Dòng chảy

Văn nghệ Quân đội, từ những tin yêu, kì vọng…

Thứ Sáu, 27/01/2023 00:43

. Nhà phê bình ĐOÀN MINH TÂM
 

Có thể nói, nếu không có những sự nhìn nhận sáng suốt ở tầm cao về công tác văn học nghệ thuật trong Quân đội và vai trò của các nhà văn áo lính của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thì không thể có một ngôi nhà tụ họp các thế hệ nhà văn của Quân đội là Nhà số 4 như hôm nay; không thể có một tạp chí văn nghệ của Quân đội đứng ở vị trí hàng đầu cả nước như Văn nghệ Quân đội. Ở số tạp chí 1000 này, chúng tôi muốn dành những tri ân trân trọng nhất cho những tình cảm trân quý đó.

Đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thăm và làm việc với Tạp chí Văn nghệ Quân đội (tháng 3 năm 2017). Ảnh: Thành Duy

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có những cống hiến, đóng góp lớn lao cho nền văn học cách mạng nói riêng, nền văn học nước nhà nói chung, được sự yêu quý, tín nhiệm của các đồng nghiệp và bạn đọc trên cả nước. Để có được “cơ đồ”, “vị trí” như ngày nay, ngoài sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của tập thể nhà văn, cán bộ, chiến sĩ trong hơn sáu thập kỉ qua, không thể không kể đến sự quan tâm sâu sắc, tình cảm yêu mến của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị dành cho Tạp chí. Có thể khẳng định, nếu không có sự quan tâm sâu sắc, thiết thực và chan chứa tình cảm ấy, “Nhà số 4” không thể được như ngày hôm nay.

Sự quan tâm đầu tiên, đặt nền móng cho Tạp chí phát triển bền vững, đó là sự quan tâm, ưu ái về vấn đề nhân sự. Ngay từ thuở ban đầu thành lập, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Chính trị, đã có tầm nhìn chiến lược và đưa ra những quyết định kịp thời nhằm xây dựng đội ngũ nhà văn Quân đội “vừa hồng vừa chuyên”: Nhà văn Văn Phác được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội đầu tiên; nhà thơ Thanh Tịnh giữ chức Thư kí tòa soạn; một đội ngũ nhà văn hùng hậu, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp đang tham dự trại sáng tác văn học toàn quân năm 1955 được giữ lại, điều động về Nhà số 4 như Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Lưu Trùng Dương, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyên Ngọc... Nguồn nhân sự “chất lượng cao” ấy đã tạo cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội một sức bật mạnh mẽ trong giai đoạn mới thành lập. Ở những giai đoạn sau này, các thủ trưởng Tổng cục Chính trị đều rất quan tâm, ưu ái Tạp chí về vấn đề này. Hầu hết các đề nghị về điều động, tuyển dụng nhân sự của “Nhà số 4” đều được các thủ trưởng Tổng cục Chính trị phê duyệt và chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện nhanh chóng. Nhờ sự quan tâm ấy, suốt hơn 60 năm qua Tạp chí Văn nghệ Quân đội chưa một lần nào lâm vào hoàn cảnh “trống vắng thế hệ kế cận” như một số cơ quan văn nghệ khác. Từ năm 1957 cho đến nay, các thế hệ nhà văn Quân đội thời chống Pháp đến chống Mĩ, thời chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc rồi đến thế hệ trưởng thành trong thời bình cứ lần lượt nối tiếp nhau, chung tay xây dựng bản sắc, thương hiệu Nhà số 4.

Không chỉ quan tâm đến nhân sự, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị còn chỉ đạo, góp ý, định hướng thậm chí tham gia đóng góp bài vở trực tiếp cho Văn nghệ Quân đội. Những bài viết về vấn đề xây dựng nền văn học - nghệ thuật trong Quân đội của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh in trên những số đầu và các ý kiến của thủ trưởng Tổng cục Chính trị đã trở thành “kim chỉ nam” cho các hoạt động của Tạp chí, giữ cho Văn nghệ Quân đội luôn phát triển đúng hướng, xứng đáng là “Tạp chí văn nghệ của các lực lượng vũ trang nhân dân”. Đại tướng Chu Huy Mân, ngoài cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, còn là một… cộng tác viên của Ban thơ. Chùm ba bài thơ Qua dòng sông Bạc, Trở lại Tây BắcThăm lại Pắc Bó in trên Văn nghệ Quân đội số tháng 8 năm 1984 của Đại tướng với bút danh Chiến Trường “phản ánh khí thế và niềm tin của các chiến sĩ Quân giải phóng nơi chiến trường được xem là gian khổ, khó khăn nhất lúc bấy giờ - chiến trường Khu 5, Tây Nguyên” được bạn đọc ưa thích.

