. Thiếu tướng, nhà văn VĂN PHÁC
Nhà văn Văn Phác tham gia mặt trận Việt Minh từ trước Cách mạng tháng Tám, ông đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1957 đến năm 1962, là Chủ nhiệm (Tổng biên tập) đầu tiên của Tạp chí. Sau đó ông chuyển sang làm Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Chánh văn phòng Quân ủy miền Nam, Chủ nhiệm Cục Chính trị - Quân giải phóng miền Nam, Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị, rồi giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tiếp đó ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa trước khi nghỉ hưu và qua đời. Văn nghệ Quân đội xin phép được lược đăng lại hồi ức của ông về những ngày đầu Tạp chí ra đời.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, tôi là Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 312, được điều về Tổng cục Chính trị tham gia đoàn cán bộ đầu tiên vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội và được giao phụ trách công tác tuyên truyền của Quân đội. Tới đầu năm 1955 tôi được chuyển sang làm Trưởng phòng Văn nghệ Quân đội cùng anh Vũ Tú Nam là Phó phòng. Phòng Văn nghệ Quân đội, gồm cả Nhà xuất bản Quân đội và Báo Văn nghệ Quân đội.
Vào thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có tầm nhìn chiến lược sắc sảo, gần gũi văn nghệ sĩ và thường có những ý kiến chỉ đạo nhạy bén đối với công tác văn hóa, văn nghệ. Một buổi chiều, anh bất chợt đến Phòng Văn nghệ Quân đội. Trước thái độ thân mật nhưng nghiêm túc của anh, tôi cảm thấy có vấn đề quan trọng liên quan tới công việc của chúng tôi. Anh chê tổ chức Phòng Văn nghệ Quân đội lạc hậu rồi, phải kịp thời tách ra làm ba đơn vị rạch ròi là Phòng Văn nghệ Quân đội, Nhà xuất bản Quân đội và Tạp chí Văn nghệ Quân đội, và phải xây dựng vững mạnh cả ba mới cáng đáng nổi nhiệm vụ mới.
Vào tháng giêng năm 1957, một tin vui đến với mọi người là tạp chí Văn nghệ Quân đội số đầu tiên ra mắt bạn đọc. Đây là một bước phát triển mạnh mẽ nhất, hay nói theo ngôn ngữ bây giờ thì đây là một cuộc đổi mới rất sâu sắc và toàn diện đối với Tạp chí Văn nghệ Quân đội nói riêng và đối với công tác văn nghệ trong Quân đội nói chung thời đó.
Anh gợi ý đại thể Phòng Văn nghệ Quân đội tập trung vào việc hướng dẫn, vận động phong trào văn nghệ quần chúng “hướng về đại đội, phục vụ chiến sĩ”, Nhà xuất bản Quân đội phải sớm có các loại sách nghiên cứu sâu về quân sự, chính trị và có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật hay về kháng chiến, về bộ đội trong thời bình. Còn Tạp chí Văn nghệ Quân đội phải phục vụ bộ đội bằng sáng tác và phải là nơi phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng được nhiều cây bút trẻ.
Cuối cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh thăm dò về cán bộ lãnh đạo trực tiếp. Số đông anh em đều muốn tôi phụ trách tờ Tạp chí là thích hợp nhất vì tôi cũng viết văn, viết báo, đã từng là Thư kí tòa soạn Báo Khu Hai kháng chiến từ 1946, đã được giải Nhất cuộc thi viết về mẩu chuyện hay của báo Vệ quốc quân năm 1947, nhất là tôi đang làm Trưởng phòng Văn nghệ Quân đội. Anh Thanh hỏi ý kiến tôi thế nào? Quả thật lúc đó tôi cũng băn khoăn lo lắng nên xin khất trả lời sau.
Sau đó ít ngày, tôi nhận được quyết định của Tổng cục Chính trị bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Mà vẫn phải kiêm cả Trưởng phòng Văn nghệ Quân đội một thời gian. Thế là dứt khoát rồi. Tôi cùng anh em bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội ra mắt số đầu tiên.
