Dòng chảy

Hứa hẹn một chương trình sân khấu thực cảnh ấn tượng và cảm động về Trường Sơn

Thứ Sáu, 17/02/2023 14:24

Chương trình sân khấu thực cảnh có tên gọi “Trở về bến phà xưa” tái hiện hình tượng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với những năm tháng lăn lộn dọc con đường huyền thoại, chỉ huy bộ đội Trường Sơn vượt mưa bom bão đạn, giữ liền huyết mạch giao thông vào chiến trường miền Nam sẽ diễn ra vào ngày 22/2/2023 tại khu vực bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

“Trở về bến phà xưa” là chương trình nghệ thuật nằm trong kế hoạch tổ chức các hoạt động kỉ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023), ekip thực hiện chương trình do nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Vinh làm tổng đạo diễn. Bố Trạch, Quảng Bình là vùng đất vừa là nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh ra, cũng là nơi ông gắn bó với nhiều kỉ niệm. Quảng Bình cũng là dải đất miền Trung trong chiến tranh đã trải qua những năm tháng khốc liệt, như khúc ruột nối liền Nam - Bắc. Bối cảnh sân khấu được chọn trên thực địa đúng tại bến phà Xuân Sơn, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, bên dòng sông Son, là chứng tích lịch sử của một thời bom đạn.

Quan trọng nhất đối với một chương trình nghệ thuật thực cảnh đó là bối cảnh. Ngay từ trước tết nguyên đán Quý Mão nhà văn Nguyễn Quang Vinh và ekip làm việc đã có mặt tại hiện trường để bắt tay vào những phần việc đầu tiên. Theo ekip thực hiện chương trình, sự chân thực phải bắt đầu từ bối cảnh. “Chọn bến phà Xuân Sơn, một di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích quốc gia Trường Sơn, làm bối cảnh có một ý nghĩa đặc biệt, đây là một di tích chiến tranh hơn 50 năm trước là trọng điểm bom đạn, là chảo lửa, nơi thử sức bền gan, ý chí và ngân vang tình yêu Tổ quốc, ngân vang khát vọng hòa bình. Đặc biệt hơn nữa, nơi gắn bó hình ảnh đầy thương mến của Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên, nhân vật chính của chương trình đặc biệt ấn tượng này. Bối cảnh đã quá nên thơ, đó là bài thơ của lòng tri ân, của sự dâng hiến tuổi trẻ của thế hệ cha anh cho Tổ quốc”, tổng đạo diễn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Bối cảnh của chương trình nghệ thuật thực cảnh diễn ra tại bến phà Xuân Sơn bên dòng sông Son, thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình.  Ảnh: FBCT

Cũng về lí do chọn bến phà Xuân Sơn, một toạ độ lửa trong chiến tranh làm bối cảnh cho chương trình nghệ thuật thực cảnh độc đáo và táo bạo, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm, đây là không gian lí tưởng để phục dựng bối cảnh thời chiến. Suốt hơn một tháng trời, ekip thực hiện dưới sự chỉ đạo của tổng đạo diễn Nguyễn Quang Vinh đã làm các công việc phục dựng bối cảnh, biến một đoạn đường bê tông dẫn qua di tích tượng đài bên bến phà thành con đường băng qua cánh rừng cháy trụi, cây cối gẫy đổ vì bom đạn. Tổ sân khấu đã phải di chuyển đến những nơi cách bối cảnh gần 60 cây số, tìm kiếm tại những nương rẫy của bà con để đào những cây rừng cháy mang về dựng bối cảnh, họ đã phải khiêng vác hàng trăm cây rừng cháy tìm được vượt qua nhiều đèo dốc xuống vị trí tập kết chất lên xe tải. Sau những ngày đánh vật với thực cảnh, con đường nhựa ven chân núi được hóa trang từ cỏ và bột đất đã thành “đường Trường Sơn huyền thoại” qua rừng cây cháy trụi được trồng, sắp đặt làm bối cảnh. Những người chịu trách nhiệm về bối cảnh còn vượt cả trăm cây số từ Bố Trạch, Quảng Bình vào Vĩnh Linh, Quảng Trị chở cả xe tải vỏ bom về để tạo thêm không khí chiến tranh cho sân khấu. Cheo leo trên sườn núi đá là dòng chữ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" được ghép từ cây rừng. Chỉ riêng dòng chữ này, ban đầu tổ sân khấu đã làm hoàn thành rất đẹp, chỉnh chu nhưng sau đó đạo diễn Nguyễn Quang Vinh đã quyết định dỡ bỏ vì nó "đẹp quá". Thế là lại mấy ngày ròng rã anh em làm lại theo yêu cầu “chữ phải xấu hơn, xiêu đổ, cây phải chặt đẽo bằng rựa chứ không được cưa” để lắp ghép, tạo ra dòng chữ chân thực như thời chiến tranh.

