Dòng chảy

Đồng hành cùng người lính

Thứ Năm, 09/02/2023 15:30

Những năm qua, VNQĐ đã luôn đồng hành với những bạn đọc đặc biệt trên khắp mọi miền đất nước, từ biên giới đến hải đảo. Đó là những người lính đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp đầu xuân Quý Mùi, chúng tôi đã ghi lại đôi dòng cảm nhận của những người lính đối với VNQĐ.

Văn nghệ Quân đội với chiến sĩ. Ảnh: Thành Duy

Đại uý Võ Thành Nhân - Trợ lí Tổ chức quần chúng Sư đoàn 330, Quân khu 9:

Tôi thích “chất lính” trong văn xuôi

- Đồng chí có nhận xét gì về Tạp chí Văn nghệ Quân đội?

+ Từ khi là học viên tại Trường Sĩ quan lục quân 2, tôi đã may mắn được biết đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Và bằng một cách kì diệu nào đó mà chính tôi cũng không nhận ra, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã “thôi miên” tôi, khiến tôi luôn háo hức đợi chờ số ra mỗi tháng. Hơn 15 năm là độc giả trung thành của Văn nghệ Quân đội, tôi nhận thấy Văn nghệ Quân đội đã thực sự mang một “làn gió” chuyên sâu về mảng văn học nghệ thuật, mang văn học đến gần hơn với công chúng, nhất là cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân; tạo nên một bước chuyển trong cách nhìn nhận, cách hiểu của độc giả về văn, về thơ và nhiều thể loại văn học khác nhau. Điều khiến tôi ấn tượng và mê mẩn ở Văn nghệ Quân đội đó chính là cách lựa chọn những tác phẩm văn, thơ rất mới mẻ, vừa phù hợp xu hướng giới trẻ (tâm tư chiến sĩ trẻ) vừa mang hơi thở của quân đội. Có thể thấy, văn chương về môi trường quân ngũ chưa bao giờ hết cuốn hút, hấp dẫn, nhất là những cán bộ, chiến sĩ tại ngũ.

- Tạp chí Văn nghệ Quân đội có vị trí như thế nào trong đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đơn vị?

+ Để nói về vị trí của Văn nghệ Quân đội trong đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị, thì phải khẳng định rằng: Đây là một “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ thật không khó để bắt gặp hình ảnh cán bộ, chiến sĩ cùng quyển Tạp chí trên tay dù là đang ở Thư viện hay bên bàn ghế đá, hoặc thậm chí đơn sơ chỉ là ngồi xếp bằng trên giường và ngẫm nghĩ cùng những dòng văn chương! Với cán bộ, chiến sĩ đơn vị tôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội không đơn thuần là nguồn cung cấp thông tin về các sự kiện chính trị, xã hội; hình ảnh hoạt động người lính, bồi đắp thêm chất văn chương, thơ ca mà còn là một người bạn thân thiết. Đọc truyện, đọc thơ cũng chính là lúc được trải lòng, được chiêm nghiệm và sẻ chia.

Đại úy Võ Thành Nhân tại khuôn viên văn hóa của đơn vị. Ảnh: NVCC

Bên cạnh Văn nghệ Quân đội bản in giấy còn có Văn nghệ Quân đội điện tử. Giữa thời đại công nghệ thông tin phát triển, nhiều sản phẩm văn hóa mang tính “mì ăn liền” xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, đã phần nào tác động tiêu cực đến nhận thức của giới trẻ. Và Văn nghệ Quân đội điện tử đã mang đến sắc hồng tươi sáng cho mảng văn hóa chính thống mà nhiều tờ báo từ Trung ương đến địa phương đang xây dựng. Lượng thông tin đa dạng và giao diện dễ sử dụng đã khiến cán bộ chúng tôi chọn vannghequandoi.com.vn trở thành điểm đến quen thuộc, đồng hành cùng chúng tôi khi gia nhập không gian mạng.

