Dòng chảy

“Nhịp điệu mới” của Ngày Thơ Việt Nam 2023

Thứ Năm, 12/01/2023 15:34

Sau ba năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, Ngày Thơ Việt Nam 2023 với chủ đề Nhịp điệu mới sẽ quay lại vào Rằm tháng Giêng năm Quý Mão với nhiều sự kiện, cách làm mới hứa hẹn một chương trình đậm chất thi ca, thấm đẫm nghệ thuật và mãn nhãn công chúng.

Đây là thông tin từ buổi họp báo của Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra sáng 12/1 tại Hà Nội.

Khác biệt nhất năm nay chính là không gian tổ chức sẽ thay đổi sau 18 năm Ngày Thơ gắn bó với Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Địa điểm được lựa chọn là Hoàng Thành Thăng Long, 19C Hoàng Diệu, Hà Nội.

Dưới sự chủ trì của Hội Nhà văn Việt Nam và đơn vị đồng tổ chức - Hoàng Thành Thăng Long, toàn bộ hoạt động của Ngày Thơ được thiết kế và dàn dựng bởi ê-kíp sáng tạo gồm: Tổng đạo diễn - đạo diễn Lê Quý Dương; phụ trách mỹ thuật - họa sĩ Phạm Hà Hải, họa sĩ Lê Đình Nguyên. Sự kiện chính của Ngày Thơ thay vì diễn ra vào buổi sáng, sẽ tổ chức vào đêm Rằm để tăng hiệu quả âm thanh, ánh sáng và tính sân khấu.

Ban tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu về chương trình Ngày Thơ 2023.

Kì vọng của tinh thần mới trong Ngày Thơ truyền thống

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ngày Thơ là dịp để làm cho tinh thần thi ca lan tỏa vào đời sống con người trước những thách thức, khó khăn và biến đổi của đời sống hiện nay. Việc lựa chọn Hoàng thành Thăng Long là để khẳng định, mở rộng không gian linh thiêng của lịch sử, văn hóa, đời sống con người Việt Nam. Với những tên tuổi góp mặt trong chương trình, Ngày Thơ hứa hẹn sẽ mang đặc điểm mới mẻ, kết hợp giữa vẻ đẹp hiện đại và tinh thần truyền thống để thi ca đến với bạn đọc đông đảo và nhiều nhất.

“Việt Nam ta có bốn danh nhân văn hóa thế giới, đều là những người làm thơ ca. Nên tôi nhận thấy dân tộc ta là dân tộc yêu thi ca. Do đó, khi tham gia Ngày Thơ Việt Nam 2023, tôi muốn mang thi ca đến với sâu rộng đời sống con người và tạo cho thi ca có tầm vóc mới. Tôi cũng rất thích chủ đề năm nay, bởi sau những biến cố, thăng trầm, tất cả đều hi vọng có những thay đổi, phát triển hơn” - Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng tiết lộ hai MC của sân khấu đêm ngày Rằm tháng Giêng âm lịch sẽ là nhà báo Phan Đăng và nhà thơ Dương Dương Hảo, cùng với công nghệ hiện đại và nét đẹp truyền thống hứa hẹn sẽ mang đến một khát vọng và tinh thần mới cho Ngày Thơ lần thứ 21 này.

Chuỗi các hoạt động Ngày Thơ 2023

Không gian Ngày Thơ gồm toàn bộ khu vực sân Đoan Môn của Hoàng Thành. Người yêu thơ sẽ được chào đón tại Cổng thơ - một thiết kế cách điệu của họa sĩ Phạm Hà Hải để bước vào Cõi thơ.

Qua Cổng thơ, khán giả sẽ dạo bước trên Đường thơ để thưởng lãm 100 câu thơ hay của thi ca Việt Nam được viết trên giấy dó tạo hình thành những chiếc quạt - cánh bướm.

