Mong muốn sớm thăm lại Điện Biên Phủ

Thứ Sáu, 25/08/2023 00:22

. THÁI TRIỆU HỒNG
 

“Tháng 5-2004, kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được Ban tổ chức tặng chiếc áo măng-tô, huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ... Tôi luôn coi đó là những kỉ vật vô giá của bản thân và gia đình mình. Tôi mong sớm có ngày cùng con trai được thăm lại chiến trường xưa tại Điện Biên Phủ…” Đó là nguyện ước cháy bỏng của cựu chiến binh Nguyễn Văn Du (96 tuổi), nguyên Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 317, Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316, Quân khu 2).

Chiếc áo măng-tô của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Nguyễn Văn Du và con trai trưởng Nguyễn Tiến Dũng luôn trân trọng, nâng niu coi đó là kỉ vật vô giá

Chặn địch về Điện Biên Phủ

Một buổi chiều đầu tháng 4-2023, theo chỉ dẫn của Trung tá Nguyễn Xuân Khoa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Vy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, chúng tôi tới thăm cụ Nguyễn Văn Du ở khu 12, xã Sơn Vy. Tuy cụ Du ở tuổi gần bách niên nhưng cựu chiến sĩ Điện Biên tác phong vẫn nhanh nhẹn, trí nhớ vẫn mẫn tiệp, giọng nói to, rõ ràng. Thấy bố nói chuyện liên tục, âm giọng to nên ông Nguyễn Tiến Dũng, con trai trưởng phân bua: “Bố tôi hễ thấy có các chú bộ đội, cựu chiến binh đến thăm là nói chuyện liên hồi, “cháy hết mình”. Nhiều lúc tôi phải nhắc nhắc nhẹ cụ nói nhỏ và từ từ thôi kẻo lại mệt!”

Mở đầu câu chuyện, cụ Du kể: “Tháng 3-1947, tôi nhập ngũ tại Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316). Ngày 16-6-1952, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đầu tháng 12-1953, tôi được cấp trên bổ nhiệm giữ chức Trung đội trưởng Trung đội 1 và giao nhiệm vụ cùng đơn vị hành quân gấp từ Sơn La lên Lai Châu. Sau một tuần hành quân vượt qua nhiều núi cao, rừng sâu, toàn bộ Trung đoàn 174 đã có mặt ở ngã ba Tuần giáo. Tới đây, cấp trên lại thông báo, địch đang rút khỏi Lai Châu về co cụm tại Điện Biên Phủ. Thế là tôi chỉ huy trung đội vận động nhanh tới khu vực Pù San - Mường Pồn để chặn địch từ Lai Châu về Điện Biên Phủ…”

Ngừng một lúc, giọng cựu lính chiến Điện Biên trầm xuống: “Sáng 12-12, chúng tôi gần tới xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, nhận được tin địch từ Lai Châu về tới đây. Bị các đơn vị của ta chặn đánh, chúng đành phải co cụm toàn bộ lại Mường Pồn để gọi máy bay yểm hộ, bắn phá dữ dội quân ta. Nhưng trong thế trận bị bao vây, chúng không còn con đường nào khác đành phải mở “đường máu” chạy về Điện Biên Phủ… Cùng thời điểm đó, Đại đội 317 của chúng tôi được tăng cường lực lượng đã chớp thời cơ dũng cảm đánh thẳng vào trung tâm Mường Pồn. Lúc đó trời rét, mưa phùn, chúng tôi băng qua suối sâu, vượt lên bờ thì khẩu đại liên của địch đặt dưới gầm nhà sàn bắn chặn. Xạ thủ Trịnh Văn Định nằm xuống dùng súng trung liên diệt được khẩu đại liên của địch đang bắn ra và anh ấy trúng đạn hi sinh. Chính trị viên Đại đội Trần Văn Bật hô xung phong, chúng tôi nhất loạt xông lên tiêu diệt quân địch và 30 phút sau, chúng tôi đã làm chủ trận địa… Lúc lùng sục địch ở hầm hào, đồng chí Bật giẫm trúng mìn nên hi sinh; tôi cũng bị mảng mìn găm vào đùi trái, máu ra rất nhiều phải vào trạm phẫu thuật sơ cứu…”

