. HOÀNG MINH LỆ
Đại tá Hoàng Thúc Cẩn (tức Huỳnh Thúc Cẩn), quê ở làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình). Hồi nhỏ ông học cùng lớp với ông Nguyễn Hữu Vũ hay Nguyễn Văn Đồng, nay là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ở trường tiểu học “École Primaire Complémentaire de Thọ Linh”.
Nhà ông Cẩn có 7 anh em. Học xong tiểu học ở làng Thọ Linh, ông theo hai anh trai là Hoàng Thúc Cảnh và Hoàng Thúc Tuệ vào học trường trung học tư thục Thuận Hóa tại Huế. Cách mạng tháng Tám thành công, ông về làng làm đội trưởng đội thiếu niên du kích. Ông gặp lại người bạn lớn hơn ông 5 tuổi, lúc ấy mang tên Nguyễn Văn Đồng đang làm Bí thư Huyện ủy, kiêm Huyện đội trưởng huyện Quảng Trạch. Năm 1947, giặc Pháp tiến đánh Quảng Bình và đóng đồn Minh Lệ. Ông Nguyễn Văn Đồng giao cho ông Cẩn nhiệm vụ vẽ lại bản đồ đồn địch. Đêm 16 tháng 8 năm 1947, ông Đồng đã chỉ huy Đại đội 5, du kích (sau này là Đại đội 365, bộ đội Quảng Trạch) tập kích đồn Minh Lệ, diệt được 13 tên Pháp và 30 tên ngụy.
Đại tá Hoàng Thúc Cẩn ngày còn trẻ Ảnh: Tư liệu
Tháng 5 năm 1948, giặc Pháp rút khỏi đồn Minh Lệ lần thứ nhất, ông Cẩn giao chỉ huy đội thiếu niên du kích lại cho ông Hoàng Hữu Thanh, rồi đi bộ đội. Lúc đó Bình Trị Thiên đang là vùng địch tạm chiếm nhưng Thanh Nghệ Tĩnh là vùng tự do của ta. Ông Cẩn đến cầu Mượu (Rú Mượu) tìm đường về nhà Bác Hồ. Cụ cả Khiêm, anh trai của Bác Hồ, lúc đó đang làm thuốc. Ông thấy ảnh Bác Hồ treo trên vách giống cụ cả Khiêm như tạc. Một lúc sau bà Thanh, chị gái của Bác Hồ, cũng chống gậy từ quê ngoại về. Ông hỏi cụ cả Khiêm:
- Thưa bác, cháu thường nghe nhân dân ta đọc câu sấm của Trạng Trình: “Thân Dậu niên lai kiến thái bình…” Vậy theo bác thì ý là thế nào ạ?
Cụ cả Khiêm và o Thanh không trả lời ngay. Biết ông Cẩn có học chữ Hán, cụ cả Khiêm vừa đọc vừa lấy ngón tay trỏ nhúng nước viết mấy câu thơ lên bàn: Đầu thu gà gáy xôn xao/ Mặt trăng xưa sáng chiếu vào Thăng Long/ Chó kêu rên rỉ mùa đông/ Cha con nhà Nguyễn bế bồng nhau đi. Cụ cả Khiêm chơi chữ. Theo chiết tự chữ Hán thì ghép các câu trên lại thành nghĩa lớn. Đầu thu gà gáy xôn xao/ Mặt trăng xưa sáng chiếu vào Thăng Long ý nói năm Ất Dậu 1945 (năm con gà) Bác Hồ về Hà Nội. Chó kêu rên rỉ mùa đông/ Cha con nhà Nguyễn bế bồng nhau đi là mùa đông năm Bính Tuất (1946), Bảo Đại trốn sang Trùng Khánh (Trung Quốc)…
Đại tá Hoàng Thúc Cẩn năm 2019 Ảnh: Báo Lao động
Năm 1951, ông Cẩn làm Trung đội trưởng Trung đội 8 (B8, C71, D375, E9, F304). Đại đoàn 304 (F304) lúc đó do đồng chí Hoàng Minh Thảo (sau này là Thượng tướng, Giáo sư) làm Tư lệnh.
