. NGUYỄN THỊ THU HẰNG
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam vừa có sự tiếp nối truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của giai đoạn trước, vừa có những chuyển biến quan trọng bắt nguồn từ bối cảnh lịch sử mới. Lúc này, đế quốc Pháp triển khai công cuộc khai thác thuộc địa trên quy mô lớn, dẫn đến sự thay đổi, phân hóa mạnh mẽ cấu trúc xã hội: giai cấp tư sản dân tộc hình thành, giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh. Đồng thời, Cách mạng tháng Mười Nga, Cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc)… có tác động không nhỏ đến đời sống chính trị - xã hội của nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động và bối cảnh trong nước có tính chất giao thời, vấn đề đặt ra lúc này là cần có sự đổi mới trong đường lối, phương pháp và tổ chức của phong trào giải phóng dân tộc. Thực tiễn cách mạng Việt Nam 30 năm đầu thế kỉ XX đã cho thấy sự xuất hiện của một bộ phận trí thức tiên tiến, trẻ tuổi, đầy nghị lực, đầy tính năng động và sức sáng tạo, đại diện chân chính cho bản lĩnh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Trong số thế hệ thanh niên tiên tiến ấy có tên tuổi của đồng chí Lê Hồng Phong.
Khách sạn Victoria - Sa Diện (Quảng Châu - Trung Quốc) nơi Phạm Hồng Thái ám sát Toàn quyền Méclanh
Lê Hồng Phong (tức Lê Huy Doãn) sinh năm 1902 tại làng Thông Lãng, tổng Phù Long (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Khi còn nhỏ, Lê Huy Doãn học chữ Hán ở trường làng sau đó chuyển sang học chữ Quốc ngữ và bậc sơ học. Với tư chất thông minh chăm chỉ, anh đã đạt loại giỏi ở bậc sơ học. Đây là thời kì thực dân Pháp hoàn thành việc xóa bỏ nền giáo dục Nho học và chế độ khoa cử cũ, đồng thời xác lập vị trí của hệ thống giáo dục Pháp - Việt. Trong nền giáo dục mới, thực dân Pháp mong muốn đào tạo một đội ngũ viên chức trên nhiều lĩnh vực để phục vụ cho bộ máy cai trị của chúng. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên khi được nâng cao trình độ càng ý thức về nỗi nhục của thân phận người dân mất nước, càng khao khát tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc. Ở Nghệ An, Lê Huy Doãn, Hồ Tùng Mậu, Phùng Chí Kiên, Phan Đăng Lưu… thuộc thế hệ thanh niên đã trưởng thành trong hoàn cảnh ấy.
Kết thúc bậc sơ học, Lê Huy Doãn thi đậu bằng sơ học yếu lược. Nhưng lúc này một biến cố lớn bất ngờ ập xuống gia đình khiến anh không thể tiếp tục con đường học vấn. Đó là sự qua đời của người cha trụ cột trong nhà. Mẹ già đau yếu, các anh chị đã yên bề gia thất nhưng cũng đều nghèo. Lê Huy Doãn phải bỏ học, ra tỉnh lị làm thuê để giúp đỡ mẹ, em gái và mong muốn học thêm tiếng Pháp. Đây là quyết định thể hiện sự trưởng thành của người thanh niên Lê Huy Doãn trước hoàn cảnh gia đình và thời cuộc.
Năm 1920, Lê Huy Doãn từ Thông Lãng ra thị xã Vinh - Bến Thủy tìm việc làm. Lúc đầu anh đến khu dân cư lao động phía ngoài cửa Nam Thành xin làm thư kí cho hiệu buôn Thuận Ký người Hoa với khoản tiền công ít ỏi. Sau đó Lê Huy Doãn vào học nghề thợ máy ở Nhà máy diêm Bến Thủy. Lê Huy Doãn cũng như đại bộ phận công nhân Nhà máy diêm Bến Thủy cùng chung cảnh ngộ bị bóc lột thậm tệ, bị đối xử bất công. Không chịu nổi cảnh bóc lột dã man ấy, Lê Huy Doãn và Phạm Thành Khôi đã vận động công nhân tổ chức đấu tranh. Bị bọn tay sai tố giác, chủ nhà máy gọi hai người đến phòng làm việc của hắn dọa nạt và đuổi không cho làm nữa. Sự kiện này càng thức tỉnh nhận thức của Lê Hồng Phong về nỗi thống khổ của người lao động làm thuê hòa cùng nỗi nhục của kẻ nô lệ mất nước. Sau sự kiện trên, Lê Huy Doãn nhận thấy con đường đấu tranh chống áp bức và bênh vực quyền lợi của công nhân không thể bó hẹp bằng vận động đình công, chỉ quẩn quanh ở trong nước, cần phải tìm ra hình thức đấu tranh mới, hướng đi mới mà trước hết là theo chân các vị tiền bối yêu nước.
