Dòng chảy

Trần Thuỳ Mai muốn lấp đầy lịch sử bằng những ước đoán

Chủ Nhật, 29/01/2023 16:18

 Chiều 28/1/2023, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu đến bạn đọc bộ tiểu thuyết lịch sử Công chúa Đồng Xuân của nhà văn Trần Thuỳ Mai. Tác phẩm này có thể được xem là phần tiếp theo của Từ Dụ thái hậu, cùng với Từ Dụ thái hậu hợp thành bộ tiểu thuyết lịch sử đầy đủ về triều Nguyễn.

Nhà văn Trần Thuỳ Mai từng được nhắc đến là cây bút văn xuôi nữ hàng đầu thời hậu chiến. Theo thời gian, dòng chảy văn chương Việt Nam có nhiều thay đổi nhưng bà vẫn luôn duy trì được nội lực của mình và xuất hiện đều đặn trên văn đàn. Năm 2019, bộ tiểu thuyết lịch sử viết về triều đình nhà Nguyễn Từ Dụ thái hậu của bà ra mắt bạn đọc, ngay sau đó tác phẩm đã giành được giải nhất Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm (2016-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Trần Thùy Mai chọn viết về công chúa Đồng Xuân bởi vụ án này kết thúc xung đột giữa hai phái chủ hòa và chủ chiến của triều Nguyễn. Ảnh: Nxb Phụ nữ Việt Nam

Nếu Từ Dụ thái hậu là thời thịnh Nguyễn (trải 30 năm, từ Gia Long đầu triều đến đầu thời Tự Đức), thì Công chúa Đồng Xuân tái hiện khoảng 40 năm đầy biến động tang thương trải từ năm 1859 đến năm 1900. Đây là một cuốn tiểu thuyết đồ sộ 66 chương với hàng trăm nhân vật, đa phần là các nhân vật có thật trong lịch sử. Nhân vật Từ Dụ có cuộc đời trải dài suốt triều Nguyễn, trong Công chúa Đồng Xuân vẫn là một nhân vật mang tính nền tảng. Khác với Từ Dụ thái hậu đặc tả chuyện cung đấu, chuyện quân thần thời thịnh trị; Công chúa Đồng Xuân theo dòng lịch sử kể lại những chính biến kinh hoàng, với xương sống là việc thực dân Pháp dần chiếm nước ta, biến nước ta thành một nước bị đô hộ, triều đình nhà Nguyễn mất dần quyền lực và trở thành con rối trong tay quyền thần, Pháp súy. Khá rõ ràng và kiên quyết, không ít đau tiếc ngậm ngùi, tiểu thuyết đưa ra quan điểm của tác giả về một sự “lỡ vận” của đất nước, khi quốc sách sai lầm, triều đình do dự quá lâu không nghe theo hiến từ kiến quốc của các trí thức quan lại có tầm nhìn tiến bộ (về việc canh tân đất nước, củng cố quốc phòng, mở rộng giao thương, hòa hoãn để hạn chế thương vong chiến tranh...). Quốc sách cố chấp và bạc nhược đã khiến các vua Nguyễn dần đi vào ngõ cụt, cắt đất dâng dần cho Pháp, chịu nhiều chiến phí; nhiều cuộc nổi loạn và binh biến diễn ra liên miên, đặc biệt là xung đột với dân Đạo, làm rối ren và suy kiệt đất nước. Có thể nói qua tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân, người đọc có dịp nhìn lại đầy đủ và thấu đáo sử Việt thời đầu Pháp thuộc, từ đó nhìn thời hiện đại một cách biện chứng hơn.

Tác phẩm mang đến cho bạn đọc nhiều góc nhìn, nhiều cảm nhận khác nhau trong đó có sự cảm thương cho đất nước trong những giai đoạn thăng trầm của của lịch sử. Có bi hùng, có đau thương và trên hết là sự tiếp cận thấu suốt hơn với người thời trước.

Tại buổi ra mắt sách, nhà văn Trần Thuỳ Mai chia sẻ: bà chọn nhân vật là công chúa Đồng Xuân vì vụ án Đồng Xuân là sự kết thúc của hai phe chủ chiến và chủ hoà giai đoạn Pháp xâm lược nước ta, cô chỉ là cái cớ giữa hai phe xung đột chứ không có chứng cớ cô “hoà gian”. Trong quá trình tìm hiểu, Trần Thuỳ Mai cảm thấy đây là vụ án rất đáng thương xót, con người cần được xét xử công bằng hơn, và nhân đạo. Bà quan niệm, thời chiến cần tự tôn để khẳng định sức mạnh nhưng thời bình cần điềm tĩnh nhìn lại để thấy mọi thứ một cách công bằng và sáng suốt hơn.

Nhà văn Trần Thuỳ Mai ghi chép và thuộc nhiều ca dao, vè thời xưa về triều đình nhà Nguyễn trong quá trình sưu tầm tư liệu văn học dân gian. Từ Dụ và Tôn Thất Thuyết là hai nhân vật xuất hiện nhiều trong những tư liệu mà bà có được. Sau khi viết về Từ Dụ thì bà muốn viết tiếp về Đồng Xuân, nàng công chúa mà cuộc đời còn nhiều khuất khúc, trong giai đoạn đó cũng có nhiều mốc lịch sử quan trọng. Tôn Thất Thuyết cũng là nhân vật quan trọng của giai đoạn lịch sử ấy. Pháp xâm lược, triều đình phe chủ chiến phe chủ hoà, qua cách nhìn và cách xây dựng tiểu thuyết của nhà văn, mỗi người sẽ có những nhìn nhận riêng, bài học riêng.

