Dòng chảy

Đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng với dòng chảy mĩ thuật Việt Nam

Thứ Tư, 30/08/2023 16:22

 Sáng tác mĩ thuật về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài quân đội, thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân làm nên chiến thắng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lần đầu tiên, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày các tác phẩm mĩ thuật được Bảo tàng sưu tầm, lưu giữ qua các thời kì. Mang tên Dòng thời gian, triển lãm giới thiệu 60 tác phẩm tiêu biểu về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng của 60 tác giả trong và ngoài quân đội.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm Dòng thời gian

Nhân kỉ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023), sáng 29/8, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm Dòng thời gian. Các tác phẩm đa dạng về hình thức, từ điêu khắc, đồ họa đến hội họa, tạo nên những bức tranh đa sắc màu, giúp công chúng hiểu rõ hơn về hình ảnh người chiến sĩ trong chiến đấu, sinh hoạt, học tập và công tác qua các thời kì lịch sử; đồng thời cũng phản ánh tình đoàn kết gắn bó quân - dân, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” từ góc nhìn của người nghệ sĩ tạo hình.

Thượng tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, chia sẻ: “Triển lãm là dịp tôn vinh những cống hiến sáng tạo thầm lặng của các nghệ sĩ - chiến sĩ văn hóa trong suốt chặng đường 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc (1945 - 1975) và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, quảng bá sâu rộng trong lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân về hoạt động sáng tác các tác phẩm mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng.

Ở lĩnh vực hội họa, triển lãm giới thiệu 43 bức tranh của các họa sĩ qua nhiều thời kì. Nhiều tác phẩm của các tác giả nổi tiếng của nền mĩ thuật Việt Nam, phản ánh đậm nét tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và tình quân - dân trong các cuộc kháng chiến. Tiêu biểu là: họa sĩ Lê Quốc Lộc với tranh sơn mài Từ Pác Bó (1985); họa sĩ Đỗ Xuân Doãn với tranh sơn mài Những bà mẹ Việt Nam (1979); họa sĩ Phạm Thanh Tâm với tranh thuốc nước Biểu diễn văn nghệ trong hầm pháo (1955); họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm với tranh sơn dầu Sản xuất - Chiến đấu - Nuôi con (1965); họa sĩ Mai Văn Hiến với tranh sơn dầu Bộ đội và dân công Đông Bắc (1999)…

Triển lãm thu hút sự quan tâm của các họa sĩ trong và ngoài quân đội.

Ở lĩnh vực điêu khắc, triển lãm giới thiệu một số bức tượng với các chất liệu đa dạng của các nhà điêu khắc nổi tiếng, như: tượng compozit Đồng đội của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo; tượng gỗ Qua nhà của đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, họa sĩ, thương binh Lê Duy Ứng; tượng đá Biên cương của nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường; tượng đất nung Nơi đảo xa của Lưu Thanh Lan…

Ở lĩnh vực đồ họa, triển lãm trưng bày một số tác phẩm, như: tranh lụa Tuần tra (1964) của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp; tranh khắc gỗ Cuộc biểu tình của nhân dân Tiền Hải (2009) của họa sĩ Đỗ Như Điềm...

Triển lãm Dòng thời gian còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống mĩ thuật đương đại hôm nay. Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh người lính vẫn luôn in đậm trong tâm thức dân tộc Việt; trong cuộc sống, trong sự nghiệp giữ gìn bảo vệ Tổ quốc hình ảnh người lính vẫn luôn xuất hiện mọi lúc mọi nơi để đồng hành cùng nhân dân. Do vậy, đề tài người lính vẫn luôn đem đến những luồng gió mới cho người sáng tác cũng như thúc đẩy người sáng tác phải khám phá, kiếm tìm những góc nhìn mới hơn, sâu sắc hơn. Theo dòng chảy của thời gian, công chúng vẫn luôn kì vọng, đón đợi sự xuất hiện của những tác phẩm chất lượng ở mảng đề tài này.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 29/8/2023 và kéo dài đến hết tháng 9/2023 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.

MỘT SỐ TÁC PHẨM ĐƯỢC TRƯNG BÀY TẠI TRIỂN LÃM:

Tác phẩm Gia đình bộ đội của họa sĩ Đặng Thị Khuê.
Tác phẩm Bà má miền Trung của họa sĩ Nguyễn Văn Chư.
Tác phẩm Trực chiến của họa sĩ Văn Đa.
Tác phẩm Sau những chuyến bay của họa sĩ Phạm Ngọc Doanh.
Tác phẩm Những cô gái năm 1968 của họa sĩ Nguyễn Thụ.
Tác phẩm Đồng đội của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo.

THU OANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)