Dòng chảy

‘Ký ức làng Hồng’, khi tác giả cũng là nhân chứng

Thứ Tư, 10/05/2023 14:55

Vụ lính Mĩ thảm sát dân thường ở Mỹ Lai-Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) ngày 16/3/1968 đã được sách báo trong nước và quốc tế viết nhiều. Tuy nhiên, thấm đẫm nỗi đau còn mãi với thời gian có lẽ phải đến cuốn Ký ức Làng Hồng (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2023) của Đại tá Võ Cao Lợi, nguyên Trưởng ban Lịch sử, Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị Quân khu 5. Ông là người trong cuộc, nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát, trực tiếp chứng kiến sự phi nhân tính của lính Mĩ khi chúng càn quét vào quê hương. Trong trận thảm sát này, tác giả đã mất đi người mẹ, người chị dâu và đứa cháu trai yêu quý, là giọt máu duy nhất của người anh trai Võ Cao Mạnh vừa mới hi sinh ngày 10/3/1968 trước đó một tuần.

Được viết bởi tác giả là nhân chứng, đồng thời là một cán bộ sử học nên Ký ức Làng Hồng còn có thể tiếp cận dưới góc độ một công trình khoa học lịch sử. Với nhãn quan của người chuyên nghiên cứu về lịch sử, Đại tá Võ Cao Lợi đã cắt nghĩa cho người đọc hiểu được: “Tịnh Khê-Sơn Mỹ-Mỹ Lai-“Làng Hồng” đều là quê hương tôi: Xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi”. Trong đó, “Làng Hồng” là địa danh không có thật, chỉ mang tính biểu tượng hơn là một địa danh. Vì “Làng Hồng” là biệt danh quân đội Mỹ đặt, ám chỉ xã Sơn Mỹ là vùng “đỏ”, vùng thân cộng sản, được quyền bắn giết tự do không từ một thứ gì. Đồng thời, ngay từ những trang đầu cuốn sách, ông cũng làm rõ mối liên quan của các tên gọi. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sinh ra từ đấy. Danh xưng Tịnh Khê và xã Tịnh Khê cũng được sinh ra từ đấy”. Theo đó, xã Tịnh Khê được thành lập trên cơ sở hợp nhất các làng: Tư Cung Nam, Mỹ Khê Đông, Mỹ Khê Tây và Tân An Cổ Lũy. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, chính quyền tay sai đã đổi tên xã Tịnh Khê thành Sơn Mỹ. Còn danh xưng Mỹ Lai? “Đúng ra là Mỹ Lại, một trong bốn thôn của xã Sơn Mỹ, nhưng trong bản đồ quân sự, người Mỹ ghi là “My Lai”, bị báo chí Mỹ viết và đọc chệch thành “Mỹ Lai”. Mỹ Lai cũng là tên chung, quân đội Mỹ dùng để chỉ xã Sơn Mỹ và chia thành các khu vực xạ kích”.

Tác giả Võ Cao Lợi kí tặng sách cho độc giả. Ảnh: SL

Cuộc thảm sát 504 người dân vô tội của “lực lượng đặc nhiệm Barker” sáng ngày 16/3/1968 đã được báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng viết nhiều, tuy nhiên, trong cuốn Ký ức Làng Hồng, tác giả không chỉ cung cấp cho độc giả về diễn biến vụ thảm sát mà ông còn thông qua các nguồn tài liệu khác nhau để giúp bạn đọc hiểu thêm về lực lượng đặc nhiệm có “sứ mệnh”: giết sạch, đốt sạch và phá sạch. “Sư đoàn Americal thuộc vào loại sinh sau đẻ muộn của quân đội Mĩ. Nó ra đời là do yêu cầu của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nó được thành lập cấp tốc, vội vàng vào tháng 9 năm 1967”. Biên chế của sư đoàn gồm các lữ đoàn 196, 198 và 11, quân số chưa đủ nhưng Mĩ đã đưa sư đoàn Americal sang miền nam Việt Nam chiến đấu với danh xưng “những chiến binh rừng rậm”. Trong đó, cuối năm 1967, lữ đoàn 11 được đưa đến Quảng Ngãi để thay thế lữ đoàn “Rồng Xanh” quân đội Đại Hàn vừa được điều ra chiến trường Quảng Đà. Đầu tháng 3/1968, nhằm tìm kiếm căn cứ của Tiểu đoàn 48 Việt cộng, chỉ huy lữ đoàn 11 (sư đoàn Americal) đã ngồi trên máy bay trực thăng chà xát trên bầu trời Sơn Mỹ hàng chục lần. Sáng ngày 16/3/1968, chúng đã xua quân vào Sơn Mỹ thực hiện “3 sạch” (giết sạch, đốt sạch, phá sạch). Kết quả, 504 dân thường vô tội “sống hợp pháp” gồm người già, phụ nữ và trẻ em đã ra đi trong một buổi sáng yên lành như mọi buổi sáng khác của làng quê Việt Nam. Tội ác tày trời của lính Mĩ đã bị giấu nhẹm, hàng chục năm sau mới được phanh phui bởi những người lính Mĩ có lương tri trong đội quân hôm ấy.

