Người thương binh kì lạ

Thứ Tư, 29/03/2023 00:47

. TRỊNH DUY SƠN
 

I

Ngày nào cũng vậy, cứ đến khoảng 12 giờ trưa và 6 giờ chiều, khi mọi người từ bác sĩ, nhân viên đến các bệnh nhân trong bệnh viện Thống Nhất đều đã ăn cơm xong thì có một bệnh nhân chừng 60 tuổi cụt chân trái (ở cùng phòng bệnh với tôi) lại lắp chiếc chân giả vào khúc chân cụt cong queo, sần sùi như một khúc củi rồi vội lấy chiếc bao xác rắn đi bới từng thùng rác, nhặt từng miếng thịt, cọng rau, chút cơm… của những người ăn thừa ở khắp các tầng lầu của bệnh viện. Độ gần một tiếng sau chị lễ mễ đưa về cửa phòng một bao tải đầy chặt cứng thức ăn thừa. Nhanh thoăn thoắt, chị lại hì hụi khuân vác, chuyển bao tải xuống cầu thang máy rồi đem đi đâu đó, chừng hơn một tiếng sau mới quay lại phòng bệnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quà cho thương, bệnh binh tại Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN

Đã có đôi lời phàn nàn của mấy người khó tính nằm giường bên.

- Cái nhà bà này, chẳng ý tứ gì cả. Mùi cá, mùi nước mắm hôi rình mà ấn vào mũi người ta, nghèo đói đến đâu mà phải vậy!

- Đã què còn hay đi, hay nói, làm mất cả giấc ngủ trưa của người khác!

Đâu chỉ có việc ngày hai lượt đi lượm thức ăn thừa, chị còn cái tật này nữa: cứ mỗi buổi sáng sau giờ các bác sĩ thăm khám, lại sang phòng của bệnh nhân nam chừng 80 tuổi chuyện trò tíu tít. Hết rửa bát, quét phòng, lau người cho ông rồi lại xuống căng tin mua giùm những thứ ông cần. Có khi tận lúc đi ngủ chị mới về phòng mình. Bực quá mấy bà gặng hỏi:

- Ông ấy là người nhà hay là người tình mà bà quan tâm vậy?

- Bà con tình tiếc gì đâu. Ông ấy bệnh nặng, các con bận đi làm tối mới vào thăm được. Mình còn sức hơn người ta thì đỡ đần họ đôi chút có mất mát gì!

Sẵn có máu tò mò nên tôi cũng sớm biết tên chị là Trần Thị Hoa. Những ngày sau tôi luôn để mắt xem chị làm những gì và tìm cớ hỏi han gia cảnh của bệnh nhân đặc biệt này.

 

II

Vào một buổi tối thấy chị Hoa có vẻ thư thái, tôi ân cần hỏi:

- Chị Hoa quê gốc ở đâu?

- Em sinh ra và lớn lên ở thôn Phú Pham, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

- Chị bị cụt chân từ bao giờ, trong hoàn cảnh nào?

