Từ chàng sinh viên nghèo đến vị tướng Không quân

Thứ Bảy, 05/08/2023 07:30

. SƯƠNG NGUYỆT MINH

 

Thiếu tướng Nguyễn Tử Bình

Từ giảng đường đến… đường bay

Thiếu tướng Nguyễn Tử Bình nhớ lại: Một thời sinh viên gian khổ. Ăn sư ở phạm. Bữa cơm sáu người một mâm. Mâm cơm chỉ rau muống luộc. Nước chấm làm bằng gạo rang cháy ngâm lấy nước hòa muối. Canh lõng bõng vài ngọn rau. Vài con cá khô trơ trỏng. Chẳng mấy khi được miếng thịt lợn. Đói lắm! Mấy bạn Hà Nội về nhà nghỉ chủ nhật để phiếu ăn lại, bốn người được ăn sáu suất là mừng lắm.

Sinh viên ở nhà vách đất, lợp mái cọ. Phòng nam sinh một bên, phòng nữ sinh một bên, xen kẽ, để khi an ninh bất ổn thì có thể giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Nhà không có trần. Vách ngăn lưng lửng. Sinh viên ngủ giường tầng. Cô cậu nào ngủ giường tầng trên đứng lên mặc áo là có thể nhìn sang bên kia thấy nhau.

Năm 1975, đang học năm thứ nhất, thì Quân chủng Không quân về trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội khám tuyển phi công. Chàng sinh viên Nguyễn Tử Bình cao ráo cũng có trong danh sách khám tuyển. Chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ là phi công quân sự. Có chiều cao, nhưng hơi gầy, chân tay có mập mạp gì lắm đâu. Rồi anh cũng đi khám. Cứ khám đâu được đấy.

Nhập ngũ, Nguyễn Tử Bình vào học ở Tiểu đoàn dự khóa của Quân chủng Không quân đóng quân ở Bạch Mai. Đầu năm 1978, khóa học phi công của ông khai giảng chính thức, học bay. Ông còn nhớ, khóa ông khi tuyển trong tất cả các trường chuyên nghiệp ở thành phố Hà Nội, lúc đầu sơ tuyển được khoảng 500, mà chỉ lấy được hơn 30 người. Quá trình bay bị loại dần, khi tốt nghiệp chỉ còn 6 - 7 người thành phi công.

Sau khi huấn luyện xong Mic 17 ở sân bay Phan Rang, ông chuyển vào Biên Hòa để đào tạo bay Mic 21. Đây là loại máy bay tiêm kích với nhiều tính năng vượt trội so với Mic 17. Thời điểm đó, Mic 21 tương đối hiện đại so với các loại máy bay chiến đấu trên thế giới. Các đơn vị trong Quân chủng chủ yếu sử dụng loại máy bay này. Việc đào tạo phi công bay Mic 21 trước đó đều phải gửi học viên sang Liên Xô đào tạo. Nhưng, khóa phi công Nguyễn Tử Bình là khóa đầu tiên Nhà nước Việt Nam đào tạo Mic 21, tuy nhiên các năm đầu vẫn có sự hỗ trợ của một số giáo viên của Liên Xô. Sau gần một năm đào tạo, ông tốt nghiệp và được điều động về đơn vị chiến đấu.

Thiếu tướng Nguyễn Tử Bình kể: Lúc này, ông bố ở nhà rất lo lắng. Ở quê cũng có vài anh là phi công, thỉnh thoảng làng xã lại rộ lên các thông tin khác nhau về từng nhà. Nhà có mỗi mình là con trai, còn lại là các chị gái, có chuyện gì xấu xảy ra thì ông bố không biết sống thế nào. Bà chị khuyên em... ra quân, chuyển ngành. Nhưng, ông vẫn vững vàng bản lĩnh, miệt mài huấn luyện, và bay. Ông biết phi công quân sự... không có thời bình.

