Dòng chảy

Chữ tình trong từng nét vẽ (2)

Thứ Bảy, 04/02/2023 08:59

Mĩ thuật trên Văn nghệ Quân đội là một phần không thể thiếu để góp phần làm nên diện mạo, phong cách của Tạp chí trong suốt 65 năm qua. Ở mỗi giai đoạn, Văn nghệ Quân đội đều may mắn có được sự cộng tác đầy thân tình của các họa sĩ, mà tên tuổi của họ gắn với nhịp bước của mĩ thuật đương thời.

 

Họa sĩ Lê Anh:

Nối lại duyên xưa

Tôi nhớ hồi những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỉ trước, khi đã ở tuổi bắt đầu biết cảm nhận vẻ đẹp của văn chương, có được cuốn Văn nghệ Quân đội thật như được của báu. Thời đó sách báo khan hiếm, với những đứa trẻ lớn lên ở quê thì cửa sổ mở ra cả một chân trời là những cuốn sách, cuốn tạp chí như vậy. Nhưng rồi giữa dòng chảy cuồn cuộn của thời đại bùng nổ thông tin, một thời gian dài tôi không gặp lại người bạn cũ. Văn nghệ Quân đội với tôi vẫn luôn là những kí ức đẹp nhưng dường như đã là của một thời xa xôi.

Cho đến cách đây ít năm, tôi mới có dịp cầm lại trên tay cuốn Văn nghệ Quân đội, cảm giác xúc động như cầm một mảnh kí ức vậy. Sau đó một số tranh của tôi lại được ban biên tập ưu ái chọn làm bìa tạp chí, vậy là một mối duyên xưa, một tình bạn cũ lại bắt đầu nối lại. Cuốn tạp chí ngày nay vẫn có một vẻ quen thuộc rất thân thương nhưng tất nhiên cũng đã mang những dáng nét của thời đại mới. Đặc biệt Văn nghệ Quân đội vẫn rất chăm chút về mặt mĩ thuật với những trang bìa và minh hoạ rất đặc sắc. Chúc Văn nghệ Quân đội luôn vững bước, tiếp nối truyền thống đáng tự hào của các thế hệ đi trước và vẫn là người bạn đồng hành đặc biệt cùng các thế hệ mới trong và ngoài quân đội.

 

Họa sĩ Trương Đình Dung:

Có người hỏi mua bức minh họa của tôi

Một lần tôi nhận được tin nhắn của họa sĩ Nguyễn Duy Quang mời minh họa cho Văn nghệ Quân đội. Với tôi, đó là một đêm vui không ngủ, giống như một giấc mơ vậy. Tôi đã trải qua những cảm xúc khác nhau khi vẽ, vui mừng, hồi hộp, lo lắng và vẽ suốt đêm… Đến khi họa sĩ bảo “ok rồi anh!”, tôi đã chạy khoe khắp cơ quan… Có lẽ tôi là họa sĩ duy nhất ở miền Trung cộng tác minh họa cho Văn nghệ Quân đội trong giai đoạn này. Với tôi, đó là một vinh dự. Tôi yêu và quý ấn phẩm Văn nghệ Quân đội và vẽ bằng trái tim của người lính.

Có ai bán được minh họa không? Chắc khó. Với tôi được vẽ cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội là một giấc mơ. Ấy thế mà tôi đã trả nợ giấc mơ của một cậu bé lớn lên từ vùng đất lửa tuyến 17 Vĩnh Linh. Một hôm, có một người hỏi tôi: Anh có bán bức tranh nho nhỏ này không? Tôi vùng dậy lúc 3 giờ sáng. Dạ anh, không phải tranh. Mà đó là minh họa màu cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thể hả, tưởng tranh. Nếu là minh họa Văn nghệ Quân đội, tôi mua với giá cao. Bạn tặng tôi luôn tạp chí nhé. Sau này tôi biết, bác ấy là một người lính, bạn với bố tôi. Từng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị.

Và cho đến bây giờ, những minh họa vẽ cho Văn nghệ Quân đội tôi đều trân quý và lưu lại! Không phải để bán! Mà nơi đó tôi thấy tự hào mình là một người lính! Như ông tôi. Cha tôi. Và những người thân của tôi!