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch, đơn vị Trung đoàn 174 lại hành quân gấp qua đèo Mường Ảng vào Điện Biên Phủ. “Những ngày cuối tháng 12-1953 lạnh giá, chúng tôi đã đến Mường Phăng và đi vào Tà Lèng. Ở đây, đơn vị chúng tôi triển khai chốt giữ một số điểm cao án ngữ phía đông Mường Thanh để bí mật áp sát các căn cứ của địch. Những ngày này, chúng tôi đào hầm cật lực, vất vả chủ yếu vào ban đêm dưới thời tiết giá lạnh, mưa phùn, có mưa rào, ẩm ướt, muỗi vắt, ruồi rĩn nhiều như trấu. Địch biết ta đào hầm hào, chúng bắn ra dữ dội. Chúng tôi phải làm các ụ rơm di động, để tránh đạn, làm bù nhìn rơm để đánh lạc hướng địch, bện những áo giáp rơm che lưng để nằm đào tới gần sáng rút quân. Thông lệ, ban ngày địch cho quân từ trong các cứ điển A1, C1 ra lấp hào, gài mìn quân ta. Tuy nhiên, chúng tôi dùng ống nhòm quan sát, ban đêm lại ra gỡ mìn, lại đào tiếp. Cứ như thế, mỗi một ngày chúng tôi dần dần tiến sát vào cứ điểm A1…” Cụ Du vừa kể vừa lấy tay diễn giải.

Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Du

Trận đánh “sinh tử” ở cứ điểm A1

Vẫn chất giọng vang to, cụ Du nhớ lại: “Đêm 29-3, tôi dẫn đầu Trung đội 1, Đại đội 317 đánh chiếm Đồi Cháy (cách đồi A1 khoảng 100m - PV), khiến địch bỏ chạy về Al. Từ cứ điểm A1, chúng dùng các loại súng cối bắn sang như mưa và gọi pháo chi viện từ Mường Thanh, Hồng Cúm. Toàn bộ trung đội chúng tôi phải ép mình dưới hào. Tôi may mắn nhặt được chiếc mũ sắt Nhật nên cũng tránh được nhiều mảnh đạn ngăm vào đầu…

Hằng ngày, chúng tôi theo dõi, quan sát địch vào buổi sáng khoảng 8 giờ, 9 giờ, buổi chiều vào khoảng 2 giờ, 3 giờ, chúng cho quân nhảy dù và thả các loại dù hàng chi viện tại Điện Biên Phủ. Có lúc hàng chục chiếc máy bay Đa-cô-ta bay tới, thả hàng trăm chiếc dù. Theo đó, dù đỏ là sĩ quan, dù xanh là dù lính, dù trắng là dù hàng. Chúng tôi đã tổ chức các trận địa bắn tỉa và đoạt các loại dù địch, cắt túi “dạ dày” và gây tổn thất lớn và sự hoang mang cực độ cho quân địch…

Theo nhiệm vụ cấp trên giao, đơn vị chúng tôi giữ cửa hầm, tham gia đào và chuyển đất ra ngoài. Công việc chủ yếu làm vào ban đêm, giữ bí mật để địch không biết được ta đào, đào từ hướng nào. Nhiều đêm tôi cũng tham gia đào hầm và vận chuyển đất. Đất đồi A1 là loại đất màu đen dễ đào, nên sau 15 ngày đường hầm đào được khoảng 50m và đào thêm được một ngách chữ T để chứa thuốc nổ. Cùng với đó, chúng tôi còn tham gia vận chuyển thuốc nổ vào hầm hoàn thành theo đúng kế hoạch. Thấy chúng ta đào, hình như bọn địch cũng phát hiện được điều đó nên chúng thường xuyên lã pháo đạn về nơi chúng nghi ngờ… Đặc biệt vào những ngày đầu tháng 5-1954, chúng tôi nhận nhiệm vụ giữ cửa hầm, bảo vệ cho Đại đội Công binh 83, làm tốt nhiệm vụ gây nổ quả bộc phá 1.000kg, phá hầm ngầm. Để đảm bảo chắc chắn, Chi bộ Đại đội 317 nhất trí để 2 đảng viên (tôi và một cán bộ công binh - PV), mỗi người ôm một khối bộc phá nặng 20kg lao vào hầm, giật nụ xoè gây nổ…”

