Có một bài hát huyền thoại, trở thành một trong 12 bài hát truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được chọn làm nhạc hiệu của chương trình phát thanh và Truyền hình Quân đội Nhân dân suốt mấy chục năm qua, mà hầu như không người lính nào không biết, đó là bài hát Vì nhân dân quên mình.
Tôi cũng là một người lính có 20 năm trong quân đội, đã bao lần đi trong hàng quân, vừa bước theo nhịp phách dưới nền nhạc hùng tráng, vừa hát vang những lời ca đầy kiêu hãnh: Vì nhân dân quên mình,/ Vì nhân dân hy sinh/ Anh em ơi vì nhân dân quên mình…. Vừa hát, trong tôi vừa hiện lên những hình ảnh về những năm tháng chiến đấu ngoài mặt trận… Những lời ca hùng tráng ấy luôn khích lệ chúng tôi tiến lên phía trước, không quản hi sinh, gian khổ, bởi hơn ai hết, chúng tôi hiểu chúng tôi đang chiến đấu vì nhân dân, vì Tổ quốc mình… Nhưng có một điều, mãi tới năm 2019, nghĩa là khi tôi đã ngoài 60 tuổi, trong dịp về thăm khu Di tích lịch sử Tây Tiến tại Thị trấn Mộc Châu, tôi mới biết nhiều hơn về tác giả của bài hát Vì nhân dân quên mình: Nhạc sĩ Doãn Quang Khải. Người lính Vệ Quốc quân năm xưa cũng đã từng trong đoàn quân Tây Tiến, nằm gai, nếm mật khắp vùng biên giới Việt - Lào rồi chiến đấu ở các chiến trường Liên khu 3, Việt Bắc, chiến trường Tây Nguyên và Bình Trị Thiên khói lửa trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ xâm lược. Và mãi tận hôm đó, tôi cũng mới biết một điều hết sức lí thú, rằng suốt cuộc đời mình, Doãn Quang Khải chỉ viết duy nhất một bài hát, đó chính là hành khúc Vì nhân dân quên mình.
Trong đời, tôi đã từng gặp nhiều nhạc sĩ, những người của một thế hệ anh hùng, họ là tác giả của hàng chục, thậm chí hàng trăm ca khúc cách mạng, những bài hát đi cùng năm tháng, sống mãi với thời gian. Nhưng khi nghe giới thiệu rằng nhạc sĩ Doãn Quang Khải chỉ viết duy nhất bài hát Vì nhân dân quên mình thì tôi thực sự bất ngờ. Có thể nói Vì nhân dân quên mình đã làm nên tên tuổi của ông. Và tôi bắt đầu tìm hiểu về ông sau khi biết được những thông tin quý giá này.
Nhạc sĩ Doãn Quang Khải. Ảnh: Báo QĐND
Doãn Quang Khải sinh năm 1925 ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Thành phố Hà Nội). Xã Ngọc Mỹ quê ông còn được gọi vui với cái tên là “xã nhạc sĩ”, bởi vì cả xã có tới 7 người là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Tháng 8/1945, Doãn Quang Khải nhập ngũ. Mùa xuân năm 1947, ông gia nhập đoàn quân Tây Tiến rồi cùng đơn vị hành quân lên Tây Bắc, từng đi bộ theo đường 41 (đường 6 ngày nay), từng bước chân lên Chợ Bờ, Suối Rút, từng có mặt tại Sài Khao, Mường Lát, Châu Mộc, Châu Yên…, những địa danh quen thuộc với đoàn quân Tây Tiến, để phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt - Lào, đánh tiêu hao, tiêu diệt quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như vùng Tây Bắc Bắc Bộ. Những nơi này, lúc đó còn rất hoang vu và hiểm trở, núi cao, sông sâu, rừng rậm, có rất nhiều thú dữ. Dù phải sống và chiến đấu trong điều kiện hết sức gian khổ, ốm đau không có thuốc men, chết vì sốt rét nhiều hơn là vì đánh trận. Tuy vậy, ông và những đồng đội của ông - mà phần lớn là những thanh niên Hà Nội, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có cả những học sinh, sinh viên, rời bút nghiên tham gia kháng chiến - đã sống rất lạc quan và chiến đấu dũng cảm. Vượt lên trên mọi thử thách khắc nghiệt của chiến tranh và hoàn cảnh sống cực kì gian khổ, họ vẫn giữ nguyên cốt cách hào hoa, thành lịch, rất yêu đời và cũng rất lãng mạn của những thanh niên Hà Nội như những gì Quang Dũng đã mô tả trong bài thơ Tây Tiến: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”