Trước hết là bàn kĩ về nhiệm vụ, đối tượng, nội dung thể loại của tờ tạp chí. Những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Phó chủ nhiệm Lê Quang Đạo hướng dẫn cặn kẽ thêm đã gây nên cuộc thảo luận rất sôi nổi kéo dài. Hầu như, tất cả tòa soạn đều đồng ý là không thể đưa nguyên xi kể cả hình thức và nội dung của tờ Văn nghệ Quân đội cũ ra mắt độc giả, và rất nhất trí về nhiệm vụ cơ bản của Tạp chí dù là phát hành công khai rộng rãi vẫn phải xoay quanh nhiệm vụ chính trị của Quân đội. Còn đối tượng của Tạp chí thì đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chỉ ra rõ rồi, không phải bàn cãi gì nhiều nữa. Nhưng đụng đến vấn đề nội dung và thể tài của tạp chí phải qua nhiều buổi tranh cãi kịch liệt mới đi tới thống nhất là tạp chí lấy sáng tác văn học là chính. Phải bằng những sáng tác tốt mà phục vụ nhiệm vụ chính trị của Quân đội, góp phần xây dựng tư tưởng, tình cảm lành mạnh, xây dựng con người mới trong Quân đội. Ngoài sáng tác văn, thơ là chính tạp chí vẫn dành phần cần thiết cho các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc, mĩ thuật, nhiếp ảnh và không coi nhẹ phần nghiên cứu phê bình. Về kì hạn, Tạp chí phấn đấu ra đều đặn mỗi tháng một kì vào cuối tháng, với bảy mươi trang lúc đầu, sau sẽ tăng dần lên tám, chín mươi trang và hơn nữa.
Cuối cùng là việc tổ chức bộ máy Tạp chí. Lực lượng của báo Văn nghệ Quân đội trước đây rất mỏng, cả phòng Văn nghệ xúm vào giúp cho bài vở. Nay đã tách ra, hoạt động theo hướng mới lấy sáng tác văn học là chính, Tạp chí Văn nghệ Quân đội phải là một tổ chức riêng, nhất là tòa soạn phải có một lực lượng sáng tác đủ mạnh của bản thân mình là có ý nghĩa quyết định nhất. Nếu bộ máy vẫn lèo tèo, vẫn ăn đong theo kiểu ngồi chờ bài gửi tới như trước đây thì khó mà làm nên trò trống gì và không tránh khỏi thất bại.
Rất mừng là trong lúc đó Tổng cục Chính trị cho mở trại sáng tác đầu tiên sau ngày về tiếp quản Thủ đô. Những người được triệu tập về trại đều là bạn viết ít nhiều đã có bài, có truyện được đăng trên các báo. Một số anh đã có sẵn đề cương truyện dài mà các anh hằng ấp ủ. Điểm qua cũng thấy đủ mặt anh tài ở trại: Hữu Mai, Hồ Phương của Sư đoàn 308; Nguyễn Khải, Mai Ngữ của Liên khu 3; Nguyên Ngọc, Lưu Trùng Dương của Sư đoàn 324, bộ đội Liên khu 5 tập kết; Hà Mậu Nhai, Bích Lâm, Xuân Miễn của bộ đội miền Nam tập kết; Hải Hồ, Nguyễn Trọng Oánh của Sư đoàn 304; Vũ Sắc của Sư đoàn 312; Xuân Thiêm của Sư 320; Nguyễn Khắc Thứ của Sư 325, v.v... Các nhạc sĩ Doãn Nho, Trần Quý, họa sĩ Nguyễn Hiêm cũng tham gia trại sáng tác. Ngay khi anh em còn đang ngồi viết ở trại tôi đã có ý định sẽ xin Tổng cục giữ lại một số có khả năng bổ sung cho Phòng Văn nghệ Quân đội vì chính các đồng chí này cũng muốn ở lại để đi vào chuyên sâu công tác văn nghệ và có điều kiện để sáng tác. Thì nay, trại kết thúc đúng vào lúc Tạp chí chuẩn bị ra công khai. Anh em đều đồng ý với tôi nếu đưa được lực lượng này về làm nòng cốt, Tạp chí sẽ phát huy tác dụng tốt hơn là về Phòng Văn nghệ Quân đội. Đề nghị hợp lí của chúng tôi được lãnh đạo Tổng cục Chính trị đồng ý ngay và kịp thời quyết định rút gần hết các trại viên của trại sáng tác về bổ sung cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thế là tòa soạn được cả người lẫn của. Những sáng tác của anh em ở trại đã là nguồn lương thực dồi dào cho số đầu của Tạp chí và những số tiếp theo.
Còn một số việc không kém phần quan trọng là đặt trụ sở Tạp chí ở đâu để thuận tiện cho công việc. Từ sau ngày vào tiếp quản Thủ đô, tất cả cơ quan báo chí, văn nghệ của Quân đội đều đặt ở trong Thành, mỗi khi ra vào phải chịu sự kiểm soát gắt gao của trạm gác Cửa Đông. Kỉ luật nhà binh là như vậy, nghiêm ngặt với tất cả mọi người. Nhưng nay tình hình của Tạp chí đã đổi khác, không thể ở yên bên trong cổng Cửa Đông như cũ. Tạp chí phải có trụ sở ở bên ngoài doanh trại để tiện giao dịch công khai với cơ quan nhà nước và các bạn đồng nghiệp, các bạn viết, bạn đọc... Đúng là việc quan trọng nhưng cũng không gặp khó khăn gì. Tổng cục Chính trị cấp cho Tạp chí một ngôi nhà hai tầng có mái cong xinh xắn, bên trong có nhiều phòng nhỏ rất thuận tiện cho công việc sáng tác của mỗi người. Đó là ngôi nhà số 4 ở đầu phố Lý Nam Đế, gần vườn hoa Hàng Đậu.