Dòng chữ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" được phục dựng kì công để đạt tới độ chân thực. Ảnh: FBCT

Đạo diễn đã tính toán bối cảnh cao - thấp, xa - gần, làm sao để lớp lớp dựng lên trước mắt khán giả. Một cây cầu gẫy và cả con đường mòn cheo leo bên vách núi đã được tái hiện. Mục đích để tạo ra được không khí bối cảnh đường Trường Sơn, đem lại sự choáng ngợp của vẻ đẹp về tạo hình. Kết quả từ những nỗ lực ấy đã cho ra một bối cảnh khá hài lòng cho một chương trình sân khấu thực cảnh với điểm nhấn giữa những cây rừng cháy là con đường mòn với hai vệt bánh xe vòng vèo hiện ra hệt như trong các phim tư liệu.

Xong phần “cốt” đến phần mĩ thuật. Xác xe cháy, lốp xe, thùng phuy, vỏ bom được bài trí, tạo dựng để hoàn thiện. Từ sân khấu chính, một đường dẫn tâm linh đã được dựng vươn ra sông Son. Bảng chữ chương trình cũng được treo lên trong không gian sông Son với bên kia là núi non trùng điệp.

Theo tiết lộ từ những người thực hiện, mở đầu chương trình, từ vùng khói trắng được tạo ra trên mặt sông Son, diễn viên Phan Thu, người chịu trách nhiệm thể hiện hình tượng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, sẽ từ trên thuyền trong vùng khói sương mờ mịt bước lên đường dẫn tâm linh, hoà vào cùng đồng đội. Các liệt sĩ đồng đội ông nhô lên từ không gian bối cảnh, những linh hồn bộ đội, thanh niên xung phong, di chuyển về phía ông, ai cũng tươi cười, trong phục trang nhàu nát bùn đất và máu. Trong không gian ướt đẫm âm nhạc, ông và đồng đội gặp nhau ở bến phà này.

Một đường dẫn tâm linh sẽ đón trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và linh hồn các liệt sĩ, các cựu chiến binh cùng "trở về bến phà xưa" kể với chúng ta những hồi ức, những kỉ niệm, những năm tháng đội mưa bom bão đạn vì huyết mạch con đường Trường Sơn huyền thoại. 

Tổng đạo diễn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, ông có khát vọng tái hiện lịch sử chiến tranh, làm sao để những nguyên mẫu anh hùng thời chiến tranh như Nguyễn Thị Kim Huế, Đinh Thị Thu Hiệp, Võ Trần Nhơn lại xuất hiện ở ngay cảnh dựng quá khứ, như xem lại, nhìn lại, hồi tưởng lại thời chiến tranh lửa đạn, thời thanh niên sôi nổi của chính mình và đồng đội. Bằng cách dựng “xuyên không” ông hi vọng sẽ mang đến sự chân thực, không rào cản, không ranh giới, hư ảo và xúc động.

“Tôi hình dung cảnh bà mẹ cầm trên tay chiếc ba lô của con gái mình, đi lang thang trong âm nhạc, trong lời ngâm thơ, tìm cho đúng cái hố bom nơi con gái mình vùi xác, và ngồi đó....”, nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết trên fanpage của chương trình.

Sau hơn một tháng lăn lộn ăn ngủ với bối cảnh, nhà văn Quảng Bình tỏ ra hài lòng với kết quả đạt được: “Với không gian bối cảnh chúng tôi đã tạo dựng, tin rằng, khán giả sẽ xuýt xoa vì đẹp. Cái đẹp của phong cảnh hôm nay. Cái đẹp ngay trong sự khốc liệt thời chiến tranh. Và sự chân thực trong mạch kể của Chương trình”,

Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Trở về bến phà xưa” sẽ diễn ra trong 120 phút với sự tham gia của 90 diễn viên chuyên nghiệp các ngành sân khấu, điện ảnh và ca vũ cùng cả trăm diễn viên quần chúng. Sau khi âm thanh ánh sáng được lắp đặt, các diễn viên đã có mặt để bắt đầu luyện tập tại thực cảnh từ 15/2. Họ sẽ có một tuần luyện tập trước khi chương trình lên sóng. Một số ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ sẽ tham gia chương trình như nghệ sĩ Phan Thu (thể hiện hình tượng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên), nghệ sĩ Nguyễn Quý (thể hiện hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp), NSND Quốc Trị, nghệ sĩ, diễn viên Quách Thu Phương, NSƯT Nguyễn Linh, NSƯT Ngọc Hà, NSƯT Trịnh Tiến Lâm, nghệ sĩ Trần Đình Tuyên và các nghệ sĩ Nguyễn Đặng Anh Phương, nghệ sĩ Kim Dung, Trần Nhất, Nghinh Lộc, Quang Huy, Huy Bình, Vũ Ngọc Anh, Đặng Mỹ Linh, Trương Thanh Oai, Trần Hoài Nam… v.v

