Tấm gương thầm lặng

Thứ Tư, 26/04/2023 00:42

. HOÀNG ĐÌNH HUÂN
 

Mỗi một con người, khi cất tiếng khóc chào đời đã được hít thở không khí trong lành của thiên nhiên và lớn lên trong dòng sữa ngọt ngào và tình yêu thương của mẹ. Thiên nhiên luôn hào phóng, ban phát bao nguồn lợi, là môi trường sống của mỗi con người.

Nhưng con người đang hằng ngày tàn phá môi trường sống của chính mình theo nhiều cách, vô tình hay cố ý. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đã trở thành hiểm hoạ mang tính toàn cầu.

Bởi vậy, chung tay bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cộng đồng, của tất cả mọi người. Hiểu được điều này, thiếu tá QNCN Đào Thị Dung, Học viện Hậu cần luôn là tấm gương sáng về công tác bảo vệ môi trường ở đơn vị.

Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là công nhân, tuổi thơ của Dung gắn bó với những cánh đồng cỏ, những đàn bò sữa nơi nông trường Ba Vì xanh thẳm. Chị yêu cánh đồng cỏ, yêu mảnh đất xứ Đoài, yêu ngọn Ba Vì hùng vĩ.

Mảnh đất Sơn Tây vốn gắn liền với hình ảnh người lính. Không biết bao giờ trong chị đã hình thành một tình yêu dành cho người lính. Mỗi lần nhìn những người lính hành quân qua nông trường, chị lại mơ ước được khoác trên mình màu xanh thân thương ấy.

Mơ ước đã thành hiện thực. Chị được tuyển dụng vào Trường Sĩ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu Cần). Ban đầu, chị là chiến sĩ nuôi quân, sau đó chuyển sang tổ môi trường. Hơn 25 năm trôi qua, chị gắn bó với tổ vệ sinh môi trường của đơn vị.

Khi nhận nhiệm vụ, Dung chỉ nghĩ đơn giản rằng mình không đủ giỏi giang để làm những công việc mà người ta coi là cao quý thì mình sẽ tìm thấy điều cao quý từ những công việc rất bình thường.

Giữa lấm lem rác thải, đất bùn
Em cần mẫn, âm thầm dọn dẹp
Cho môi trường mãi xanh, sạch, đẹp
Cho trong lành tiếng chim hót ban mai

Một ngày của Dung bắt đầu từ lúc 4h30 sáng. Khi mọi người còn yên giấc ngủ, chị lặng lẽ dắt xe ra khỏi nhà. Quãng đường từ nhà đến đơn vị gần 10 cây số. Bất kể ngày nắng đêm mưa, bất kể mùa đông mùa hạ, chị đều đặn đạp chiếc xe cũ kĩ của mình. Chị tâm sự: Đi xe đạp vừa để tập thể dục, rèn luyện sức khoẻ, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Có người nói rằng, công việc của Dung cần gì phải hiểu biết, học hành, chỉ cần biết cầm chổi, biết lau nhà là đủ. Chị không nghĩ thế. Chị nghĩ, nghề nào cũng cần phải có sự hiểu biết. Có như vậy mới làm tốt trách nhiệm của mình. Vì vậy, chị luôn tìm tòi, học hỏi để tìm ra cách xử lí các loại rác thải, phế liệu. Chị tỉ mẩn phân ra từng loại rác: rác hữu cơ làm phân vi sinh, rác vô cơ chuyển cho bộ phận xử lí, các loại vỏ chai, giấy vụn được tích luỹ, tăng nguồn quỹ cho tổ môi trường…

Hằng ngày, theo dõi trên truyền hình, báo đài, cũng giống như nhiều người, Dung phẫn nộ khi đâu đó có những hành động phá hoại môi trường. Điều này càng thôi thúc chị quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Chị nghĩ, muốn có môi trường xanh, sạch, đẹp, trước hết phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi cá nhân. Chị hướng dẫn các bếp ăn cách phân loại rác, cách ủ phân vi sinh; lên giảng đường nhắc nhở học viên đổ rác đúng nơi quy định. Trước khi ra về, bao giờ chị cũng kiểm tra một lần các khu vệ sinh, khoá vòi nước, tắt điện nơi làm việc. Chị là một trong những người cuối cùng rời khỏi đơn vị.

