. HÀ XUÂN TRƯỜNG
Chiếc xe ca đưa chúng tôi đến với Trại viết văn toàn quân năm 2021. Vừa chớm đất Hạ Long - Quảng Ninh, tiếng ai đó reo to “Biển kìa”, khiến mọi người choàng tỉnh, nháo nhào, háo hức nhìn về phía biển. Ngoài kia biển trong xanh, phẳng lặng, những đảo nhỏ xen giữa mây trời trùng điệp thật đúng nơi rồng thiêng hạ xuống trần gian. Tiếng trầm trồ, xuýt xoa, vài cánh tay chỉ trỏ, tiếng choanh choách chụp ảnh liên tiếp từ điện thoại...; dường như tất cả cảm xúc lúc này dành cho biển. Ngồi cuối xe, nhẹ nhàng hé mở cửa kính, làn gió ùa vào mát mặn mòi hơi của biển nơi cánh mũi, lặng lẽ nhìn nhìn xa xăm, tôi đón nhận biển không ồn ào, vội vã. Chẳng phải vì tôi không yêu biển, mà hiện tại trong tôi những kí ức về biển lại hiện lên như mới hôm nào...
Tác giả (thứ nhất từ phải sang) và đồng đội thời học viên trường Sĩ quan Lục quân 2
Tôi sinh ra ở quê hương Nam Định, mười tháng tuổi cùng gia đình vào Tam Điệp - Ninh Bình sinh sống, mảnh đất ghi đậm dấu chân người anh hùng áo vải Quang Trung đã dừng chân mở tiệc khao quân trước khi tiến vào kinh thành Thăng Long quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược năm 1789. Tuổi thơ tôi gắn liền với nước hồ Yên Thắng, một cái hồ khá rộng và đẹp nơi tôi ở. Hằng ngày cùng đám bạn nô đùa, đuổi bắt, trốn tìm ở đây, hồ Yên Thắng đã dạy tôi biết ngụp lội, lặn bơi từ lúc nào không biết. Nó gần gũi, thân thuộc đến độ trong giấc mơ, nhiều đêm tôi thấy mình quẫy đạp đùa chơi với nước. Ngày đó, trong suy nghĩ ngây ngô của tôi, hồ cũng chính là biển vậy.
Thời gian trôi mau, tuổi học trò cũng đến ngày kết lại. Năm cuối cấp ba, lứa chúng tôi tất bật với những dự định cho tương lai, việc học, việc ôn luyện thi, rồi chọn trường, chọn nghề và có cả những tình cảm đầu đời xao động trong lòng nữa. Có rất nhiều ước muốn, nhưng có lẽ mỗi người cũng chỉ dành cho mình một lựa chọn mà thôi. Ngày tôi làm hồ sơ dự thi, bố định hướng rất nhiều. Một hôm bố hỏi tôi:
- Con định thi trường nào?
Tôi đang ngập ngừng, thì bố nói luôn:
- Con đang băn khoăn giữa một số trường phải không? Học trường nào cũng được, miễn là mình cố gắng, nhưng con nên chọn trường kĩ thuật, xây dựng hoặc cơ giới.
- Vâng ạ, nhưng sao bố lại muốn con thi mấy trường đấy?
- Bố thấy mấy ngành đấy sẽ hợp với con vì thể lực của con rất tốt, với lại học xong bố có thể xin cho con về làm tại mấy trường nghề gần nhà.
Tôi chỉ im lặng vì đó là các trường không nằm trong dự định của bản thân. Bố cũng không nói nữa mà dành cho tôi quyền lựa chọn tương lai chính mình. Sau đó tôi âm thầm làm hồ sơ và đã chọn thi vào trường Quân đội, đơn giản vì bố tôi cũng là người lính.
Ước mơ và sự lựa chọn của tôi thành sự thật, năm đó tôi thi đỗ vào trường Sĩ quan Lục quân 2. Rời xa tuổi học trò, xa mái nhà yêu dấu, xa hồ nước quen thuộc đã tắm mát tuổi thơ, tôi lên đường Nam tiến với khí thế hừng hực của chàng trai mới lớn, nhưng cũng bao bồi hồi bởi lần đầu tiên đi xa, từ đây bước chân vào cuộc sống tự lập.