 

Họa sĩ Phạm Hà Hải:

Như ô cửa nhìn ra cuộc sống

Văn nghệ Quân đội với tôi. Thập niên 80 thế kỉ trước, ở tuổi ấu thơ, là tuổi thèm đọc, đọc bất cứ những gì nhìn thấy, hơn nữa khi đó cơ bản thông tin đến với con người qua văn bản, và, tạp chí Văn nghệ Quân đội là một đặc sản với tôi… Những truyện ngắn, những hình ảnh minh họa trên tạp chí thoả mãn nhu cầu đọc, xem, trở thành ô cửa nhìn ra cuộc sống, về hiện thực bên ngoài và kí ức bên trong không chỉ của quân nhân mà của toàn xã hội. Bởi thế, những cuốn Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã luôn theo tôi như những cuốn sách lâu dài. Giờ đây, sau nhiều năm vinh dự cộng tác làm minh hoạ cho tạp chí, tôi vẫn mang trong mình niềm yêu quý, mong muốn đóng góp những tranh sáng tác, những minh họa đẹp, sâu sắc để đồng hành bên cạnh văn chương là phần mĩ thuật thực sự là liên tài, cùng nhau tạo nên những số tạp chí đặc sắc.

Tôi có một kỉ niệm nhỏ trong quá trình cộng tác với Văn nghệ Quân đội. Năm 2019, khi đang ở khu Angkok của Camphuchia thì họa sĩ Duy Quang đặt vẽ minh họa cho truyện ngắn. May là tôi luôn mang theo bút sắt tự đổ mực truyền thống nên vẽ được nét đen và pha nước các độ đậm nhạt, tạo kĩ thuật loang được. Nhưng yêu cầu là phải minh hoạ màu. Tôi bèn chế màu bằng trà và cà phê. Nhưng để ra tạp chí với sắc màu như kết quả in, phong phú sinh động hơn là nhờ kĩ thuật xử lí trên máy của họa sĩ Duy Quang. Rất tuyệt!

Kỉ niệm ngày ra số tạp chí thứ 1000 vừa là niềm tự hào vừa đặt ra những thách thức mới để tạp chí ngày càng hay hơn. Là cộng tác viên mĩ thuật, tâm tư hoạ sĩ nào cũng luôn chú ý về tính mĩ thuật của ấn phẩm mà ở đó ngoài yếu tố đặc thù bạn đọc của tạp chí thì mĩ thuật cần mang tới những cảm xúc mới mẻ. Nếu có thể, tôi nghĩ, phần bìa nên giới thiệu những tác phẩm mĩ thuật mới, có dấu ấn trong bối cảnh đương đại cùng với một bài viết về tác giả, tác phẩm ấy trong một mục nhỏ mĩ thuật hôm nay để tăng sự phong phú nội dung tạp chí cũng như mang lại những cảm xúc thẩm mĩ sâu đậm trong lòng bạn đọc.

 

Họa sĩ Nguyễn Duy Quang:

Cú “quay xe” hụt!

Chịu trách nhiệm mĩ thuật của Văn nghệ Quân đội hiện tại là hoạ sĩ Nguyễn Duy Quang. Anh là cầu nối giữa Tạp chí với các hoạ sĩ minh hoạ cho các tác phẩm văn học cũng như lựa chọn tác phẩm mĩ thuật, nhiếp ảnh để dựng bìa cho từng số tạp chí. Câu chuyện đến và ở lại với Văn nghệ Quân đội của anh.

Tôi bắt đầu công việc trình bày Văn nghệ Quân đội từ tháng 7 năm 2009. Vừa đến ra mắt hôm trước hôm sau vào việc luôn, không lòng vòng. Anh Nguyễn Xuân Hải, tiền nhiệm của tôi, người luôn có nụ cười tươi tắn, bảo tôi “ngồi vào đấy, cứ bật máy tính lên mà làm đi”, hầu như chả có hướng dẫn gì nhiều. Kèm theo, anh đưa tôi số điện thoại của 5 hoạ sĩ để đặt minh hoạ. Hết.

Thời gian đầu chưa quen nên tôi cũng khá chật vật mới trình bày xong một số tạp chí, trình bày xong lại cũng phải chỉnh sửa nhiều. Thời đó còn trẻ trung, chưa lập gia đình nên mỗi khi có bài số mới tôi thường nán lại cơ quan làm đến muộn mới về.