Ngày 28/2/1951, Bác Hồ đến Tuyên Quang, động viên đơn vị trước khi ra trận tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám (chiến dịch đường số 18). Lúc này ông Cẩn mới được gặp Bác Hồ, một con người bằng da bằng thịt đứng trên lễ đài. Bác nói: “Hôm nay là cha đến thăm con, Bác đến thăm cháu, không riêng là Chủ tịch nước tới thăm bộ đội...” Chiến dịch Hoàng Hoa Thám kết thúc thắng lợi nhưng kết quả còn hạn chế vì hỏa lực vũ khí của địch quá mạnh.
Sau chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định mở chiến dịch Quang Trung (chiến dịch Hà Nam Ninh), nhằm phá vỡ phòng tuyến sông Đáy của địch. Trận đánh đêm 28/5/1951 ông Cẩn đã cho đặt 2 khẩu súng SKZ cách lô cốt 9 mét diệt gọn đồn Cổ Đôi. Đêm 29/5/1951 ông cho đặt súng cách lô cốt 7 mét diệt nốt đồn Bụt Nổi. Lúc này Đại tướng Jean de Lattre de Tassigny quân viễn chinh Pháp mới sang Đông Dương thuyết phục được Bảo Đại thành lập “Quân đội quốc gia”. Tháng 6 năm 1951, Giám mục Lê Hữu Từ cùng Jean de Lattre de Tassigny bay gấp từ Sài Gòn ra Hà Nội, đến Phát Diệm để đối phó với quân ta. Lúc này chiến dịch đang bước vào đợt tiến công thứ 2.
Một chiều tháng 6/1951 tại Đền Rồng vùng núi Tam Điệp, Tư lệnh Đại đoàn 304 Hoàng Minh Thảo giao cho ông Cẩn nhiệm vụ đặc biệt đánh đòn phủ đầu. Với một khẩu pháo cối Mĩ và 20 viên đạn “uy lực lớn”, ông đã chỉ huy một phân đội nhỏ gồm 12 người đánh trúng sào huyệt của địch tại Phát Diệm. Hôm sau đồng chí Huyện đội trưởng huyện Kim Sơn báo lại là xác lính địch bị diệt phải chở trên 4, 5 xe vận tải quân sự GMC. Ông Cẩn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi. Kết thúc chiến dịch, Bác Hồ gửi thư khen các chiến sĩ tham gia chiến dịch đã tiêu diệt được hơn 20 đại đội của địch, “đã làm lay động tinh thần ngụy quân, đã phát triển chiến tranh du kích, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa màng”.
Sau này, trong dịp kỉ niệm 45 năm ngày thành lập Sư đoàn 304 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (10/3/1950 - 10/3/1995), khi nói về kỉ niệm này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bắt tay ông Cẩn thật chặt và nói: “Đây là một chiến công lớn, đồng chí đã lập công lớn, giá lúc ấy bộ đội chưa rút về tập kết ở Thanh Hóa, chắc chắn đã chớp được thời cơ, phát huy được tác dụng và thắng lợi sẽ không lường được…”
Một kỉ niệm nữa mà Đại tá Hoàng Thúc Cẩn ghi nhớ suốt đời là cuối năm 1951, ta mở Chiến dịch Hòa Bình. Đại đoàn 304 có nhiệm vụ kiềm chế mọi hoạt động của địch từ thị xã Hòa Bình và đánh địch trên đường số 6. Ngày 12/1/1952, Trung đội 8 (thuộc C71, D375, E9, F304) của ông phục kích đoàn xe vận tải của địch ở cầu Cụt Tai bắc qua con suối Cạn trên đường số 6. Ông chỉ huy trung đội diệt gọn đoàn xe vận tải 8 chiếc và lính Âu Phi, bắt được một hạ sĩ quan thông tin mang máy RPĐ của Mĩ. Bằng tiếng Pháp ông đã ra lệnh cho tên tù binh truyền lệnh cho trận địa pháo địch phía sau bắn sang hướng khác. Trung đội tiếp tục chặn đánh một đoàn xe GMC bắt được 1 xe tiếp tế lương thực, tiếp tục chiến đấu. Gần nửa tháng trời, 17 người còn lại bị vây hãm giữa rừng già không liên lạc được với bên ngoài. Đơn vị tưởng đã hi sinh hết, liền làm lễ truy điệu cho trung đội ông trước khi vào trận mới. Anh trai ông (Đại tá Hoàng Thúc Tuệ) tưởng ông đã hi sinh trên cầu Cụt Tai, làm bài thơ khóc em rất cảm động:
…Em ơi! Sao em đi vội thế?