Chiếm dung lượng cuốn sách không nhiều nhưng kí ức về vụ thảm sát của tác giả thật khủng khiếp, giống như một nhát dao chém ngang thân cây non mới mọc. Sáng hôm ấy cũng như mọi sáng khác, máy bay Mĩ vẫn vè vè lượn trên đầu. Dân trong làng vẫn mong “lính quốc gia” đến để được chui lên khỏi hầm “sống hợp pháp”. Số đàn ông, trai tráng thuộc diện có thể bị bắt đi quân dịch vội chạy ra rừng dừa trốn lính đi càn. 16 tuổi, Võ Cao Lợi được mẹ khuyến khích ra rừng dừa trốn chứ không thể “sống hợp pháp” được nữa. Ông đã “Bò ra đến miệng hầm, tôi ngoái đầu lại thấy chị Thiệt bồng cháu Đắc Tô khom người theo sau như để “tiễn” tôi. Tôi cúi xuống hôn vội đứa cháu thân yêu”. Không ngờ đó là lần cuối cùng, Võ Cao Lợi được gặp mẹ, chị dâu và “thiên thần nhỏ” Đắc Tô mới sinh vào ngày 3/11/1967, ngày quân ta đánh trận Đắk Tô-Tân Cảnh. Từ trong rừng dừa nước, ông nghe tiếng súng tiểu liên, tiếng mìn, tiếng lựu đạn nổ ầm ầm, khói bốc lên nghi ngút và linh cảm: “Gần bốn năm sống ở vùng giải phóng, chứng kiến hàng trăm cuộc càn quét của quân Mĩ, quân Đại Hàn và đủ các sắc lính Sài Gòn nhưng chưa bao giờ tôi thấy có hiện tượng kì lạ, bất thường như trận càn này. Hay là…!”. Nghe tiếng mìn nổ ùng ục, không vang, không chát chúa khiến ông lóe lên một ý nghĩ kinh hoàng mà không dám nghĩ tiếp. Tiếng mìn nổ, tiếng súng bắn mỗi lúc một rộ hơn, cho đến gần trưa thì thưa dần và dứt hẳn.

Cuốn sách Ký ức làng Hồng do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2022. Ảnh: SL

Khoảng 5 giờ chiều, khi nghe tiếng kêu cứu, tiếng than khóc thấu trời xanh, đoán lính Mĩ đã rút đi, Võ Cao Lợi cùng những người đàn ông trốn trong rừng dừa nước mới dám về làng. Đập vào mắt ông là một khung cảnh khủng khiếp, thê lương. Cây cối đổ ngổn ngang, nhà cửa cháy rụi, có cái còn ngun ngún khói. Máu chảy lênh láng, người chết nằm la liệt. Không gian đậm đặc mùi tanh, mùi thịt cháy khét và mùi thuốc súng. Võ Cao Lợi vội chạy đến hầm nhà mình. Linh cảm, hi vọng đều vỡ vụn. “Mẹ tôi nằm sấp, một chân duỗi thẳng, một chân hơi gập lại, hai tay dang về phía trước như với tìm sự sống. Mặt lấm tấm đầy bụi đất và máu. Một vết thương lớn sâu hoắm trên đỉnh đầu. Thế là hết! Người mẹ thân yêu nhất của đời tôi đã chết rồi”. Không khí tang thương bao phủ làng quê yên bình. Tội ác của lính Mĩ có thể đếm được bằng những con số: Nhà ông Mãi (Võ Mua) 4 người bị giết, nhà ông Toan (Võ Nuôi) có 5 người thì lính Mĩ giết 4, nhà chú Phạm Lự có vợ và 4 con bị giết, hầm nhà chị Chút có tất cả 16 người thì 15 người đã chết… Mẹ đã chết, còn chị dâu và đứa cháu đích tôn mới hơn 5 tháng tuổi vẫn chưa thấy đâu. Hi vọng họ vẫn còn sống, Võ Cao Lợi chạy khắp các hầm trong làng để tìm. “Chị tôi chết, trên mình nhiều thương tích, nhưng cháu Đắc Tô thì không bị xây xát gì. Chiếc áo sơ mi trắng cháu mặc trên người đen sẫm vì thấm máu của mẹ và những ngưởi xung quanh. Nó đã khô cứng và đen thẫm lại”. Trong đêm tối, ông không còn nước mắt để khóc người thân. Mới buổi sáng, ông còn hôn lên đôi má bụ sữa mẹ của cháu. Không ngờ sau trận càn của lính Mĩ, thiên thần nhỏ ấy đã theo mẹ bay về trời. Võ Cao Lợi cô đơn. Sự cô đơn đó như một ngọn lửa nung cháy lòng căm thù. Sau trận càn ngày 16/3/1968, thanh thiếu niên Sơn Mỹ trong đó có Vũ Cao Lợi lên đường tòng quân, khoác lên vai thêm một mối thù sâu đậm.

Đọc Ký ức Làng Hồng của Đại tá Võ Cao Lợi không phải để khắc sâu thêm sự căm thù nhưng cần đọc để hiểu về một thời dân tộc đã trải qua. Có được giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay, bao thế hệ cha ông ta đã không tiếc máu xương và máu của nhiều người dân vô tội đã đổ xuống. Đồng thời, thông qua cuốn sách, bạn đọc còn có thể hiểu thêm về một vùng đất đặc biệt, một giai đoạn lịch sử của đất nước còn để lại nhiều dư chấn khi chiến tranh đã đi qua nửa thế kỉ. Ký ức làng Hồng đã được tác giả dày công nghiên cứu, sưu tầm, khai thác và xử lí tư liệu suốt hơn 40 năm qua, cuốn sách xứng đáng là công trình lịch sử.

NGUYỄN SỸ LONG

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)