Dòng chảy

Những bài ca “mềm” thời chiến

Thứ Hai, 02/10/2023 07:13

. NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
 

Trong dòng ca khúc cách mạng sáng tác trong giai đoạn 1954 - 1975 ở miền Bắc, công chúng vốn hằn sâu cảm nhận về một dòng nhạc mang tính đấu tranh với các thông điệp cổ động trực tiếp cho các chủ trương chính trị. Tuy nhiên, một phần trong số đó là những bài hát mềm mại hơn, hoặc không trực tiếp chuyển tải các khẩu hiệu tuyên truyền. Nhiều bài hát đã vượt được tính thời sự của thời điểm sáng tác để trở thành những bài hát có khả năng lưu lại trong kí ức tập thể.

Các nghệ sĩ Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1967 (Ảnh do NSƯT Tuyết Thanh cung cấp)

Giữ lấy đức tin bền vững em ơi

Sau khi Hiệp định Geneva 1954 được kí kết, Việt Nam chia cắt làm hai miền. Ở miền Bắc, dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, các chương trình vận động sáng tác bài hát cổ vũ tái kiến thiết đời sống sau khi hòa bình lập lại và đấu tranh thống nhất nước nhà được đẩy mạnh. Thời gian đầu, các bài hát có sự kế thừa phong cách sáng tác của tân nhạc hai thập niên trước đó, đồng thời vận dụng vốn dân ca cổ truyền, bên cạnh ảnh hưởng của các khuynh hướng sáng tác học tập từ các nước phe xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc và Triều Tiên. Những bài hát giai đoạn 1954 - 1960 dù “kiêm nhiệm” các chức năng tuyên truyền, vẫn có những nét lãng mạn đặc biệt. Điều này cho thấy có một sự tiếp biến, ngay cả đối với các nhạc sĩ từ vùng kháng chiến về hay từ miền Nam tập kết ra Bắc.

Vốn là một nhạc sĩ nổi tiếng với những bài hát lãng mạn về mùa thu, Đoàn Chuẩn cùng người bạn đồng sáng tác Từ Linh được các nhạc sĩ Văn Chung và Nguyễn Văn Tý, hai tên tuổi âm nhạc đã có nhiều thành tựu trong kháng chiến và là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, vận động tham gia sáng tác đề tài phục vụ xã hội mới vào mùa xuân năm 1956. Đoàn Chuẩn khá hồ hởi tham gia với lời phát biểu: “Bây giờ tôi mới biết là tại sao các anh tiến bộ về sáng tác. Thì ra ai cũng học tập lẫn nhau được và cùng tiến bộ nếu tất cả mọi người cùng thẳng thắn giúp đỡ nhau. Lần sau tôi sẽ mạnh dạn đưa sáng tác của tôi ra để anh chị em giúp đỡ cho tôi tiến bộ mà không phải lo như trước đây, chỉ nhằm đả lẫn nhau về sáng tác.”(1)

Bài hát Gửi người em gái miền Nam của Đoàn Chuẩn - Từ Linh ra đời sau đó dưới hình thức lá thư gửi một bóng hồng nay đã “sống trong Nam nơi kim tiền”, song vẫn dạt dào cảm hứng tình tứ lãng mạn: “Tôi có người em gái, tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương. Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều, ôi tình yêu…” Mặc dù có hẳn những từ khóa gợi ý về “...ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngừng. Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng, nụ cười trong gió sớm em đến tìm anh giữa cầu Hiền Lương”, song bài hát dường như chỉ được hát đôi lần trên sóng phát thanh qua giọng ca tài tử Ngọc Bảo, một ca sĩ tân nhạc nổi tiếng. Có lẽ giai điệu đậm nét trữ tình và lời ca hoa mĩ như “em tôi đi, màu son lên đôi môi, khăn san bay lả lơi trên hai vai” gợi nhớ đến những khung cảnh đời sống tiểu tư sản Hà Nội cũ đã khiến bài hát trở nên không vừa vặn khuôn khổ thẩm mĩ sáng tác của mô hình công - nông - binh. Sau này, bài hát nằm trong số những tác phẩm bị phê bình đích danh: “Có những bài hát theo lối mập mờ hai mặt hoặc viết theo lối trá hình. Loại này lại rất dễ truyền bá (“Gửi người em gái miền Nam” của Đoàn Chuẩn…)”(2)

