Những câu chuyện đẹp nơi thâm sơn cùng cốc

Thứ Bảy, 12/08/2023 10:33

Nếu không vượt qua những cung đường xa ngái đầy khó khăn để có mặt ở nơi thâm sơn cùng cốc ấy, có lẽ tôi sẽ không được biết, hiển hiện giữa cuộc đời này, có những câu chuyện đẹp đến nhường nào.

Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, phiên hiệu 473, thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, phụ trách địa bàn hai xã biên giới là xã Chiềng Sơn thuộc huyện Mộc Châu và xã Tân Xuân thuộc huyện Vân Hồ. Đây là một điều khá đặc biệt đối với đơn vị, bởi vị trí địa lí hai xã thuộc địa phận đồn phụ trách lại nằm ở hai huyện khác nhau. Đồn được giao quản lí bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 11 km, với 5 cột mốc quốc giới, từ cột mốc 265 đến cột mốc 269 trên tuyến biên giới Việt - Lào.

Trung tá Nghiêm Xuân Nhân, Đồn trưởng đồn biên phòng Chiềng Sơn giới thiệu khái quát cho chúng tôi những nét chính về đặc điểm tình hình nơi đơn vị đứng chân. Đây là vùng địa hình đồi núi hiểm trở, đường đi lại khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa, những con đường đất trơn, bùn lầy, cộng với thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mùa đông sương mù dày đặc, hạn chế tầm nhìn quan sát của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thêm nữa là nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại các bản vùng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn gặp nhiều khó khăn… Dựa vào yếu tố tự nhiên và xã hội như vậy, các đối tượng xấu đã lợi dụng để vi phạm pháp luật như qua lại biên giới trái phép, tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng... và đặc biệt nguy hiểm là tội phạm về ma túy. Trong quá trình vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam, các đối tượng này rất liều lĩnh, có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, mang theo dao và súng, sẵn sàng chống trả lại lực lượng phòng chống tội phạm của đơn vị và các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Có lẽ nhiều người đã biết đến vụ án triệt phá đường dây vận chuyển trái phép 10 bánh heroin từ Lào vào Việt Nam do Thào A Bi cầm đầu vào năm 2020. Đơn vị đã phối hợp với các lực lượng phá thành công chuyên án SL820, bắt giữ 04 đối tượng mang quốc tịch Lào. Thành công của chuyên án đã chặt đứt, bóc dỡ đường dây tội phạm ma túy nguy hiểm xuyên quốc gia, làm hạn chế lượng ma túy thẩm lậu vào Việt Nam, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, giúp địa bàn trong sạch về ma túy, giúp bà con nhân dân ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, đơn vị cùng phối hợp với các lực lượng công an, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động số người nghiện đi cai tại các trại cai nghiện tập trung, từ đó bà con nhân dân an tâm lao động sản xuất, tập trung phát triển kinh tế, đẩy lùi tệ nạn xã hội ra khỏi khu vực biên giới.

Cán bộ biên phòng Đồn Chiềng Sơn cung cấp giống và hướng dẫn nhân dân trồng măng bát độ. Ảnh: Mai Thế Cảnh

Thiếu tá Mai Thế Cảnh, Chính trị viên của đồn cho biết, cán bộ và chiến sĩ Đồn biên phòng Chiềng Sơn từ rất nhiều miền quê khác nhau đến đây nhận nhiệm vụ, nhưng tất cả đều thật sự coi mảnh đất giáp biên này là quê hương, mỗi người đều tận tâm tận lực cống hiến hết tâm sức của mình cho nhiệm vụ. Quan trọng hơn, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị - an ninh quốc phòng, họ còn vừa giúp đỡ người dân trên địa bàn bằng những việc làm rất thiết thực, góp phần ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức, văn hóa xã hội… Đơn vị đã có nhiều mô hình giúp nhân dân địa phương phát triển kinh tế, như mô hình trồng măng bát độ, trồng các loại cây ăn quả. Được biết, bên cạnh rất nhiều hoạt động giúp dân, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn còn hưởng ứng, duy trì mô hình rất thiết thực là “Hũ gạo tình thương” do Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phát động, đến nay đã được gần 10 năm. Theo đó, hàng ngày, khi nấu ăn, các đồng chí anh nuôi bớt lại một bát gạo từ khẩu phần ăn của bộ đội, đổ vào hũ gạo để sẵn ở bếp. Cuối tháng, đồng chí phụ trách đội vận động quần chúng tổng hợp được bao nhiêu thì đem đi hỗ trợ từ một đến hai hộ thực sự khó khăn trên địa bàn. Thường thì mỗi tháng được khoảng 15-20 kg gạo. Đơn vị còn đảm nhiệm một công việc khá đặc biệt là xóa mù chữ cho bà con ở các bản người Mông. Hiện tại Đồn cũng đang tổ chức một lớp học như thế. Lớp học này được khai giảng từ tháng 4/2023, ngày khai giảng có cả đại diện Phòng giáo dục huyện Mộc Châu và các cấp ban ngành địa phương đến dự. Lúc đầu có 32 người đăng kí theo học, độ tuổi từ 13 đến 45, nhưng dần dần, cả số không đăng kí cũng đến học, có lúc lên đến hơn 40 người. Người đảm nhiệm công việc đặc biệt này là “thầy giáo quân hàm xanh”, đồng chí Thiếu tá QNCN Trần Văn Phúc. Anh Phúc cho biết, đây là lớp học thứ 2 ở đây mà anh trực tiếp giảng dạy. Bà con là nông dân nhưng có tinh thần ham học và rất cởi mở. Lớp học hiện nay có cả những phụ nữ đang mang thai và các cặp vợ chồng, ngày nào họ cũng đến lớp đầy đủ và đúng giờ.

