Đi trên bất cứ một cung đường hay một nơi chốn nào, hiếm hoi nhưng ta vẫn bắt gặp những cái cây đứng trơ trọi một mình. Chúng đứng thế, vững chãi, gân guốc như một người già, mảnh mai như một thiếu nữ hay ngả nghiêng như một người say. Chúng có thể chênh vênh như thể sắp nhào xuống bên bờ vực hun hút, giữa thung lũng bời bời mây trắng và núi đá điệp trùng, dầm chân suốt đời trong nước hay bình thản giữa một khoảng đồi lồng lộng gió, một sa mạc mênh mông, tứ bề cát trắng...Cây hiện diện, tồn tại và biến mất theo những cách hết sức độc đáo. Con người, suy từ trạng thái tâm lý của mình, nhìn cây theo cái nhìn thân phận "mang nặng kiếp người" đã gọi chúng bằng một cái tên chung: cây cô đơn
Thiên nhiên vốn thông thái và tinh tế đã đặt những cái cây một mình kia vào những nơi chốn phù hợp với nó, thu hút mà không gây khó chịu với đám đông phía xa kia. Vì nếu để một trong số đám đông đứng vào chỗ của nó số ấy sẽ không thể đảm đương một số phận không dành cho mình, một tư thế nếu không phải là chính nó kẻ khác không thể lấp đầy. Nó hoàn toàn không thể xếp vào một thứ hạng đã được quy chuẩn nào, cứ tự nhiên như nhiên mà lệch tông thế. Một vẻ dị biệt, không phụ thuộc, không thể sao chép. Đến Đà Lạt rất ít người không ghé thăm cây chè ở Cầu Đất, cây tròn xoay, mũm mĩm như một cô gái mê đồ ngọt, đẹp kiểu bất chấp phom dáng. Cũng Đà Lạt duy nhất một cây thông hướng ra hồ Vàng, giữa một bên là đồng cỏ bên là mặt hồ lặng phắc, nhìn từ xa cái cây như một doi đất ngang bướng vươn ra trò chuyện với sông hồ. Khác hẳn với cây bàng đơn độc giữa đồng ở Phú Thọ. Cuối thu, lá bàng rụng hết còn độc những nhánh khô gầy, dày đặc, đan cài vươn lên nền trời xanh, thời điểm ấy nó có vóc dáng đậm chất hội họa. Công bằng mà nói ở Việt Nam, những cái cây đứng một mình ở miền thượng heo hút gió đèo bao giờ cũng để lại ấn tượng thị giác mạnh mẽ nhất. Đó là cây táo mèo sống lâu hơn rất nhiều so với cuộc đời của một cây táo kiên cường giữa sống lưng Tà Xùa cheo leo. Lỡ có run tay lái, rợn tóc gáy giữa một con đường như thế, nhìn vào nó người ta như thấy cả một niềm an ủi: hãy cứ tiếp tục đi, không sao cả. Và nữa, trên đường đi Hà Giang, từ Quản Bạ đến Yên Minh hoang sơ sát mép vực có một cây nghiến lừng lững. Có lẽ vì ở tư thế oái oăm ấy mà người ta không thể đốn hạ, ép xác nó vào những phòng khách sang trọng, vĩnh viễn cách chia với bóng mây ngàn trên cao nguyên đá. Con người mê chúng và bạc đãi chúng theo nhiều cách. Nếu nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại hình ảnh, dáng nét của một cái đẹp, độc nhằm lan tỏa vẻ đẹp ấy với đám đông, người yêu cái đẹp đơn thuần muốn giữ lại khoảng khắc cảm xúc mà họ may mắn có được thì có khi với nhiều người khác cây là một bóng mát quý giá giữa chơ vơ núi đồi, là những dấu mốc của một hành trình xa ngái...
