. THÁI KIÊN
“Để có được danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã khó, nhưng giữ vững và phát huy danh hiệu cao quý đó là cả quá trình lâu dài và bền bỉ. Nửa thế kỉ qua, đơn vị đã vượt lên gian khó, coi trọng chất lượng, uy tín, khẳng định thương hiệu Xưởng X32 anh hùng, xứng đáng với niềm tin yêu của các đơn vị tăng, thiết giáp (TTG) toàn quân...” - Đại tá Nguyễn Văn Viết, nguyên Chủ nhiệm Kĩ thuật Binh chủng TTG, nguyên Giám đốc Xưởng Sửa chữa xe tăng X32, nói với chúng tôi như thế.
Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng giữa) thăm và kiểm tra một số vật tư, chi tiết xe tăng T-54 được phục hồi sau sửa chữa tại Xưởng X32, Binh chủng Thiết giáp (năm 1974). Ảnh: TL
Ra đời dưới chân núi Đinh
Ngược dòng lịch sử, sáng 20/10/1972, lễ thành lập Xưởng Sửa chữa xe TTG X32 (gọi tắt là Xưởng X32) được tổ chức trọng thể tại Trại Mít, thôn Đồng Oanh, xã Hương Sơn (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc), dưới chân núi Đinh - nơi có nhiều dấu ấn lịch sử của thời kì kháng chiến chống Pháp. Và ngày 20/10 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của Xưởng X32.
Những ngày đầu thành lập, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn về tổ chức, biên chế, về nơi ăn, ở, làm việc, đóng quân phân tán trong điều kiện chiến tranh. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ Xưởng X32 đã huy động hàng nghìn ngày công để xây dựng, củng cố nơi sinh hoạt, củng cố kho, xưởng. Đồng thời, đơn vị khẩn trương tiếp nhận, lắp đặt và đưa vào sử dụng nhiều trang thiết bị, máy móc để sẵn sàng sửa chữa tại chỗ và sửa chữa cơ động cho các đơn vị TTG toàn quân.
Trong chiến tranh chống Mĩ, cứu nước, để chuẩn bị cho các chiến dịch lớn, thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, Xưởng X32 đã liên tiếp tổ chức nhiều đội sửa chữa cơ động vào chiến trường miền Nam. Trên khắp mọi nẻo đường, những người lính thợ Xưởng X32 đã có mặt trên các chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Trung Lào, Nam Lào… Ở đâu có đơn vị TTG, nơi nào có bộ đội TTG chiến đấu là nơi đó có người lính thợ Xưởng X32. Trong suốt Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những người lính thợ xe tăng đã dũng cảm đi vào nơi lửa đạn, tổ chức cứu kéo, sửa chữa hàng trăm xe TTG; khắc phục, sửa chữa hàng trăm xe chiến lợi phẩm của địch để bổ sung cho các đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu.
Điểm nổi bật là trong những năm chiến tranh ác liệt, đơn vị đã tham gia thiết kế và thi công cải tiến xe tăng thành xe tăng phá rào, xe tăng phá bom bằng từ trường. Các xe tăng cải tiến đã được sử dụng tốt cho việc “mở cửa” trong các trận đánh then chốt của bộ đội TTG và phục vụ rà phá bom trên tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn. “Từ năm 1972 - 1975, đơn vị đã tiến hành sửa chữa vừa và nhỏ gần 300 xe TTG, hơn 600 lần khẩu súng pháo; sửa chữa lớn hàng trăm bình ắc quy, khí tài quang học... Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, thợ sửa chữa Xưởng X32 rất vinh dự, tự hào được tham gia cải tiến xe thiết giáp, phục vụ bảo quản và di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh về nơi sơ tán” - Thượng tá Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Xưởng X32, cho hay.
Theo giới thiệu của đồng chí Thượng tá Nguyễn Đức Trường, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Xưởng X32, chúng tôi tới ngõ 180 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) trò chuyện với cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Viết. “Cuối tháng 10/1980, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Xưởng X32 đổi tên thành Tiểu đoàn Sửa chữa cơ động 32, trực thuộc Cục Kĩ thuật Binh chủng Thiết giáp. Nhiệm vụ của đơn vị là sửa chữa xe TTG cho các đơn vị dự bị của Bộ và các đơn vị TTG toàn quân. Do yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và xây dựng lực lượng trong tình hình mới, ngày 13/11/1996, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định phát triển Tiểu đoàn Sửa chữa xe cơ động 32 và đổi tên thành Xưởng X32...” - CCB Nguyễn Văn Viết, nguyên Chủ nhiệm Kĩ thuật Binh chủng TTG, nguyên Giám đốc Xưởng X32, mở đầu câu chuyện.
Ngừng một lúc, CCB Nguyễn Văn Viết kể tiếp: “Khi đơn vị chuyển từ Tiểu đoàn Sửa chữa cơ động 32 lên Xưởng X32, đồng chí Thiếu tá Phạm Văn Lợi được cấp trên bổ nhiệm Giám đốc; Thiếu tá Lê Văn Dậu - Phó Giám đốc Chính trị và tôi lúc đó là Đại úy, giữ chức Phó Giám đốc Kĩ thuật. Thời điểm đó, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ thợ bậc cao lúc đó chỉ còn lại chưa đến 10 đồng chí, trong khi các đơn vị TTG toàn quân đặt hàng sửa chữa ngày càng nhiều. Chúng tôi đã chủ động bố trí các đồng chí thợ bậc cao kèm cặp, hướng dẫn thợ bậc thấp sửa chữa tại đơn vị và sửa chữa cơ động. Đồng thời, đơn vị triển khai xây dựng và hướng dẫn đội ngũ thợ thực hiện trình tự các bước tiến hành sửa chữa xe TTG và các cụm máy trên xe TTG, hiện nay gọi là quy trình công nghệ sửa chữa (trước đó, đội ngũ thợ sửa chữa chủ yếu theo kinh nghiệm, xe hỏng chỗ nào thì sửa chỗ đó - PV)”.
