Dòng chảy
NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ XXI

Để thơ ca thực sự được tôn vinh

Thứ Hai, 06/02/2023 11:18

Sau hai năm tổ chức online, Ngày Thơ Việt Nam 2023 trở lại với quy mô hoành tráng và nội dung hoàn toàn đổi mới, từ địa điểm đến bố cục, thời gian tổ chức chương trình. 

Bài liên quan:

Toạ đàm định vị thơ ca trong đời sống hôm nay

Nhịp điệu mới của Ngày Thơ Việt Nam 2023

Năm nay, Ban tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn địa điểm tổ chức là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long với không gian rộng và là địa chỉ văn hóa thiêng liêng của Thủ đô. Đây là tiền đề tốt nhất để Tổng đạo diễn - đạo diễn Lê Quý Dương triển khai ý tưởng cũng như những người phụ trách mĩ thuật - họa sĩ Phạm Hà Hải và họa sĩ Lê Đình Nguyên - sáng tạo không gian cho các nhà thơ và khách yêu thơ.

Sáng Rằm tháng Giêng năm Quý Mão (5/2/2023), cơn mưa xuân đầu mùa khiến cho các hoạt động diễn ra muộn hơn dự định một chút. Với chủ đề “Nhịp điệu mới”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nguyễn Quang Thiều cho biết Ngày Thơ sẽ là sự hòa quyện của thơ ca, âm nhạc, nghệ thuật thị giác và hội họa. Khác với mọi năm, khi buổi sáng ngày rằm tháng Giêng là không gian trình diễn thơ, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 tổ chức song song nhiều hoạt động diễn ra suốt cả ngày. Ban tổ chức cũng đã dành một thời lượng lớn để bàn sâu về thơ và vị trí của thơ trong đời sống hôm nay bằng một toạ đàm đậm tính chuyên môn tại khuôn viên Hoàng Thành (VNQĐ đã có bài tường thuật riêng về sự kiện này). Năm nay chương trình thơ được "để dành" đến tối, đúng đêm Nguyên tiêu với những cộng hưởng tốt hơn về âm thanh, ánh sáng cũng như các hiệu ứng sân khấu. Đây là hoạt động trọng tâm có đầu tư của Ban tổ chức nhằm kì vọng vào một điểm nhấn cho Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXI. 

Màn pháo hoa khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXI. Ảnh: Thành Duy

Thơ ca hãy đứng về phía con người

Mở đầu đêm thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: Trong lịch sử lớn của dân tộc có lịch sử thi ca. Các nhà thơ Việt Nam đã đi cùng dân tộc trên mọi chặng đường. Quyền lực của ngôn ngữ với vẻ đẹp nhân văn, với bản chất và bản lĩnh của thi ca đã đi qua mọi thách thức, mọi đe doạ và cả cái chết để kiêu hãnh bước vào từng ngôi nhà, nhóm lên ngọn lửa yêu thương, thật thà… Chúng ta hãy cũng nhau viết lên bài thơ của lương tri, của tự do và hi vọng bằng những cách riêng của trái tim mình. Thơ ca hãy đứng về phía con người, vinh danh con người và bảo vệ con người.

Ông nói rằng, hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà trong lịch sử phải đương đầu với nhiều cuộc chiến chống quân xâm lược như dân tộc Việt Nam. Và thực tiễn lịch sử cũng cho thấy, hiếm dân tộc nào lãng mạn như dân tộc Việt Nam. Chúng ta có tướng soái làm thơ, có chiến sĩ là nhà thơ và có cả những vị vua là nhà thơ. Và chúng ta đã chứng kiến biết bao chiến sĩ cách mạng cũng là những nhà thơ tiêu biểu của đất nước, của dân tộc. Thơ ca được làm ở chốn lao tù của đế quốc, thơ ca được sáng tác trên suốt chặng đường hành quân của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh trống khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXI. Ảnh: Thành Duy

Dự Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXI, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài phát biểu và đánh trống khai mạc Ngày Thơ Việt Nam năm 2023. Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói: Lịch sử thơ ca dân tộc ta, từ khởi nguồn tới nay, chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh của đất nước. Ở mỗi thời kì, từ dựng nước đến giữ nước, thơ ca luôn đồng hành, trở thành vũ khí sắc bén của dân tộc để chống ngoại xâm, chống đồng hoá, để xây đắp văn hiến và duy trì sự phát triển dòng giống Lạc Hồng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói rằng, bên cạnh dòng thơ ca chống ngoại xâm, chúng ta có thơ ca tham gia xây dựng kiến thiết đất nước khi hoà bình, có thơ ca tham gia vào công cuộc đổi mới đất nước để bắt nhịp cùng xu thế phát triển của thời đại. Thơ ca như thể hòa quyện với dân tộc ta, trở thành một phần không thể thiếu của mỗi người Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng ghi nhận, thời gian qua, các nhà thơ đã nhập cuộc với ý thức trách nhiệm cao trước hiện thực phát triển phong phú và sâu sắc của nước nhà. Nhiều nhà thơ đã đồng hành trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như sát cánh với cả nước chung tay khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống đại dịch COVID-19... Nhìn chung, văn học, trong đó có thơ ca, đã tham gia sâu rộng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều tác phẩm thơ đề tài chiến tranh và người lính được lựa chọn trình diễn trong Đêm thơ Nguyên tiêu - Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXI. Ảnh: Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trình bày một tác phẩm thơ từng được tạp chí Văn nghệ Quân đội giới thiệu từ nhiều năm trước. Ảnh: XT

