Tướng Nguyễn Bình ở chiến khu Trần Hưng Đạo

Thứ Hai, 31/07/2023 11:24

. HẢI TRẦN
 

Nguyễn Bình (1908 -1951) tên thật là Nguyễn Phương Thảo quê ở xã Tịnh Tiến, nay là xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Sống dưới ách thống trị hà khắc của thực dân Pháp, từ năm 16 tuổi người thanh niên Nguyễn Phương Thảo đã tham gia các phong trào cách mạng cứu nước. Năm 1925, khi là sinh viên trường kỹ nghệ Hải Phòng anh đã tham gia bãi khóa. Năm 1926, anh tham gia lãnh đạo sinh viên làm lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh tại Dư Hàng Kênh, Hải Phòng. Từ năm 1928 đến 1935, Nguyễn Phương Thảo hoạt động trong Nam Bộ và đã từng tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Anh bị giặc Pháp bắt và bị cầm tù ở Côn Đảo từ năm 1930 đến 1935. Trong thời gian ở Côn Đảo, Nguyễn Phương Thảo được các đảng viên Đảng Cộng sản giác ngộ và chính sự kiện này khiến anh bị mất một mắt (do những người Quốc dân Đảng trả thù).

Trung tướng Nguyễn Bình

Năm 1941 Nguyễn Phương Thảo đổi tên là Nguyễn Bình, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Đầu năm 1945, Nguyễn Bình được giao nhiệm vụ phụ trách binh vận và vũ khí cho cách mạng ở Hải Phòng. Qua đường dây hoạt động cách mạng, Nguyễn Bình đã liên hệ được với đồng chí Nguyễn Văn Đài, sư Tuệ (Nguyễn Kiên Tranh) và phong trào cách mạng ở Đông Triều, Quảng Ninh. Nguyễn Bình đã cử hai cán bộ vào Đông Triều gặp sư Tuệ, Nguyễn Văn Đài và Hải Thanh để bàn kế hoạch hoạt động, xây dựng lực lượng, chuẩn bị thành lập chiến khu cách mạng. Cuối tháng 4, tại chùa Bắc Mã, diễn ra cuộc họp thống nhất lực lượng trong địa bàn. Tham dự cuộc họp có Nguyễn Bình, sư Tuệ, Trần Cung, Hải Thanh và Nguyễn Văn Đài. Những vấn đề như tuyển chọn người vào đội du kích vũ trang mua sắm vũ khí, liên lạc với chiến khu Việt Bắc và Trung ương được bàn cụ thể.

Từ khi Nguyễn Bình về chiến khu Đông Triều, chùa Bắc Mã trở thành tổng hành dinh quân giải phóng chiến khu Đông Triều. Chùa Bắc Mã là một ngôi chùa lớn, trước mặt là đồng lúa, phía sau là rừng, lại gần đường quốc lộ, là nơi thuận tiện cho nghĩa quân hoạt động. Vũ Đình Thiệp, một thanh niên trong đội vũ trang được chọn làm thư kí cho Nguyễn Bình. Với bộ quần áo nâu bạc màu, súng lục giắt lưng, Nguyễn Bình đi công tác và tìm hiểu thực tế bằng xe đạp hoặc bằng ngựa.

Ngày 6 tháng 6 năm Ất Dậu (1945), ban lãnh đạo khởi nghĩa đã họp buổi cuối cùng tại nhà Nguyễn Kim Ngọc, làng Đạm Thủy để xem xét việc khởi nghĩa. Nhiệm vụ đánh đồn Đông Triều do Nguyễn Bình phụ trách, đồn Tràng Bạch và mỏ Mạo Khê do Trần Cung phụ trách, Hải Thanh phối hợp với quân phỉ đánh đồn Chí Anh, sư Tuệ sẽ tước vũ khí ở phủ lỵ Kinh Môn. Đêm 7 tháng 6 năm 1945, tất cả lực lượng vũ trang lần lượt xuất kích tại chùa Bắc Mã. Nguyễn Bình tập hợp 50 chiến sĩ với 4 súng trường, một số lựu đạn cùng dao kiếm, mã tấu. Sáng sớm ngày 8-6 năm Ất Dậu, tức 16-7-1945, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Bình, nghĩa quân tiến về huyện lỵ Đông Triều, đi đầu là lá cờ đỏ sao vàng và tiếp theo là 4 tiểu đội tác chiến. Khi tới huyện lỵ, nhân dân đổ ra hoan nghênh nhiệt liệt. Tới ngã 4, Nguyễn Bình bắn 4 phát súng mở hiệu lệnh tấn công đồn địch. Nghe tiếng súng, Nguyễn Hiền (Đội Hiền) ở trong đồn làm nội ứng đón nghĩa quân vào. Ta thu được hơn 50 súng và đạn dược. Sau thắng lợi tại thị trấn Đông Triều, quân ta tổ chức mít tinh. Nguyễn Bình đã giải thích cho binh lính và nhân dân về đường lối cứu nước của Việt Minh, tuyên bố giải tán chính quyền tay sai Nhật, kêu gọi mọi người theo Việt Minh chống Nhật. Cùng ngày, khởi nghĩa ở Mạo Khê, Chí Linh đều giành được thắng lợi.

