Triển lãm “Khắc chân trời” diễn ra sau một năm họa sĩ Vũ Duy Nghĩa rời bỏ cõi tạm. Một triển lãm không những khiến công chúng có cảm giác như ông vẫn đâu đây, mà còn như đang được cùng họa sĩ trở về những thời khắc ông đã trải qua, cảm nhận cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật.
Họa sĩ Vũ Duy Nghĩa (1935 - 2022) từng tu nghiệp ở Liên Xô, khi về nước ông làm công tác giảng dạy tại Đại học Mĩ thuật Công nghiệp. Với nhiều thành công trong cả lĩnh vực hội họa và đồ họa, ông đã đoạt nhiều giải thưởng cũng như huân, huy chương của ngành mĩ thuật. Ở triển lãm lần này, 65 bức tranh với đa dạng các loại chất liệu, từ đồ họa đến sơn mài, màu nước, được trưng bày trong phòng triển lãm của Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam. Trước khi triển lãm bắt đầu, công chúng yêu nghệ thuật trong đó có các họa sĩ hoạt động chuyên nghiệp đã mong chờ, đón đợi. Lê Huy Tiếp, một họa sĩ gạo cội trong giới mĩ thuật, nhất là ở lĩnh vực sơn dầu và đồ họa, đã nói về triển lãm trước ngày khai mạc: “Người xem sẽ được ngắm nhìn những kiệt tác hội họa, đồ họa suốt 60 năm làm việc đam mê với nét bút, nét khắc sắc sảo và tài hoa của một trong những họa sĩ nhân hậu, khiêm nhường và tinh tế nhất nghệ thuật đương đại Việt Nam”.
Quả thực, khi bước vào phòng triển lãm, người xem không khỏi thích thú và ngạc nhiên trước những thành quả cả một đời của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa. Nếu như những bức đồ họa được khắc, trổ một cách chỉn chu rõ nét tỉ mẩn, những bức màu nước có độ rung và phóng khoáng, nhiều cảm xúc, thì những bức sơn mài gây ấn tượng với người xem bởi bố cục vững chãi, tạo hình chắc chắn, màu sắc mạnh mẽ mà trữ tình hài hòa, giàu chất thơ. Lối vẽ sơn mài của Vũ Duy Nghĩa được thể hiện khá đa dạng: vừa tĩnh vừa động, vừa đằm thắm hài hòa vừa lộng lẫy hoành tráng.
Sinh thời họa sĩ Vũ Duy Nghĩa từng tâm sự về “một bố cục đa hướng, dáng động như vũ điệu” của một cảnh sinh hoạt đời sống, thứ khiến ông say mê và ngay sau đó tìm đến sơn mài để thể hiện. Có vẻ như cái nhìn của ông muốn nắm bắt sự vật trong trạng thái động, và trên thực tế, khi vẽ các bức tranh, kể cả không đi sâu vào tả khối một cách kĩ lưỡng, ông vẫn dành cho các đối tượng của mình những quan tâm về nhịp điệu hình thể. Nhưng ở nhiều tác phẩm khác, có vẻ như họa sĩ lại muốn tạo ra những hình ảnh mang tính khái quát cao, ở đó những chi tiết cụ thể bị lược bỏ đi để chỉ còn lại nhịp điệu của màu sắc.
Và nếu như mảng đồ họa khiến tên tuổi của ông bắt đầu được ghi nhận trong nền mĩ thuật đương đại, thì sơn mài một lần nữa khẳng định tài năng và sức sáng tạo bền bỉ, đa dạng của ông.
Triển lãm “Khắc chân trời” khai mạc vào ngày 9/3 và kéo dài đến hết ngày 16/3/2023, tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam.
ĐĂNG TIÊU
VNQD