Diễn viên Phan Thu, người thể hiện hình tượng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: FBNV

Xuyên suốt chương trình là sự song hành của các tiết mục ca, múa, kịch cùng với hành động, hồi ức thời mưa bom bão đạn trên đường Trường Sơn, vì thế, chương trình dùng nhiều ca khúc thời chiến, dùng nhiều các quãng múa và chuyển động hình thể. Trong tiếng hát của ca sĩ, nhóm ca sĩ, dàn hợp xướng hôm nay ở tiền cảnh thì ở trung cảnh, hậu cảnh không khí chiến tranh đồng thời được tái hiện bằng nghệ thuật sân khấu với cảnh làm đường, cảnh xe ô tô lao qua lửa đạn, quả nổ, cấp cứu thương binh, tướng Đồng Sỹ Nguyên ở chiến trường… tất cả đan xen, mờ chồng, tạo nên một mạch chảy của hôm nay và hôm qua.

Vì những lí do ấy, đạo diễn đã lựa chọn các ca sĩ ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là chính, trong đó nòng cốt là các nghệ sĩ thuộc Đoàn Văn công Quân khu 4, cả hiện tại và những nghệ sĩ trước đây đã từng biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân trong thời chiến, những người mà trong những năm chiến tranh chính họ đã từng hát ở Phà Xuân Sơn, ở đường 20 quyết thắng, hát bên hố bom, hát giữa những lần ngưng tiếng bom nổ. "Và Đoàn văn công Quân khu 4 luôn được cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đường Trường Sơn yêu mến, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng hết sức khen ngợi", Tổng đạo diễn cho biết, "nhiều ca sĩ trong chương trình không chỉ hát mà còn diễn, không chỉ là ca sĩ mà là còn là... chiến sĩ của hồi ức".

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật thực cảnh "Trở về bến phà xưa" cùng một số diễn viên tham gia chương trình tại bối cảnh. Ảnh: FBCT

Cũng trong chương trình còn có sự tham gia của Điện ảnh Quân đội nhân dân diễn lại chính mình trong những năm chiến tranh ở một phân đoạn chiếu phim phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong tại Trường Sơn. Và trong khi phim đang chiếu sẽ có hình ảnh tướng Đồng Sỹ Nguyên và tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị bộ đội nữ ở toạ độ lửa trên đường Trường Sơn, có cả văn nghệ phục vụ là những thước phim tư liệu... Theo kịch bản, buổi chiếu phim phải ngưng lại vì máy bay ném bom, bom dứt nhạc hiệu Điện ảnh quân đội lại vang lên, lại tiếp tục chiếu phim.

Để có một chương trình nghệ thuật nhiều ý nghĩa, kì vọng sẽ mang lại hiệu ứng cảm xúc là sự chung tay của nhiều đơn vị như UBND tỉnh Quảng Bình, Binh đoàn 12, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Bình, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Quảng Trị, Hội truyền thống Trường Sơn, Bộ Giao thông vận tải cùng gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Một số cảnh trong những buổi đầu tiên luyện tập của các nghệ sĩ tham gia chương trình. Ảnh: FBCT

Tổng đạo diễn Nguyễn Quang Vinh cũng bật mí một ý đồ trong dàn dựng bối cảnh cho ca vũ hôm nay, sân khấu được thiết kế dâng lên ở hai phía của không gian, dâng cao dần, ôm tròn lại, như hình hai bàn tay ôm vào một không gian quá khứ ở giữa. Chọn bố cục như vậy đạo diễn muốn truyền tải một thông điệp: Chúng ta, các thế hệ hôm nay và mai sau luôn ôm giữ, nâng niu quá khứ, nâng niu hình bóng cha anh, nâng niu lịch sử ái quốc vĩ đại, vì nếu một dân tộc không biết nâng niu lịch sử, không biết tri ân, không biết mang ơn thế hệ cha ông thì sẽ không có một dân tộc của tình nghĩa, một dân tộc Việt bao dung và sâu nặng nghĩa tình.

Chương trình sân khấu thực cảnh đặc biệt “Trở về bến phà xưa” sẽ được sẽ được truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình và tiếp sóng trên nhiều đài truyền hình các tỉnh, thành phố cả nước vào 20 giờ ngày 22/2/2023. Tác giả kịch bản và Tổng đạo diễn dàn dựng: Nhà văn Nguyễn Quang Vinh; Chỉ đạo nội dung: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình; Thực hiện: Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Bình, Ekip kĩ thuật ghi hình trực tiếp của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Quảng Trị.

P.V

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

prev
next