Chuyện ở trung đoàn “Mãi mãi tuổi 20”

Thứ Ba, 02/05/2023 00:51

. VIỆT PHONG
 

Tìm về Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) những ngày cuối năm, trong tôi lại xen lẫn những cảm xúc riêng chung. Năm 1972, khi mới bước vào tuổi 18 đầy mộng mơ và hoài bão, bố tôi đã cùng bao bạn bè sinh viên xếp bút nghiên hoà vào đội hình trung đoàn ra trận, tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Ở cái túi bom đạn đó, may mắn bố tôi chỉ bị thương nhẹ rồi trở về, tiếp tục phục vụ trong quân đội nhiều năm đến khi nghỉ hưu. Tuy đã kinh qua nhiều đơn vị, nhưng mỗi khi nhắc lại kỉ niệm với đơn vị gắn bó thời trai trẻ, bố tôi luôn rưng rưng, ông lại kể cho tôi nghe về những gương mặt đồng đội, tự hào không nguôi về một trung đoàn anh hùng đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, vang danh khắp chiến trường từ những ngày đầu chống thực dân Pháp ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công…

“Trung đoàn em cũng là đơn vị của chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Thạc, người sống mãi với tuổi 20 đấy” - một cậu chiến sĩ trẻ nói với tôi. “Chính cuốn sách Mãi mãi tuổi 20 đã thúc giục em sau khi tốt nghiệp phổ thông tự nguyện đăng kí nhập ngũ, may mắn sao lại về đúng đơn vị mà liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc từng sống, chiến đấu và hi sinh anh dũng dưới chân thành cổ Quảng Trị năm 1972” - lời tâm sự của chiến sĩ Tiểu đoàn 1.

Hỏi chuyện những chiến sĩ khác, ai nấy đều có kiến thức về lịch sử trung đoàn: nào là tiền thân trung đoàn là Chi đội du kích Trần Cao Vân phát triển thành “Trung đoàn Cao Vân” ở Huế ngay sau Cách mạng tháng Tám; nào là trung đoàn đã vang danh với những trận đánh ở Bình Trị Thiên, Trung - Hạ Lào trong chống Pháp; tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, chiến đấu và bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972, cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Phu Văn Lâu năm 1975, tham gia giải phóng Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ trung đoàn đã trưởng thành nhiều tướng lĩnh, nhiều lãnh đạo Nhà nước, nhiều Anh hùng LLVTND… Điều đó chứng tỏ giáo dục truyền thống lịch sử ở đây rất tốt. Thiếu tá Ngô Quốc Kiều, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 cho biết: “Giáo dục truyền thống lịch sử tưởng dễ mà khó. Quan trọng nhất là tính hiệu quả và phải sáng tạo cách thức để các chiến sĩ mới tiếp nhận thông tin một cách tự nhiên. Đơn vị có máy chiếu, có máy tính giúp soạn bài, thuyết trình sinh động hơn. Chúng tôi còn nghiên cứu việc sơ đồ hóa các sự kiện một cách tối giản nên nhiều chiến sĩ mới tiếp thu dễ dàng.”

Không chỉ xây dựng tình yêu, sự gắn bó với đơn vị thông qua truyền thống lịch sử, nhiều năm qua trung đoàn đã tiến hành xây dựng nhiều công trình, quy hoạch cảnh quan ngày một xanh - sạch - đẹp. Ai cũng biết môi trường quân đội khép kín, không thể thoái mái tự do như bên ngoài. Vậy nên trong hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, được sống trong môi trường cảnh quan như công viên cũng sẽ khiến người lính trẻ cảm thấy yêu đời hơn. Ngay việc chiều chiều đi quét sân, cắt cỏ, tăng gia sản xuất cũng thấy thoải mái với tâm lí: “Mình làm để mình hưởng!”

