VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Võ Diệu Thanh: Tôi không kêu gọi để quá khứ ngủ yên

Thứ Sáu, 09/12/2022 00:17

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới nhất, Trò chuyện với lục bình, nhà văn Võ Diệu Thanh đã chia sẻ nhiều hơn về việc tận hưởng khoảnh khắc giản dị trong đời sống này. Thoát khỏi những cuốn tiểu thuyết hướng về chiến tranh… cuốn tản văn này như lời ủi an, như khúc hát ngọt, để từ đó con người càng thêm trân trọng những điều thiện lành. Chị nói rằng, lịch sử là một pho sách viết bằng máu, xương và nước mắt, tuy không cần phải treo nó trong từng bữa cơm, trong mỗi giấc ngủ… nhưng pho sách đó vẫn cần được soi rọi lại từng trang ở những không gian, thời gian phù hợp. 

LẮNG NGHE TIẾNG NÓI TỪ SÂU BÊN TRONG

- Những tản văn trong tập Trò chuyện với lục bình được chị viết trong hoàn cảnh nào?

+ Sau một loạt tác phẩm viết về chiến tranh, tôi cảm thấy yêu quý những gì rất giản dị quanh mình, kể cả là những nấm mốc xung quanh ngôi nhà ẩm ỉ của tôi. Bởi tôi biết so với chiến tranh thì những gì đang có nó quá lành tính. Ca tụng hiện tại là một cách gián tiếp để bài xích chiến tranh. Hiện tại mọi người cũng đang rất nhọc nhằn trong cuộc chiến giữa thời bình - một dạng tâm lí kéo dài của thời hậu chiến. Tôi muốn bản thân được phép thoát khỏi thân phận nạn nhân chiến tranh để bước ra ngoài nhẩn nha cùng cây cỏ.

- Dịch bệnh đã có ảnh hưởng rất nhiều suốt thời gian qua, với riêng chị thì đời sống của một nhà văn trước, trong và sau đại dịch có gì khác biệt?

+ Cuốn sách này được viết trước đại dịch. Trong dịch gần như tôi không viết gì. Vì khác với những nhà văn có thể ngồi nhà để mà tưởng tượng, thì với tôi, mắt phải tắm trong khung cảnh tự do thì dòng cảm hứng mới có thể thông thoáng bay lượn. Có thể lúc viết tôi ngồi ở một góc nhỏ nào đó, một hành lang hẹp cũng được nhưng lúc dựng tứ, tôi phải thật sự ở giữa dòng sống sinh động nhất, nhiệt tình nhất.

- Và liệu có phải vì lòng hoang mang, bỗng nhiên cảm thấy một sự xáo trộn nào đó… mà chị quan sát nhiều hơn về thế giới này?

+ Chính xác là hoang mang. Sau những năm ám ảnh bệnh tật, không gian sống dần thu hẹp như một kiểu sắp phải lao tù chính vào cơ địa khắc nghiệt của mình, thì tôi bắt đầu nhìn sâu vào dòng sống của vạn vật. Tôi bắt đầu thấy cội rễ của chính cái cơ địa đỏng đảnh của mình. Cội rễ mỗi con người, mỗi nền văn hóa cũng tiệm cận hơn thông qua những quy luật của thiên nhiên vô cùng phong phú.

- Trong các tản văn của chị người ta thấy xã hội cũng như con người ngày càng “bê tông hóa” với tâm lí đám đông và nhiều điều thượng vàng hạ cám khác… Có bao giờ chị thấy chán nản vì sự xáo trộn như thế?

+ Tâm lí đám đông thượng vàng hạ cám đã có từ lâu rồi. Nhưng thật sự trong thế giới phẳng, kiến thức tràn lan, ai thực sự tri thức hay ai chỉ là mượn đỡ kiến thức của hiền nhân để rao giảng bán chác, thật khó phân định. Bởi mấu chốt của tri thức rất khó nắm bắt còn những chiêu trò tiểu xảo để sở hữu kiến thức thì được bày bán quá dễ dàng.

Đồng tiền đủ lớn thì chợ kiến thức sẽ được định hình và chiếm lĩnh ngôi vị đại diện. Tôi có thấy buồn nhưng không nản vì mình không nhất thiết phải đứng cùng phía phổ thông. Tôi nhất tâm với điều đó trong cách sống, cách dạy (Võ Diệu Thanh là một cô giáo - PV) cũng như cách viết.

- Trong tác phẩm này chị đã đưa ra rất nhiều bài học, từ luyện cho mình có tế bào niềm vui, luyện cho tâm hồn an lạc cũng như dạy mình trước khi dạy người… Chị đã học được những bài học trên như thế nào? Và quá trình tìm đến điều đó có khó khăn không?

+ Tôi luôn lắng nghe phản ứng của bản năng mình, cũng như lắng nghe tiếng nói của chân lí. Bản năng tôi rất dị biệt nên nó dễ sốc với những dị biệt khác và cũng khủng hoảng với những bản năng đồng dạng. Quá chật vật và phi chân lí. Tôi buộc phải chọn lựa dị biệt hay đồng hóa chính mình. Đồng hóa thì không thể. Cái mâu thuẫn đó đủ lớn để tôi điêu đứng mỗi ngày. Thế giới mênh mông nhưng lối cho mình hướng nào cũng là ngõ cụt. Tôi phải nén mình lại để rẽ một con đường mới, ở đó vẫn dị biệt và tôn trọng khác biệt. Khó như mình đã chào đời và chào đời lần nữa rồi lần nữa.