Thợ gia công cơ khí Phân xưởng 2 sửa chữa xe tăng tại Xưởng X32
“Cái khó ló cái khôn”
Kể từ khi thành lập tới nay, Xưởng X32 luôn tự hào là một trong những đơn vị điển hình đi đầu trong phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật của Binh chủng TTG nói riêng và các đơn vị TTG toàn quân nói chung.
Khi chúng tôi nhắc tới sáng kiến điển hình thay nòng pháo xe tăng ngoài đảo, CCB Nguyễn Văn Viết vui vẻ chia sẻ: “Cuối năm 1996, tôi cùng với các đồng chí Trung tá Phùng Quang Thịnh, Trợ lí Phòng Vũ khí, Cục Kĩ thuật; Thượng úy Nguyễn Đình Bính, Quản đốc Phân xưởng 3; Thiếu tá QNCN Giáp Văn Thuần, thợ sửa chữa Vũ khí Phân xưởng 3 và một số đồng chí thợ bậc cao của đơn vị được cấp trên giao nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị để sửa chữa, thay nòng pháo xe tăng T-34 trên đảo.
Thay được nòng pháo cho xe tăng T-34 phải dùng cần cẩu có sức nâng ít nhất là 7 - 8 tấn. Thời điểm đó, việc vận chuyển xe công trình, xe chuyên dụng ra đảo rất phức tạp và không có tính khả thi. Thế nên, không có cách nào khác là phải nghiên cứu, chế tạo ra bộ dụng cụ, gọn nhẹ, dễ tháo lắp và thuận tiện vận chuyển ra đảo. Việc khó nhất là chế tạo bộ bản lề vừa chịu tải trọng, vừa bảo đảm an toàn trong quá trình sửa chữa, vừa đáp ứng yêu cầu kết cấu thanh ray, xe goòng, trụ chống phải đơn giản, dễ vận chuyển và sử dụng. Sau gần một tháng đánh vật với con thiết tượng - voi sắt, với rất nhiều lần thực hành tháo lắp, kê kích tháp pháo, đo đạc tính toán, chúng tôi đã chế tạo thành công bộ thiết bị để sửa chữa, thay nòng pháo xe tăng T-34 trên đảo.”
Để hiểu rõ hơn về hành trình thay thế nòng pháo xe tăng T-34 ngoài đảo, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Thiếu tá QNCN Giáp Văn Thuần, nguyên là thợ sửa chữa vũ khí Phân xưởng 3, Xưởng X32. Hiện nay, CCB Giáp Văn Thuần ở thôn Cầu, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Cách đây 25 năm, ông từng là lính thợ sửa chữa vũ khí bậc cao (7/7), chuyên gia cố vấn kĩ thuật, trực tiếp thi công thay nòng pháo, lắp đặt tháp pháo trên xe tăng T-34 tại các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây…
Khi chúng tôi đề cập việc tháo nòng pháo xe tăng T-34 ở ngoài đảo, CCB Giáp Văn Thuần hào hứng kể: “Đầu năm 1996, tôi cùng một số thợ sửa chữa ra đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa để kiểm tra, khảo sát nòng pháo xe tăng T-34. Sau khi kiểm tra, các thông số kĩ thuật không đạt yêu cầu, nòng pháo và máng pháo đều bị mòn. Mặc dù chúng tôi đã hiệu chỉnh thông số kĩ thuật nhưng bắn vẫn không trúng mục tiêu. Tháng 11/1996, chúng tôi về đơn vị, báo cáo cấp trên phương án thay nòng pháo đối với xe tăng T-34 ở đảo Nam Yết. Và sáng kiến thay nòng pháo T-34 thành công ngoài sức tưởng tượng, trước sự chứng kiến của thủ trưởng cấp trên và cơ quan chuyên môn. Tháng 3/1997, tôi tiếp tục hành quân ra đảo để làm chuyên gia cố vấn kĩ thuật. Chuyến công tác đó, tôi đi cùng đội sửa chữa cơ động của Tiểu đoàn Sửa chữa xe tăng 201 (nay là Xưởng X201 thuộc Cục Kĩ thuật Binh chủng, Tổng cục Kĩ thuật). Đầu năm 1998, chúng tôi trở về đất liền với thành tích, tất cả xe tăng trên các đảo đều có trạng thái kĩ thuật tốt, sẵn sàng nổ súng, bắn trúng mục tiêu khi có lệnh.”
Để tiếp tục phát huy và bồi đắp những giá trị mới vào trang sử vẻ vang của đơn vị, theo Thượng tá Nguyễn Đức Trường, dù bất cứ hoàn cảnh nào, đơn vị cũng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, phát huy nội lực, tự lực tự cường, chủ động khắc phục khó khăn; xây dựng đội ngũ cán bộ, thợ sửa chữa có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn ngày càng cao, làm chủ sửa chữa vũ khí, trang bị xe tăng thế hệ mới; gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết, sẵn sàng lên đường nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; chất lượng tạo nên uy tín, xứng đáng với thương hiệu Xưởng X32 anh hùng.
T.K
VNQD