Chiến trường đang thắng nơi nơi
Đường 6 quân ta băm nát
Sông Đà tàu giặc im hơi…
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Cẩn nhận nhiệm vụ về Cao Bằng xây dựng Trung đoàn pháo binh 82. Ngày 10/10/1954 khi đoàn quân viễn chinh của thực dân Pháp rút qua cầu Long Biên, theo lệnh của Trung đoàn 82, ông Cẩn chỉ huy một đại đội về Hà Nội. Ông Hoàng Thúc Cảnh cũng theo cơ quan Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc về Phủ toàn quyền cũ, nay là Phủ Chủ tịch. Ông Tuệ trong đội hình Đại đoàn 304 từ Xuân Mai về Ngã Tư Sở. Hai người em ông, người đóng quân ở cầu Long Biên, người theo xe Trung đoàn 57, vào nội thành. Năm anh em ông Cẩn may mắn gặp nhau trong ngày giải phóng Thủ đô.
Cụ Hoàng Bá Chuân và cụ Nguyễn Thị Như Đồng sinh được 7 người con trai
Năm 1956, ông Cẩn xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Xuân Mai, con ông “Nghị Các” ở làng Pháp Kệ, huyện Quảng Trạch. “Nghị Các” là Thư kí thường trực Viện Dân biểu Trung kì (1936 - 1939), đồng thời là một trong ba người phụ trách tờ báo Dân của cơ quan Xứ ủy Trung kì. Xuân Mai là tên do ba đồng chí Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diễu thống nhất đặt cho con ông Nguyễn Xuân Các để mong ước tương lai đất nước ngày mai tươi đẹp như mùa xuân.
Cuộc đời binh nghiệp của ông Cẩn luôn gắn chặt với binh chủng pháo binh. Năm 1958, trong hội thi chỉ huy pháo binh toàn quân lần thứ nhất ông Cẩn giành được giải Nhất. Người trao giải thưởng cho ông là thầy giáo cũ Tôn Quang Phiệt - Tổng thư kí Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm 1959, hội thi lần thứ hai ông lại tiếp tục giành giải Nhất được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao giải thưởng.
Ngày 24/1/1961, nhận được lệnh khẩn, đơn vị pháo binh của ông Cẩn đổ bộ xuống sân bay cánh đồng Chum làm chuyên gia, cố vấn cho quân đội vương quốc Lào. Trưởng đoàn cố vấn là Thiếu tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh là Thiếu tướng Hoàng Sâm.
Ngày 25/1/1961, sau khi đến Lào, Tướng Chu Huy Mân chỉ cho ông Cẩn điểm cao 1100-2300 phía Xiêng Khoảng nơi Vàng Pao cho là bất khả xâm phạm. Bọn địch chủ quan thắp đèn sáng như sao sa. Chờ lắp pháo xong, ông cho triển khai chiến đấu ngay. Những quả đạn pháo mặt đất 85 li đầu tiên xé không khí bay vút đến chụp đúng căn cứ của nó. Tất cả các bóng đèn đều vụt tắt, thể hiện bắn rất chính xác, hiệu quả cao.