Người khổ sở, tâm lí nặng nề bị tác động nhiều nhất là... vợ phi công. Thời ông bay ở Đà Nẵng, hơn 20 năm, mấy khi ở nhà đâu; mỗi tuần chỉ về ngủ với vợ con một hai tối, còn lại trực ở đơn bị. Hết bay lại trực. Hết trực lại bay. Đang bay ầm ầm, bay tưng bừng, đột nhiên thấy dừng. Chẳng nghe được tiếng động nữa. Biết ngay là có vấn đề. Biết ngay là tai nạn. Không tai nạn ở đây, thì cũng nơi khác. Lại nháo nhào phóng xe máy vào đơn vị xem chồng mình còn hay không. Tâm lí đè nặng. Nỗi lo thường trực.

Năm 1988, đang giữ cương vị Phi đội phó huấn luyện, ông được cử đi bồi dưỡng tiếng Nga rồi sang Liên Xô học tại học viện Quân chính Lênin. Khi ấy, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu khủng hoảng trầm trọng. Học được 2 năm (1989 - 1991) thì ông trở về nước vào học viện Chính trị Quân sự học tiếp đến năm 1994 mới tốt nghiệp. Ra trường, ông về trung đoàn cũ công tác, trưởng thành dần lên đến Chính ủy Trung đoàn. Năm 2006, ông được bổ nhiệm làm Phó Chính ủy Sư đoàn 372. Trừ thời gian đi học, ông có 30 năm gắn bó với sư đoàn.

Trong cuộc đời binh nghiệp gắn với mặt đất và bầu trời, Thiếu tướng Không quân Nguyễn Tử Bình cũng có lần suýt gặp nạn. Ấy là khi ông là phi công thực hành bay nhào lộn, độ cao thấp. Nhìn đồng hồ chỉ độ cao 2700m thì lật xuống, kéo sang là vừa. Nhưng đồng hồ bé lại bị ánh sáng mặt trời chói chang, nhìn không rõ. Đến khi kiểm tra nhận thấy độ cao sai tới 1000m. Quá nguy hiểm! Nếu như mất bình tĩnh, luống cuống, hoang mang thì rối mù không làm chủ được máy bay. Nhưng, bằng bản lĩnh vững vàng, bình tĩnh và sáng suốt, bằng kĩ thuật kĩ năng được huấn luyện cơ bản và tinh thông, ông đã cho máy bay thoát ra được. Đây là bài học nhớ đời, ông đem ra dạy, truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ sau rằng: trước khi làm động tác thì phải hết sức cẩn thận, kiểm tra thật kĩ, thật tỉ mỉ, không được phép đơn giản sẽ dẫn đến hậu quả xấu khó lường.

Phi công Trung đoàn 927, Sư đoàn 371 trao đổi kinh nghiệm sau ban bay. Ảnh Hoàng Công

Tư duy mới, hành động mới

Từ sư đoàn huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, ông được điều về làm Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân.

Nhiệm vụ mới, trách nhiệm mới, nhưng cũng là vùng hiện thực để ông cân sức thử tài, khẳng định tư chất của mình ở tầm cao mới. Trước đây, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của nhà trường thường là trưởng thành phát triển tại chỗ lên. Ông là Chính ủy của Trường Sĩ quan Không quân, nhưng lại là một cán bộ trưởng thành từ đơn vị chiến đấu về làm Chính ủy. Cũng là lẽ tự nhiên! Tư duy, tầm nhìn cũng mang màu sắc thực tiễn đơn vị hơn là chỉ đơn thuần hàn lâm học viện. Tác phong, nề nếp huấn luyện, kinh nghiệm hoạt động công tác Đảng - công tác chính trị ở đơn vị trong máu ông cũng tác động, thay đổi để gần, để sát với đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hơn.

Nhận thức là một quá trình. Lúc đầu, anh em cũng khó chịu, cảm thấy gò ép, nghiêm khắc, chuẩn mực quá, không thoải mái. Nhưng, quyết làm thì dần dần thành nếp, anh em cũng nhận ra đó là điều cần thiết và quen dần. Tiếng nói của cán bộ chính trị có sức nặng hơn, uy tín nâng dần lên.