Thắng lợi ngày 8-6 đã mở màn cho một thời kì mới, thời kì thành lập, xây dựng, mở rộng chiến khu Đông Triều. Chiều ngày 8-6, trong cuộc mít tinh lớn ở sân đình làng Hổ Lao, chiến khu Đông Triều chính thức được thành lập, Ủy ban quân sự ra mắt nhân dân.

Phát huy khí thế chiến thắng, nghĩa quân chiến khu Đông Triều mở rộng hoạt động sang các vùng lận cận và được đổi tên là chiến khu Trần Hưng Đạo. Du kích nghĩa quân đã giành được hai thắng lợi quan trọng tại đồn Uông Bí và Bí Chợ. Sau những thắng lợi liên tiếp, Ủy ban quân sự quyết định tiến đánh tỉnh lỵ Quảng Yên vì địch đang trong tư thế hoang mang và quân ta đang bừng thế chiến thắng. Trong trận đánh này, Nguyễn Bình đóng một vai trò quan trọng. Tối ngày 20-7-1945, Nguyễn Bình chỉ huy một đội vũ trang nhỏ bất ngờ đột nhập vào nhà riêng Hai Tiếp - chỉ huy trưởng đồn bảo an Quảng Yên, bắt y nộp vũ khí và ra lệnh cho binh lính đầu hàng Việt Minh. Ngay sau đó Nguyễn Bình vào dinh tỉnh trưởng tuyên bố với nhóm phái viên đảng Đại Việt đang ở đó, rằng tất cả binh lính bảo an và lính cơ dinh tuần phủ đã ngả theo Việt Minh, tiếp đó tuyên bố quản chế tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Thanh. Phối hợp với nhân dân địa phương, quân cách mạng đã chiếm đồn bảo an binh, dinh tỉnh trưởng, kho bạc, bưu điện, phá nhà tù, giải phóng cho những người bị giam giữ. Toàn bộ bộ máy địch ở đây đầu hàng. Ta thu được 500 khẩu súng, một kho đạn và nhiều đồ dùng quân sự khác. Chiến thắng tại tỉnh lỵ Quảng Yên (nay là tỉnh Quảng Ninh) là thắng lợi lớn nhất của du kích quân chiến khu Trần Hưng Đạo cho đến trước ngày Tổng khởi nghĩa. Điều đó chứng tỏ sự lớn mạnh không ngừng của du kích quân chiến khu Trần Hưng Đạo, đặc biệt là về khả năng chiến đấu và nghệ thuật chỉ huy quân sự, trong đó có vai trò không nhỏ của Nguyễn Bình. Đây là tỉnh lỵ đầu tiên được giải phóng trước ngày tổng khởi nghĩa.

Sau chiến thắng tại tỉnh lỵ Quảng Yên, Nguyễn Bình chỉ huy lực lượng tiến công phối hợp với nhân dân tổ chức giành chính quyền ở thành phố Hải Phòng, Kiến An và Hải Dương và trở thành Tư lệnh của đệ tứ quân khu. Tháng 10-1945, Nguyễn Bình được Hồ Chủ tịch trực tiếp giao nhiệm vụ vào Nam Bộ với vai trò là phái viên của Trung ương. Năm 1948, chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm trung tướng cho Nguyễn Bình cùng với đại tướng Võ Nguyễn Giáp, thiếu tướng Nguyễn Sơn và 5 thiếu tướng khác. Năm 1951, tướng Nguyễn Bình đi công tác và hy sinh tại Campuchia. Năm 2000, Bộ Quốc phòng cử một đoàn công tác đặc biệt đi tìm hài cốt trung tướng Nguyễn Bình và đã mang hài cốt đồng chí về quê hương sau gần năm mươi năm nằm bên nước bạn.

H.T

VNQD
Thống kê