Trong năm đầu tiên chúng tôi hoàn thành khóa tạo nguồn tại Sư đoàn 309 - Quân đoàn 4 rồi mới về trường học tiếp. Hằng năm học viên chỉ được nghỉ một tháng vào mùa hè, nhưng đối với khóa 45 Trường Sĩ quan Lục quân 2 có một điều đặc biệt. Năm 1996 khác với thường lệ chúng tôi lại được “nghỉ hè” vào dịp Tết Nguyên đán. Khỏi phải nói, cánh lính trẻ vui như thế nào. Còn gì vui hơn khi mấy năm rồi chúng tôi đón Tết xa nhà, thế nên làm gì, ngồi đâu cuối cùng câu chuyện cũng quay về chủ đề đó. Có được điều này là bởi chúng tôi là những học viên sĩ quan khóa đầu tiên của hệ đại học nên được các cấp quan tâm, đặc biệt là người thủ trưởng đáng kính của các thế hệ học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 - Trung tướng Lê Nam Phong (lúc đó là Hiệu trưởng nhà trường). Nguyên cớ được “nghỉ hè” vào dịp Tết bắt nguồn từ buổi 22 tháng 12 năm 1995, cả trường nghỉ học để tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao kỉ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi mọi người đang say mê với những bài hát, ván cờ, trận bóng thì tiếng đồng chí trực ban vang lên:
- Bố Phong, bố Phong đến các đồng chí ơi!
Không ai bảo ai, tất cả đều dừng lại, ùa đến vây quanh thủ trưởng - Trung tướng Lê Nam Phong. Vốn là người lính trận mạc, trải qua rất nhiều trận chiến khốc liệt, chứng kiến nhiều mất mát hi sinh, trong chỉ huy quân, ông nổi tiếng là người cương trực, nóng tính, biệt danh “Năm lửa” của ông là thế, nhưng có dịp được ở bên mới thấy ông rất gần gũi, hết mực yêu thương bộ đội, coi chúng tôi như con. Tất cả chúng tôi vẫn trân trọng gọi ông bằng “bố”.
Sau khi cười xòa nói một vài câu chuyện vui, bố Phong biểu dương kết quả học tập của khóa, hỏi thăm xem tâm tư tình cảm của chúng tôi thế nào. Nhiều học viên đã chia sẻ cảm nhận về sự quan tâm của nhà trường, sự nỗ lực của học viên và nỗi nhớ nhà da diết. Ông lắng nghe từng ý kiến rồi hỏi:
- Các con có muốn Tết này về thăm nhà không?
- Có ạ, có ạ...
Chúng tôi gần như đồng thanh hô lên sung sướng. Ông nói tiếp:
- Muốn thế các con phải học tập, rèn luyện thật tốt rồi nhà trường sẽ giải quyết nguyện vọng của các con.
Năm đó khóa 45 chúng tôi được nghỉ Tết tại gia đình.
Những ngày đón Tết tại gia đình trôi qua nhanh chóng, đã đến ngày tôi phải lên đường trở về trường tiếp tục học tập. Tôi, Ninh và Cường cùng đi chung một chuyến xe. Ba chúng tôi là bạn học cùng lớp cấp ba, hiện tại lại học cùng trường, tôi với Ninh học Sĩ quan Lục quân, còn Cường học Sĩ quan Thông tin nhưng đang học liên kết tại trường tôi.
Tác giả quán triệt Nghị quyết cho chiến sĩ tại đơn vị
Sau hai ngày đêm ròng rã, xe đưa chúng tôi đến ngã ba Vũng Tàu (phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) vào rạng sáng mùng 10 Tết. Xuống xe, ba chúng tôi chơ vơ trong tiết trời se lạnh buổi sớm, ngồi quây lại tán chuyện trong lúc đợi xe về trường, rồi ý tưởng đón xe xuống biển Vũng Tàu được thống nhất, tuổi trẻ nào cũng đam mê khám phá. Từ xa một chiếc xe đò chạy tới, vẫy xe dừng lại rồi chúng tôi ào lên nhanh chóng.
Tới Vũng Tàu chúng tôi xuống xe đi bộ ra bờ biển. Trời còn khá sớm, xa xa, những hàng phi lao vươn mình chắn gió cát. Những tòa nhà cao tầng sừng sững bên rặng dừa xanh. Tất cả đều lặng im như vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ say sưa, chỉ còn nghe thấy tiếng rì rào của sóng biển vọng vào. Xếp gọn mấy chiếc ba lô bên bờ cát, chúng tôi lững thững dọc theo mép nước, thả hồn đón nhận hơi ban mai của biển. Buổi sáng, trời lành lạnh, gió nhẹ nhàng, thuỷ triều xuống dần ra xa, nhường bãi cát mịn màng, thoai thoải cho những người dạo biển sớm.