*

*         *

Khi tôi hỏi chuyện gia đình, giọng Dung trầm ngâm: “Tôi thương hoàn cảnh gà trống nuôi con của anh ấy nên nhận lời lấy làm chồng. Chưa kịp làm vợ đã phải làm mẹ nuôi hai đứa con. Sau đó tôi sinh thêm cháu thứ ba. Anh ấy cũng là bộ đội. Những ngày con còn nhỏ, chồng công tác xa, một mình tôi vật lộn với ba đứa con, không có người trông con, tôi phải gửi bà cụ hàng xóm. Có lần đi làm về mới biết con đang cấp cứu. Một mình ôm con trong bệnh viện mà nước mắt tuôn trào. Những ngày gian nan ấy cũng qua đi, giờ đây các con của tôi đã trưởng thành, hai đứa lớn đã đi làm, đứa bé giờ đã lớp 11.” Kể chuyện các con, khuôn mặt chị rạng ngời hạnh phúc.

Hết lòng vì gia đình, chồng con và công việc, Dung luôn được mọi người yêu mến. Chị như người chị cả trong tổ môi trường. Chị quan tâm tới mọi người, sẵn sàng chia sẻ với đồng chí, đồng đội. Trong tổ, đa phần chị em có con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, Dung nhận về mình những việc nặng nhọc, đi sớm về muộn, tạo điều kiện giúp đỡ chị em chăm sóc gia đình.

25 năm gắn bó với nghề, trong Dung có biết bao kỉ niệm. Chị nhớ mãi buổi sáng hôm ấy, trời mùa đông rét mướt, như thường lệ, đạp xe từ nhà đến cơ quan, lúc ấy trời còn nhá nhem. Bờ đê sông Đuống hun hút, rét thấu xương, không một bóng người. Đến gần cổng học viện, chị bỗng thấy một chiếc xe chở đầy phế thải xây dựng đang ghé đuôi, chuẩn bị đổ trộm xuống dòng sông Đuống. Ngay lập tức chị chặn trước mũi xe, yêu cầu tài xế không được đổ phế thải. Anh tài xế hùng hổ xuống xe quát tháo, lao về phía chị định hành hung gây sự. Chị nhanh trí gọi các đồng chí vệ binh đang gác ở cổng học viện giúp sức. Giọng chị đanh lại: “Tôi yêu cầu anh không được đổ phế thải xuống sông. Tôi đã nhớ biển số xe của anh rồi. Nếu anh cứ đổ xuống, tôi báo chính quyền, anh cũng không thoát được.” Anh tài xế thấy chị kiên quyết đành miễn cưỡng lái xe ra khỏi hiện trường. Hành động bảo vệ môi trường của chị sau đó đã được học viện tuyên dương.

Không chỉ chu toàn việc đơn vị, ở khu dân cư, nơi gia đình sinh sống, Dung luôn là một tấm gương về bảo vệ môi trường. Người dân khu phố đã quen với hình ảnh của chị mỗi sáng cuối tuần khi tham gia dọn vệ sinh hay vận động các gia đình phân loại rác thải, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Nói về công việc, giọng chị đầy tự hào: “Tôi không quan tâm ai đó coi thường nghề nghiệp của mình. Tôi tự hào vì được làm nghề này, nghề cho tôi đồng lương nuôi gia đình, nghề cũng cho tôi hiểu thêm về cuộc sống. Nếu không có những người như chúng tôi, có lẽ thế giới này sẽ ngập trong rác!”

Công việc của Dung cứ thế bình lặng trôi trong dòng chảy hối hả của cuộc sống. Chị yêu từng gốc cây, lối cỏ, từng dãy hành lang, mỗi khu giảng đường… Mỗi ngày làm xong công việc, đứng trên giảng đường cao vời vợi, mở cửa sổ đón làn gió từ sông Đuống thổi về, lòng chị tràn trề niềm vui.

Bằng những việc làm kiên trì, bền bỉ của mình, Đào Thị Dung đã có những đóng góp làm cho môi trường Học viện Hậu cần ngày càng xanh, sạch, đẹp, góp phần đưa những chủ trương, những biện pháp bảo vệ môi trường vào thực tế cuộc sống. Những việc làm của chị đã có sức lan toả lớn trong toàn đơn vị, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi con người. 12 năm liên tục chị đều được học viện khen thưởng, trong đó có 2 năm được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Về Học viện Hậu cần hôm nay mọi người sẽ cảm nhận một không gian trong lành, tinh khiết, một cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Sự trong lành có được đó có công sức không nhỏ của thiếu tá QNCN Đào Thị Dung - người lan tỏa điều tốt đẹp đến mọi người.

H.Đ.H

VNQD
Thống kê