Cuối Đường thơ, khán giả sẽ đến Nhà ký ức, nơi trưng bày các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kì của văn học Việt Nam do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp. Bên cạnh Nhà ký ứcQuán thơ, nơi các nhà thơ, tao nhân mặc khách nhiều thế hệ sẽ giao lưu với công chúng, đọc thơ và trò chuyện về nền thi ca Việt Nam.

Song song với Đường thơ, phía phố Nguyễn Tri Phương, dự kiến sẽ có Đường sách, với khoảng 40 ki-ốt dành cho các nhà xuất bản, công ti văn hoá, phát hành sách; công chúng tham quan và mua các tác phẩm văn học, các tuyển tập thi ca cổ điển và đương đại.

Tại vị trí trung tâm, trước cửa Đoan Môn là sân khấu có sàn bằng kính, được gọi là Đàn thơ - nơi sẽ diễn ra Đêm thơ Nguyên tiêu. Từ trên tường thành sẽ có hai tấm pano lớn được thả xuống. Trên mỗi tấm pano chép bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt và bài thơ Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên trái sân khấu là hai Cây thơ, từ trên cành cao sẽ thả xuống những phong thơ, bên trong có những câu hỏi thú vị, đố vui kiến thức thơ dành cho bạn yêu thơ, người chiến thắng sẽ nhận được những phần quà thú vị từ Ban Tổ chức.

Sáng ngày 5/2, tại Hội trường lớn của Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ chủ trì Tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”, với sự tham gia các nhà thơ nhiều thế hệ, thảo luận và làm rõ những vấn đề quan trọng của thi ca đương đại do. Song song với tọa đàm trên hệ thống màn hình LED trước cổng Đoan Môn sẽ phần trình chiếu các phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ nổi tiếng đã góp phần xây dựng nên nền thi ca Việt Nam.

Buổi trưa từ 11 giờ 30 - 14 giờ sẽ tiếp tục trình chiếu video clip tuyển chọn các ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ những bài thơ được nhiều người yêu thích trên hệ thống màn hình LED trước cổng Đoan Môn.

Buổi chiều từ 14 giờ - 17 giờ sẽ diễn các hoạt động đọc thơ, trò chuyện về thơ trong Quán thơ; công chúng tham quan và giao lưu tại Nhà ký ức thơ. Song song là hoạt động trình chiếu các phim tư liệu về các hoạt động nổi bật của Hội Nhà văn Việt Nam trong thời kì đổi mới, hội nhập và phát triển trên hệ thống màn hình LED trước cổng Đoan Môn.

Buổi tối, bắt đầu từ 19 giờ - 21 giờ là chương trình nghệ thuật chính của Ngày Thơ, diễn ra tại sân khấu trung tâm trước cổng Đoan Môn. Điểm đặc biệt của năm nay là chỉ có một sân thơ duy nhất (khác với những lần tổ chức trước tại Văn Miếu - Quốc tử Giám, chia ra hai sân thơ) dành cho các nhà thơ mọi thế hệ. Sẽ có 21 bài thơ/tác giả thơ xuất hiện trong chương trình, tương đương với con số Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21.

Công chúng sẽ được gặp lại hình ảnh của các nhà thơ nổi tiếng giai đoạn Thơ Mới đến thơ kháng chiến chống Pháp như: Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Chính Hữu… qua giọng đọc của các nhà thơ từ kho tư liệu của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Tiếp theo là phần đọc, trình diễn, diễn xướng thơ của các nhà thơ thế hệ chống Mĩ; thế hệ nhà thơ sau 1975 đến thời kì Đổi mới; và cuối cùng là của các nhà thơ Trẻ. Đan xen với đọc thơ, các nghệ sĩ nổi tiếng sẽ trình diễn những ca khúc được phổ nhạc từ các bài thơ được công chúng yêu thích.

Chủ tịch Hội Nhà văn mong muốn mang vẻ đẹp thi ca đến những nơi xa nhất, bằng nhiều cách thức và cung bậc để sứ mệnh văn chương luôn được lan tỏa trong đời sống của con người Việt Nam, để qua mỗi năm đời sống văn học nghệ thuật sẽ được bồi đắp thêm.

THU OANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)