Dòng chảy

Nguyễn Công Hoài lắng những yêu thương

Thứ Tư, 01/03/2023 09:08

 Thế giới để hoạ sĩ quan sát và biểu đạt lên tác phẩm chính là nội tâm của anh ta. Những buồn vui, dằn vặt hay tự tại cũng xuất phát từ đó. Nghệ thuật đích thực không bao giờ thể hiện vẻ bề ngoài của sự vật, hiện tượng. Nguyễn Công Hoài là một trong những hoạ sĩ quyết liệt trong lối đi ấy. Tuy nhiên, điều thú vị ở chỗ, hội hoạ của anh không mang tính “tuyên ngôn” theo kiểu cao đàm khoát luận mà là sự tự nhiên, gần gũi, dung dị và gợi mở.

Triển lãm Đi biển có đôi cho thấy Nguyễn Công Hoài có thay đổi so với những triển lãm trước đây anh đã thực hiện, nhưng vẫn là sự nhất quán trong con người sáng tạo của anh. Là hoạ sĩ được biết đến với những suy tư sâu sắc tận cùng về con người, Hoài từng vẽ con người hoang mang, giày vò, cô độc, đau đớn, bé nhỏ, vô định trước cuộc đời. Với triển lãm lần thứ sáu này, thật ngạc nhiên, cũng là tranh vẽ người nhưng đó là tranh vẽ những yêu thương đong đầy, những nâng niu, thấu hiểu, sẻ chia…, đó là những bức tranh Hoài vẽ vợ, con mình.

Ngủ ngoan, 120x140cm, sơn dầu trên vải.

Theo dõi những chặng đường hội hoạ của Hoài tôi nhận ra, với anh vẽ là hành trình đi tìm ý nghĩa của cuộc sống chứ anh không cố ý đi tìm tên tuổi để định danh mình trong nghệ thuật. Những gì anh được ghi nhận trong nghệ thuật cũng đến từ những ý nghĩa mà anh tìm kiếm. Nghệ thuật của Hoài không chỉ để cho ta cảm nhận cuộc đời mà còn cho ta tìm được cách ứng xử với cuộc đời và yêu cuộc đời hơn. Tôi không biết nhiều về Hoài ngoài những bức tranh tôi gặp ở các triển lãm của anh gần đây. Có lẽ ít nhiều gì chúng ta cũng thường qua tác phẩm nghệ thuật để có những ước đoán về tác giả. Lần đầu xem tranh Hoài, tôi nghĩ anh là người gai góc, khổ hạnh; lần hai xem tranh Hoài tôi nghĩ anh là một lãng tử nhiều suy tư; lần này, với Đi biển có đôi tôi thấy một Hoài đầy lãng mạn, nhạy cảm và tình cảm.

Hoài vẽ vợ con mình như là một cách anh ghi lại nhật kí bằng hình ảnh, nghĩa là anh vẽ họ thường xuyên, vẽ trong những giai đoạn khác nhau với những thay đổi, ngẫm ngợi khác nhau. Điều này cho thấy, gia đình là nguồn cảm hứng lớn với hoạ sĩ. Dẫu vậy, Hoài vẽ không chỉ để bày tỏ tình yêu thương đơn thuần, bởi anh là một hoạ sĩ chuyên nghiệp, mỗi tác phẩm sẽ cho thấy mĩ cảm nghệ thuật của anh, lúc này vô hình trung gia đình trở nên như một đề tài của hoạ sĩ. Tuy nhiên, đề tài trong hội hoạ cũng có những mơ hồ mà sự khẳng định rất có thể mang đến những áp đặt nào đó. Hãy đơn giản hơn bằng cách xem đó như một cái cớ để hoạ sĩ bày tỏ mình. Hoài từng quan niệm “vẽ là tự phơi bày”. Xem tranh Hoài sẽ hiểu hơn điều này, anh là người thành thực với cảm xúc của mình, vẽ những gì mình cảm thấy.

Kết trái 1, 105x105cm, sơn dầu trên vải.

Tôi đã dừng lại rất lâu ở những bức tranh Hoài vẽ vợ mình - người phụ nữ mang bầu ở nhiều giai đoạn khác nhau, nhiều tư thế khác nhau, bối cảnh khác nhau, tâm trạng khác nhau… Hoài không miêu tả cô ấy bằng những chi tiết tỉ mỉ ve vuốt nên thơ trên khuôn mặt, cơ thể, trang phục như nhiều hoạ sĩ vẫn vẽ nhân vật nữ. Ngược lại, những yếu tố đó được anh làm mờ đi, thậm chí là nhoà đi đến mức không phân biệt được đường nét. Nhưng chính điều đó lại làm tăng sức gợi tối đa cho tác phẩm. Qua hình khối người xem bị cuốn vào những tư thế, dáng vóc và cảm giác mà tác phẩm tạo ra. Nguyễn Công Hoài tạo hình nhân vật không ở những góc nhìn lí tưởng mà hết sức tự do, thoải mái, thậm chí là buông thả. Đó không phải tư thế của những người mẫu chuyên nghiệp tạo dáng điêu luyện để tạo nên sự nghệ thuật, mà đó là những tư thế cho thấy những giây phút mệt mỏi, uể oải, trầm mặc nhưng bởi vậy ta thấy được chất đời trong tranh của anh. Cũng bởi vậy mà mỗi bức tranh tạo nên cảm giác chân thực đến mức ta có thể nghe được từ đó vài lời than vãn, đôi tiếng thở dài, nũng nịu hay trách móc, và cả cảm giác lạc lõng bơ vơ, cả nghĩ của người phụ nữ mang bầu. Nhưng mặc dù ở trong trạng huống nào thì ở người phụ nữ ấy vẫn luôn tiềm ẩn vẻ đẹp của thiên chức và sức mạnh bản năng.