Từ khi thành lập cho đến nay, sở dĩ “Nhà số 4” có thể vận hành thông suốt, trơn tru cũng nhờ công tác hậu cần luôn được đảm bảo ở mức tốt nhất. Trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở số 4 - Lý Nam Đế vốn là một công thự 2 tầng, xây trong những năm 30 của thế kỉ XX, mang dấu ấn đặc trưng của kiến trúc Đông Dương do kiến trúc sư người Pháp Arthur Kruze - Trường Quốc gia Cao đẳng Mĩ thuật Paris thiết kế. Đây là công trình kiến trúc đặc biệt thuộc diện bảo tồn của thành phố Hà Nội và cũng là “món quà” mừng ngày thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo lời kể của nhà thơ Thanh Tịnh trong Những dòng kỉ niệm thân thương, vào những ngày đầu năm mới 1956, khi ông đến chúc tết Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bàn chuyện cho Văn nghệ Quân đội phát hành rộng rãi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (khi ấy cũng đến chúc tết) đã quyết định đặt trụ sở tòa soạn Văn nghệ Quân đội tại “ngôi nhà mái cong làm theo kiểu đình chùa” đầu phố Lý Nam Đế. Cho đến nay đây vẫn là một trong những trụ sở báo chí đẹp nhất cả nước, là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhà văn công tác tại Tạp chí.

Và trong thập niên 90 của thế kỉ trước, khi phương tiện đi lại còn thiếu thốn, chiếc ô tô là một tài sản lớn của nhà nước chứ chưa nói đến người dân, song, chứng kiến sự vất vả của các nhà văn tại Nhà số 4 lúc đi công tác, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ngay lập tức tặng Tạp chí một chiếc xe “bốn bánh”để có thêm “công cụ tác nghiệp”. Sau hàng chục năm trời đưa các nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội rong ruổi trên khắp các nẻo đường đất nước thâm nhập thực tế viết báo, sáng tác văn chương, chiếc xe Honda Accord 4 chỗ biển đỏ mang số hiệu TC - 3083 ấy đã trở thành kỉ vật mang tính biểu tượng cho sự quan tâm, chu đáo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với Nhà số 4.