- Đồng chí thích đọc nội dung gì trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội giấy và Văn nghệ Quân đội điện tử?

+ Cá nhân tôi thì tâm đắc nhất là nội dung phần văn xuôi trên tạp chí giấy và Văn nghệ Quân đội điện tử. Tôi nghĩ là không chỉ riêng tôi mà còn nhiều bạn chiến sĩ trẻ thích thú đọc văn trên Văn nghệ Quân đội hơn là các báo, tạp chí khác với lí do đơn giản: Đó là “chất lính” trong các tác phẩm. Trong bức tranh đa dạng sắc màu về đời sống văn học nghệ thuật trong và ngoài Quân đội được lựa chọn đăng tải trên Văn nghệ Quân đội, chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự quen thuộc, gắn bó khi thấy các nhân vật, các khung cảnh, tình huống truyện được xây dựng trên nền của môi trường quân ngũ: Đó có thể là một câu chuyện lịch sử hoặc một cảnh sinh hoạt thường nhật của người lính. Điều này đã làm cho chất văn dễ đi vào lòng người- những cán bộ, chiến sĩ như chúng tôi.

Thiếu tá Hoàng Xuân Biên - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Lập, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị:

Văn nghệ Quân đội lên chốt chống dịch Covid

Tôi là độc giả trung thành của Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ khi còn là học viên của Trường Sĩ quan chính trị. Tôi nhận thấy, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có đóng góp to lớn trong lí luận phê bình văn học của đất nước, nâng cao chất lượng văn học về đề tài Bộ đội Cụ Hồ cũng như tuyên truyền hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Những bài viết làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Gọi là “văn nghệ” nhưng tính “chiến đấu” của Tạp chí Văn nghệ Quân đội không thua kém ấn phẩm nào bởi nhiều bài viết thể hiện quan điểm đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nêu cao tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó của Bộ đội Cụ Hồ, góp phần làm nổi bật, lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vì dân, vì nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, các đồn Biên phòng có rất nhiều loại sách, báo, tạp chí nhưng Tạp chí Văn nghệ Quân đội có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của bộ đội. Chúng tôi ở biên giới xa xôi nên việc báo chí đến được đơn vị cũng lắm gian nan, đôi khi không tới được thất lạc vào những dịp mưa lũ, đường sá chia cắt. Những tin tức thời sự đã được cập nhật qua tivi, báo hàng ngày hoặc đọc trên điện thoại. Đối với tạp chí, những bài viết chuyên sâu, giá trị thông tin cốt lõi giúp chúng tôi có cái nhìn tổng quát hơn, sâu sắc sơn. Các chuyên mục trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đều bổ ích và thu hút, tuy nhiên tôi thích các bài viết về nội dung “Người lính”. Đó là những bài viết hết sức nhẹ nhàng, chân thực và nhiều lúc thấy được bóng dáng của mình, gia đình mình ở đó.

Thiếu tá Hoàng Xuân Biên. Ảnh: NVCC

Dịch Covid-19 bùng phát, Đồn Biên phòng Hướng Lập duy trì các Chốt quản lí, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19. Các chốt này được dựng trên sát đường biên để chốt chặn người qua lại các đường mòn qua lại biên giới. Chúng tôi phải ở lều bạt dã chiến, dựng lán trại để thực hiện nhiệm vụ (sau này Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trang cấp nhà lắp ghép). Nói thế để có thể hình dung cuộc sống của những người lính Biên phòng trên chốt rất vất vả, khó khăn và thiếu thốn như thế nào. Tuy nhiên, về đời sống tinh thần của bộ đội luôn được quan tâm. Ở những chốt không có sóng điện thoại, trong số sách báo mang lên cho bộ đội không thể không có Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Số lượng ít nên anh em truyền tay nhau đọc từ chốt này sang chốt khác, dù đã cũ từ năm trước nhưng anh em vẫn được giữ lại cho những đợt sau. Chỉ là cuốn tạp chí nhưng đã mang lại cho chúng tôi rất nhiều về đời sống tinh thần.