- Ngày em còn nhỏ, cha em đi kháng chiến nên má con em khổ lắm. Anh trai em mới 13 tuổi cũng đi theo con đường của cha. Má em làm ăn vất vả, chồng con đi biền biệt lại bom đạn địch đánh phá ác liệt nên bà ngã bệnh tâm thần đi lang thang khắp vùng. Em lúc đó mới chừng 10 tuổi, đói quá cũng phải bỏ nhà đi xin ăn hết đây cùng đó. Nhiều lần có các đơn vị lính Việt Nam Cộng hòa đến càn quét em cũng sà vào bếp nhặt rau, rửa bát cho họ rồi họ lại cho em ăn no, cho cả cơm cháy đem về. Em cứ đi lang thang xin ăn ngày này qua ngày khác. May mắn có một người dẫn em đến một cô nhi viện. Sống trong cô nhi viện một thời gian, được các mẹ, các cô thương yêu chăm sóc, em khỏe mạnh và phổng phao lên dần… Nhưng rồi chiến tranh mỗi ngày một ác liệt hơn. Nhà cửa ruộng vườn của dân bị bom Mĩ tàn phá, cô nhi viện cũng bị bom, pháo đánh tan hoang. Em lại trở về với cuộc sống lang thang không nhà cửa, không người thân. May thay ngày đó, khi chạy vào một căn hầm tránh bom, em gặp được một tổ du kích. Từ đó em cứ bám theo từng bước chân của các anh chị. Mục đích ban đầu của em là theo để xin ăn. Thế rồi hằng đêm các anh chị đi cáng thương hay tải đạn, gạo cho bộ đội em cũng theo đi. Lúc đầu gánh 2 viên đạn cối 82ly hoặc gùi 10kg gạo, sau tập khiêng thương binh và gùi gạo, đạn, thuốc men nhiều hơn. Thực tình em cũng không biết mình được mang danh hiệu “cô du kích” từ ngày nào. Chiến tranh khốc liệt quá, không phút giây nào im tiếng bom đạn. Em đi tải thương gùi đạn băng đèo vượt suối biết bao nhiêu hiểm nguy. Khi thì bị địch dội bom vào đội hình hành quân, khi thì bị pháo kích, khi thì bị biệt kích mật phục… sống chết không biết lúc nào. Đầu năm 1968 em nhận hung tin ba em hi sinh, được vài tháng sau thì lại nhận tin anh trai em hi sinh, còn má em thì không biết lang bạt ở phương trời nào, còn sống hay đã chết.

Thương binh Trần Thị Hoa

Vào một đêm khoảng giữa năm 1968, bộ đội ta tập kích một đồn địch. Sau trận đánh, 3 chiến sĩ bị thương phải chuyển ra căn cứ gấp. Đội tải thương chỉ có 6 người khiêng và 1 y tá mang thuốc men. Đi được khoảng một tiếng đồng hồ thì không may em giẫm phải một quả mìn cóc địch cài từ bao giờ. Em bị gãy nát chân trái, máu ra nhiều quá nên ngất đi. Sau này nghe các anh chị kể lại em mới biết là khi em bị thương mọi người nhận định em sẽ “không qua khỏi” nên cứ đưa 3 thương binh về trạm phẫu thuật rồi quay lại “tính tiếp”...

Khi em tỉnh dậy thì đã thấy mình đang nằm trong bệnh viện Tây Đức của chế độ Việt Nam Cộng hòa từ khi nào rồi. Em chỉ thấy toàn thân mình đau nhức nhối và cả hai chân băng trắng toát, ngay đơ như khúc gỗ. Tuy còn nửa tỉnh nửa mê nhưng em cũng rất chú ý nghe cô hộ lí nói với người bác sĩ khám bệnh:

- Cô bé này lạc gia đình, đi vấp phải mìn, có mấy người dân đưa tới đây rồi bỏ đi luôn, mong ông cứu sống cô ấy!

Ngày ấy em khoảng 17 tuổi và cũng tham gia hoạt động du kích được mấy năm rồi nên phần nào cũng có chút ý thức hiểu biết về Cách mạng, về giữ gìn bí mật. Em ngầm hiểu rằng khi em bị thương thì các anh chị phải tập trung đưa thương binh về trạm phẫu thuật trước, còn em thì các anh chị coi như “con bé nghịch ngợm đạp phải mìn” nên nhờ người dân đưa đến bệnh viện của chế độ Việt Nam Cộng hòa chữa trị sẽ mau lành hơn. Trước sau em cũng chỉ khai là thường dân, cha mẹ chết vì bom đạn Mĩ. Vậy là em cứ yên tâm chữa vết thương ở bệnh viện Tây Đức suốt 10 tháng trời. Tận khi chiến tranh ác liệt quá người ta mới chuyển em về bệnh viện Hội An điều trị tiếp. Em còn nhớ ngày đó bệnh viện có bác sĩ Toàn rất thương em và đã đề nghị bệnh viện làm chân giả cho em. Rồi đến một ngày không biết có một người nào đó báo với bọn mật thám: “Con bé Hoa là Việt cộng đi tải thương vấp phải mìn.” Vậy là em bị một thằng dân vệ cho mấy cái bạt tai, tưởng như bể cái đầu và bị tống ra khỏi bệnh viện ngay hôm đó. Em trở lại những ngày lang bạt khắp nơi bằng một chân và đôi nạng gỗ để kiếm sống.