Nhà văn Trần Thuỳ Mai muốn lấp đầy lịch sử bằng những ước đoán, hư cấu trên cơ sở lịch sử. Bà khẳng định mình không muốn và không thể làm thay công việc của nhà sử học, mà theo bà, tiểu thuyết lịch sử sẽ làm cho người ta hứng thú với lịch sử hơn và muốn tìm hiểu về giai đoạn đó.

Công chúa Đồng Xuân đề cập đến những vấn đề lịch sử quan trọng và dữ dội xoay quanh cuộc đời của một nàng công chúa. Đó là công chúa Gia Phúc hay Đồng Xuân, con gái của vua Thiệu Trị. Lịch sử ghi lại, bà có tai tiếng “hòa gian” với chính người anh ruột cùng cha khác mẹ của mình. Vụ tai tiếng đó, cùng với án thông dâm của vương phi họ Tống với con trai là Mỹ Đường, cũng như nghi án vua Tự Đức là con trai của Trương Đăng Quế và Từ Dụ thái hậu, là những nghi án lớn nhất triều Nguyễn. Và như ở cuốn tiểu thuyết trước, tác giả đưa ra câu chuyện của mình để chiêu tuyết cho nàng công chúa tội nghiệp, với cái nhìn nhân hậu, thấu suốt, thuyết phục. Ngoài ra, tác giả chủ ý đặc tả các nhân vật nữ trong thành nội ở một khía cạnh khác, thật hơn, “đời” hơn. Bên cạnh diễn tiến sục sôi của mạch chính trị, câu chuyện về một nàng công chúa xinh đẹp, phóng khoáng và đầy sức xuân nơi cung cấm nghiêm cẩn hà khắc, với cuộc đời đầy ắp thăng trầm, giữa bao chính sự rối tung, làm cho cuốn tiểu thuyết hứa hẹn hấp dẫn từ đầu đến cuối.

Buổi giới thiệu sách diễn ra trong khuôn khổ Phố sách Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: Nxb Phụ nữ Việt Nam

Nhà văn Uông Triều bày tỏ mong muốn nhà văn Trần Thuỳ Mai sẽ tiếp tục viết về triều Nguyễn. Theo anh, gần chục năm nay những nhìn nhận của dân chúng và giới nghiên cứu về triều Nguyễn đã khác đi, bình tĩnh hơn, khách quan hơn. Nhà văn Trần Thuỳ Mai qua tác phẩm Công chúa Đồng Xuân đã đi vào giải quyết vấn đề khách quan hơn, đa dạng hơn, khoa học hơn. Nhà văn có tư thế, vị thế, sự chuẩn bị rất nhiều cho cuốn tiểu thuyết, bà cũng đã mang đến tiếng nói khác biệt, không cao đàm khoát luận nhưng tác phẩm cho thấy lịch sử ở những thời khắc khó khăn, mọi lựa chọn đều rất khắc nghiệt, qua đó kiến giải lịch sử thấu đáo hơn. 

Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, bộ tiểu thuyết đúng nghĩa là bộ tiểu thuyết lịch sử nhưng không phụ thuộc vào lịch sử. Trần Thuỳ Mai không đứng về phe chiến hay hoà mà bà giải mã lịch sử. Bên cạnh đó, tính tư tưởng của tác phẩm cũng được thể hiện rõ nét. Nhà văn đem đến cho đương thời rất nhiều thông điệp. Trần Thuỳ Mai hết sức thận trọng trong việc nghiên cứu ngôn từ, y phục của thời đại đó. "Có thể nói, nhà văn trước hết phải là nhà văn hoá mới viết được tiểu thuyết lịch sử", nhà văn Hoàng Quốc Hải nhìn nhận. 

Có mặt tại buổi giới thiệu cuốn sách, các nhà sử học cũng đã có những ghi nhận với Công chúa Đồng Xuân. Theo đó, các nhà sử học cho rằng, không khí của cả một thời đại trong lịch sử đã được nhà văn dựng lại, bố cục, hư cấu làm sống dậy những nhân vật mà tưởng như họ mãi mãi ngủ yên trong quá khứ, trong những gì lịch sử đã đóng đinh. Nhà sử học Lê Văn Lan gọi đó là cách mà Trần Thuỳ Mai tạo nên một cơ thể có vui, buồn, khỏe, yếu, hỉ nộ ái ố, một nhân vật của lịch sử được hiện hình nhờ bút pháp Trần Thùy Mai. Còn nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng, chuyện của lịch sử là chuyện của hôm nay. Lịch sử như tấm gương chiếu hậu. Tiểu thuyết lịch sử của Trần Thuỳ Mai đã khẳng định điều đó và cho chúng ta những quan sát toàn diện hơn.

Công chúa Đồng Xuân đã thêm khẳng định thế mạnh với tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Trần Thuỳ Mai, sau mảng truyện ngắn mà bà đã định danh mình. Qua đó cũng cho thấy được sự nghiêm cẩn trong nghề viết của nữ nhà văn xứ Huế.

KIM NHUNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)