Dòng chảy

"Mỗi tác giả tâm huyết với điều gì thì hãy viết, hãy sáng tạo đến tận cùng"

Thứ Năm, 07/09/2023 09:37

Trại sáng tác văn học là nơi để các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sáng tác và tìm kiếm những cảm hứng mới cho sáng tạo, nghiên cứu. Trong những hoạt động trọng điểm của mình, Tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn chú trọng đến việc mở những trại sáng tác văn học với mong muốn qua đây những người cầm bút sẽ thu hái được nhiều thành tựu, điều đó cũng góp phần nâng cao chất lượng bài vở trên Tạp chí.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại Lễ khai mạc trại viết.

Với mục đích đó, chiều 6/9/2023, tại Đà Lạt, Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khai mạc Trại sáng tác văn học đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”. Đây cũng là dịp để những người cầm bút tiếp cận sâu hơn, khám phá nhiều hơn mạch nguồn không bao giờ vơi cạn này và gắn bó hơn với tờ Tạp chí của người lính.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong lời phát biểu khai mạc trại viết đã nói: cộng tác viên là những người góp phần quan trọng làm nên sự danh giá cho Tạp chí. Văn nghệ Quân đội là nơi quy tụ nhiều cộng tác viên tinh hoa trong suốt chiều dài phát triển. Đây cũng là một niềm tự hào của Tạp chí, và chẳng phải ngẫu nhiên mà Văn nghệ Quân đội là cơ quan văn học đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Văn nghệ Quân đội, các trại sáng tác văn học luôn được khuyến khích, đẩy mạnh bởi: một là, nhiều tác giả có những dự định ấp ủ, những công trình dang dở nên Tạp chí mời các tác giả dự trại viết để thoát khỏi những công việc khác và tập trung hoàn thành tác phẩm tâm huyết của mình; hai là, trại viết sẽ kéo các tác giả ra khỏi không gian quen thuộc để có trải nghiệm với vùng đất mới, làm giàu cho cảm hứng sáng tác; ba là, trại viết sẽ tạo điều kiện cho các tác giả có dịp gặp gỡ giao lưu trao đổi kinh nghiệm sáng tác và mở rộng thêm những góc nhìn cũng như quan điểm sáng tạo. Cuối cùng, Văn nghệ Quân đội luôn mong đợi, đón chờ tác phẩm của các tác giả để giới thiệu với bạn đọc toàn quân, toàn quốc…

Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh: Mỗi tác giả tâm huyết với điều gì thì hãy viết, hãy sáng tạo đến tận cùng. Bằng trực giác cảm nhận của mình để quyết định tác phẩm sẽ nói lên điều gì, viết theo phong cách gì. Đề tài chiến tranh, người lính là một gợi ý rất hay để các tác giả nghiên cứu, sáng tác. Người lính trong chiến tranh và sau chiến tranh có rất nhiều vấn đề để người cầm bút khai thác. Chiến tranh không chỉ là súng đạn mà là thân phận con người, là thân phận người lính, là dư chấn chiến tranh gây ra cho xã hội… Người lính trong thời bình cũng giữ vị trí hết sức quan trọng và cần người viết lên tiếng. Họ vừa là đội quân công tác, đội quân chiến đấu, đội quân lao động. Trong thời bình người lính vẫn đổ máu. Những nơi xa xôi, heo hút nhất thì người lính có mặt. Những nơi khó khăn gian khổ nhất người lính cũng có mặt. Trách nhiệm của văn nghệ sĩ là phải nhìn đến những góc khuất mà người lính không kêu ca, không than vãn về những gian khổ, về sự hi sinh...

Nhà thơ Thanh Dương Hồng, Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng thể hiện sự đồng tình với những lời tâm huyết của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Anh cho rằng: Đề tài người lính là đề tài quan trọng không thể thiếu trong văn học nghệ thuật, chúng ta viết để còn giáo dục cho thế hệ sau này. Còn rất nhiều mảng của đề tài này cần người cầm bút khai thác. Anh cũng hi vọng rằng, vẻ đẹp của Đà Lạt sẽ mời gọi và tạo cảm hứng lớn người cầm bút.

Các trại viên chụp ảnh cùng Ban Tổ chức

Trại sáng tác lần này có sự quy tụ của mười ba trại viên là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học trong cả nước.

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu là một người viết đã thành danh, với những giải thưởng uy tín, những cuốn sách ấn tượng. Đến với trại sáng tác anh vẫn mang theo một tinh thần cầu thị, khiêm nhường: Tôi đến đây để học hỏi các bạn viết. Gặp gỡ bạn viết để được truyền cảm hứng, để thấy mình có trách nhiệm hơn với việc cầm bút. Mỗi chuyến đi như thế này tôi có thêm niềm tin yêu cuộc sống, thấy mọi thứ tốt đẹp hơn. Qua đây tôi cũng muốn làm mới mình, thay đổi mình để có thêm những góc nhìn tươi mới. Tôi muốn các bạn viết trẻ biết được lợi thế của họ trong những dịp như thế này. Chúng tôi sẽ viết rất khó nếu như không có chất xúc tác.

Nhà phê bình văn học Võ Nguyễn Bích Duyên thấy được sự háo hức của mình khi lần đầu tham dự trại sáng tác: Với tôi, được tham dự trại viết là một vinh dự và là một trải nghiệm quý giá. Trại viết với chủ đề về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng mang tính thời sự và cấp bách, nhất là khi các nhân chứng của các cuộc chiến tranh cách mạng dần không còn nữa, trách nhiệm lưu giữ và trao truyền kí ức về cuộc chiến tranh sẽ được chuyển giao cho thế hệ tiếp theo như thế nào thật sự rất đáng quan tâm. Vì thế, trại viết đã là một gợi ý, một định hướng quan trọng để thúc đẩy tôi nghiên cứu sâu hơn về mảng sáng tác này.

Cũng là lần đầu tiên tham dự trại viết, nhà văn Hoàng Kiến Bình nhắc đến niềm yêu thích, say mê dành cho tờ tạp chí của người lính: Ngay từ thời sinh viên tôi đã luôn yêu thích, tìm đọc tạp chí và không bỏ sót bài nào, thậm chí đọc đi đọc lại vài lần. Mỗi khi đọc xong tôi đều lật trang hai mục lục có ghi tên tác giả tác phẩm trong số phát hành và thầm ước một ngày nào đó tên mình sẽ xuất hiện trên tạp chí. Vậy mà phải đến 30 năm sau tôi mới thực hiện được ước mơ đó. Trại viết lần này cho tôi có cơ hội tiếp xúc, giao lưu học hỏi các bậc tiền bối và những người đi trước để từ đó tôi hoàn thiện mình hơn trong quá trình sáng tác.

Trại sáng tác văn học cũng là nơi bồi dưỡng, phát hiện các cây bút trẻ. Tham dự trại viết lần này có nhiều cây bút tuổi đời còn rất trẻ, thời gian cầm bút chưa nhiều nhưng đã có những ấn tượng nhất định trong sáng tác. Ban tổ chức hi vọng rằng, đứng trước những vấn đề của đời sống hôm nay, mỗi người viết sẽ tìm cho mình được hướng đi mới, đầy sáng tạo, bứt phá để khẳng định được mình.

KIM NHUNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)