Còn vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, các chiến sĩ mới lại hò nhau ra đá bóng, tập thể hình; nhóm khác lại chơi cờ, đọc sách dưới bóng cây xanh, muốn sôi động hơn thì đến phòng Hồ Chí Minh hát karaoke, dạy cho nhau khiêu vũ thể thao… Bí quyết của cán bộ trung đội, đại đội quản lí quân số đó là cán bộ cũng phải là “thầy chơi”; không để thời gian trống, giờ nào việc nấy, làm ra làm, chơi ra chơi. Chính nhờ môi trường văn hóa, sinh hoạt lành mạnh như vậy giúp các chiến sĩ trưởng thành về mọi mặt; họ không chỉ vững vàng về bản lĩnh chính trị, cường tráng về thể chất mà còn phong phú về tâm hồn, trong sáng về đạo đức. Nhiều chiến sĩ trước khi nhập ngũ thừa cân nay đã hóa “body” sáu múi, cai được thuốc lá, không còn nghiện game… Đáng quý hơn, nhiều chiến sĩ mới đã xác định sau khi ra quân sẽ cố gắng làm việc, phấn đấu lập nghiệp, xây dựng tương lai tươi sáng.

Cảnh quan xanh - sạch - đẹp thực ra cũng chỉ là bề nổi. Quan trọng nhất là tạo dựng mối quan hệ cán - binh thân mật, nghiêm túc nhưng có chiều sâu. Chuyện chiến sĩ mới nhập ngũ vẫn mải ngủ, quên việc những ngày đầu là chuyện thường, hay như chuyện tăng gia sản xuất còn chưa biết sử dụng cuốc, chưa bao giờ cầm chổi quét nhà… Vì vậy chỉ huy trung đội, đại đội không chỉ hướng dẫn công việc mà còn “ba cùng” với chiến sĩ. Muốn nói để cấp dưới nghe, trước hết bản thân phải nêu gương. Chỉ một hành động quân phiệt hay đối xử không công bằng, minh bạch, tâm lí tư tưởng chiến sĩ sẽ dễ chán nản dẫn đến những hành vi bột phát hoặc vi phạm kỉ luật.

Với những chiến sĩ phạm lỗi, lần đầu sẽ nhắc nhở. Còn nếu tái phạm thì sẽ tìm hiểu do sơ suất, do nhận thức hạn chế hay là cố tình. Từ đó có các biện pháp phù hợp, cốt là để người vi phạm tự nguyện khắc phục, không làm ảnh hưởng đến tập thể. Riêng những chiến sĩ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, công tác nắm bắt hoàn cảnh, quan tâm, động viên tinh thần là rất quan trọng. Trung sĩ Trương Văn Hiếu (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1) mất bố từ 7 tuổi, mẹ đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có hai bà cháu. Chỉ huy đại đội thường xuyên quan tâm tới Hiếu từ những điều nhỏ nhất. Chẳng hạn như khi Hiếu đạt loại giỏi trong bắn súng, chỉ huy chụp ảnh nhận “hoa bắn giỏi” gửi về cho gia đình. Đó là sáng kiến “Zalo - kết nối hậu phương” do Trung đoàn 101 thực hiện, được nhiều đơn vị khác học tập.

Ít ai biết rằng năm 1990, Trung đoàn 101 có sáng kiến thực hiện phong trào “Ba đẹp” (đẹp người, đẹp doanh trại, đẹp tình quân dân). Thực tiễn này là cơ sở để Tổng cục Chính trị ban hành và duy trì đến nay Chỉ thị 143 (12/5/1992) Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội.

Trở lại “cái nôi” phong trào “ba đẹp”, điều tôi nhận ra là vai trò của văn hóa quan trọng như thế nào trong mỗi đơn vị. Mối quan hệ mật thiết từ lịch sử truyền thống đến lí tưởng cao đẹp, từ cảnh quan đến môi trường học tập, công tác và mối quan hệ cán - binh… để mỗi người lính khi hoàn thành nhiệm vụ đều có kỉ niệm đẹp về đơn vị mình gắn bó, cống hiến. Đó cũng chính là động lực, sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn gắn bó với quân đội, với đơn vị, luôn có ý thức tự tu dưỡng để sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

V.P

VNQD
Thống kê