Gần như đồng thời với Gửi người em gái miền Nam, bài hát Tình ca của Hoàng Việt là một kết quả của khóa I trường Âm nhạc trung cấp tại Hà Nội. Bài hát đánh dấu một bước tiến của tác giả so với những bài hát lãng mạn hay ca khúc thời chống Pháp, mang dáng dấp một aria đòi hỏi người hát phải có kĩ thuật thanh nhạc tốt để biểu diễn thành công. Lời ca của Tình ca bày tỏ một cảm xúc dâng trào gửi đến người vợ ở quê nhà miền Nam, hòa với giai điệu có những đoạn tăng tiến mãnh liệt, khắc họa một tình cảm có tính đại diện. Tài năng của Hoàng Việt trong việc tạo ra tính biểu tượng chắt lọc từ các vốn văn hóa truyền thống khiến cho bài hát dễ tạo sự đồng cảm dù ở bối cảnh xã hội nào: “Bến nước Cửu Long còn đó em ơi, bãi lúa nương dâu còn mãi muôn đời. Là còn duyên tình ta thắm trong tiếng ca, không thể xóa nhòa...” Thay vì những khẩu hiệu chung chung, lời ca nhắn nhủ bằng lối diễn đạt khác biệt, dù vẫn khéo léo gợi sự khái quát hóa: “Giữ lấy đức tin bền vững em ơi, giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời, làm một bài tình ca của đôi lứa ta, dâng cả bao người...” Theo nhiều nhà nghiên cứu, bài hát ra đời, sau khi được thu âm và biểu diễn qua giọng ca Quốc Hương và Trần Khánh, đã vấp phải sự phê bình rằng có sự ủy mị, rồi chỉ được biểu diễn trở lại sau khi Hoàng Việt hi sinh vào cuối năm 1967. Có thể thấy, vấn đề nằm ở chỗ những tâm sự tựa như một tiếng khóc nghẹn ngào xen kẽ những tiếng hát “át tiếng gió mưa thét gào”, khác biệt với các bài ca tuyên truyền trực diện.

Một số bài ca có chủ đề thống nhất cũng mang nét trữ tình như Tình trong lá thiếp (Phan Huỳnh Điểu, 1955), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp, lời Hoàng Hiệp - Đằng Giao, 1956), Bài ca hi vọng (Văn Kí, 1958) may mắn hơn khi không gặp những chỉ trích, trong đó Câu hò bên bờ Hiền LươngBài ca hi vọng trở thành vài trong số những bài hát được yêu thích nhất, còn Tình trong lá thiếp được một giải nhỏ trong cuộc thi sáng tác giai đoạn 1954 - 1956. Bên cạnh các chủ đề lớn, những chủ đề khác cũng ghi dấu ấn trữ tình thành công như Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý, 1956) khắc họa tâm tình của một người mẹ lồng ghép các thông điệp về xây dựng xã hội mới: “Mừng con sẽ góp phần, tương lai con đẹp lắm… Giờ con biết đi rồi, đi trên con đường mới, mẹ ngắm con cười...”

Một số nhạc phẩm có sắc thái trữ tình giai đoạn 1955 - 1958
Ảnh: Nguyễn Trương Quý

Mà sao em xa anh, đời vẫn xanh rời rợi

Sau Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất được triển khai. Các bài hát tập trung vào đề tài lao động sản xuất và khắc họa con người mới theo phong cách hoành tráng kiểu Xô-viết. Các bài hát có sắc thái trữ tình ít hơn trước, dù vẫn đọng lại ở nét giai điệu có sắc thái vũ hội hay dân gian như Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận, 1961), Trước ngày hội bắn (Trịnh Kính, 1961), thậm chí có một bài hát ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam được viết theo điệu valse rất trữ tình là Đảng đã cho ta một mùa xuân (Phạm Tuyên, 1960). Tuy nhiên, vẫn có một vài bài hát “lạ” xuất hiện, chẳng hạn Tình em (Huy Du, thơ Ngọc Sơn, 1962) hay Tâm tình người thủy thủ (Hoàng Vân, thơ Mai Liêm, 1962). Hai bài hát đều phổ thơ, với giai điệu dặt dìu của điệu valse, chứa đựng nét lãng mạn đặc biệt: “Khi chiếc lá xa cành, lá không còn màu xanh, mà sao em xa anh, đời vẫn xanh rời rợi…” và “Nhổ neo ra khơi, anh biết rằng nếu ở cuối trời, dù có những hòn đảo thần tiên đầy châu báu, hay có người thiếu nữ với đôi môi hồng như san hô, cũng không thể làm anh xa được em yêu...” Bài hát sau gặp phải sự phê bình vì có những câu như “đừng hỏi vì sao anh ra đi” lạc tông với những bài hát cuồn cuộn khí thế tiến công và sản xuất đương thời.