Cây táo mèo một mình trên đỉnh Tà Xùa. Ảnh: ST
Cứ xem cách mà một người yêu và hiểu Tây Nguyên nhất xứ này nói về cây cô đơn ở đây thì đủ hiểu. Ở Tây Nguyên, theo hình dung của nhà văn Nguyên Ngọc, đứng ở vài điểm cao khác nhau trên đỉnh đồi thấy lác đác những đốm xanh thẫm màu kiên trì đứng trên nền đất đỏ Bazan ngập nắng và thông thốc gió. Cái dáng của loài cây thân thẳng tắp, vững chãi, tán xòe như một cái ô không phải là view hấp dẫn với người xem, các nhà nhiếp ảnh nhưng vô cùng quý giá cho lữ khách và bà con đi làm rẫy. Buổi trưa, nắng gắt, tạt vào đấy, dựa lưng vào gốc nó nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một đoạn đường mới, một buổi vỡ rẫy mới... Có cây ngả la đà trên mặt nước như nét phác thảo đầy sáng tạo, hài hòa với tất thẩy cảnh vật xung quanh, làm nên một khung cảnh hết sức thơ mộng. Người ta tận dụng nó bằng cách tròng vào ngang thân nó một sàn gỗ hình trái tim cho khách đứng chụp ảnh. Thấy tội tội như một người đeo gông. Quả cái ý không mới mẻ gì luôn đúng, hạnh phúc của kẻ này là sự vướng víu, đau đớn của kẻ kia. Có cái cây cô đơn bị triệt hạ oan uống vì người ta muốn bảo toàn sự yên tĩnh trong không gian mà nó sinh sống vì du khách kéo về đông quá... Và oái oăm thay, đúng ở góc nào để nhìn ngắmnhững cái cây một mình cũng như một kiểu quà tặng, một nguồn phúc lợi hiếm hoi của trời đất dành cho con người. Người ta yêu nó phải chăng nó ở một phương diện nào đó là hình ảnh của chính họ giữa đời sống này, một hay nhiều quãng trơ trọi, lặng câm đau khổ nào đó buộc phải chấp nhận. Trời ban cho khả năng nào thì sống cùng khả năng đó. Cống hiến và chịu đựng, kiên trì sống cho đến khi ngủ lịm, tan vào đất. Và dù không ai biết tới hay bị đổ xô tới làm phiền quanh năm suốt tháng thì chúng vẫn điềm nhiên đứng đấy phô ra vóc dáng kì dị, reo hát, tỏa bóng cho hết phận mình. Chúng đơn độc như những mảnh hồn của trời đất, lặng thầm, kiêu hãnh giữa bạt ngàn trống trải, để trả nợ trần gian từng cho chúng tá túc rồi nhẹ thênh tan biến vào hư vô, không phiền lụy bất cứ ai, điều gì xung quanh mình...
Một cái cây không được cộng sinh cùng đồng loại cũng có nghĩa phải đối mặt với đủ thứ, bão gió quần thảo mà không có cây lớn để nương tựa, thiếu thảm thực vật và hàng tỉ sinh vật li ti có lợi dưới mặt đất làm thức ăn... Bù lại chúng không phải lao vào cuộc sinh tồn, không vặn vẹo thân mình để vươn lên cạnh tranh ánh sáng, không khí, hay buộc phải thu gọn, hủy bỏ dáng hình nguyên thủy, mà thoải mái vươn cành, cứ thế chậm rãi lớn lên và từ từ mất đi theo lối của mình, bảo trời cho cũng được, nói trời đầy cũng xong. Chúng có mặt trên thế gian này không từ bất kì sự sắp đặt, tính toán nào mà như một cái khoát tay đầy ngẫu hứng của Thượng đế...
Một cây cô đơn trên đỉnh Lảo Thẩn đã bị chặt hạ gần đây gây xôn xao dư luận. Ảnh: ST
Đến thời điểm này cái cây được mệnh danh là cô độc nhất hành tinh là cây keo Ténéré, nó đứng trơ trọi giữa biển cát khổng lồ của sa mạc Sahara đã hàng trăm năm. Trong bán kính 400 kilomet, lấy gốc nó làm tâm, không có bất cứ một loài cây nào của sa mạc có thể sinh sống. Cây keo đã phải sục bộ rễ dài tới 30 mét để tìm nước ngầm. Gặp được nó, ngưỡng mộ nó tuyệt không phải là du khách bình thường mà là các bộ tộc du mục, các đoàn thương gia trên con đường băng qua sa mạc. Nó hệt một điểm tựa, một biểu hiện của sự sống, một cái cây thiêng để người đi đường có thêm nghị lực đi qua vùng đất chết. Khi cây chết vì sự bất cẩn của một kẻ vô danh ngu ngốc nào đó, xác nó đã được đưa vào bảo tàng quốc gia Niger như một cách để tưởng nhớ sự hiện hữu không gì có thể thay thế được của nó. Nó cùng với những đồng loại đơn độc bậc nhất trên trái đất (Cây liễu giữa hồ Wanaka, vườn Quốc gia núi Aspiring, New Zealand, cây thông Sitka trên hòn đảo phía nam New Zealand...) như một minh chứng: sự sống có thể tồn tại mạnh mẽ ở những nơi khắc nghiệt nhất trên thế gian...
Cây cô đơn trong tư thế, sự sống khác biệt, mãnh liệt như thế tự thân đã gợi lên bao ẩn dụ về đời người. Hay nói cách khác cây cô đơn cũng như người, luôn thế, ở đâu cũng thế, khác biệt vô cùng so với đám đông. Mãi mãi chúng là một kiểu lệch tông giữa quen nhàm. Đến được với chúng người ta buộc phải khổ công, nếu không mạo hiểm thì cũng có có cái thú yêu quý một loài cây chấp nhận sóng gió, mưa bão mà tồn tại theo cách riêng của mình. Sự cô đơn ấy đích thực là một vẻ đẹp, hiếm hoi và kiêu hãnh...
NGUYÊN PHƯƠNG
VNQD