. PHỤNG THIÊN
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ngày hôm nay mỗi khi nhắc lại hai từ ấy, tôi, và tôi tin nhiều người cũng như tôi, vẫn thấy trong tim mình trào dâng một cảm xúc thiêng liêng khó tả. Đặc biệt là đối với những người đã từng trải qua những thời kì bom rơi đạn nổ, những người đã ròng rã bao năm vật lộn với chiến trường, luôn đứng giữa hai làn sinh tử ấy, có lẽ đó sẽ mãi là một dấu ấn, một phần cuộc sống mà họ sẽ mang theo suốt cả cuộc đời.
Nghề làm báo vừa phải có trái tim nóng đầy nhiệt tình với cuộc sống, lại vừa phải có cái đầu lạnh để tỉnh táo, xem xét hiện thực. Đọc Bê trọc (chuyện đời thường trong chiến tranh) của Phạm Việt Long, tôi như được xem một thước phim thực tế về chiến tranh: cuộc sống của người lính - người phóng viên cách mạng, những sự hi sinh thấm đẫm nước mắt, tình đồng chí, đồng bào... Dù trải qua bao gian khổ, thậm chí đứng giữa cái sống và cái chết, nhưng trong người lính ấy vẫn luôn có lí tưởng và mục đích rõ ràng của một người cách mạng, luôn tin tưởng vào tình yêu, tin tưởng vào tương lai tươi sáng, lúc nào cũng hướng về quê hương, gia đình, lấy đó làm động lực để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Một chàng trai 22 tuổi, một thanh niên măng sữa, thanh xuân sôi nổi, chưa biết hi sinh vất vả chiến trường là gì, nhìn cuộc đời lúc nào cũng thuần khiết màu hồng, nhưng khi nghe tin được đi B thì: “Bao sung sướng! Thế là tôi chẳng còn lòng dạ nào mà ngồi với bút sách nữa.” Vào chiến trường mà lòng lại vui sướng rạo rực, phải chăng đó là nhiệt huyết tuổi trẻ của những người thanh niên thời bấy giờ: “Mặt trời Tổ quốc luôn vẫy gọi chúng tôi.” Miền Bắc đã lập lại hòa bình, đang bước vào giai đoạn lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng miền Nam ruột thịt, những đồng bào, đồng chí trong đó vẫn ngày ngày phải nằm dưới bom đạn, chết chóc, đói khổ. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.” Tình nghĩa tương thân tương ái ấy làm người thanh niên không thể ngồi mà hưởng thụ hòa bình ấy được. Anh đã hành quân vào chiến trường, với ba lô nặng trên vai, bộ quần áo người lính, băng rừng, vượt suối, bị bỏng nước, bị giẫm phải chông nhưng vẫn cố gắng hành quân cho kịp đồng đội, vẫn phải tuân thủ quy định của cấp trên. Thiếu ăn, thiếu gạo, phải trộn cơm với sắn, đi đổi gạo, mót sắn nấu nướng không phải bằng xoong nồi mà bằng những ăng tô, nhiều khi cơm sống phải nấu lại, nhiều lúc đang nấu bị đổ. Ngủ giữa rừng trên những chiếc võng mắc tạm, mưa ướt hết cả quần áo trong cái lạnh rét run. Trong cái thiếu thốn, khó khăn ấy bệnh tật cũng tìm đến bằng những trận sốt rét thập tử nhất sinh… Nhưng anh lính đã vượt qua tất cả. Khó khăn gian khổ đã giúp người phóng viên cách mạng ấy nhìn sâu vào cuộc sống hơn, thấy cả mặt phải và mặt trái của nó, nhưng vẫn giữ nguyên được bầu máu nóng, giữ được nhiệt tình sôi nổi của tuổi trẻ và không để hoài phí những tháng ngày đã qua. Anh vẫn lạc quan yêu đời: tập thể dục, làm tin, làm thơ, những lúc rảnh rỗi còn nhẩm lại những bài thơ cũ gợi những kỉ niệm về quê hương. Trong không khí xuân thiếu thốn đủ thứ, vẫn thấy đong đầy tình cảm bên những người đồng chí, vẫn nhớ da diết những người thân yêu, vẫn làm thơ chúc mừng năm mới… Và khi có người yêu ở gần, anh cũng không vì tình riêng mà quên đi nhiệm vụ: vẫn hăng hái đi công tác, vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, viết thư cho người yêu cũng chỉ là khi đã xong hết công việc… Đó là một tinh thần cách mạng, tinh thần của những người Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu). “Kẻ thù ngoan cố và chúng ta quyết tâm chiến đấu đến cùng vì độc lập tự do! Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu lâu dài và đang bước đi với phong thái vừa hào hùng quyết liệt, vừa ung dung đĩnh đạc.”
