Mất mặt

Thứ Ba, 25/04/2023 19:07

Những người trọng danh dự thường rất lo bị “mất mặt”. Thế nhưng trong vũ trụ bao la, nhiều khi sự “mất mặt” là không thể tránh khỏi, ngay cả đối với chúa tể của hệ mặt trời. Đó chính là khi hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra, là khi mặt trời bị… mất mặt thực sự. Như bức ảnh được chụp tại đảo Mackerel ngày 20/4 vừa qua bởi Away with CJ.

Tuy nhiên, dù mất mặt nhưng chúa tể của Hệ mặt trời vẫn toả ra hào quang rực rỡ. Đây là bức ảnh tiêu biểu phản ánh hiện tượng nhật thực lai, một hiện tượng hiếm hoi, chỉ xảy ra vài lần trong cả một thế kỉ.

Nhật thực lai là sự kết hợp của 2 hiện tượng nhật thực toàn phần (mặt trăng che khuất hoàn toàn mặt trời) và nhật thực hình khuyên (mặt trăng che khuất mặt trời tại khoảng cách rất xa, để lại vòng tròn lửa quanh rìa). Suốt quá trình nhật thực lai, sẽ có 2 hiện tượng nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên diễn ra.

Viện Nghiên cứu khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) thông tin, nhật thực lai là hiện tượng cực hiếm, chỉ xảy ra khoảng 4,8% tổng số lần nhật thực. Trong thế kỉ 21, nhật thực lai chỉ xảy ra với tỉ lệ 3,1% số lần nhật thực. Nhật thực lai lần này bắt đầu ở vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, qua Úc, Đông Nam Á và kết thúc trên Thái Bình Dương.

Theo Date and Time, hiện tượng nhật thực lai diễn ra khi người dân ở dải trung tâm (khu vực có thể quan sát nhật thực toàn phần) nhìn về phía mặt trời đang bị mặt trăng che khuất hoàn toàn, nếu khoảng cách mặt trăng ở gần trái đất, nó sẽ đủ độ lớn để che toàn bộ mặt trời, nghĩa là nhật thực toàn phần, còn khi độ lớn gần đủ để che hết mặt trời nó sẽ tạo ra một vòng khuyên lửa bao quanh, đó chính là nhật thực lai. Xác suất này rất nhỏ, chính vì thế mà hiện tượng nhật thực lai rất lâu mới lặp lại.

Dải trung tâm của nhật thực lần này trải từ vị trí trên biển, nằm gần giữa đường chéo nối mũi Hão Vọng của châu Phi với bờ biển Nam Cực bên dưới nước Úc, lên đến những hòn đảo Thái Bình Dương nằm chếch về phía Đông Đông Bắc Indonesia, tức trải qua rất nhiều vĩ độ. Vì thế, hành khách trên những con tàu lênh đênh ở nơi tiếp giáp Ấn Độ Dương và Nam Băng Dương có thể có cơ hội nhìn thấy nhật thực toàn phần với mặt trời phủ bóng đen hoàn toàn.

Dựa trên dân số của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên đường đi của nhật thực lần này, ước tính có khoảng 375.000 người trên toàn thế giới quan sát thấy mặt trời “mất mặt”, tức là nhật thực toàn phần và mất gần hết mặt, tức là nhật thực hình khuyên; khoảng 9,58 triệu người quan sát được mức độ che phủ trên 90%; khoảng 693.000 người quan sát với độ che phủ dưới 10%, bao gồm ở Việt Nam.

Trọng Thái tổng hợp

VNQD
Thống kê