Đặc biệt là buổi họp đầu tiên của toàn thể tòa soạn tại ngôi nhà số 4 để phân công cụ thể cho từng người và xây dựng chế độ làm việc chung của tòa soạn, tôi cũng lo sẽ xảy ra đùn đẩy, suy bì, tị nạnh nhưng mọi việc đã diễn ra rất vui và chóng vánh. Thật ra, có một vị trí tôi phải cân nhắc kĩ và tham khảo ý kiến của anh em là chọn ai làm thư kí tòa soạn. Theo yêu cầu chung của lãnh đạo và anh em, thư kí tòa soạn phải là người có tâm huyết, có nghiệp vụ, đoàn kết được anh em và sẵn có uy tín ngoài xã hội. Nhìn vào lực lượng sẵn có, kẻ tám lạng người nửa cân, không thiếu người tài. Riêng tôi cân nhắc thấy nhà thơ Thanh Tịnh là người xứng đáng với vị trí quan trọng này. Lúc đó anh Thanh Tịnh lớn tuổi nhất trong tòa soạn rồi mới đến Vũ Cao và Từ Bích Hoàng. Tuổi tác không thành vấn đề gì. Điều đáng nói là nhà thơ Thanh Tịnh đã nổi tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám, đã được giải thơ của Tự lực văn đoàn. Lại là người sớm giác ngộ cách mạng, sớm tham gia Quân đội. Một người hoạt động đa năng. Ngoài việc sáng tác, anh còn biệt tài phục vụ bộ đội và nhân dân bằng những bài tấu rất đặc sắc và bằng những mẩu chuyện nhỏ rất dí dỏm, lí thú, cù mọi người quên cả mệt trong những đêm hành quân khuya. Vì vậy khi tôi đề cử anh Thanh Tịnh là Thư kí tòa soạn đầu tiên của Tạp chí được tất cả tòa soạn nhất trí hoàn toàn.
Việc cử anh Từ Bích Hoàng phụ trách Tổ văn, anh Vũ Cao phụ trách Tổ thơ cũng rất suôn sẻ, thuận lợi. Hai anh Từ Bích Hoàng và Vũ Cao đều là những cây bút quen biết lâu năm của làng văn, làng báo trong Quân đội. Tổ nghiên cứu, phê bình chưa có người chuyên trách, tòa soạn tạm thời giao cho tôi và anh Thanh Tịnh cùng làm. Tất cả các đồng chí còn lại đều được giao nhiệm vụ đi cơ sở làm phóng viên sáng tác của Tạp chí. Chủ trương này được anh em hoan nghênh nhiệt liệt vì những cây bút đang sức trẻ, khỏe như Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Hải Hồ, Trọng Oánh.... chỉ hăm hở lao đi thực tế và sáng tác chứ mấy ai chịu ngồi một chỗ làm công việc biên tập bận rộn suốt ngày...
Vì vậy mà sau buổi họp đầu tiên ấy, chúng tôi lại tìm ra một chế độ làm việc rất thích hợp của tòa soạn là vừa cố định, vừa luân phiên. Chỉ có Chủ nhiệm và Thư kí tòa soạn làm nhiệm vụ cố định, còn tất cả anh em đều phải luân phiên nhau làm công tác biên tập ở tòa soạn, sau đó được đi thực tế sáng tác một thời gian. Những ai đã chọn được đề tài, có đề cương sáng tác thì lần lượt được tách khỏi mọi công việc của tòa soan, được “giải phóng” hoàn toàn ba tháng để hoàn thành tác phẩm.
Nhờ có chế độ rành rọt ngay từ đầu mà công việc của tòa soạn sớm đi vào ổn định, dần xây dựng thành nền nếp, tạo được không khí làm việc cả trong công tác và sáng tác.
Mãi về sau này, mỗi lần nhớ lại cái không khí nhộn nhịp khác thường của tòa soạn vừa bận rộn chuyển nhà, vừa tíu tít chuẩn bị số đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội vẫn làm tôi bồi hồi luyến tiếc cái thời trẻ trung, phơi phới hiếm có ấy.
V.P
VNQD