Khắc trong tim nghĩa trang quốc tế Việt - Lào

Chủ Nhật, 14/05/2023 00:07

. TRẦN NGUYÊN MỸ

Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An) là địa chỉ đỏ của vùng đất nhuộm máu lửa một thời hằn sâu trong mỗi trái tim người Việt.

Như có hồn vía nào mách bảo, về đến Vinh là tôi thuê xe đến Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào. Theo bánh xe quay, những câu trong văn bia nằm lòng từ lâu của giáo sư Phan Ngọc thấm máu ngâm xương cứ nấc lên nghèn nghẹt trong phổi trong gan.

Máu hòa máu, cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Thà Khẹt ta cùng bạn hi sinh, xương lẫn xương, Át-Tô-Pơ, Khăm Muội, Viêng Chăn, bạn cùng ta quyết tử.

Tình đoàn kết ấy dòng Cửu Long bao la, nghĩa thủy chung này dãy Trường Sơn vững chãi.

Ngàn vạn người ngã xuống cho hai nước đứng lên; năm mươi năm trôi qua để triệu nhà mong nhớ.

Đồng đội đi tìm nào quản đèo thẳm sông sâu, nhân dân dò kiếm chẳng kể rừng xanh núi đỏ.

Mường Sại, cánh đồng Chum, Át-Tô-Pơ tượng đài vòi vọi. Nhắc nghĩa ngàn thu: Lai Châu, Liên khu Năm, tỉnh Nghệ An nghĩa trang uy nghi ghi công vạn thủa.

Tại nghĩa trang Anh Sơn này, thênh thang sáu vạn thước vuông, ôm ấp mười nghìn phần mộ...

Xe chạy tiếp trên con đường số 7 huyền thoại, các địa danh Cầu Cấm, Khe Bố, Mường Xén, Cửa Rào, Cửa Khẩu Cầu Treo... chợt đến chợt đi trong óc làm tôi thấy gai gai sống lưng. Nghe phảng phất hồn của Truông Bồn phía nam đất Thanh Chương, cộng hưởng thêm khí thiêng của Nghĩa trang Đồng Lộc từ phương nam Can Lộc dồn lại cùng đồng vọng cất lên khúc tráng ca bi hùng về Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào. Trong vòng một trăm cây số vuông của đất Nghệ Tĩnh đã đong đầy huyền thoại đẫm máu xương.

Có thể nói Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào là một trong những nghĩa trang đặc biệt. Trên dải đất chữ S gần ba mươi năm chiến chinh có biết bao nhiêu là nghĩa trang liệt sĩ, nhưng chỉ có nghĩa trang này được gọi bằng tên tôn nghiêm: “Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế”. Đây là nơi an nghỉ của 11.100 chiến binh tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam, đã chiến đấu hi sinh đến giọt máu cuối cùng trên chiến trường Lào vì hòa bình của hai tổ quốc Việt - Lào.

Nghĩa trang như một pháo đài của những lính tình nguyện gang thép, trải dài trên ngọn đồi thoai thoải, với diện tích gần 7ha. Trên tháp “pháo đài” bức phù điêu màu lấp loáng như dát vàng mười là khu B với 13 hàng bia liệt sĩ. Trên am thờ nghi ngút khói hương ghi rõ từ B11 đến B13. Từ sau bức phù điêu trở lên đồi được đặt tên là khu A, với tổng số 9 hàng bia liệt sĩ, trong đó có khu A1 là khu trang trọng dành riêng cho các liệt sĩ là con em quê hương Anh Sơn hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và những vị tiền bối cách mạng trong thời phong trào Tiếng trống Xô viết năm 1930 -1931 lừng lẫy năm nào.

