Dòng chảy

Tọa đàm về phê bình không gian trong nghiên cứu văn học và điện ảnh

Thứ Ba, 04/04/2023 15:28

Ngày 3/4/2023, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Phê bình không gian trong nghiên cứu văn học và điện ảnh: Nhìn từ lí thuyết cảnh quan” nhân dịp ra mắt cuốn sách Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành). Đây là sự kiện tiếp nối hành trình nghiên cứu và ứng dụng các hướng tiếp cận mới về văn học, điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung tại Việt Nam; cũng là một trong những nỗ lực lâu dài nhằm xây dựng “hệ tri thức cảnh quan”, “văn hóa cảnh quan”, “đối thoại cảnh quan” của Việt Nam với thế giới trong bối cảnh xuyên văn hóa và toàn cầu hóa.

Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi và nghiêm túc. Ảnh: CLBĐA

Buổi tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả và khách mời đến từ Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và các trường Đại học chuyên ngành Khoa học Xã hội như: GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, PGS.TS Trịnh Bá Đĩnh, GVC Trần Hinh, PGS.TS. Phùng Ngọc Kiên, PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng, PGS.TS Đinh Hồng Hải, TS. Đoàn Ánh Dương, TS. Mai Anh Tuấn, TS. Trần Ngọc Hiếu, TS. Hồ Khánh Vân, TS. Đỗ Thị Thu Huyền, TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng, TS. Phạm Văn Hưng, TS. Nguyễn Thị Bích, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp... Toạ đàm là cuộc trao đổi học thuật cởi mở giữa các học giả, khách mời; đồng thời là sự gợi ý, phát triển thêm các hướng nghiên cứu cảnh quan đã được mở ra từ hội thảo “Tiếp cận cảnh quan Việt Nam trong bối cảnh xuyên văn hóa” diễn ra vào tháng 8 năm 2022. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng giới thiệu kĩ hơn về nội dung, ý nghĩa, phương pháp tiếp cận của cuốn sách Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa - công trình chuyên sâu đầu tiên về tự sự cảnh quan, phê bình cảnh quan (landscape criticism) tại Việt Nam.

TS. Hoàng Cẩm Giang - điều phối viên tọa đàm. Ảnh: CLBĐA

Theo TS. Hoàng Cẩm Giang - điều phối viên tọa đàm, cảnh quan giữ vai trò quan trọng trong các thực hành nghệ thuật và nghiên cứu hàn lâm. Tuy nhiên, hướng tiếp cận phê bình cảnh quan, địa lí nhân văn (human geography) còn khá mới mẻ và chưa được chú ý đúng mức tại Việt Nam. Trong quá trình tiếp cận và phân tích các tự sự văn học/điện ảnh về thiên nhiên, về phong cảnh Việt Nam, các nghiên cứu lâu nay thường lưu ý nhiều hơn đến khía cạnh “phong tục tập quán” và truyền thống văn hóa, đến mối quan hệ giữa văn hóa và tự nhiên, đến mô hình không gian trong tác phẩm như là một yếu tố của thi pháp. Bên cạnh đó, các nghiên cứu này hầu như vẫn chủ yếu tiếp cận trên bình diện “bản sắc dân tộc” - cấp độ vĩ mô - chứ chưa tiếp cận sâu và kĩ mối quan hệ giữa căn tính cộng đồng và căn tính cá nhân, với các vấn đề suy thoái và tha hóa không thể cứu vãn của cảnh quan bản địa; giữa sự mơ hồ của ý thức về nơi chốn, về sinh thái nơi người dân và những bất công môi trường trong không gian mà cuối cùng chính họ là người phải chịu đựng. Điều này dẫn đến sự phức tạp của tiến trình chữa trị các tổn thương sinh thái và văn hóa địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa - nơi những giải pháp “một chiều” rất khó vãn hồi được, nhất là với những cộng đồng có truyền thống và bản sắc văn hóa lâu đời. Thêm vào đó, trong mối quan hệ giữa tự nhiên và văn hóa, các nhà nghiên cứu đến thời điểm này còn chưa tập trung vào khía cạnh: sự thay đổi văn hóa tiếp tục dẫn đến những mất mát ghê gớm hơn của cảnh quan tự nhiên.

Đồng chủ biên Nguyễn Thị Thu Thủy tặng sách cho GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ảnh: CLBĐA

Thế kỉ 21 - thế kỉ của cách mạng công nghiệp 4.0, của các luồng di dân khổng lồ, của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu toàn cầu khiến các vấn đề địa - chính trị, địa - văn hóa, sự tri nhận và kiến tạo các đường biên, sự định vị và tái định vị của con người trong thế giới cũng thay đổi mạnh mẽ. Do vậy, hướng đi tìm vào mối quan hệ giữa “diễn ngôn về cảnh quan” và “căn tính dân tộc” từ góc nhìn tân duy sử và nghiên cứu văn hóa đang chạm vào những vấn đề khoa học xã hội nhân văn cốt lõi hiện nay tại Việt Nam. Và cuốn sách Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa là lời hồi đáp cho những câu hỏi về sự trình hiện/tái trình hiện, diễn giải/tái diễn giải “cảnh quan Việt Nam”; về mối tương quan giữa cảnh quan văn chương, điện ảnh, nghệ thuật tạo hình với văn hóa đại chúng, ý hệ, lịch sử tư tưởng, nghiên cứu giới, tâm lí học, y học, sinh thái học, quy hoạch đô thị... và với chất lượng cuộc sống của con người.

Phê bình cảnh quan là một lĩnh vực mang tính liên ngành: Trong địa hạt văn hóa, nó nằm ở điểm giao của khoa học địa lí và nhân văn, của khoa học môi trường và kiến trúc, của lịch sử xã hội và mĩ học, đồng thời liên đới chặt chẽ đến nghiên cứu không gian như là một thành tố của thi pháp nghệ thuật. TS. Hồ Khánh Vân nhận định: “Điện ảnh là một trong những vùng đất giàu tiềm năng cho phê bình cảnh quan vì chất liệu thị giác của loại hình nghệ thuật này. Đồng thời, khi tiếp nhận cảnh quan từ góc độ giới tính, chúng ta có thể đọc ra sự xuyên thấm của những kiến tạo văn hóa trong không gian cảnh quan”.

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy - đồng chủ biên cuốn sách Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa chia sẻ: “Trong tương lai, chúng tôi mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà nghiên cứu văn học, điện ảnh, nghệ thuật tạo hình trong và ngoài nước để phát triển sâu hơn, nới rộng hơn các chân trời sáng tạo của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn - nơi lí thuyết không phải khung khổ mà trở thành dung môi, chất xúc tác để các thực hành phê bình/nghiên cứu ngày càng năng động, đa dạng và tiệm cận hơn bản chất nhân văn của lĩnh vực này”.

HÀ THY LINH

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)