Dòng chảy

Nguyễn Linh Khiếu không viết theo trường phái nào cả

Thứ Năm, 27/04/2023 07:06

 Những năm 1990, Nguyễn Linh Khiếu được biết đến là một cây bút trẻ nhiều triển vọng, cùng với những cái tên như Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh. Nhìn vào dòng chảy của thơ ca Việt, dường như Nguyễn Linh Khiếu đã có một nhịp bị chậm lại so với những bạn viết cùng thời. Khi những bạn bè đã có sự xuất hiện đầy ấn tượng suốt giai đoạn những năm 2000 thì Nguyễn Linh Khiếu lại có phần lặng lẽ hơn rất nhiều, và gần như vắng bóng sau ba tập thơ Chùm mơ tiên cảm (1991), Mùa thiêng (1995), Hoa linh (2000).

Mặc dù trong quãng thời gian ấy, Nguyễn Linh Khiếu vẫn xuất hiện đó đây với thơ trên các báo, đặc biệt là chùm thơ đoạt giải A cuộc thi thơ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2010, nhưng dường như nhiều người vẫn kì vọng nhiều hơn thế ở cái tên Nguyễn Linh Khiếu.

Cho đến năm 2018 Nguyễn Linh Khiếu mới đánh dấu sự trở lại thực sự với hai tập thơ và trường ca vạm vỡ Sa hồng, Phồn sinh. Cũng từ đây giới văn chương và bạn đọc liên tục được chứng kiến sự xuất hiện của anh với những tác phẩm mà anh đã ấp ủ trong những năm tháng lặng lẽ. Thì ra Nguyễn Linh Khiếu vẫn viết, vẫn là một thi sĩ miệt mài đi trên con đường sáng tạo dằng dặc, cô đơn nhưng đầy hứng khởi của riêng mình.

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tại buổi tọa đàm thơ.

Cuộc tọa đàm Nguyễn Linh Khiếu từ “Chùm mơ tiên cảm” do nhóm Văn bút Thanh Xuân tổ chức diễn ra sáng 25/4/2023 tại Hà Nội là dịp để bạn đọc, bạn bè, những người lâu nay vẫn theo dõi và yêu quý tác phẩm của Nguyễn Linh Khiếu cùng ngồi lại, nói về chặng đường thơ có những quãng trầm và có những quãng đầy thăng hoa của anh.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã có những cắt nghĩa thú vị: Chùm mơ tiên cảm... là cái gì? Rất lạ! Lạ từ cách đặt tên, mới từ cách lập ngôn, khác từ cách sử dụng từ. Đọc thì biết. Sự xuất hiện của Nguyễn Linh Khiếu như một làn gió mới lạ thổi nhẹ vào làng văn Việt Nam đang thời bí bách, bức bối với những dự cảm đổi thay không chịu khuôn thước trong những chuẩn mực cũ cả nội dung và hình thức…

Thơ Nguyễn Linh Khiếu trong những năm vừa qua đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu với nhiều hướng tiếp cận khác nhau như: tiếp cận theo góc nhìn triết học, tiếp cận theo góc nhìn văn hóa học, tiếp cận theo góc nhìn phân tâm học, tiếp cận theo góc nhìn thể loại, tiếp cận theo góc nhìn báo chí truyền thông…

Theo nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá, ở trường hợp thơ Nguyễn Linh Khiếu, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, và mỗi cách tiếp cận sẽ mang đến những kết quả khác nhau, tuy nhiên những kết quả này không loại trừ nhau mà chỉ bổ sung cho nhau, làm giàu có cho nhau. Tác phẩm của Nguyễn Linh Khiếu như một văn bản tiềm năng, mỗi nhà nghiên cứu phê bình bằng sự hiểu biết, quan niệm, vốn sống, kinh nghiệm… sẽ lựa chọn cách tiếp cận riêng, từ đó đưa ra những cách đọc, cách giải mã, và cho các kết quả riêng. Điều này cũng đủ để cho thấy sự hấp dẫn giới nghiên cứu của thơ Nguyễn Linh Khiếu.

Thông qua các tác phẩm Phồn sinhHoa linh thảo, một số tác giả đọc chúng dưới nhãn quan triết học. TS triết học Nguyễn Văn Vịnh cho rằng Phồn sinh là một diễn giải về “bản năng gốc” ở con người, trước hết là con người tác giả; là sự tiếp nhận, tổng hợp và kết tinh từ một người am hiểu triết học, có thể từ văn hóa truyền thống dân gian Việt, từ Hindu giáo, từ Phân tâm học S.Freud để biểu đạt một thứ “Phồn sinh giáo”. TS triết học Hồ Bá Thâm thì bắt đầu đi từ sự phân tách các khía cạnh vấn đề triết học trong trường ca này, để đi đến kết luận: “Đam mê sáng tạo Phồn sinh về mặt thi ca, chắc Nguyễn Linh Khiếu cũng đã khai mở, gợi ý một triết học Phồn sinh, đạo học Phồn sinh theo tinh thần chủ nghĩa nhân văn mới”.

Không gian buổi tọa đàm thơ.