Theo chỉ thị của Tướng Hoàng Sâm, ông Cẩn còn tổ chức cho các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Lào đến tham quan cách đánh của pháo binh. Hai hoàng thân Chủ tịch Souphanouvong và Thủ tướng Souvanna Phouma, đồng chí Tổng bí thư Kaysone Phomvihane, cùng các tướng lĩnh của 2 phái Pathet Lào và Thanh niên Vương quốc Lào đến dự. Một tuần sau có một chiếc máy bay phản lực từ hướng Băng Cốc, Thái Lan bay tới. Ông trao đổi với Tư lệnh pháo binh Pathet Lào nếu nó bay vào trận địa là nổ súng. Khi nó lượn lại vòng 2 vào trận địa ta, ông hạ lệnh cho 2 đại đội pháo 37 li của 2 phái bắn hạ chiếc máy bay. Tên phi công bị cháy đen thui. Tên thiếu tá Mĩ bị thương nhảy dù xuống bản Len bị bắt sống. Nó khai thuộc phái đoàn MAAG ở Sài Gòn sang họp khối Đông Nam Á ở Băng Cốc bàn về việc mở rộng chiến tranh xâm lược Lào. Đây là chiếc máy bay phản lực đầu tiên của Mĩ bị pháo cao xạ bắn rơi trên chiến trường Đông Dương. Mảnh máy bay mang nhãn hiệu F101 được gửi ngay về Bảo tàng Quân sự. Hoàng thân Souphanouvong tới tặng ông Cẩn một chiếc đồng hồ Wyler làm kỉ niệm. Ông đã tặng lại cho Bảo tàng Pháo binh.
*
* *
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn về công tác tại Ban Quân sự và Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp cho đến ngày nghỉ hưu. Về hưu ông mới viết văn và có nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Hữu nghị Việt - Lào... Ông có 3 tác phẩm Vườn cam ngọt (hồi ức, Nxb Quân đội nhân dân, 2000), Đợi chờ đêm mưa ngâu (truyện kí, Nxb Hội Nhà văn, 2007), Gương sáng cho đời (tập kí, Nxb Hội Nhà văn, 2008). Ông nói với tôi, đọc ba cuốn sách này là hiểu rõ cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.
Đến nay các anh em ông Cẩn đều trở thành “công dân Hà Nội”. Ông Hoàng Thúc Cảnh năm nay vừa tròn 101 tuổi. Ông nguyên là thư kí riêng của cụ Hồ Tùng Mậu và đã công tác trong Phủ Chủ tịch 38 năm. Ông Hoàng Thúc Tấn là Thứ trưởng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Hoàng Quý Thân là tiến sĩ khoa học. Người em trai út Hoàng Gia Cương là kĩ sư, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, từng là chiến sĩ Không quân.
Ngoài 2 người đã mất, 5 anh em còn lại hằng năm cứ đến ngày kỉ niệm giải phóng Thủ đô (10/10) là quây quần trong ngôi nhà của ông Hoàng Thúc Cảnh ở số 5 ở ngách 25, ngõ 61 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng để ôn lại kỉ niệm xưa. Họ cùng con cháu hát vang bài Giữa chiều thu Hà Nội do nhạc sĩ Thuận Yến phổ thơ của Hoàng Gia Cương:
Tôi hối hả giữa chiều thu Hà Nội
Qua Chương Dương mát rượi gió
sông Hồng
Những phố cổ rêu phong viền
mái ngói
Đón tôi về với Hàng Bạc,
Hàng Bông
Hà Nội dẫu từng ngày bao biến đổi
Hồ Gươm xanh xanh mãi liễu
buông xanh…
H.M.L
VNQD