Năm 1948, Doãn Quang Khải được cử đi học lớp đào tạo đại đội trưởng tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn). Năm 1950, trước khi tốt nghiệp, nhà trường tổ chức đợt phát động sáng tác thơ, ca, nhạc, họa, nhằm cổ vũ tinh thần kháng chiến của quân và dân ta. Vốn đam mê âm nhạc từ nhỏ, nên Doãn Quang Khải rất muốn sáng tác một bài hát, nhưng viết về cái gì, viết như thế nào thì ông chưa biết, bởi ông chưa chọn được đề tài. Đang trăn trở chưa biết làm thế nào nào để tránh trùng lặp với các nhạc sĩ đi trước. Bỗng ông nhìn thấy tờ báo Vệ Quốc Đoàn (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân ngày nay), trên tiêu chí, mục đích của tờ báo in đậm dòng chữ “Vì nhân dân phục vụ”. Ông reo lên, rồi lẩm nhẩm: Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Nhưng khi nhẩm hát đến chữ “vì nhân dân phục vụ” thì hai từ “phục vụ” âm trắc nên rất khó luyến. Chữ “phục vụ” cứ ngang phè. Ông liền chuyển ca từ “vì nhân dân phục vụ” thành “vì nhân dân hi sinh”. Quả thật, âm điệu hiệu quả, mạnh mẽ hơn. Đêm hôm đó, chờ đồng đội lên giường ngủ, ông lẻn ra chân cột đèn ở vườn hoa của trường ngồi viết, dùng khèn Harmonica để soạn và ghi nhạc. Đến gần sáng thì đứa con tinh thần Vì nhân dân quên mình ra đời. Sáng hôm sau, ông gọi một số anh em trong đơn vị lại để nghe ông hát thử. Chỉ sau vài lần nghe, mọi người đã thuộc và vỗ tay hát theo ông. Anh em trong lớp rất vui vì lần đầu tiên được hát một bài hát về chủ đề quân đội, lại do chính học viên cùng lớp sáng tác.
Ảnh bài hát Vì nhân dân quên mình và tác giả Doãn Quang Khải tại Khu Di tích lịch sử Tây Tiến ở Thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Tại buổi lễ bế mạc khóa cán bộ quân sự ngày 1/5/1951, bài hát Vì nhân dân quên mình được biểu diễn trước hàng trăm cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường. Năm 1952, bài hát được gửi về Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự cuộc thi sáng tác văn học - nghệ thuật toàn quốc. Năm đó, có hai tác phẩm đoạt giải cao, bài Vì nhân dân quên mình của Doãn Quang Khải đạt giải nhì (không có giải nhất); bài Bộ đội về làng của Lê Yên, phổ thơ Hoàng Trung Thông đạt giải ba.
Thật diệu kì! Một người lính bước vào cuộc chiến tranh với lòng vui phơi phới, bất chấp gian lao lửa đạn, đi khắp mọi miền đất nước, chấp nhận hi sinh gian khổ… không được đào tạo về nhạc lí mà lại sáng tác được một bài hát để đời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam hôm nay hát mãi… Chỉ có thể có được điều đó, bởi họ đã xác định “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh”.
Từ đó đến nay đã hơn 70 năm, bài hát Vì nhân dân quên mình được coi như một bài “quân ca” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lớp cha trước, lớp con sau và cả lớp cháu chắt chúng ta nữa, sẽ vẫn còn hát mãi “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh, anh em ơi…vì nhân dân quên mình”, và tên tuổi của ông, nhạc sĩ Doãn Quang Khải sẽ còn sống mãi với thời gian, với non sông đất nước.
Hiện tại, tại Khu Di tích lịch sử Tây Tiến tại Thị trấn Mộc Châu, Sơn La, trong phòng lưu giữ những kỉ vật về Trung đoàn 52 Tây Tiến đã trưng bày trang trọng bản nhạc Vì nhân dân quên mình cùng hình ảnh tác giả của nó.
NGUYỄN VŨ ĐIỀN
VNQD