Ở cách tiếp cận theo góc nhìn văn hóa học, có kết hợp với phân tâm học, một số nhà nghiên cứu đã phát hiện, phân tích, khái quát một số ý tưởng thú vị. Nhà nghiên cứu phê bình Đỗ Lai Thúy bắt đầu từ sự lí giải về cái tên Linh Khiếu/Khiếu Linh do cha mẹ, ông ngoại đặt cho tác giả, cho đến việc hân hưởng một sinh thái nơi chốn quê hương…; sự ra đời của một loạt tập/bài thơ có yếu tố “linh” là hoàn toàn không ngẫu nhiên. Nhà nghiên cứu phê bình Đỗ Lai Thúy cho rằng trường ca Việt Nam chủ yếu mang yếu tố sử thi, cho đến Nguyễn Linh Khiếu thì mang yếu tố linh, trữ tình, đây là “một bước phát triển khác, một khúc rẽ của trường ca Việt. Và chính đây là chỗ đóng góp riêng của Nguyễn Linh Khiếu cho thơ Việt đương đại”. Ông nhấn mạnh, thơ/tùy văn của Nguyễn Linh Khiếu mang “một phong cách thơ dài rộng, thơ ngây nhưng sâu sắc”; và “triết học về sự sống của văn hóa Việt Nam nói chung và của thơ Nguyễn Linh Khiếu nói riêng sẽ hoàn chỉnh hơn nếu đối trọng với triết học về sự sống có triết học về sự chết”…

Cũng theo hướng nghiên cứu trên, nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân đưa ra mô hình “cấu trúc vận hành” thơ Nguyễn Linh Khiếu, đặc biệt ở Phồn sinh, đó là “Mô hình ấu dục-nhục dục-tri dục”, đến tri dục chính là ý chí vươn tới/khát vọng bảo vệ/tìm kiếm giá trị sống với những giá trị cao nhất là tự do, dân chủ, sự thật. Còn TS. Đỗ Thị Thu Thủy đi sâu vào cơ chế của giấc mơ, của những cơn mê sảng chữ đã tạo nên một trường ca mang chiều sâu của tư tưởng triết học và sự độc đáo của ngôn từ.

Dù nhìn nhận Nguyễn Linh Khiếu theo hướng hàn lâm, học thuật hay theo những cảm nhận/ cảm hứng riêng của cá nhân thì chúng ta cũng thấy được sự hấp dẫn, lôi cuốn của trường hợp thơ Nguyễn Linh Khiếu. Ngay từ tập thơ đầu tay, Chùm mơ tiên cảm, Nguyễn Linh Khiếu đã xuất hiện đầy thi sĩ và đầy dự báo: đến tháng tư mọi chuyện xong rồi/ cây đủ lá hoa rơi vào đất/ ông mặt trời đủ đầy đến gay gắt/ đất mỡ màu ngủ lịm dưới bóng râm// những khu vườn đã ấm tổ chim/ cành cây trĩu lời trống mái/ lứa quả đầu mùa vừa hết ngày non dại/ xanh lên tin tưởng dưới bầu trời… Và kể từ đó cho đến bây giờ, đặc biệt với Phồn sinh, thì Nguyễn Linh Khiếu đã đi một con đường rất riêng và ngày càng rộng mở.

Bạn đọc có cơ hội gặp lại Chùm mơ tiên cảm, tập thơ đầu tay của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Sách do nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc vẽ bìa.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ: Phồn sinh của Nguyễn Linh Khiếu là một bản giao hưởng của thơ văn xuôi. Nội dung trường ca nhiều tầng, nhiều lớp, đa dạng và phong phú với các dòng chảy của sử học, triết học, mĩ học, của thi học, nhân học... trên cái xứ sở phồn sinh của nền văn minh lúa nước dọc châu thổ sông Hồng cùng với những biến thiên của lịch sử. Không như những trường ca truyền thống, Phồn sinh khá đặc biệt về hình thức bởi nó được viết phỏng theo mô thức dòng chảy tuôn trào của sông Hồng mùa lũ. Đây là một văn bản tích hợp trong đó cả thơ, văn xuôi và triết học. Cách xử lí kết cấu hiện đại, tiếp cận vấn đề và sự kiện mang tính phức hợp cùng với tư tưởng thẩm mĩ phi truyền thống của tác giả là nhất quán, xuyên suốt trường ca.

Nhắc đến quãng thời gian vắng bóng trên thi đàn, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu chia sẻ, khi đang phấn khích với sự cổ vũ của bạn đọc anh bỗng dưng nhận ra, nếu cứ tiếp tục viết và in đều đều như vậy thì anh sẽ được bạn đọc yêu mến nhưng để được bạn đọc tiếp tục yêu mến thì anh phải viết theo sự đón đợi của số đông. Như vậy, dù muốn hay không anh sẽ bị số đông và dư luận chi phối, dẫn dắt, ảnh hưởng. Vậy nên anh đã quyết định chọn một con đường riêng, không đi theo lí thuyết, hệ thống, trường phái nào cả. Anh quan niệm, đi theo là đã dừng lại, xong rồi. Nên chỉ có đi lối của riêng mình thì con đường sáng tạo mới luôn mở ra.

Dù nhiều điều còn đặt ra và còn nhiều bỏ ngỏ nhưng với sự xuất hiện trở lại trong những năm gần đây, Nguyễn Linh Khiếu đã phần nào chứng minh cho sự “đường dài” trong văn chương của mình. Một con đường đam mê, bền bỉ mang tính khai phá những vẻ đẹp sâu xa, cốt lõi, nguyên bản của con người.

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)