Trung tá Nguyễn Thị Nhi - Biên tập viên Phòng Chuyên đề Phát thanh - Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội:

Được chảy cùng văn chương đương đại

Là một người yêu thích các tác phẩm văn chương từ nhỏ nên với tôi Tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn là người bạn thân thiết. Khi còn là giảng viên Bộ môn Văn - Tiếng Việt tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, tôi và các đồng nghiệp luôn coi Tạp chí là người đồng hành tin cậy. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác háo hức mỗi khi đón nhận số tạp chí mới, vì mỗi bộ môn chỉ được phát 1 cuốn nên chúng tôi thường truyền tay nhau đọc. Mỗi tác phẩm hay đều trở thành đề tài để các “cô giáo lính” thảo luận rất sôi nổi. Những bài phê bình, trao đổi, những bài thơ hay, những truyện ngắn đặc sắc trên Tạp chí đã trở thành nguồn tư liệu quý để chúng tôi đưa vào trong các bài giảng nhờ vậy mà các tiết học văn trở nên sâu sắc và hấp dẫn hơn. Thật khó có thể tìm thấy một cuốn tạp chí nào hội tụ đầy đủ các sáng tác về người lính ở tất cả các thể loại như Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cuộc sống chiến đấu của những người lính thời bình cũng như các sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính trong kháng chiến giúp chúng tôi hiểu hơn về thế hệ những người đồng chí đi trước và cuộc sống của những người đồng đội đóng quân trên khắp mọi miền Tổ quốc hiện nay.

Khi chuyển công tác về Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, có dịp được làm việc nhiều hơn với những người đồng nghiệp ở Tạp chí tôi thực sự ấn tượng bởi các nhà văn nhà thơ chiến sĩ. Ấn tượng bởi sự dân chủ trong tư duy, trong cách làm việc chuyên nghiệp nhưng không cứng nhắc. Những cuộc trò chuyện rất “văn” với các tiền bối như Anh Ngọc, Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn Hữu Quý và các nhà văn nhà thơ trẻ như Đoàn Văn Mật, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Xuân Thủy, Lý Hữu Lương càng làm cho tôi thêm thiện cảm với Tạp chí.

Thiếu tá Nguyễn Thị Nhi từng được nhận giải Báo chí Quốc gia. Ảnh: NVCC

Trong bối cảnh nhiều tạp chí đang bị “báo hóa” thì Tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn giữ được “chất” riêng, đặc biệt mảng Phê bình văn nghệ. Những bài phê bình này quả thực đã đưa chúng tôi đến gần hơn với các sáng tác, đặc biệt là sáng tác mới, cảm nhận được sâu hơn cái hay cái đẹp và cả những cái chưa hay của nhiều tác phẩm. Đọc mảng phê bình trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn cho tôi cái cảm giác đang được chảy cùng với văn chương đương đại. Với tôi Tạp chí Văn nghệ Quân đội là một tạp chí uy tín, là diễn đàn văn nghệ sinh động và có chiều sâu, nơi các ý kiến bàn luận về văn nghệ được thể hiện dân chủ. Tạp chí đã có đóng góp không nhỏ vào việc làm sinh động đa diện cho đời sống văn nghệ của người lính hôm nay.

Trung tá Nguyễn Việt Hùng - Phóng viên Báo Quân khu 5:

Nhà báo "rẽ lối" tập viết văn

Năm 2017, Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức trại sáng tác văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính tại thành phố Đà Nẵng, biết tôi là bạn đọc thân thiết của Tạp chí, Đại tá Đinh Văn Dũng - Tổng biên tập Báo, Truyền hình Quân khu 5 đã phân công tôi tham gia trại viết để có dịp giao lưu, học hỏi, tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm. Thú thật, bên cạnh cảm giác háo hức, vinh dự, tự hào, thì lần đầu được tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ tên tuổi, đã có rất nhiều đầu sách, tác phẩm được in ấn, phát hành... tôi rất "ngợp" và áp lực.