Mặc dù bận nhiều việc nước, quỹ thời gian eo hẹp, nhưng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị luôn dành cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội những giây phút gặp gỡ chân tình quý giá. Trong thời chiến, các đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên ra thăm, trò chuyện với các nhà văn quân đội. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng tặng Tạp chí chiếc máy nhạc quay đĩa của hãng Suprafon cùng hàng chục đĩa nhạc để giải lao sau những giờ căng thẳng ngồi bên bàn viết. Và trong cuộc tiễn văn nghệ sĩ quân đội lên đường vào Nam, Đại tướng ân cần đến thăm hỏi, trò chuyện với nhà thơ Thanh Tịnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng ghé thăm, chúc tết Nhà số 4 vào ngày mồng một tết. Đến thời bình hôm nay, mỗi dịp tết đến, xuân về, ngày thành lập quân đội, ngày Báo chí cách mạng hay những năm tròn thành lập Tạp chí, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị thường gửi thư hoặc đến chúc mừng, động viên thăm hỏi. Năm 1996, vào dịp kỉ niệm 40 năm ngày thành lập, Tạp chí vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư chúc mừng: “Là người chỉ huy trước đây và bạn đọc thường xuyên của Văn nghệ Quân độitôi vui mừng thấy tạp chí của ta nội dung ngày càng phong phú, hình thức không ngừng được cải tiến và luôn luôn là người bạn đồng hành của Anh Bộ đội Cụ Hồ. Tôi cũng vui mừng nhận thấy nhiều nhà văn, nhà thơ quân đội trưởng thành từ Tạp chí trở thành những tên tuổi xuất sắc trong nền văn học nước nhà… Nhân dịp Văn nghệ Quân đội tròn 40 tuổi, tôi mong rằng Tạp chí vững vàng theo định hướng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, luôn luôn có hơi thở người lính trên từng trang báo; các nhà văn, nhà thơ quân đội tiếp tục có những tác phẩm hay, thật hay”. Năm 2007, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư động viên Tạp chí tròn 50 tuổi. Trong thư, đồng chí Lê Khả Phiêu đã ôn lại những kỉ niệm với Tạp chí: “Tác phẩm đầu tiên mà tôi đọc ở tạp chí Văn nghệ Quân đội là truyện ngắn Mất hết… Sau này tôi vẫn thường xuyên đọc tạp chí Văn nghệ Quân đội và các tác phẩm của các nhà văn nhà thơ quân đội…”. Và Tổng Bí thư căn dặn “Nhân dịp kỉ niệm 50 năm cầm súng và cầm bút của các nhà văn nhà thơ quân đội, và nhân dịp năm mới, xin chúc Tạp chí Văn nghệ Quân đội và các nhà văn nhà thơ quân đội sức khỏe, hạnh phúc, chúc thế hệ cầm bút trưởng thành sau kháng chiến chống Mĩ cứu nước trau dồi bản lĩnh, trau dồi tài năng, tích lũy vốn sống và học thức, khiêm nhường và tự tin, để có thể tiếp tục gánh vác nhiệm vụ mới chắc chắn còn nặng nề”. Trong thư gửi Tạp chí Văn nghệ Quân đội Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc Nhà số 4 giữ vững và phát huy truyền thống quý báu của một đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: “Chúc Tạp chí Văn nghệ Quân độicác thế hệ cán bộ, công nhân viên, cộng tác viên, cùng bạn đọc của Tạp chí phát huy truyền thống cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, có tính chiến đấu cao, thực sự đến với chiến sĩ và nhân dân, góp phần xây dựng nhân cách Anh Bộ đội cụ Hồ trong giai đoạn mới, cổ vũ nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Năm 2016, Nhà số 4, khi bước vào tuổi 60, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cũng gửi thư chúc mừng: “Tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những thành tích và sự tiến bộ, trưởng thành của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Mong rằng trong giai đoạn cách mạng mới, các đồng chí tiếp tục nêu cao phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ”. Ngay những ngày đầu tiên, khi đảm nhận vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị (khi đó là thượng tướng, Bí thư trung ương đảng), đã dành thời gian ra thăm Nhà số 4. Đại tướng Lương Cường bày tỏ sự tin tưởng của Tổng cục Chính trị đối với Văn nghệ Quân độitin tưởng vào đội ngũ những nhà văn kế cận của Tạp chí hôm nay. Trong suốt thời gian qua, Đại tướng Lương Cường và các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Chính trị luôn dành tình cảm ưu ái, quý mến đối với anh em nhà văn quân đội, và thường xuyên tạo điều kiện về mọi mặt để các nhà văn quân đội nói chung, Tạp chí Văn nghệ Quân đội nói riêng, hoạt động một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Hơn 6 thập kỉ qua, từ số 1 năm 1957 đến số 1000 của năm 2022 hôm nay, Tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn là một “địa chỉ đỏ” về văn học nghệ thuật, với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, được đặt tên đường, được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường. Sự phát triển, thành công của Tạp chí ngày hôm nay chính là lời tri ân, cảm tạ chân tình, sâu sắc nhất của tập thể nhà văn, cán bộ, chiến sĩ Nhà số 4 đối với sự yêu mến của bạn đọc cả nước và sự quan tâm, tình cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và Tổng cục Chính trị. Từ những tin yêu, kì vọng ấy, chắc chắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội sẽ tiếp tục giữ vững, phát triển, góp phần vào việc xây dựng bản lĩnh, nhân cách anh Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới.

Đ.M.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)