Trong bài phát biểu gửi tới các nhà thơ và người yêu thơ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn, tác phẩm của các nhà thơ vươn ra khỏi địa giới quốc gia để sánh vai, hòa mình với văn học thế giới, đồng chí mong muốn mỗi tác phẩm văn học phải là một "đại sứ" trên lĩnh vực văn học nghệ thuật Việt Nam thời kì mới; phải là một tiếng nói xác lập tư cách, vị thế của dân tộc ta, đất nước ta trong con mắt bạn bè quốc tế. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong các nhà thơ luôn ý thức thật tốt về quyền và trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với dân tộc mình, đất nước mình…

Sau tiếng trống khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXI của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, công chúng đã bất ngờ khi chiêm ngưỡng màn pháo hoa được bắn lên để chào mừng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXI. Đó dường như cũng là thông điệp về khao khát đưa thơ trở lại vị trí và niềm kiêu hãnh như nó vốn có.

Nhịp điệu mới

“Bằng mọi cách thức, mọi cung bậc, chúng tôi muốn lan tỏa thơ ca đến với mọi người. Không chỉ là người yêu thơ mà cả người chưa yêu thơ, chưa hiểu thơ, khi bước chân đến ‘cõi thơ’ cũng hiểu hơn về thơ, yêu thơ hơn. Đó là mục đích của chương trình,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ. Có lẽ bởi thế mà cách thức tổ chức năm nay đã tăng sức hút từ sân khấu với sự hỗ trợ của kĩ thuật hiện đại, từ trình chiếu đến hiệu ứng sân khấu, pháo hoa cùng khói màu trong các tiết mục thơ nhạc khiến công chúng, bên cạnh những sâu lắng về cảm xúc do thơ mang lại thì còn được mãn nhãn.

Không chỉ thay đổi về địa điểm diễn ra, so với những lần tổ chức trước đây, Ngày Thơ Việt Nam 2023 đã có nhiều đổi mới. Thay vì phân chia Sân thơ Trẻ và Sân thơ truyền thống thì năm nay các nhà thơ của mọi thế hệ đã cùng quây quần ấm áp trong một không gian thơ, để cùng chia sẻ và lắng nghe thơ, lắng nghe cảm xúc, nhịp đập và nhịp điệu tâm hồn nhau.

Lần đầu tiên, nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đọc thơ trên sân khấu. Ảnh: Thành Duy

Đêm thơ Nguyên tiêu chính thức diễn ra với bốn chương lớn gồm: Thơ mới và thơ trong kháng chiến chống Pháp; Thơ trong kháng chiến chống Mĩ; Thơ thời kì đổi mới; Thơ trẻ.

Mở đầu đêm thơ, công chúng được nghe thơ của các nhà thơ Chính Hữu, Xuân Diệu, Hoàng Cầm là những nhà thơ đã khuất nhưng tác phẩm của họ còn vang mãi trong trái tim người yêu thơ. Những tác phẩm thơ này đã được các nghệ sĩ sân khấu gửi tới khán giả bằng phần thể hiện của họ cùng những hình ảnh minh hoạ trên màn hình lớn. Điểm nhấn của đêm thơ là việc các nhà thơ hôm nay trực tiếp lên sân khấu đọc, chia sẻ về những sáng tác của mình. Các nhà thơ Hữu Thỉnh, Thi Hoàng, Anh Ngọc, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bình Phương... là những nhà thơ quan trọng đã góp phần làm thay đổi và phát triển nền thơ ca đương đại đã hiện diện cùng những tác phẩm. Sự xuất hiện của các nhà thơ trẻ như Nguyễn Bảo Chân, Lữ Mai, Nguyễn Minh Cường, Nguyễn Vĩnh Tiến, Đoàn Văn Mật, Lý Hữu Lương là một dấu ấn về sự tiếp bước thế hệ đàn anh. Kịch bản của hai MC Phan Đăng và Thuỵ Vân cũng khá sâu và bổ trợ nhiều thông tin hữu ích liên quan đến các tiết mục diễn ra sau đó để khán giả có thêm những thông tin về tác giả - tác phẩm cũng như hoàn cảnh ra đời qua vài mẩu chuyện, tình tiết liên quan nhẹ nhàng vừa đủ.