Mỗi sáng thức dậy, được đọc bản thảo của các thành viên tham gia trại viết, tôi say như điếu đổ vì khả năng phát hiện, triển khai đề tài quá sáng tạo, độc đáo và hấp dẫn. Nghĩ đến chuyện nộp tác phẩm thu hoạch, tôi thấy... lạnh cả sống lưng.

Mang niềm riêng ấy tâm sự với nhà văn Phùng Văn Khai, Nguyễn Mạnh Hùng và các biên tập viên của Tạp chí, tôi nài nỉ: "Thay vì nộp thơ, truyện ngắn hay bút kí như các trại viên khác, các anh cho em viết một bài phản ánh về hoạt động của trại mình trong những ngày qua được không. Em là nhà báo, giờ rẽ ngang qua viết văn sao khó quá. Nghĩ mãi mà không ra đề tài gì cả".

Tôi vừa nói xong thì bất ngờ nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng - Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội lấy trong túi áo ra tờ báo Quân khu 5 số mới nhất, rồi hỏi: "Có phải phóng sự Chiều biên giới mờ sương này là của chú viết không? Cách đặt vấn đề, chọn chi tiết và hành văn khá ổn đấy. Quan trọng nhất là chú có thực tế, nên viết rất thật, ai đọc vào cũng thấy cái chất của bộ đội mình. Chú viết cho anh một bài kí đi, viết về bộ đội biên phòng, khoảng 5 nghìn từ. Chú là nhà báo, cố viết mềm mại, lãng mạn một chút là được thôi. Khó khăn quá thì các hỗ trợ thêm cho".

Trung tá Nguyễn Việt Hùng. Ảnh: NVCC

Quân lệnh như sơn, biết không còn đường lui, đêm ấy tôi đành thức trắng ngồi gõ chữ, trả bài. Bao nhiêu vốn liếng, tư liệu trong những chuyến đi biên giới từ nhiều năm trước được tôi mang ra phối trộn, chắt lọc nhằm đãi cát tìm vàng. 4 giờ sáng, ngồi nghĩ mãi nhưng bút cùn, ý cạn, không thể viết thêm một dòng nào nữa, tôi đành đóng máy, cầm bản thảo sang gõ cửa phòng anh Hùng với tâm thế sẵn sàng chịu trận, "ăn đòn". Nhấp mấy ngụm trà đặc đến xoăn cả luỡi, anh Hùng đăm chiêu rồi vỗ đùi đánh đét. Tôi tưởng anh bị muỗi cắn, định về phòng lấy lọ dầu gió đưa anh bôi, nào ngờ anh xua tay: "Kí. Kí là đây chứ đâu. Thế mà chú cứ tự ti. Anh sẽ biên tập bài này và đăng luôn trong số tới".

Tôi mắt tròn, mắt dẹt ngạc nhiên "Thôi, anh đừng trêu em nữa. Không bị các anh la là em mừng lắm rồi. Tạp chí mình toàn cây đa, cây đề, em có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến chuyện được đứng tên trên ấy đâu anh".

Từ trại viết trở về, công việc bộn bề, nay đây mai đó, có lẽ tôi cũng quên luôn cái bút kí văn học đầu tay nếu không bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của anh Hùng: "Chú cho anh xin địa chỉ để anh gửi báo biếu và nhuận bút nhé. Bài của chú đăng rồi đấy. Cố gắng cộng tác thường xuyên với bọn anh nhé". Cuộc nói chuyện chỉ diễn ra trong vài phút ngắn ngủi nhưng suốt cả tuần liền tôi sung sướng râm ran. Hạnh phúc hơn cả lần đầu được cầm tay bạn gái.