Từ môn quan đi lên nổi bật hai bức phù điêu rực rỡ hình khối sống động như những người sống thật mô tả tình đoàn kết keo sơn của quân dân hai nước trong cuộc sống và chiến đấu chống quân thù chung. Sau hai bức phù điêu là hai tấm bia đá đối diện, một bên khắc bằng chữ Việt Nam, một bên khắc bằng chữ Lào màu vàng trang trọng ghi tình đoàn kết hữu nghị cao đẹp giữa hai đất nước, cũng như trang sử hào hùng của quân và dân hai nước trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Với tôi, nói đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào nằm trên mảnh đất quê hương Nghệ An, không thể không nói đến quê hương thứ hai là rừng núi Sơn La. Nhiều người yên nghỉ trên đất Anh Sơn này cũng là đồng hương máu mủ Sơn La của tôi, nơi tôi sống gần hết cả cuộc đời với núi rừng yêu dấu. Giữa 11.100 phần mộ của đồng đội cả nước là 74 phần mộ liệt sĩ quê hương Sơn La. Những liệt sĩ của huyện Phù Yên, một thời phù hoa trai trẻ, người xưa vẫn nói “trai Phù gái Mộc” là đây, những người lính thẳng ngay dũng mãnh như báo như gấu, đó là: Mùi Văn Cầu, bản Nam Phong; Đinh Xuân Nhè, bản Huy Hạ; Nguyễn Văn Chựa, bản Huy Thượng. Những liệt sĩ xuất thân từ thành phố Sơn La, tài hoa, hát nói giỏi, khèn hay, múa xòe như công như phượng nhưng khi xung trận thì coi cái chết nhẹ như lông chim, đó là: Lò Văn Giỏi, bản Mường Bú; Đinh Văn Phẩm, phường Quyết Thắng; Lù Văn Cân, bản Chiềng Xôm; Lò Văn Lót, bản Mường Chà. Những liệt sĩ huyện Quỳnh Nhai biết đàn tính, giỏi săn bắn, khi đối đầu kẻ địch thà chết không lui, đó là: Hoàng Văn Chon, quê quán Chiềng Phà; Lò Văn Luấn, bản Mường Giôn; Lương Văn Tuấn, bản Mường Chiên. Những liệt sĩ huyện Sông Mã xứng danh với câu của người xưa khen “ai dám đuổi hổ, vượt thác qua 42 khúc suối Nậm Lẹ gánh được muối từ sông Đà đến sông Mã để cho dân bản ăn, thì phong trai giỏi miễn cho công ở rể”, đó là: Bùi Xuân Cát, bản Mường Hung; Quàng Văn Vang, bản Nà Nghịu; Lò Văn Ai, bản Nậm Mằn; Cà Văn Chăn, bản Mường Lạn (chưa tách huyện). Những liệt sĩ Mộc Châu hăng như ngựa chiến, phóng khoáng như ngọn gió thảo nguyên, đó là: Nguyễn Văn Quất, bản Mường Song; Hà Văn Uy, bản Chiềng Khỏa; Ngần Văn Tin, bản Song Khủa... Còn đây là liệt sĩ Cà Văn Hao quê Thuận Châu; Lường Văn Chực, quê Mai Sơn; Hà Văn Nước quê Tạ Khoa; Hoàng Văn Lửa, quê Yên Châu... - những người lính trận hiền như con suối mùa xuân, kiêu hùng như con suối mùa lũ, chưa biết đến mùi con gái đàn bà, chưa được bữa cơm ngon đã buông sách, xếp dao lên đường sang Lào đánh giặc... Tôi đọc từng dòng tên, từng địa chỉ mà đắng lòng không cất thành tiếng, khi các tấm bia danh lần lượt hiện lên rồi nhòe nhoẹt trong nước mắt.