Lớp học xoá mù do thầy giáo biên phòng Trần Văn Phúc đứng lớp.  Ảnh: Mai Thế Cảnh

Biết tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số dưới chân núi Pha Luông, Trung tá Nghiêm Xuân Nhân cử Đại uý Hà Văn Phượng, nhân viên Đội phòng chống ma tuý và tội phạm chở xe máy tôi vào bản Pha Luông, là bản 100% đồng bào dân tộc Mông. Chúng tôi được Phượng đưa vào nhà Sồng A Chống, hộ dân mới được xoá nhà tạm. Ngồi trong ngôi nhà mới còn thơm nồng mùi vôi vữa và chưa kịp lắp cửa, Chống hào hứng khoe với chúng tôi sự giúp đỡ về cả vật chất và công sức của chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng. Cả bản Pha Luông còn nhà Chống và một hộ nữa sống trong nhà tạm - những ngôi nhà dựng bằng ván gỗ đã bắt đầu mục nát. Chống được làm nhà theo chương trình xoá nhà tạm của Ban Thường vụ huyện uỷ Mộc Châu, được vay của ngân hàng chính sách xã hội 50 triệu. Thiếu tá Mai Thế Cảnh kể, thời gian gia đình Chống làm nhà, cán bộ chiến sĩ trên Đồn thay nhau xuống giúp từ lúc đào móng, đến khi xây tường, lợp mái, quét sơn. Đơn vị ngoài giúp đỡ ngày công còn giúp đỡ về vật chất trị giá 15 triệu đồng (lắp điện, lăn sơn, tặng 3 tấn xi măng, 1 téc nước và 1 phần quà mừng nhà mới). Số tiền trên trích từ quỹ công tác xã hội do cán bộ chiến sĩ của đồn đóng góp và một phần huy động xã hội hoá. Nhờ sự chung tay giúp đỡ đó gia đình Sồng A Chống đã có nhà mới, bớt đi nỗi lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ về. Nhìn vợ chồng con cái Chống tíu tít vào ra trong ngôi nhà mới, chúng tôi cũng cảm thấy niềm vui như lây sang cả mình.

Bộ đội biên phòng Chiềng Sơn với bà con dân bản. Ảnh: Mai Thế Cảnh

Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là Trạm kiểm soát biên phòng Pha Luông. Đây là Tổ công tác của Đồn Biên phòng Chiềng Sơn do Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Mạnh phụ trách. Từ khoảnh sân phía trước dãy phòng ở kiêm phòng làm việc của các cán bộ chiến sĩ trạm Pha Luông bốn bề mây trời núi non trùng điệp, nhìn xuống con đường mình vừa vượt qua như sợi chỉ ngoằn ngoèo luồn vắt qua những sườn non. Đứng ở Trạm kiểm soát biên phòng Pha Luông có thể nhìn sang phần biên giới giáp nước bạn Lào, đó là địa bàn mà những kẻ buôn lậu đã lợi dụng sự hiểm trở của địa hình để tuồn sang nước ta hàng trăm bánh heroin. Bản Pha Luông cũ nằm ngay dưới chân núi, ngay vùng giáp biên heo hút ấy, trẻ con vẫn tha thẩn chơi cùng cỏ cây, hồn nhiên như bao đời nay vẫn vậy nhưng những người lớn vẫn luôn phải để mắt canh chừng chúng. Đại uý Phượng chỉ một điểm chốt xa tít và kể, đó là cái chốt tạm được lập nên khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Những ngày đại dịch còn diễn biến phức tạp, cán bộ chiến sĩ Đồn Chiềng Sơn thay nhau trực, đảm bảo quân số 100% tại đồn, không ai được rời vị trí. Nhà Phượng chỉ cách đơn vị hơn chục cây số nhưng mấy tháng liền không thể về nhà. Đêm đêm ngồi trực trên chốt, giữa rừng núi mịt mùng, không điện, không sóng điện thoại. Vợ Phượng dắt con lên thăm, chứng kiến cảnh ăn ở của chồng cũng òa lên khóc. Nhưng rồi, sau phút yếu lòng rất đỗi bình thường ấy, họ lại cùng nghĩ đến trách nhiệm mà mình đang mang trên vai, cùng nhau vượt qua những khó khăn.

Đường về, xe lại đi xuống những con dốc hun hút, tôi ngửa mặt nhìn mãi những ngôi nhà nằm lẩn khuất giữa cây lá tít trên cao. Tôi nghĩ mãi về những con đường mà tôi vừa đi qua. Con đường mà một em bé người Mông bé tí tẹo ngày ngày đạp xe đến lớp, vừa đi vừa ngã, mặt mũi chân tay chi chít sẹo, nhưng cứ canh lúc mặt trời lên cao lại dắt xe đeo cặp sách đến trường. Con đường mà những chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra canh gác bất kể nắng mưa luồn rừng lội suối. Nếu không vượt qua những cung đường xa ngái đầy khó khăn để có mặt ở nơi thâm sơn cùng cốc ấy, có lẽ tôi sẽ không được biết, hiển hiện giữa cuộc đời này, có những câu chuyện đẹp đến nhường nào.

ĐÀO AN DUYÊN

 

VNQD
Thống kê