Đi một chặng dài, chúng tôi trở lại ngồi ngắm bình minh, nhìn về phía xa mặt biển đỏ rực như quả cầu lửa khổng lồ đội biển nhô lên. Càng lên cao, mặt trời càng nhỏ lại và chuyển qua sáng trắng, lấp lóa chói chang. Những con sóng biển tinh nghịch đuổi nhau chạy hoài không biết mệt. Nắng bừng lên trên biển, từng tốp du khách lục tục kéo nhau xuống tắm, biển bỗng chốc ồn ào tiếng người hòa tiếng sóng. Ba chúng tôi thay đồ rồi ào xuống với biển, sung sướng cảm nhận dòng nước mát lạnh bao quanh, chạy nhảy, vẫy vùng, dường như bao mệt nhọc của chặng đường dài tan đi hết. Vì cũng đã biết bơi lội từ bé, tôi với Ninh bơi ra xa hơn, vùng này thường có nhiều tốp thanh niên ra tắm.
Bỗng có tiếng í ới ở nhóm người bên cạnh, tôi nhìn sang, trong làn sóng dập dềnh nhô lên hai cánh tay chấp chới trên mặt nước, còn mấy người phía trong đang hốt hoảng hô hoán. Nhanh chóng, tôi và Ninh bơi ào về phía đó, thì ra là một cô gái bị rơi vào trũng xoáy. Bằng kiến thức được học trong Quân đội và thực tế bao năm gắn bó với hồ nước nơi tôi ở, chúng tôi tiếp cận từ phía sau để hạn chế nạn nhân bám lấy dìm xuống trong lúc đang hoảng loạn. Mỗi người bơi một bên, xốc nách cô gái đưa vào bờ. Nhưng trước ranh giới sinh tử cô gái ra sức quẫy đạp, có những lúc như kéo chìm chúng tôi xuống nước, chúng tôi cố sức, mệt nhoài mà vẫn chưa chạm được bờ. Thật trớ trêu, lúc này sự mệt mỏi của chặng đường xa trở lại, tôi hổn hển, chới với giữa biển khơi, toàn thân như cứng lại, tưởng chừng buông tay đến nơi. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, tôi quát to: “Không được giãy giụa, chúng tôi sẽ cứu cô.” Không biết có phải cô ấy nghe lời không mà thấy bớt hẳn. Lấy lại hơi tôi lặn xuống, dùng hết sức trẻ của tuổi đôi mươi đẩy mạnh hướng vào bờ, phía trên Ninh vẫn xốc nách dìu cô gái. Cứ thế, từng nhịp, từng nhịp... tôi và Ninh đã đưa cô ra khỏi vùng xoáy, chân chạm mặt cát tiến vào bờ. Mọi người ùa lại, đỡ cô gái rồi hô hấp, xoa bóp. Hai chúng tôi bò lên nằm vật trên bờ cát, thở hồng hộc một hồi. Khi nhịp thở đã đều, người đỡ mệt, chúng tôi đứng dậy, thấy cô gái đã tỉnh nằm im thiêm thiếp.
Một số người cũng nhận ra chúng tôi đã cứu cô gái ấy. Họ quay sang dành những lời cảm ơn gấp gáp, những cái nắm tay nhanh, vội vã, mọi người vẫn đang lo cho cô ấy. Thấy việc cũng đã ổn, cô gái qua cơn nguy kịch, tôi và Ninh lặng lẽ bước đi, lòng nhẹ nhàng phơi phới.
Trong cuộc sống, hàng giờ, hàng ngày, ở đây, hay nơi nào đó, đều có những hành động đẹp đã và đang diễn ra. Với tôi đây là một kỉ niệm chẳng thể nào quên. Tôi rất vui vì mình đã góp phần cứu được một người trong hoạn nạn. Lúc đó tôi chẳng nghĩ ngợi gì. Nhưng giờ ngẫm lại, có lẽ bản lĩnh của người lính đã khiến chúng tôi có phản xạ nhanh và quyết đoán như vậy.
Giờ đây mỗi lần về với biển, tôi lại dâng trào cảm xúc lâng lâng. Biển trong tôi là cả miền kí ức.
H.X.T
Hạ Long, tháng 12/2021
VNQD