Họ đủ các dân tộc Thái, Khơ Mú, Kinh, Lào..., đủ lứa tuổi, một thế hệ trẻ trai đầy khát vọng. Họ đủ mọi miền quê từ Mộc Châu, thành phố đến Sốp Cộp, Phù Yên... Họ tham gia từ chống Pháp đến chống Mĩ, chống Phỉ Vang Pao. Có người hi sinh trong thời bình.... Họ đổ máu xương để đổi hòa bình cho mọi nếp nhà sàn, mọi cánh rừng, cho mọi dòng tộc... của hai quốc gia Việt - Lào. Tôi bùi ngùi nhớ lại, ông Bùi Nguyên Lượng - nguyên Phó Chủ tịch huyện Sông Mã, thân nhân liệt sĩ Bùi Xuân Cát - từng cho biết: Gia đình ông đã đến nghĩa trang này và đọc danh sách liệt sĩ của Tiểu đoàn 148, Sư đoàn 316, nhưng chỉ ghi ngắn gọn là tháng 8 năm 1971, bị bom hi sinh trên “cửa mở”. Hiện nay mơ ước khắc khoải của ông Bùi Nguyên Lượng là đưa được liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà vẫn xa vời.

Trong giờ phút tĩnh lặng này, khi đất nước thanh bình ngớt tiếng bom rơi đạn nổ, tôi ngược dòng lịch sử trở về với những năm tháng chiến tranh ác liệt, dưới bóng cờ hồng, hàng vạn chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia quân sự Việt Nam đã hành quân tiến sang nước bạn Lào với tinh thần cứu bạn như cứu mình, họ đã kề vai sát cánh với chiến sĩ và nhân dân Lào trong cuộc kháng chiến trường kì gian khổ và thắng lợi.

Đồng đội của các anh trước cuộc chiến ác liệt chỉ có thể tạm chôn cất các anh trong những tấm ni lông, tăng bạt mỏng, lấy cây rừng mỏm đá làm dấu hiệu để ngày sau tìm lại, thế nhưng cuộc chiến tranh đã cày xới, tàn phá đất Lào tan hoang xơ xác, đồng đội xưa người còn người mất, việc tìm kiếm và trả lại tên tuổi cho những người “anh hùng” gặp vô vàn khó khăn thử thách.

Trong quần thể 11.100 phần mộ của các liệt sĩ đang an nghỉ nơi đây tiếc rằng chỉ có hơn 3.000 phần mộ ghi đầy đủ tên tuổi quê quán của liệt sĩ. Vẫn còn hơn 500 liệt sĩ có tên nhưng chưa có họ, có quê. Còn lại 7.000 liệt sĩ chưa biết tên. Đọc những dòng chữ “Chưa biết tên” làm tôi nhói đau. Chiến tranh tàn bạo và dai dẳng xóa đi nhiều cái quý giá của mỗi con người và của dân tộc. Chúng ta hi vọng rằng, bằng nỗ lực của cả dân tộc, sẽ trả lại tên tuổi cho các anh các chị trong thời gian sớm nhất có thể, giúp cho những người vợ, người mẹ, người con... sớm tìm lại được người thân yêu nhất của mình.

Tập thể 11.000 liệt sĩ đang nghỉ ngơi trong Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào là tấm gương cho những cá nhân và cộng đồng đang sinh sống. Các anh dạy chúng ta sống và làm việc đúng nghĩa là con người chân chính. Từ cái chết hoá thành bất tử của các anh chiếu sáng tình đoàn kết keo sơn giữa hai nước hơn cả hàng ngàn câu khẩu hiệu. Mối tình đoàn kết lâu đời là tài sản quốc tế chung của hai dân tộc Việt - Lào vượt qua đạn bom chết chóc, gặp thời vận mới hòa bình sẽ xanh tươi kết trái bội phần. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy:

Việt - Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long

Gió sóng sông Lam thổi về trên những tán lá chăm pa rung rinh hoa tím. Từ những hàng cây chăm pa trên bức phù điêu màu vàng, từng đàn bồ câu trắng đôi chân hồng giấu trong thân, mỏ hồng tươi vươn ra phía trước không ngớt tiếng kêu ríu rít, liệng vòng quanh môn quan của Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào. Tôi ngước lên xanh cao, cả bầu trời vùng biên rực sáng ánh hoàng hôn.

T.N.M

VNQD
Thống kê