Em theo những người chạy loạn trèo lên xe đò tới Long Khánh rồi vào vùng đồn điền cao su đi dọn cỏ hoặc cạo mủ thuê cho chủ vườn. Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, trời xui đất khiến sao mà anh Huỳnh Tiễn (người cùng đội du kích với em) đã tìm gặp em. Ngày tham gia đi vận tải cho bộ đội, anh Tiễn rất quý mến em và đã ngỏ lời yêu em nhưng chỉ sau một thời gian thì anh bị địch bắt và hai người mất liên lạc từ đấy. Bây giờ anh trở về bằng thân hình còm cõi, bệnh tật bởi địch tra tấn đánh đập nhiều quá. Em nhiều lần năn nỉ rằng “Em bây giờ đã cụt một chân, anh thì gầy yếu như cây lau trước gió, lấy nhau thì làm gì để ăn…” nhưng anh cứ nhất quyết hai người phải kết hôn. Có được hạnh phúc vợ chồng rồi nhưng gian khổ lại tăng gấp 2, 3 lần. Trong vòng 3 năm em sinh cho anh được 2 đứa con. Vợ chồng sống với nhau chưa đầy 5 năm thì anh Tiễn qua đời. Một thời gian sau thằng con trai của em cũng chết vì căn bệnh sốt rét ác tính. Thú thực với các anh chị ngày ấy nếu không vướng bé Sinh (con gái) thì em uống thuốc sâu để được theo chồng con rồi…

Chị Hoa kể được đến đây thì không kìm nổi xúc động nên đã khóc thành tiếng, khiến các bệnh nhân trong toàn phòng không ai kìm được nước mắt. Lúc này mọi người mới nhìn chị bằng ánh mắt cảm thương.

- Vậy chị xoay xở bằng cách nào để sống đến giờ?

- Trong lúc tưởng như không còn đường sống, em quyết định ôm con bé Sinh vào Sài Gòn làm thuê cho một bà chủ bán rau quả ở chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình. Em phụ bán hàng cho bà tới gần chục năm nên được bà rất tin tưởng và quý mến. Lúc này con em đã lớn, chính bà chủ đã gợi ý cho mẹ con em lập sạp bán rau quả riêng. Bà còn cho mẹ con em ở trọ mà không tính tiền nhà. Từ đó hai mẹ con em cứ thay nhau bán rau quả năm này qua năm khác. Mỗi ngày khách hàng nhiều thêm và người bỏ mối rau quả cũng nhiều thêm. Có chút tiền dư dả mẹ con bàn nhau đi quận 12 thuê đất trồng rau muống, sau vài năm gom tiền mua luôn đất của họ. Khi Nhà nước có chủ trương cho dân chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất thổ cư, thế là mẹ con em thuê người đổ đất san mặt bằng xây nhà để về sinh sống chính trên mảnh đất do mồ hôi công sức mình làm ra. Đất còn dư em làm mấy phòng cho bà con thuê giá rẻ kiếm thêm chút đỉnh.

