Ngày 18/4/2023 Cục Chính trị Bộ Tổng Tham mưu phối hợp cùng Thư viện Quân đội tổ chức triển lãm sách báo và gặp gỡ, giao lưu giữa Nhà thơ Trần Đăng Khoa, chị Cao Thị Sao Mai - người sáng lập Điểm đọc Việt Nam - với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 144, Trung tâm 95, Cục tác chiến điện tử Bộ Tổng tham mưu. Cuộc giao lưu có chủ đề “Sách cho tôi - cho bạn”. Đây là hoạt động hướng tới Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2003.
Thư viện lưu động với 600 tên sách và gần 2000 cuốn sách của Thư viện Quân đội được tổ chức tại Lữ đoàn 144 đã thu hút được đông đảo cán bộ chiến sĩ.
Việc tạo dựng văn hóa đọc là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ. Đọc sách và tăng cường khả năng tiếp nhận, ứng dụng tri thức thông qua sách, báo có ý nghĩa rất quan trọng để văn hóa thực sự trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Các chiến sĩ trẻ Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 144 hào hứng đón đọc những ấn phẩm tại thư viện lưu động do Thư viện Quân đội thực hiện.
Phát biểu tại sự kiện, Đại tá Phạm Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tổng tham mưu bày tỏ mong muốn, sau buổi giao lưu sẽ lan tỏa phong trào đọc sách đến tất cả cán bộ, chiến sĩ trong Bộ Tổng tham mưu, trước hết từ cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 144 và Trung tâm 95, Cục Tác chiến điện tử, trong xây dựng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng chí Phó Chủ nhiệm chính trị hi vọng toàn thể cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị hãy cùng quán triệt nhận thức, nêu cao trách nhiệm chính trị trong phong trào đọc sách, mỗi người hãy dành thêm thời gian trong ngày, trong tuần để đọc sách. Thực hiện đọc sách như một hành động thường nhật, một thói quen của đời sống tinh thần, mang lại cho mình nhiều niềm vui, giúp nâng cao nguồn tri thức cho bản thân, góp phần làm giàu thêm tri thức của đất nước và của nhân loại, xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.
Đại tá Phạm Văn Hùng cũng mong muốn, sau buổi giao lưu nhà thơ Trần Đăng Khoa và người sáng lập Điểm đọc Việt Nam Cao Thị Sao Mai sẽ truyền thêm tình yêu đối với sách, nâng cao văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ không chỉ của Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 144 mà cả trong toàn quân.
Đại tá Phạm Văn hùng, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tổng tham mưu phát biểu tại buổi giao lưu.
Trong phần giao lưu, nhà thơ Trần Đăng Khoa khuấy động không khí sôi nổi cho các chiến sĩ Lữ đoàn 144 bằng câu hỏi về nhân vật chính tên Nhung trong bài thơ Đôi mắt lé của thần đồng thủa thiếu thời. Đó là một cô gái xinh đẹp hơn ông 2 tuổi nhưng lại có đôi mắt lé. Là người làm thơ từ khi 8 tuổi, tên tuổi Trần Đăng Khoa đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước, ông bật mí bí quyết thành công không có gì đặc biệt ngoài việc đọc sách, từ khi biết đọc đến khi thành danh ông đã đọc hàng nghìn, hàng vạn cuốn sách. Chính sách là người thầy tuyệt vời đưa tên tuổi của ông vang xa. Nhà thơ tâm sự thời của ông khổ cực, không có nhiều sách hay như bây giờ. Cả nhóm hàng chục người mới có một cuốn sách để đọc chung, nên khi đọc có người phải liếc ngang, người liếc dọc do đó bạn bè ông có nhiều người mắt bị lé.
Trước câu hỏi của chiến sĩ trẻ, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng bật mí khung cảnh thôn quê với nỗi tần tảo của cha mẹ và những người nông dân thật thà chất phác tại quê ông (làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) chính là cảm hứng để ông sáng tác bài thơ Hạt gạo làng ta nổi tiếng, sau này được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc.
Là một người lính, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng thấu hiểu những khó khăn trong việc tiếp cận thông tin của các chiến sĩ, bởi phần lớn thời gian của cán bộ chiến sĩ ở trên thao trường, thời gian nghỉ ngơi cũng chỉ kịp đọc những tác phẩm sách báo có dung lượng nhỏ. Nhưng đọc sách là cách giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Luyện tập thói quen đọc hằng ngày là điều kiện cần, nhưng đọc cái gì và lựa chọn thông tin chuẩn và chính xác để đọc trong thời buổi công nghệ nhiễu thông tin là yếu tố quan trọng, cần có phương pháp chọn lựa thông minh. Tủ sách lưu động của Thư viện Quân đội triển khai là một hoạt động tuyệt vời mang đến nguồn tri thức vô tận cho các chiến sĩ trẻ tiếp cận thông tin chính thống.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu với các chiến sĩ trẻ Lữ đoàn 144.
Mang trong mình nhiều hoài bão, ước mơ có thể thay đổi nhận thức, tư duy con người, đặc biệt là tư duy của các bạn trẻ thông qua các chương trình đào tạo cho đến các dự án truyền lửa, xây dựng thư viện miễn phí, tủ sách lớp học, nhà trường cô gái trẻ Cao Thị Sao Mai trong buổi giao lưu đã chia sẻ những vất vả khó khăn trong suốt hành trình 5 năm thực hiện dự án Điểm đọc Việt Nam. Bằng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ chị và nhóm của mình đang từng bước để đưa Điểm đọc Việt Nam đến 63 tỉnh thành trên dải đất hình chữ S. Đây cũng chính là một trong những dự án khuyến học để khích lệ tinh thần đọc sách của người Việt. Sao Mai chia sẻ, đây là lần thứ 5 chị bước chân đến đơn vị quân đội, chị ấn tượng với cảnh quan, tình thần ham đọc sách của các chiến sĩ trẻ của Lữ đoàn 144. Thư viện lưu động do Thư viện Quân đội tổ chức là cách hay để cho các chiến sĩ có điều kiện tiếp xúc với tủ sách phong phú đa dạng.
Người sáng lập Điểm đọc Việt Nam Cao Thị Sao Mai khuấy động không khí và giao lưu với các chiến sĩ trẻ Lữ đoàn 144.
Dù xã hội phát triển với cuộc sống gấp gáp của thời công nghệ nhưng việc đọc sách vẫn cần được coi trọng, bởi đó là nhu cầu tinh thần thiết yếu, giúp con người mở mang kiến thức, khơi nguồn sáng tạo, bồi dưỡng tâm hồn. Mong rằng 365 ngày trong năm đều là Ngày sách và Văn hóa đọc, hướng tới phong trào học tập và đọc sách suốt đời. Các bạn đọc trong và ngoài quân đội, hãy dành thời gian đọc sách để làm giàu thêm kiến thức của mình, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá Vũ Thành Nam, Phó Chính ủy Lữ đoàn 144 nhận những cuốn sách hay từ Thiếu tá Đỗ Phương Linh, Phó Giám đốc Thư viện Quân đội trao tặng cho tủ sách của Lữ đoàn 144.
Tiếp nối những năm trước, sau buổi giao lưu hôm nay, Ban tổ chức hi vọng sẽ thắp thêm được những ngon lửa đam mê với sách bắt đầu từ cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 144 cả trên thao trường và giảng đường để từ đó phong trào được lan rộng khắp toàn quân.
Cuộc giao lưu đã thổi lên ngọn lửa của tinh thần đọc sách trong các chiến sĩ trẻ.
Thực hiện: Thành Duy
VNQD