Kể đến đây, giọng cụ Du trầm ngâm: “Trước đó, chúng tôi được phổ biến 3 phương án nổ khối bộc phá ngàn cân: Một là điểm hỏa bằng điện, dùng máy phát hỏa, quay là nổ. Hai là điểm hỏa bằng dây truyền nổ. Ba là điểm hỏa trực tiếp bằng dùng người châm nụ xòe. Đêm 6-5, cấp trên ra lệnh cho chúng tôi thực hiện phương án 3 là điểm hỏa trực tiếp châm nụ xòe. Tôi là người nằm gần cửa hầm đặt khối bộc phá khổng lồ, cách khoảng 30m, bên cạnh là bụi tre già. Thời điểm bộc phá ngàn cân nổ, tôi không còn nghe thấy gì, chỉ thấy người tôi bị một lực đẩy từ lòng đồi, người tôi bay lên cao rồi rơi xuống bụi tre già cách chân đồi A1 vài chục mét. Tôi ngất đi trong đêm, máu mũi, máu mồm ộc ra… Sau này, nghe đồng đội kể lại, sáng hôm sau, mọi người tìm thấy tôi nằm bất tỉnh, bên cạnh là bụi tre già bật gốc rễ. Rất may, khi tôi bay lên bụi tre không đập dính người, đất đá lấp còn hở mặt mũi. Thấy tôi mình đầy bùn máu, nhưng còn thoi thóp thở, anh em cứu thương đưa vào trạm sơ cứu. Chiều 7-5, tôi tỉnh lại, tai điếc đặc không nghe thấy gì. Tôi thấy người chiến sĩ cứu thương giơ tay ra hiệu, lúc đó mới biết đồi A1 đã bị quân ta tiêu diệt. Chập tối hôm đó, tôi cũng được biết tin quân ta tiêu diệt bắt sống toàn bộ địch ở Mường Thanh và cả tin quân ta bắt sống tường Đờ Cát…”

“Sáng 8-5, anh chị em dân công khiêng tôi trong đường hào lõng bõng nước mưa, có đoạn nước sâu ngập ngang hông làm tôi ướt hết sống lưng. Tôi vừa mừng vui chiến thắng, vừa thương người khiêng nặng nên có lúc cố gượng dậy, đi lết trong chiến hào. Và rồi tôi cũng tới Bệnh viện K5 ở Trạm Tấu. Nằm ở bệnh viện, tôi nhớ về đồng đội và tự hỏi ai còn, ai mất. Có nhiều chiến sĩ bổ sung vào trung đội, tôi còn không nhìn rõ mặt, không nhớ tên, vì họ mới được bổ sung vào ban đêm trong trận đánh cuối cùng trên đồi A1. Sau này, tôi được biết đồng chí Đại đội trưởng Đặng Đức Sa cũng hi sinh trọng trận đánh này… Họ là những anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử lừng lẫy chấn động địa cầu…” Cụ Du hồi tưởng thời khắc lịch sử.

Câu chuyện chúng tôi với cụ Du tuy sắp tới hồi kết nhưng thêm nhiều tình tiết mới. Ông Nguyễn Tiến Dũng, con trai trưởng của cụ Du chợt nhớ tới kỉ vật của cha mình. Ông Dũng nói: “Đầu tháng 5-2004, cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã bố trí chiếc ô tô con chở 4 cựu chiến sĩ Điện Biên (trong đó có bố tôi) cùng lái xe, một cán bộ lo công tác hậu cần và một bác sĩ) lên chiến trường xưa dự Lễ kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ...” Nghe tới đó, cụ Du nhanh chân vào trong buồng cầm chiếc áo măng-tô và đã cũ. Cụ Du tay mân mê chiếc áo, giọng thiết tha: “Ngày đó, do số lượng gần 100 cựu chiến sĩ Điện Biên nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chuyển tận tay từng đại biểu nên ủy quyền cho Ban tổ chức tặng quà gồm: chiếc áo măng-tô, huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ… Tôi luôn coi đó là những kỉ vật vô giá của bản thân và gia đình mình. Tôi mong sớm có ngày cùng con trai được thăm lại chiến trường xưa tại Điện Biên Phủ...

T.T.H

VNQD
Thống kê