Ông đã cùng Đảng ủy - Ban giám hiệu nhà trường bàn bạc, tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Ông là phi công huấn luyện để chiến đấu. Ông còn là cán bộ kinh qua chỉ huy cấp biên đội, phi đội, trung đoàn và sư đoàn. Ông hiểu được thực tế đơn vị huấn luyện, đơn vị chiến đấu cần gì; phi công huấn luyện, phi công chiến đấu thiếu gì… Từ thực tiễn sinh động đến lí luận, rồi lí luận lại trở lại hướng dẫn, soi đường thực tiễn. Lí luận ở đây không phải là cái gì cao siêu, mà cụ thể là giáo trình đào tạo, là rèn luyện thể lực, là giáo dục bồi dưỡng đạo đức, lối sống, tác phong, bản lĩnh người phi công; để khi đất nước có chiến tranh, xuất kích là chiến đấu, đánh thắng từ trận đầu. Dạy thiết thực hơn, cụ thể hơn. Tránh giáo dục lí thuyết cao siêu, hàn lâm. Học nhiều, nhưng ra trường không bay được.

Nhà trường thường là đi sau cuộc sống, bởi thực tế luôn vận động, biến hóa. Vì thế, nhà trường phải dạy thiết thực. Phi công học cái gì cần thiết nhất. Bay sát thực tế nhất. Ông bàn với Đảng ủy và Ban giám hiệu đề nghị cấp trên trang bị cho nhà trường các loại máy bay sát với đơn vị chiến đấu. Hiện nay, các đơn vị chiến đấu được trang bị máy bay Su rồi. Nếu chỉ huấn luyện Mic 21, thì ra trường, về đơn vị chiến đấu lại phải đào tạo từ đầu loại máy bay mới. Vài năm gần đây, nhà trường có một thuận lợi rất lớn là Bộ và Quân chủng đã quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm với nhà trường. Những nguyện vọng và nhu cầu đào tạo mới đang dần trở thành hiện thực.

Từ tư duy và tầm nhìn xa trông rộng, ông chủ trương xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng cho phi công trước sự tác động của cơ chế thị trường, điều kiện ăn ở khó khăn, trang bị, hay máy bay cũ có thể xảy ra tai nạn... Anh em phải nhận thức được thực tế nghiệt ngã đó, càng phải hiểu phi công quân sự khác với phi công hàng không. Phi công hàng không thời gian đào tạo ngắn hơn, học tiếng Anh nhiều. Chất lượng máy bay thì hiện đại, tiện lợi, an toàn hơn. Cứ bay là ra tiền. Làm lãnh đạo phải quán triệt sâu sắc các điều đó và truyền lửa cho anh em phi công quân sự an tâm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phục vụ lâu dài trong quân đội.

Gia đình chắp cánh bay lên

Năm 1983, chàng phi công Nguyễn Tử Bình cưới vợ.

Vợ ông là Nguyễn Thị Kim Thoa. Cái sự yêu và cưới vợ của chàng phi công trẻ Nguyễn Tử Bình khi ấy rất thời chiến, và li kì. Chuyện là: Ông có chị gái làm ở Viện 5 - Ninh Bình. Bà chị vợ tương lai của ông cũng làm ở Viện 5 cùng khoa. Chị Kim Thoa đang học trường Trung cấp y Ninh Bình. Chị Thoa ở với chị gái. Một bà chị khoe có cậu em trai phi công to lớn, đẹp trai. Một bà chị bảo: Có cô em chồng xinh xắn, đảm đang học trường y đấy. Vậy là, hai chị làm “ông tơ bà nguyệt” xe duyên cho hai người em gặp nhau. Lúc đầu, cho xem ảnh, chàng phi công thấy cũng xinh xắn, ưa nhìn. Nhưng, đến kí túc xá thì không gặp bởi nàng đi trực. Lại hẹn tiếp, hôm sau đến, bà chị mới tổ chức được cho hai người gặp nhau. Hai anh chị ngồi trong nhà tâm sự. Chàng trình bày hoàn cảnh bộ đội xa xôi, đi lại khó khăn. Làm quen, xin địa chỉ để về đơn vị viết thư. Thế rồi, mối tình qua những lá thư cũng có hậu và đến hồi kết là một đám cưới sinh động.