Phần đọc thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ảnh: XT

Âm nhạc và sân khấu là một phần quan trọng để tôn vinh thơ trong đêm thơ. Trong những giai điệu ngân nga, ấm áp, trữ tình, trong ánh sáng huyền ảo lung linh thơ đã được cất lên chắp cánh cho thơ. Có thể mọi người còn chưa quen với địa điểm tổ chức mới của Ngày Thơ, nhưng sự có mặt của khá đông công chúng mọi thế hệ trong đêm Nguyên tiêu đã thêm phần khẳng định, thơ vẫn luôn tồn tại, luôn sống và có giá trị trong lòng bạn đọc hôm nay.

Lan toả tình yêu văn học và tôn vinh người cầm bút

Bên cạnh điểm nhấn là đêm thơ, thì không gian thơ được trưng bày, sắp đặt tại Hoàng Thành Thăng Long cũng vô cùng ấn tượng bởi sự hoành tráng và lắng đọng như khu vực trưng bày các bộ máy chữ đánh tay các nhà văn, nhà thơ Việt tiền bối đã sử dụng hay như tượng các nhà thơ hiện đại được lịch sử thơ ca Việt Nam ghi nhận hiện diện cùng phần giới thiệu tiểu sử của họ. Dọc lối vào là phần trưng bày giới thiệu các câu thơ xuất sắc của các tác giả mà tên tuổi của họ đã đóng dấu trong nền thơ Việt Nam, những câu thơ hay được văn giới thừa nhận. Bằng những cách thức khác nhau, lịch sử thi ca Việt Nam đã được giới thiệu đến công chúng và tạo nên một không gian đậm chất thơ trong một ngày dành riêng để tôn vinh nó.

Nhà thơ Bằng Việt gây xúc động với bài thơ về mẹ. Ảnh: Thành Duy

Không gian Ngày Thơ bao trọn toàn bộ khu vực sân Đoan Môn của Hoàng Thành. Người yêu thơ sẽ được chào đón tại Cổng thơ - một thiết kế cách điệu của họa sĩ Phạm Hà Hải, một người có thâm niên đồng hành cùng các tác phẩm văn học bằng hàng loạt minh hoạ trên các tạp chí văn chương suốt những năm qua. Qua Cổng thơ này khách thơ sẽ bước vào Cõi thơ. Dọc con Đường thơ để vào khu vực sân khấu chính là 100 câu thơ hay của các nhà thơ Việt Nam được trình bày dọc hai bên đường được thắp sáng để hiện lên trong đêm. Giữa khuôn viên của Hoàng thành Thăng Long là "Nhà ký ức", nơi trưng bày các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kì của văn học Việt Nam do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu... Bên cạnh "Nhà ký ức" là Quán thơ, nơi các nhà thơ, tao nhân mặc khách nhiều thế hệ giao lưu với công chúng, đọc thơ và trò chuyện về nền thi ca Việt Nam. Song song với Đường thơ ở mạn tiếp giáp với đường Hoàng Diệu, phía tiếp giáp với đường Nguyễn Tri Phương là Đường sách, với khoảng 40 ki-ốt của các nhà xuất bản, công ty văn hóa, đơn vị phát hành sách giới thiệu và bán các tác phẩm văn học, các tuyển tập thi ca cổ điển và đương đại. Tại vị trí trung tâm, trước cửa Đoan Môn là sân khấu diện tích khoảng 350m2 sàn, trong đó có 100m2 sàn bằng kính, được gọi là Đàn thơ - nơi diễn ra Đêm thơ Nguyên tiêu.

Tiết mục bế mạc Đêm thơ - Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 là bài hát Hạt gạo làng ta phổ thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa do 21 em thiếu nhi trình bày. Ảnh: XT

Tổ chức tại sân Đoan Môn của Hoàng Thành có ưu điểm là không gian rộng lớn, tuyệt đối dành cho thơ mà không bị chi phối hay xen kẽ bởi khách tham quan Văn Miếu như các năm trước trong một không gian giới hạn hơn. Trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21, trên hệ thống màn hình LED trước Đoan Môn còn có màn trình chiếu video clip tuyển chọn các ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ những bài thơ được nhiều người yêu thích cũng như các phóng sự giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp một số nhà thơ.

Các hoạt động đọc thơ, trò chuyện về thơ cũng diễn ra trong ngày tại Quán thơ; công chúng được tham quan và giao lưu tại "Nhà ký ức", xem các phim tư liệu về các hoạt động nổi bật của Hội Nhà văn Việt Nam trong thời kì đổi mới, hội nhập và phát triển trên hệ thống màn hình được lắp đặt.

THANH AN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)