Nhà văn, nhà báo Phạm Việt Long tại chiến trường
Với tư cách là một người làm báo lại làm việc trong môi trường kháng chiến ác liệt, Phạm Việt Long luôn luôn có một ý thức cao độ về công việc và thực tiễn. Anh viết: “Tôi không ngại hi sinh gian khổ. Tôi chỉ sợ không làm được nghiệp vụ. Nếu không vì sự nghiệp viết lách phục vụ cách mạng thì tôi vào đây làm gì kia chứ? Tuy nhiên phải nhận thấy một điều là trong hoàn cảnh khó khăn này, không thể chỉ biết đến chuyên môn. Sao lãng việc gùi cõng kiếm ăn, anh sẽ đói liền và như vậy anh không thể nhịn ăn mà làm chuyên môn. Anh hãy quan tâm đến điều đó, nếu không anh sẽ trở thành con người không tưởng, phi thực tế. Vấn đề là ở chỗ cân đối - cân đối giữa chuyên môn và gùi cõng.” Chúng ta có thể thấy trong suốt những năm tháng trên chiến trường, không lúc nào người phóng viên ấy cho phép mình ngơi nghỉ. Tranh thủ lấy tin, viết tin, tranh thủ trồng bắp, trồng sắn để tự phục vụ lương thực cho chính mình. Băng rừng vượt suối cõng sắn, cõng gạo, cõng muối… Mọi thứ anh làm đều chỉn chu, chính xác và chân thực. Cho nên khi nghe một loạt tin chiến thắng, anh “càng thấy chộn rộn, muốn được lao tới chiến trường, muốn được tận mắt thấy chiến thắng và được viết về những chiến thắng ấy”. Vì vậy mà những lúc được giao nhiệm vụ ở nhà viết tin, không được đi xuống các bản làng thực tế như các anh em, anh rất buồn. Nhưng không vì thế mà anh cẩu thả, lơ là. Anh luôn nghĩ cấp trên giao cho anh viết là tin tưởng vào khả năng viết của anh, nên anh càng phải cố gắng hoàn thành nó một cách nhanh nhất có thể, chính xác và sinh động nhất có thể. “Tranh thủ những lúc nghỉ của hội nghị, tôi gặp gỡ các đồng chí cán bộ xã, hỏi và ghi chép được khá nhiều chuyện về tấn công, nổi dậy, những gương diệt ác, phá kìm… Tôi rất quan tâm đến việc đánh giá kẻ địch.” Vì thế mà các tin của anh, những câu chuyện về những người lính hi sinh, về sự nổi dậy giành chiến thắng của đồng bào… được nhân dân cả nước nhanh chóng cập nhật, tiếp thêm sức mạnh cổ vũ cho cuộc chiến vì độc lập, tự do của dân tộc.
Nhà văn, nhà báo Phạm Việt Long chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng nghiệp ở Thông tấn xã tại chiến trường
Sống trong chiến trường, giữa lòng dân, dưới sự bao vây hống hách của kẻ địch, người phóng viên cách mạng ấy mới thấm thía những bài học về nhân dân: “Nhân dân bao giờ cũng chịu đựng khó khăn, ác liệt nhất, hi sinh nhiều nhất, và nhân dân chính là nền xây dựng những tượng đài chiến thắng.” Nhân dân luôn dành những gì tốt nhất cho những người cách mạng. “Mặc dù bà con ăn nhiều sắn, rất ít gạo nhưng vẫn nấu cho chúng tôi nhiều gạo, ít sắn. Khi chúng tôi đi, bà con góp gạo cho chúng tôi mang theo ăn đường.” Là hậu phương nhưng họ cũng là những người lính tham gia chiến đấu: để chống lại “bình định cấp tốc” của bọn địch, bác Nghi, một người già cả, là người đầu tiên dám đánh bò ra cày. “Thanh niên trai trẻ ra tiền tuyến, tui già, tui cũng ra tiền tuyến, ủa, thiệt chứ, ra tiền tuyến chứ. Anh coi, ra trước mũi súng thằng địch mà cày, chuyện giỡn ne?” Địch dùng mọi thủ đoạn tàn bạo để đe dọa, đàn áp nhân dân: rải chất độc, dội bom, đốt phá, tàn sát… Nhưng “người dân CK đồng tâm ghì chặt từng gốc dừa, đào hầm nuôi cán bộ”. “Trong đợt tổng tấn công, nổi dậy từ 12 tháng 4 đến 2 tháng 5 năm 1972, Hoài Nhơn có 36 quần chúng hi sinh, trong khi đó, du kích, bộ đội địa phương hi sinh 27 người!” Nhân dân luôn như vậy, lúc nào cũng âm thầm, lặng lẽ phục vụ và hi sinh vì sự nghiệp chung của cách mạng.
Sự đoàn kết, đồng thuận, đồng lòng, phát huy sức mạnh của nhân dân, tạo mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân và những người làm cách mạng là nguồn sức mạnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như Bác Hồ đã từng căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.” Trong cuộc kháng chiến trường kì ấy, những người cách mạng, người du kích luôn nhận được sự bao bọc của nhân dân. Trong mỗi gia đình thuần nông dân ấy, nhà nào cũng có người đi làm du kích. “Sống với những người du kích, tôi càng hiểu rõ sự thương yêu, đùm bọc của đồng bào đối với họ. Kẻ địch làm sao tách được quan hệ máu thịt giữa họ với đồng bào.” Phạm Việt Long nhìn ra những tình cảm bền chặt ấy: “Nghĩ thật thương đồng bào. Cuộc chiến tranh đã kéo dài quá rồi. Lòng người dầu có từng chai sạn đi trước những đau thương, uất hận, vẫn không khỏi bồn chồn ngóng đợi ngày chiến thắng.” Đó là những cảm xúc xuất phát từ một trái tim giàu lòng nhân ái, giàu lòng yêu thương, một sự nhận thức trỗi dậy mạnh mẽ trong lí tưởng của người đảng viên cách mạng.
P.T
VNQD