Sự kiện vịnh Bắc Bộ 5/8/1964 đánh dấu sự tham chiến trực tiếp của quân lực Mĩ tại Việt Nam, sau đó là chiến dịch Sấm Rền của không quân Mĩ ném bom miền Bắc nhằm ngăn chặn cuộc chuyển quân của bộ đội miền Bắc vào Nam. Cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mĩ ở miền Bắc đồng thời với cuộc chiến đấu ở chiến trường miền Nam trở thành diễn đàn của ca khúc mang tính tuyên truyền, với sự áp đảo của các bài hát luôn rõ ràng thông điệp chiến đấu, lao động sản xuất, dần dà tạo ra những khuôn khổ thẩm mĩ quen thuộc đến độ thành công thức. Nhận định về điều này, nhà phê bình Tú Ngọc đã tổng kết: “Chúng ta quá quen với một kiểu tư duy nghệ thuật, với một quan niệm thông thường cho rằng, âm nhạc chỉ là vũ khí tư tưởng, là sự động viên cổ vũ, có thiên chức ngợi ca. Từ thực tế đó đã đẻ ra một thứ “phương pháp luận ngợi ca”, “phương pháp luận nghi lễ” rất sơ lược, sáo mòn, thậm chí thô thiển trong sáng tác.”(3)

Tuy nhiên, giai đoạn từ 1965 đến 1975, các nhạc sĩ vẫn cho ra đời những khúc ca có sắc thái trữ tình đậm nét, ngay cả trong những khúc tráng ca vẫn có âm hưởng lãng mạn nhất định. Đại diện nổi bật của phong cách này là Huy Du. Nơi các bài hát nổi tiếng như Đường chúng ta đi (Huy Duy, lời Xuân Sách, 1968), Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du, 1971), cảm hứng trước những biểu tượng thiên nhiên của đất nước được kí thác tâm tình lãng mạn, dễ được chấp nhận thay vì tình cảm đôi lứa: “Việt Nam trên đường chúng ta đi, nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó, nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời...”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca, gửi tới quê nhà bao la, biển xanh sóng vỗ hiền hòa...” Những bài tình ca giai đoạn này luôn gắn vai trò tương giao nam - nữ với quan hệ đồng đội hoặc tiền tuyến - hậu phương, điển hình như Đường cày đảm đang (An Chung, 1966), Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương, 1968) hay Hành khúc ngày và đêm (Phan Huỳnh Điểu, thơ Bùi Công Minh, 1972). Trong số những bài hát này, có chút chất men tình tứ mượn từ các làn điệu dân gian, thậm chí có chất hương xa (exotic) dường như tạo ra một lớp áo dễ được chấp nhận hơn, điển hình như Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp (Trần Tiến, 1968) với nét nhạc lăm-tơi và hình thức múa lăm-vông của Lào. Chút lãng mạn của tình cảm đôi lứa còn đọng lại ở những ẩn dụ ví von: “Anh lên xe trời đổ cơn mưa, cái gạt nước xua đi nỗi nhớ. Em xuống núi nắng về rực rỡ, cái nhành cây gạt mối riêng tư...” (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây - Hoàng Hiệp, thơ Phạm Tiến Duật, 1971).

Từ khi Hiệp định Paris 1973 được kí kết đến khi thống nhất hai miền, các bài ca vẫn còn trong quán tính của không khí chiến thắng. Một số bài hát dùng tên gợi tình ca như Tình em biển cả (Nguyễn Đức Toàn, 1974) thực tế vẫn nối dài cảm xúc sử thi hơn là một khúc tình tự đời thường. Phải đợi một thời gian sau, trước nhu cầu hàn gắn vết thương chiến tranh và sự ảnh hưởng các không gian văn hóa của ca khúc chính trị Đông Âu cuối thập niên 1970, những thẩm thấu từ không gian khác và nhất là khát vọng của một thế hệ trẻ đầu tiên hưởng hòa bình sau ba mươi năm chiến tranh, tính chất trữ tình mới trở thành một xu hướng nặng cân. Hai mươi năm âm nhạc trong hoàn cảnh chiến tranh đã tạo ra một hình thái ca khúc không nhiều đất cho tâm tình lãng mạn, song bằng tài năng của mình, các nhạc sĩ vẫn luôn tìm được cách làm “mềm” hóa thông điệp, điều khiến cho nhiều bài hát đi được cùng năm tháng

N.T.Q

------------------

1. Văn Chung, “Hoạt động đầu năm của ngành nhạc”, Văn nghệ, số 113, 1956.

2. Đỗ Nhuận, Phạm Đình Sáu, Những nét tổng quát về sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Trường Chính trị, Hà Nội, 1973.

3. Tú Ngọc, “Sự chậm trễ so với đời sống xã hội và thực tiễn nghệ thuật”, Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, số 4, 1988.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)