Đầu những năm 20 thế kỉ XX, sức ảnh hưởng từ các hoạt động của tổ chức Việt Nam Quang phục Hội và tấm gương đấu tranh không mệt mỏi của chí sĩ Phan Bội Châu vẫn có sức lôi cuốn mạnh mẽ thanh niên ra nước ngoài để tiếp tục tìm đường cứu nước. Tháng giêng năm 1924, Lê Huy Doãn, Phạm Thành Khôi cùng 15 thanh niên được Vương Thúc Oánh tổ chức bí mật rời Vinh, qua Đức Thọ (Hà Tĩnh), vượt Trường Sơn qua Lào sang Xiêm với quyết tâm “Chuyến đi này nếu không làm rạng rỡ non sông, quyết không trở về Tổ quốc, quê hương”(1). Để tỏ chí can trường, sẵn sàng hi sinh cứu nước, các anh đã đổi tên và lấy chung một tên đệm là “Hồng”, Lê Huy Doãn đổi tên là Lê Hồng Phong, Phạm Thành Khôi đổi tên là Phạm Hồng Thái. Lê Hồng Phong và những thanh niên thời kì đó quyết chí lên đường với hành trang là bầu máu nóng, khát vọng cứu nước chứ chưa có một nhận định chính xác, một đường lối rõ ràng.
Sau hơn hai tháng đoàn đến Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Phì Chịt (Đông Bắc Thái Lan), sau đó đến Quảng Châu. Tại đây Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái gặp gỡ với người đồng hương Lê Hồng Sơn và được kết nạp vào tổ chức Tâm Tâm Xã - tổ chức “thoát li” từ tổ chức Việt Nam Quang phục Hội nhưng vẫn dựa vào ảnh hưởng của chí sĩ Phan Bội Châu. Ngày 19/6/1924, Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn nhận nhiệm vụ yểm hộ cho Phạm Hồng Thái ám sát Toàn quyền Đông Dương Méclanh khi đó đang dự tiệc ở Sa Diện (Quảng Châu). Khi buổi tiệc bắt đầu, Phạm Hồng Thái ném lựu đạn về phía Méclanh. Lựu đạn nổ, một số tên thực dân Pháp chết hoặc bị thương, nhưng Méclanh sống sót. Phạm Hồng Thái nhanh chóng chạy thoát ra ngoài nhưng bị cảnh sát truy đuổi ráo riết từ mọi hướng, anh đã nhảy xuống sông Châu Giang định bơi qua bờ nơi Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn đang đón sẵn, nhưng trời tối và sóng nước Châu Giang đã vô tình cướp đi cuộc sống của Phạm Hồng Thái.
Thẻ Đại biểu Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong
Phạm Hồng Thái hi sinh, Lê Hồng Phong mất đi người đồng chí, người đồng hương, người bạn chí cốt đã cùng lăn lộn khổ cực, trải qua biết bao gian nan, thử thách. Lê Hồng Phong vô cùng đau xót, càng quyết tâm dấn thân vào con đường tranh đấu để thực hiện được khát vọng giành độc lập dân tộc.
