hơn cả những gì đã từng hiện hữu. Có lẽ từ cảm thức đó. Hình bóng tương lai, phải chăng bạn sẽ chỉ còn thấy như tiêu bản của một loài hoa côi cút và một cuộc tình đã đến hồi đối thoại trong lặng thinh.

- Các mẫu truyện này không được sắp xếp theo trình tự nào. Khi viết, anh hình dung và chỉ định mẫu truyện này xuất hiện ở trước và ở phía sau như thế nào?

+ Bạn thấy một bộ khung của những cuộc đối thoại về việc "chuyện hay không kể chuyện" của một người khai quật kí ức thành phố và những kẻ không thấy sự liên đới giữa lịch sử của mình với các câu chuyện được kể. Xem như đây là bộ khung của một cuốn sách. Trong bộ khung đó, những mảnh truyện như những lục địa rời rạc trôi nổi. Bạn đón nhận một cuộc chơi bất chấp trình tự.

Những cuốn sách về Đà Lạt của Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Tôi đã viết và đã xóa đi rất nhiều chỗ, điều này cần sự tiết chế và đẩy xa mình khỏi trung tâm của văn bản, nhằm tạo ra khoảng trắng giữa các mảnh truyện, thời gian không gian co giãn, tạo ra một nhịp điệu riêng. Người viết cũng đang đi vào một khu rừng sương mù. Trong khu rừng sương mù, anh ta sẽ không thích mọi sự chỉ định trước - sau, bởi có quá nhiều điều quan trọng hơn là việc sắp xếp một thứ tự.

- Dường như tất cả “mảnh ghép” trong tập sách này đều được quan sát từ phía bên ngoài, từ một cao điểm, được nghe kể lại… Có phải một người khi đứng trong lòng Đà Lạt sẽ không thể thấy những điều anh viết?

+ Như đã nói, tôi đang đi vào một Đà Lạt trong tâm tưởng như đan sĩ đi vào đan viện của ông ta theo cách riêng. Với ông ta, thành phố cũng là đan viện. Đan sĩ nhất thể hóa với nội tâm thành phố bằng chính nội tâm của mình, chứ không phải bằng những bước chân của một cơ thể sẽ mất.

- Có vài chi tiết về người đi tìm lại những sử liệu. Liệu đó có phải là câu chuyện của chính anh trong những năm tháng hòa mình viết sách biên khảo?

+ Ồ, có những chi tiết như vậy sao ? Tôi sẽ tìm đọc lại xem mình đã đi vào sách của ông Nguyễn Vĩnh Nguyên thế nào.

- Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Vĩnh Nguyên và tủ sách "Chuyện Đà Lạt" do anh sáng lập tại thành phố sương mù.

Nguyễn Vĩnh Nguyên sinh năm 1979 tại Khánh Hòa, lớn lên tại Ninh Thuận. Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn - Đại học Sư phạm Đà Lạt. Anh viết văn, làm báo tại Đà Lạt, sau đó chuyển về TP. Hồ Chí Minh. Những năm gần đây anh đã cho ra đời nhiều tác phẩm biên khảo - nghiên cứu về Đà Lạt được bạn đọc quan tâm. Trong số đó, tập tản văn Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách (đã tái bản 7 lần), bộ ba biên khảo: Đà Lạt, một thời hương xa (đã tái bản 7 lần), Đà Lạt, bên dưới sương mù (đã tái bản 3 lần) và Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ (đã tái bản 2 lần). Ngoài ra anh cũng là một nhà văn với những tiểu thuyết có cấu trúc đột phá, mới lạ, có thể kể ra như Những thành phố trôi dạt, Ký ức của ký ứcThành phố Những lục địa bay.

NGÔ THUẬN PHÁT thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)