Một đám cưới vô tiền khoáng hậu, chưa từng xảy ra trong quá khứ và cũng rất khó có trường hợp nào xảy ra trong tương lai. Khi ấy, Quân chủng Không quân có chủ trương tạo điều kiện cho phi công đã có vợ được sum họp gần chồng. Đơn vị chủ động nhận và sắp xếp công việc cho vợ phi công. Anh viết thư bàn với chị về chuyện này trong tương lai. Rồi anh đi phép, hoàn toàn chưa có ý định cưới vợ. Và có muốn cưới cũng không được, vì bố mẹ vợ lúc đó đang ở Sài Gòn. Anh chỉ xin cái giấy giới thiệu của đơn vị về địa phương để đăng kí kết hôn. Có giấy đăng kí kết hôn là có cơ sở đưa chị vào đơn vị làm việc cho dễ dàng. Cưới hỏi tính sau.

Tính toán là thế, nhưng anh vợ bảo: “Chưa cưới thì chưa thể đưa em gái tôi đi được.” Thế là... cưới. Không có kế hoạch cưới mà lại... cưới. Cấp tập trong vòng 1 tuần là cưới, mà vắng bố mẹ vợ. Ông anh vợ gả chồng cho em. Không kịp mời bạn bè xa, không đại biểu đơn vị. Cũng may, có anh Nguyễn Văn Sinh là cán bộ kĩ thuật đi phép, nhà bên Nam Định sang làm đại diện đơn vị. Anh ấy còn tặng cho cái chậu nhôm làm kỉ niệm.

Cô dâu vận quần lụa đen. Mặc áo sơ mi trắng. Đội nón cũng trắng. Các bạn gái trường y xúm vào trang điểm giúp. Lần đầu tiên chị được tô son môi, đánh phấn má hồng. Chú rể mặc quần pho màu ghi sáng. Mặc áo sơ mi kẻ sọc. Ông anh vợ tìm được ông bạn thân làm thợ ảnh chụp. Chụp tưng bừng. Nhưng, chẳng hiểu sao bị... cháy phim. Ông ấy lặn mất tăm. Không có một cái ảnh cưới nào. Về sau, phải đóng vai chú rể cô dâu chụp lại kỉ niệm 10, 20 năm ngày cưới, vẫn ấm ấp, vẫn ngời ngời hạnh phúc.

Một đám cưới nhà binh vội vàng, cập rập theo kiểu bộ đội lấy vợ thời chiến, nhưng mà ông bà sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc. Mọi chuyện trong cuộc sống quan tâm, cảm thông, chia sẻ được với nhau.

Cưới xong, hai vợ chồng xuôi Nam. Vào đơn vị, chị Thoa được đơn vị bố trí làm quân y sĩ ở bệnh xá sư đoàn. Năm 1984, anh chị sinh con trai đầu lòng. Chị như một người mẹ “nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng”. Anh thường xuyên xa nhà, một mình chị nuôi con, đưa con ốm đau đi viện. Chưa bao giờ chị phàn nàn với chồng một câu về sự vắng mặt của anh, hay chỉ vì một lời anh chưa kịp hỏi.

Bây giờ thì Thiếu tướng Nguyễn Tử Bình đã trở về với cuộc sống thường nhật. Ông sống cùng vợ và các con ở thành phố Đà Nẵng trên chính mảnh đất quân đội chia cho từ thời gian khó. Ông sống bình dị. Khiêm nhường. Thân mật. Tinh tế. Ông là mẫu chính ủy thời hiện đại giàu tri thức ở một môi trường khoa học - kĩ thuật, nhân văn nhân ái. Ông là một vị tướng Không quân không chỉ hàn lâm học viện, mà lại rất thực tế và hành động.

S.N.M

VNQD
Thống kê