Sau sự kiện chấn động đó, Lê Hồng Phong bị mật thám Pháp truy lùng ráo riết. Ở Nghệ An, chúng đã bắt giam người anh ruột Lê Văn Soạn. Trong bối cảnh ấy, nhờ sự giúp đỡ của chí sĩ Phan Bội Châu và các đồng chí trong Việt Nam Quang phục Hội, Lê Hồng Phong vào học khóa 2 Trường Quân sự Hoàng Phố. Cuối tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu xây dựng tổ chức, mở những lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam. Người đã bắt liên lạc với những thanh niên Việt Nam yêu nước trong tổ chức Tâm Tâm Xã. Từ đây, Lê Hồng Phong và các thành viên trong tổ chức được Người tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đầu năm 1925, Lê Hồng Phong tham gia vào “một nhóm bí mật gồm 9 hội viên”(2) do Nguyễn Ái Quốc thành lập, trở thành thành viên của mầm mống đầu tiên cho một tổ chức cách mạng mới đang hình thành, đó là đầu mối liên lạc cần thiết cho sự chỉ đạo phong trào cách mạng ở trong nước. Điều này đánh dấu bước chuyển của Lê Hồng Phong từ chỗ đang chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu sang chủ nghĩa cộng sản của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Đến tháng 6/1925, tại Quảng Châu, Lê Hồng Phong cùng một số thanh niên yêu nước, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (gọi tắt là Thanh Niên) nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội ra báo Thanh niên bí mật tuyên truyền về trong nước và vận động thanh niên sang Quảng Châu dự các lớp huấn luyện chính trị. Lê Hồng Phong được giao tham gia công tác đào tạo cán bộ của Hội. Ngoài ra, đồng chí còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức và tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ (MOPR) - tổ chức do Quốc tế Cộng sản lập ra nhằm giúp đỡ, bảo vệ những chính trị phạm, chống lại sự đàn áp, khủng bố của chính quyền đế quốc thực dân.
Trong những năm từ 1924 - 1931, Lê Hồng Phong lần lượt học tập tại trường Quân sự Hoàng Phố, trường Hàng không Quảng Châu (Trung Quốc), trường Lí luận quân sự không quân ở Lêningrad (nay là thành phố Saint Petersburg), trường Đào tạo phi công quân sự Bôrítxgơlépxcơ và trường Đại học Phương Đông. Dù học tập ở ngôi trường nào, đồng chí cũng thể hiện thái độ học tập nghiêm túc, quyết tâm lĩnh hội tri thức mới và tinh thần quốc tế cao cả. Lê Hồng Phong đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô, là nhà cách mạng Việt Nam được đào tạo bài bản, chính quy, tinh thông về lí luận chính trị và kiến thức quân sự. Quá trình học tập và trưởng thành trong các môi trường khác nhau đã đặt nền móng vững chắc để Lê Hồng Phong bước vào thời kì hoạt động cách mạng đầy gian khổ nhưng hết sức vinh quang khi nhận nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Lê Hồng Phong từ một thanh niên yêu nước, thông minh, có ý chí và nghị lực thuộc thế hệ thanh niên đi qua các bước chuyển tiếp giữa phong trào cách mạng kiểu cũ sang phong trào cách mạng kiểu mới, đứng về mặt con người đã giữ vai trò chuyển giao thế hệ, vừa kết thúc thời kì cũ lại vừa mở ra một thời kì mới trong lịch sử phong trào yêu nước cách mạng Việt Nam giai đoạn 30 năm đầu thế kỉ XX. Đó là quá trình của một con người từ cửa Khổng sân Trình, được đào tạo trong hệ thống nhà trường Pháp - Việt, đi qua trải nghiệm thân phận bị áp bức của người nô lệ làm thuê dưới chế độ thuộc địa, không quản ngại gian truân, nguy hiểm trên các nẻo đường vượt qua biên giới sang Xiêm với khát vọng phục quốc. Trên hành trình tìm kiếm con đường giành lại độc lập chủ quyền cho đất nước, Lê Hồng Phong và biết bao thanh niên yêu nước, sống trong cảnh lưu vong, hi sinh mọi hưởng thụ cá nhân, miệt mài học tập và rèn luyện để giữ vững niềm tin và ý chí của mình. Lê Hồng Phong là một trong những thanh niên ưu tú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn dìu dắt, gửi gắm qua các trường lớp đào tạo trở thành một trong những nhà lí luận cách mạng nòng cốt cho giai cấp vô sản Việt Nam. Như vậy, có thể thấy, quá trình hình thành, phát triển tư tưởng cách mạng của Lê Hồng Phong không tách rời con đường học tập: học tập từ trường lớp, học tập từ lao động, học tập từ chiến đấu và đáng kể nhất là tinh thần tự học. Nhờ đó, ở Lê Hồng Phong ngay từ đầu đã hình thành bản lĩnh của người trí thức, luôn có ý thức tích lũy tri thức để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Đó chính là tiền đề tạo nên người chiến sĩ cộng sản Lê Hồng Phong luôn nêu cao tinh thần hi sinh, chiến đấu, giữ lòng thủy chung với cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng, giữ vững tư cách người cách mạng quên mình vì lợi ích của nhân dân.
N.T.T.H
——————
1. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Lê Hồng Phong - tiểu sử, Hà Nội, 2007, tr.35.
2. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.198.
VNQD