Mọi thứ cứ thế trôi đi tàm tạm. Nhưng rồi thử thách cũng sớm đến. Đó là đến lúc làm số đặc biệt, số gộp tháng 12/2009. Đây là số gộp đầu tiên tôi phải làm, trước đó toàn làm số thường, nên khi trình bày số này tôi quả thực vô cùng bỡ ngỡ, không biết phải làm như thế nào, thật sự lúng túng. Nhất là khi các anh chị chuyển bài cho xong vào cuối giờ chiều và đi về hết rồi, anh Hải cũng chỉ trỏ thêm chút: đấy mày cứ thế mà làm. Lúc đấy đầu tôi như lú, chả hiểu "thế" là thế nào nữa. Rồi anh cũng về, còn mỗi mình ngồi ở phòng làm việc vào lúc 6-7 giờ tối, trăn trở các kiểu mà cũng không biết bắt đầu từ đâu, tiến hành như nào.

Nói qua về số gộp thời đó, đấy là cuốn tạp chí khổ 20x28 (lớn hơn cuốn Văn nghệ Quân đội hiện nay), độ dày 120 trang (bình thường là 80 trang), với nhiều mục nhỏ để chèn và chặn cho kín các trang như: Nghĩ ngắn về nghề, Cùng tra từ điển, Chuyện tình dưới đáy ba lô, Chuyện cười, Câu đối... rất khác so với số gộp hiện nay và cách trình bày cũng có phần khác. Vì làm số thường còn chưa chắc tay nên số này với tôi là quá khó khăn.

Sau hơn tiếng mông lung mà chưa nghĩ ra cái gì, cộng thêm bụng đói réo rắt nên tôi quyết định tạm gác lại, ra ngoài ăn gì đó rồi tính tiếp. Trên đường tôi “nhanh trí” loé lên “ý tưởng”: Hay là thôi bỏ cuộc xừ đi, công việc này không thích hợp với mình, có cố cũng chả ăn thua gì đâu.

Nghĩ thế rồi nhưng tôi vẫn thấy rất áy náy vì công việc còn dang dở chưa giải quyết được. Tôi nhắn tin cho người bạn thân cùng học mĩ thuật rủ cafe cho khuây khoả. Uống được ngụm đầu cốc sinh tố, trầm ngâm một lát tôi mở lời, kể cho bạn tôi về khó khăn mà tôi đang vướng phải, về suy nghĩ định xin nghỉ công việc này, lại ra xin việc làm thiết kế quảng cáo in ấn hay làm hội chợ triển lãm như mấy công ti trước, làm quen rồi nên sẽ trôi chảy hơn chứ không trúc trắc như thế này. Bạn tôi chơi với tôi từ thời ôn thi Đại học Mĩ thuật công nghiệp cũng ngót chục năm rồi nên cũng hiểu tính tôi. Nó lắng nghe hết tâm sự, khúc mắc của tôi, rồi nó nói như thế này: "Mày có thể tự quyết định có tiếp tục làm hay không. Nhưng ở đời này sẽ có nhiều khó khăn, nếu gặp trở ngại này mà mày dừng bước thì về sau mày sẽ rất sợ những trở ngại tương tự và không bao giờ vượt qua nổi, lại tiếp tục bỏ cuộc thôi. Còn nếu mày cố gắng hơn nữa để vượt qua được, thì khi qua được rồi nhìn lại mày sẽ thấy nó đơn giản hơn nhiều". Nghe nó nói thế, tôi cũng bừng lên, chả nhẽ một thằng như mình, mấy năm trước làm tư nhân cũng có chút thành tựu, mà giờ lại chịu khuất phục bởi một cuốn tạp chí. Nghĩ thế tôi liền đứng lên về thẳng cơ quan. Về đến phòng tôi mở máy tính ngồi cày ngay lập tức, tôi lục lại đống tạp chí cũ để tham khảo những số đặc biệt trước trình bày thế nào. Và tôi đã có phương án xử lí những khúc mắc lúc trước. Cứ thế tôi hì hục làm đến 12 giờ đêm mới xong hết, in bông ra đặt ngay ngắn trên bàn, đóng cửa tắt đèn, nổ máy xe ra về. Thấy thảnh thơi hơn nhiều.

Trên đường về tôi ngẫm lại lời thằng bạn thấy đúng, khó khăn này chưa phải là quá khó, quan trọng là mình có chọn vượt qua hay không mà thôi, khi đã qua rồi thì thấy làm số gộp nó cũng… thường thôi, có gì ghê gớm đâu. Và tôi cũng không xin nghỉ nữa mà gắn bó với Văn nghệ Quân đội đến tận bây giờ. Thấm thoắt cũng đã hơn mười năm…

HOÀI PHƯƠNG - THIỆN NGUYỄN thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)