CỘI NGUỒN CỦA NHỮNG LOẠN LẠC

- Tản văn thường là thể loại trình bày cảm quan cá nhân với các sự kiện bên ngoài cuộc sống. Trong đây cũng có vài đoạn nói về nghề dạy học hay những kí ức thơ ấu của chị... Những trải nghiệm đó có vai trò thế nào trong sự trưởng thành và nghiệp viết của bản thân?

+ Kí ức thơ ấu nhọc nhằn (do những mâu thuẫn trong cá tính và hoàn cảnh) đem tôi đến nghề dạy học với tâm thế một người thầy cặm cụi đi tìm những khác biệt của học trò để khơi gợi. Nghề dạy theo cách phân hóa tối đa giúp cho văn chương của tôi luôn biến hóa theo từng chủ đề, từng thể loại, từng tác phẩm riêng biệt. Người ta nói tôi là một người đa nhân cách, lúc này có vẻ như già trước tuổi, lúc khác lại hồn nhiên như một đứa nhỏ chưa lấm bụi trần.

Một số tác phẩm của nhà văn Võ Diệu Thanh

- Trước đó Muôn dặm sầu giăng, Về từ hành tinh ký ức hay Viên đạn về trời… đều là những tác phẩm có chất liệu chiến tranh. Khi viết tản văn chị thấy khác biệt thế nào với những tác phẩm trước đó? Liệu khi để quá khứ ngủ yên thì chị có thấy chính mình cũng nhẹ nhõm hơn và được chữa lành hơn?

+ Tản văn là hậu của Viên đạn về trời. Tôi thấy mình như một người làm vườn trước đây thì ngồi than thở cỏ nhiều, kế đó thì ngồi cắt cỏ, đào gốc rễ từng bụi cỏ. Cuốn này tôi dùng những nhát chổi quét sạch những hạt cỏ hay ít ra cũng làm cho những hạt cỏ không thể yên ổn nảy mầm. Tản văn này là những nhát chổi thân thuộc, nhàn hạ và dịu dàng. Nó không khai thác loạn lạc mà khai thác cội nguồn của loạn lạc.

- Nhưng liệu có nên để cho quá khứ ngủ yên, để con người ta thiết lập một cuộc sống mới? Liệu khi không có kí ức là những gốc rễ, thì con người ta có như những cái rễ cây trốc gốc trong sân xi măng?

+ Tôi chưa bao giờ kêu gọi để cho quá khứ ngủ yên. Lịch sử là một pho sách viết bằng máu xương và nước mắt. Ta không cần phải treo nó trong từng bữa cơm, trong mỗi giấc ngủ… nhưng pho sách đó vẫn được đặt nơi ở dễ nhìn rồi đem ra soi rọi lại từng trang viết vào những không gian chuyên biệt và mốc thời gian phù hợp nhất.

- Sau những quá khứ tươi đẹp, đáng nhớ, còn tương lai thì mù mịt, xa xăm… Chị có còn tin vào những ngày sắp tới?

+ Quá khứ đáng nhớ, hiện tại càng đáng lưu giữ dẫu cho nó có tồi tệ đến đâu thì tương lai cũng không hề mờ mịt. Hiện tại có thể có những rối rắm về khung giá trị trong văn hóa, lệch lạc trong giáo dục nhưng những hạt giống đẹp, đa dạng vẫn được gieo, đã nảy mầm thì rồi đây những gì tốt đẹp vẫn song hành cùng với những thứ linh tinh khác. Tương lai là bảy sắc nhân gian.

- Tác phẩm này giống như phương thuốc “chữa lành”, để con người trở lại với những giá trị quan trọng. Chị có hi vọng gì khi gửi nó đến độc giả?

+ Tôi chỉ hi vọng những người đang gieo hạt giống lành nhận được sự đồng cảm để duy trì mà đừng nhụt chí. Độc giả họ còn tỉnh táo hơn tôi, thấy nhiều hơn, làm nhiều hơn tôi nhưng họ không nói ra. Tôi góp tiếng nói như một kiểu nói hộ, đồng thời cũng là một kiểu đưa bàn tay ấm trong chặng đường giá lạnh.

Xin cám ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện!

Nhà văn Võ Diệu Thanh sinh năm 1975, hiện là giáo viên dạy môn mỹ thuật tại Trường tiểu học Chợ Vàm (huyện Phú Tân, An Giang). Năm 1994, chị được giải nhất Cuộc thi văn chương Thủ Khoa Nghĩa - Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang. Năm 2010, tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược được trao giải nhì trong cuộc thi Văn học Tuổi 20 lần thứ 4...

Võ Diệu Thanh viết đa dạng, từ tiểu thuyết (Viên đạn về trời, Lần đầu thấy trăng), truyện ngắn (Cửa sổ hình tia chớp, Con nước say mèm…) cho đến kí sự (Về từ hành tinh kí ức, Muôn dặm sầu giăng), tản văn (Bờ vai cho cả bờ vai, Trò chuyện với lục bình…) và các tác phẩm dành cho thiếu nhi (Siêu nhân Cua, Tiền của Thần Cây...).

TUẤN ANH thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)