Gần 5 năm đã trôi qua, năm nào tôi cũng có một vài tác phẩm được toà soạn ưu ái biên tập và sử dụng, song kỉ niệm về lần đầu rẽ ngang làm nhà văn vẫn còn đọng mãi trong tôi. Tôi biết ơn anh Hùng, anh Khai và các anh chị ở toà soạn vô cùng. Là con bộ đội, được đọc Văn nghệ Quân đội từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đến nay, khi đã trở thành một sĩ quan, nhà báo với thâm niên hơn 20 năm công tác, Văn nghệ Quân đội vẫn là người bạn đồng hành, cuốn sách gối đầu giường quen thuộc của tôi.

Thượng tá Phạm Quang Tiến - Thư kí toà soạn Báo Hải quân Việt Nam:

Hữu ích đối với bộ đội

Tôi nhớ những năm từ 1995 đến 2005, khi ấy tôi đang là cán bộ trung đội và đại đội ở một đơn vị Hải quân đóng tại Cam Ranh, Khánh Hoà. Mỗi câu chuyện, mỗi mẩu tin kể cho bộ đội nghe có một lượng không nhỏ được khai thác từ cuốn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bởi vậy, tôi cho rằng đây là một tờ báo rất hữu ích đối với bộ đội. Cho đến thời điểm này, mạng xã hội, báo điện tử đang phát triển và chiếm sóng rất lớn trong đời sống của bộ đội. Không để bị động, lép vế trước sự phát triển của công nghệ 4.0, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã nhanh chóng có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức báo chí, tiêu biểu là sự ra đời ấn phẩm Văn nghệ Quân đội điện tử. Mặc dù ra đời muộn nhưng tờ báo điện tử đã nhanh chóng thu hút được độc giả cả nước nhất là độc giả màu áo chiến sĩ.

Thượng tá Phạm Quang Tiến. Ảnh: NVCC

Từ khi biết về tờ Tạp chí đến nay tôi thấy được sự phát triển và lớn mạnh của Tạp chí qua từng bài viết, trang báo. Nhiều nội dung để lại cho tôi ấn tượng rất sâu sắc như những bài trong chuyên mục bút kí, phóng sự, truyện ngắn. Ở mỗi bài viết ấy nội dung rất gần đối với đời sống của chiến sĩ. Còn các chuyên mục về người lính càng khẳng định chất của "Bộ đội Cụ Hồ" và những tâm tư, nguyện vọng của bộ đội được phản ánh kịp thời với nhiều ý nghĩa sâu sắc. Mục thơ là miền đất hứa để bộ đội được thoả sức sáng tác, tâm tình bằng chính cảm nhận, cảm xúc của mình...

Nếu để nói thích đọc nội dung gì thì có lẽ mỗi chúng tôi đều khó xác định rõ ràng, bởi mỗi thời điểm nhu cầu thích nó khác nhau. Khi chưa có báo điện tử tôi thường thích đọc truyện ngắn, bút kí còn hiện nay tôi thích xem mục “Camera của tôi”. Mục này đã đánh đúng tâm lí của giới trẻ hiện nay thích chụp ảnh và được check in bằng ảnh. Còn với riêng tôi thì rất đam mê chụp ảnh nên thích được xem ảnh để học được góc ảnh, khoảnh khắc bấm máy và cách thể hiện tác phẩm của mỗi người cầm máy.

Nói về Tạp chí Văn nghệ Quân đội tôi có thể nói nhiều hơn nữa nhưng trong khuôn khổ của ý kiến ngắn này tôi chỉ xin có một số chia sẻ trên cương vị của một độc giả thân thiết với tờ báo như vậy. Cuối cùng tôi luôn mong muốn Tạp chí ngày càng phát triển và lớn mạnh, tờ báo luôn mang màu sắc riêng của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

XUÂN THỦY - THÀNH DUY thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)