Cảm giác ấy có được là bởi Hoài vẽ bằng sự thấu hiểu và yêu thương. Một người phụ nữ mang bầu, một người mẹ với những đứa con nhỏ luôn đối diện với mệt mỏi, tất bật, âu lo, nhưng vượt lên tất cả là tình mẫu tử, ở đó cũng chứa đựng cả sự chín muồi của tình yêu đôi lứa. Những đứa con trong tranh Hoài như những thiên sứ, chúng rất đỗi hồn nhiên, khi tinh nghịch, lúc dỗi hờn, và vô cùng trong trẻo… Nguyễn Công Hoài rất kiệm lời nhưng tác phẩm của anh đã thể hiện được tất cả những điều đó bằng sự dịu dàng, quyến rũ của tình yêu.

Vỗ về, 120x140cm, sơn dầu trên vải.

Nguyễn Công Hoài chia sẻ: “Người phụ nữ, mang theo những thân phận, cũng không hẳn đại diện gì cả. Tôi cứ vẽ vợ con mình. Bầu bì, yêu thương, rối bời, tất bật cáu gắt, buồn bã. Cũng không hiểu tại sao tôi vẽ vợ con lại dịu dàng nhẹ nhàng đến vậy. Kiểu yêu thì cứ yêu thôi. Người phụ nữ cứ gắn liền với con cái, gia đình và những yêu thương vụn vặt. Mỗi lần cô ấy mang thai, mang vác nặng nề, nhưng bên trong lại là tái sinh. Những điều đó làm tôi thấy sự hạnh phúc. Hạnh phúc khi chăm sóc, khi trưởng thành, chia sẻ cùng nhau…”

Có thể thấy, sự thay đổi của Hoài ở triển lãm này không ở bút pháp mà ở tư duy sáng tạo. Nghệ thuật luôn có những rào cản, rào cản đó không đến từ bên ngoài mà ở chính trong tâm thức hoạ sĩ, việc của anh ấy là phải liên tục vượt qua nó. Sáu lần triển lãm là sáu lần Hoài đều chia sẻ cái nhìn khác nhau và không đóng khung mình vào đâu cả. Nhưng Hoài vẫn cứ là Hoài thôi. Cách tiếp cận thế giới, cách nhìn thế giới cũng cho thấy nội tâm nghệ sĩ. Trong sự quan sát im lặng đã nảy nở nhiều điều: yêu thương không cần phải nói, vẻ đẹp của thiên chức, sự hồn nhiên con trẻ, những tất bật, buồn vui đời thường... đều được Hoài thể hiện bằng màu sắc nhẹ và tươi sáng mang đến cảm giác dịu dàng, chiều chuộng. Những bức tranh sơn dầu trên vải được vẽ vô cùng tỉ mỉ, dụng công cũng phần nào cho thấy được sự chăm chút của họa sĩ. Bên cạnh đó anh lược giản nhiều sự kể tả, mà tinh chọn những yếu tố cần thiết để nhấn vào bản chất, cốt lõi điều anh muốn thể hiện. Khi có được sự tối giản trong biểu đạt là khi hoạ sĩ đã đủ trải nghiệm để lựa chọn được sự phù hợp cho mình; cũng như khi anh trải qua những dằn vặt, giày vò, hoang mang để an tĩnh và vẽ những gì mình thấy được bằng sự thấu hiểu, tinh khiết, sẻ chia. Qua tác phẩm để thấy suy tư của hoạ sĩ chứ không đơn thuần là thân phận của nhân vật.

Đồng Hạnh, 60x100cm, sơn dầu trên vải.

Đọng lại trong Đi biển có đôi lúc này là ánh sáng của tình yêu. Ánh sáng ấy có thể tìm đến những ngõ hẹp và tối nhất trong tâm hồn để lay thức cảm xúc của chúng ta. Cái cách Hoài nắm bắt nhân vật bằng tình yêu cho thấy ở giai đoạn này anh đã tìm ra cho mình một lối đi tự tại, hứng khởi và tận cùng nguồn cảm hứng ấy. Ngay cái tên của triển lãm, Hoài cũng không quá cầu kỳ, cái gì đến trong cảm xúc của anh lúc này thì anh vẽ, anh gọi tên. Hoài nhẹ nhõm, thâm trầm thể hiện nội tâm mình, nhưng tôi hiểu để có được điều này anh đã dữ dội, quyết liệt với hội họa như thế nào.

Triển lãm “Đi biển có đôi” diễn ra từ ngày 2/3-22/3/2023 tại Alpha Art station (271/5 Nguyễn Trọng Tuyển, P10, Q Phú nhuận, TP.HCM). Một nửa số tranh của triển lãm sẽ trưng bày từ ngày 7/3/2023 tại bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) 199 Nguyễn Hoàng, Phường An Phú, Tp.Thủ Đức (Quận 2).

KIM NHUNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)