Khi đã có miếng cơm manh áo và nhà cửa tươm tất, dịp tết Nguyên đán năm 2015 em mới dám nghĩ tới việc đưa con về Quảng Nam thăm bà con và viếng mồ mả tổ tiên. Điều may mắn là trong dịp về quê lần này em đã gặp được anh Mười Tăng và anh Dương Nhẫn (cùng ở đội du kích đi khiêng thương binh với em) nhưng sau chiến tranh các anh đi định cư ở nơi khác. Sau 37 năm biệt tăm tin tức bây giờ anh em mới được gặp lại, mừng vui khôn xiết. Các anh cũng không thể ngờ rằng đến tận bây giờ em vẫn chưa được hưởng chế độ thương binh. Vậy là sau mấy ngày nghỉ Tết, cả anh Mười Tăng và anh Dương Nhẫn cùng hướng dẫn em làm đơn và trực tiếp đưa em mang đơn đến nộp tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đại Lộc. Cuối năm 2015, em chính thức được Nhà nước công nhận là thương binh loại 2. Thú thực trước đó chẳng bao giờ em dám nghĩ mình được hưởng chế độ thương binh…

III

Mới hơn 4 giờ chiều mà Sinh (con gái), Lan (con rể) và 2 đứa cháu của chị Hoa đã lên thăm mẹ, thăm bà. Trên tay cả 4 người đều mang xách lỉnh kỉnh nào là cặp lồng đựng thịt gà, cá kho, nào là những bọc túi nilon đựng rau sống, trái cây đủ loại. Như đoán được sự tò mò của mọi người, Sinh liền lên tiếng:

- Thưa các ông bà cô chú. Hôm nay là ngày cuối tuần, vợ chồng con cái chúng cháu tranh thủ tới thăm mẹ và thăm các ông bà cô chú ở cùng phòng bệnh với mẹ cháu trong thời gian qua. Một số món ăn như thịt, cá, rau, quả đều là thứ chúng cháu tự trồng trọt và chăn nuôi trong vườn nhà. Các sản phẩm này còn có công đóng góp của mẹ cháu nữa. Chúng cháu cũng đã can ngăn mẹ hãy nghỉ ngơi chữa bệnh nhưng bà còn tham công tiếc việc nên cứ đi nhặt từng chút thức ăn thừa rồi mang đến sạp bán rau ở chợ Hoàng Hoa Thám để chúng cháu mang về chăn nuôi. Hôm nay chúng cháu xin được mang chút quà (cây nhà lá vườn) biếu các ông bà cô chú ăn cho vui. Cháu mong các ông bà cô chú thông cảm cho mẹ cháu, bà cả đời gian khổ bây giờ cuộc sống đã khấm khá nhưng vẫn tham công tiếc việc, còn sức là còn làm. Mấy năm trước mẹ còn đi bán vé số, thấy bà cụt chân có người thương tình cho cả triệu bạc nhưng bà nhất định không lấy. Bà thường nói với những ân nhân: “Tôi thương tật nhưng còn đi kiếm ăn được, anh chị dành tiền cho những người còn khó khăn hơn tôi…” Từ khi được nhận lương thương binh, cứ mỗi lần Ủy ban nhân dân phường hoặc khu phố xét trợ cấp cho người nghèo là bà đều từ chối để nhường cho người khác.

Mọi người trong phòng bệnh vừa quây quần ăn các thứ trái cây bưởi, xoài, chôm chôm… vừa lắng nghe cháu Sinh kể về mẹ - về người thương binh kì lạ mà đến hôm nay tôi mới hiểu ngọn ngàn”. Ai nấy đều ngưỡng mộ một con người thật quả cảm, chịu đựng bao mất mát hi sinh để vươn lên trong nghịch cảnh gia đình và trong chiến tranh tàn khốc mà vẫn giữ nguyên tấm lòng rộng mở, bao dung, nhân ái với tất cả mọi người.

Tôi ngồi lặng như người bị thôi miên ngắm nhìn hai đứa cháu ngoại ngồi ôm khúc chân cụt của bà, âu yếm như ôm một báu vật. Chị Hoa cười rạng rỡ như người chưa hề có bệnh tật gì trong người. Tôi thầm nghĩ, khi nào ra viện sẽ đến thăm gia đình và vườn cây ăn trái của chị Hoa - một người du kích bị thương trong khi đi làm nhiệm vụ mà gần 40 năm sau chưa bao giờ từng nghĩ mình là một thương binh.

T.D.S

VNQD
Thống kê